Bài 3: Thắng thắn nhìn nhận bất cập, vi phạm để chấn chỉnh, xử lý kịp thời

Tốc độ đô thị hóa nhanh, hạ tầng không theo kịp sự phát triển... và nhiều nguyên nhân khách quan khác được đưa ra làm lý do cho việc thiếu điểm đỗ xe hay những bất cập của giao thông Thủ đô. Nhưng chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận những nguyên nhân chủ quan đến từ con người.

Quy hoạch bị bóp méo, giao thông gánh hậu quả

Sau hơn 15 năm Hà Nội mở rộng địa giới và 13 năm triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, chính quyền thành phố nhận định diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi.

 Vỉa hè, lòng đường Hà Nội trở thành nơi để xe diễn ra phổ biến.

Vỉa hè, lòng đường Hà Nội trở thành nơi để xe diễn ra phổ biến.

Tuy nhiên nhiều chỉ tiêu quy hoạch không còn phù hợp như quy mô dân số đã vượt ngưỡng dự báo, chất lượng phát triển đô thị chưa đồng đều, tiến độ triển khai các đô thị vệ tinh theo quy hoạch còn chậm, kết cấu hạ tầng đô thị chưa theo kịp nhu cầu phát triển đô thị, tính đồng bộ chưa cao.

Đặc biệt tình trạng nhà máy, xí nghiệp dời đi nhưng các công trình công cộng không được xây dựng mà thay vào đó là các dự án khu đô thị, nhà ở thương mại được "nhồi" vào khiến dân số tăng đáng kể.

Điển hình như dự án 90 Nguyễn Tuân do Công ty CP Đầu tư Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà 7 làm chủ đầu tư. Từ nền đất xí nghiệp xe buýt, nơi đây đã được “nhồi” vào 900 căn hộ và nhà liền kề.

Hay như một dự án bất động sản khác nằm tại số 122 - 124 đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) với 2 khối nhà 35 cao mọc lên từ khu đất rộng hơn 39.000 m2 vốn là bãi đỗ xe buýt và trung tâm điều hành.

Ngoài ra còn phải kể đến tình trạng công trình nhà ở riêng lẻ được xây vượt tầng trở thành “chung cư mini” cho thuê khiến bộ mặt đô thị bị bóp méo và nhiều hệ lụy. Cả nước hẳn sẽ không quên vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại quận Thanh Xuân khiến 56 người tử vong.

Công trình được cấp phép xây dựng 6 tầng, tầng lửng và tum thang có không gian kỹ thuật nhưng chủ đầu tư lại xây dựng thành 9 tầng, chia nhỏ thành từng phòng trọ.

 "Khát" điểm đỗ tại các dự án khu đô thị, chung cư ở Hà Nội.

"Khát" điểm đỗ tại các dự án khu đô thị, chung cư ở Hà Nội.

 Dự án bất động sản lớn tại vị trí 122 - 124 đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) mọc lên trên khu đất trước là bãi đỗ xe buýt.

Dự án bất động sản lớn tại vị trí 122 - 124 đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) mọc lên trên khu đất trước là bãi đỗ xe buýt.

Không có điểm đỗ xe bảo đảm an toàn, diện tích tầng 1 được sử dụng để phương tiện và khi xảy ra cháy, lối thoát duy nhất bị bịt lại và những phương tiện này chẳng khác nào những “quả bom”.

Dù Hà Nội đã đặt mục tiêu kiểm soát tăng dân số cơ học, giãn dân nội đô, trước hết đưa dân số 4 quận lõi gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng từ 1,2 xuống 0,8 triệu người; nhưng đến thời điểm cuối năm 2022, 4 quận vẫn có dân số trên một triệu người.

Tại các quận nội đô mở rộng như Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy dân số còn tăng gấp nhiều lần không chỉ khiến hạ tầng giao thông mà hạ tầng giáo dục, y tế,... cũng quá tải theo.

Dân cư tập trung đông tại các quận nội thành đi kèm với đó là nhu cầu đi lại lớn nhưng thực tế phương tiện vận tải công cộng chưa đáp ứng nhu cầu, các dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ khiến người dân buộc phải sử dụng phương tiện cá nhân di chuyển. Từ đó gây áp lực lớn trong việc đáp ứng nhu cầu điểm đỗ xe.

Chị Tâm trú tại quận Cầu Giấy cho biết, mỗi ngày chị phải mất cả tiếng đồng hồ để vượt qua những cung đường vài km để đưa con đi học rồi bản thân đi làm.

“Nhiều công trình giao thông được đầu tư xây dựng thế nhưng đường mở đến đâu thì chung cư, nhà cao tầng cũng mọc theo đến đó khiến dân số và phương tiện giao thông gia tăng đáng kể. Hậu quả là đường càng mở rộng thì càng thêm tắc, thiếu điểm đỗ xe trầm trọng.

Hy vọng khi di dời, chuyển các nhà máy ra khỏi trung tâm, Thủ đô sẽ có thêm không gian cây xanh, công trình công cộng phục vụ người dân. Nhất là sớm hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị để phục vụ người dân đi lại góp phần giảm phương tiện cá nhân”, chị Tâm nói.

Thí điểm nhiều nhưng hiệu quả đến đâu?

Đứng trước nhu cầu lớn về điểm đỗ xe, Thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp từ khuyến khích đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe thông minh; ứng dụng trông giữ xe iParking, đỗ xe theo ngày chẵn lẻ,... nhưng thực tế đến nay kết quả thu được không mấy khả quan.

 Nhiều giải pháp được đưa ra thí điểm để Hà Nội giải quyết tình trạng thiếu điểm đỗ xe nhưng kết quả đạt được không mấy khả quan.

Nhiều giải pháp được đưa ra thí điểm để Hà Nội giải quyết tình trạng thiếu điểm đỗ xe nhưng kết quả đạt được không mấy khả quan.

Đơn cử như sau hơn 3 năm triển khai thí điểm, Hà Nội đã thông báo dừng triển khai ứng dụng tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe tự động (iParking) từ ngày 1/9/2020.

Nguyên nhân đưa ra là công nghệ còn một số bất cập. Khi có xe vào điểm đỗ, nhân viên ngoài việc nhập thông tin phương tiện trên ứng dụng iParking vẫn phải xuất vé giấy, ghi biển số vào sổ để kiểm soát. Doanh nghiệp dùng công nghệ nhưng không giảm sức người mà tác nghiệp của nhân viên phức tạp hơn.

Phần mềm quản lý cũng không bao quát được hết phạm vi tổ chức trông giữ. Việc cập nhật vị trí điểm đỗ phụ thuộc hoàn toàn vào sự trung thực của nhân viên, tức là thu phí tự động nhưng quản lý thủ công.

Từ năm 2016, hàng loạt tuyến phố của Hà Nội cũng đã được thí điểm đỗ xe ngày chẵn lẻ như Dã Tượng, Nguyễn Gia Thiều, Thi Sách, Hàn Thuyên,... với mục tiêu góp phần ổn định an ninh trật tự trên các tuyến phố, giảm ùn tắc giao thông.

Nhưng liệu giải pháp này có thật sự mang lại hiệu ứng tích cực? Theo phản ánh của người dân, hiện các biển báo gần như vô tác dụng, tình trạng đỗ xe lộn xộn diễn ra rất phổ biến.

Để minh bạch hoạt động thu phí trông giữ xe, tạo thuận tiện và đảm bảo quyền lợi cho người dân cũng như tránh thất thoát nguồn thu ngân sách, từ ngày 15/4/2024, Hà Nội triển khai thí điểm trông giữ xe không thu tiền mặt tại nhiều vị trí trên địa bàn. Chủ phương tiện có thể thanh toán bằng tài khoản ngân hàng qua việc quét mã QR.

Tuy nhiên ghi nhận thực tế của PV tại vị trí bãi đỗ xe trước cổng Bệnh viện Việt Đức, nhân viên của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Tùng Linh sử dụng vé trông giữ xe máy ban đêm để thu tiền mặt ban ngày thay vì thanh toán bằng mã quét.

Tình trạng tương tự cũng xuất hiện tại điểm trông giữ phương tiện trên phố Ngô Quyền của Công ty TNHH Thương Mại đầu tư Gia Khánh. Trao đổi với PV, đại diện đơn vị cho biết sẽ lập biên bản và xử lý nhân viên vi phạm.

 Một số vi phạm khi thực hiện trông giữ xe không dùng tiền mặt cần được các cơ quan có thẩm quyền xử lý dứt điểm.

Một số vi phạm khi thực hiện trông giữ xe không dùng tiền mặt cần được các cơ quan có thẩm quyền xử lý dứt điểm.

Việc đưa ra các giải pháp chống ùn tắc, giải quyết nhu cầu điểm đỗ của Hà Nội thời gian qua là chủ trương đúng đắn. Thế nhưng kết quả đem lại cần được đánh giá một cách khách quan, đúng thực tế để tránh tình trạng thí điểm nhiều rồi hiệu quả không cao, thậm chí là thất bại.

Các bãi đỗ xe vẫn nằm... trên giấy

Đầu năm 2022, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó có quy hoạch các bãi đỗ xe công cộng ngầm bố trí tại khu vực 4 quận nội thành cũ với 78 địa điểm xây dựng có tổng diện khoảng 104ha.

Kỳ vọng đến năm 2025, Hà Nội sẽ xây dựng 204 dự án bãi đỗ xe công cộng, tập trung tại khu vực nội đô với tổng mức đầu tư khoảng 29.872 tỷ đồng.

Hàng năm UBND TP Hà Nội đều triển khai các hội nghị xúc tiến đầu tư để kêu gọi nhà đầu tư đối với các dự án có sử dụng đất, trong đó bao gồm cả các dự án đầu tư xây dựng bến, bãi đỗ xe.

Nhưng do vị trí, địa điểm kêu gọi đầu tư dự án bến, bãi đỗ xe công cộng chưa thực sự thu hút; kinh phí đầu tư ban đầu cho các dự án bãi đỗ xe công cộng lớn, thời gian và khả năng thu hồi vốn dài khiến doanh nghiệp chưa mặn mà.

Chuyên gia giao thông TS. Nguyễn Xuân Thủy nhìn nhận, chủ trương Hà Nội phát triển giao thông tĩnh trong đó có các bến xe, các bãi đỗ xe cho những loại phương tiện đã có từ nhiều năm nay. Thành phố cũng đã dành ra phần diện tích rất lớn để làm các bãi đỗ xe.

 Cần những cơ chế thông thoáng, ưu đãi để khuyến khích đầu tư các dự án bãi đỗ xe trên địa bàn TP Hà Nội.

Cần những cơ chế thông thoáng, ưu đãi để khuyến khích đầu tư các dự án bãi đỗ xe trên địa bàn TP Hà Nội.

Chủ trương đã có, tuy vậy những năm qua, nhiều vị trí quy hoạch đã biến thành những tòa nhà cao tầng. Nhiều mảnh “đất vàng” đáng lý làm bãi đỗ xe thì giờ biến thành nhà cao tầng và chưa ai phải chịu trách nhiệm về việc này.

Để hiện thực và thực hiện được việc xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, Hà Nội cần phải có quy hoạch chỉn chu, hợp lý và khoa học. Ngoài các hạ tầng, kiến trúc thì phải nghĩ đến điểm đỗ xe, coi giao thông tĩnh quan trọng gần như giao thông động, phải dành lượng diện tích nhất định để xây dựng bãi đỗ xe.

Tiếp theo là phải có chính sách, đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư làm bãi đỗ xe phải ưu tiên như giảm thuế đất, giảm lãi suất ngân hàng, tạo điều kiện cấp giấy phép sớm..., TS. Nguyễn Xuân Thủy đề cập.

Còn nữa.

Thế Anh - Bảo Ngọc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bai-3-thang-than-nhin-nhan-bat-cap-vi-pham-de-chan-chinh-xu-ly-kip-thoi-post299500.html