Bài 3: Tinh gọn bộ máy cần được tiến hành từ Trung ương đến cơ sở

Theo Đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, chi ngân sách nhà nước cho bộ máy hiện nay quá lớn. Do đó, việc tinh gọn bộ máy từ Trung ương đến cơ sở kể cả các đoàn thể là hết sức cần thiết, nhất là cấp trung gian.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.

Phóng viên: Thưa đại biểu, mới đây, Tổng Bí thư có đề cập đến vấn đề chi ngân sách cho bộ máy chiếm đến 70% tổng chi ngân sách, còn lại chỉ có 30% chi đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội. Quan điểm của đại biểu như thế nào trước thực tế này?

Đại biểu Phạm Văn Hòa: Việc ngân sách nhà nước hằng năm chi cho lương và những khoản theo lương là 70%, chỉ còn 30% cho đầu tư phát triển, quốc phòng an ninh, an sinh xã hội là rất thấp. Chúng ta hạn chế trong phát triển so với các nước trên thế giới cũng một phần do ngân sách chi cho đầu tư phát triển còn thấp còn các khoản chi cho lương và khoản theo lương lại rất nhiều. Trong khi đó, các nước trên thế giới họ chỉ chi cho khoản này khoảng 40-50% là tối đa.

Do đó, Tổng Bí thư tiếp tục khẳng định rà soát lại tổ chức bộ máy và biên chế của nước ta từ Trung ương đến cơ sở để tổ chức, phân bổ cũng như tinh giản. Trước tiên là gọn đầu mối trung gian, tinh giản biên chế những người làm việc cầm chừng, “sáng vác ô đi chiều vác ô về”, những người không còn thiện chí tham gia vào công việc, công vụ...

Đặc biệt, tôi rất trân trọng ý kiến của Tổng Bí thư là mỗi người công chức, viên chức và người lao động của chúng ta hiện nay phải suy nghĩ mỗi ngày làm việc 8 tiếng đồng hồ đã làm được gì và hưởng lương từ ngân sách nhà nước thật xứng đáng hay chưa. Đó là nội dung mà tôi thấy rất là tâm đắc.

Theo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới, các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu và thực hiện tinh giản tổ chức và biên chế kể cả ở các cơ quan của Trung ương và chính quyền địa phương các cấp, kể cả các tổ chức, đoàn thể.

Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về quá trình thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại bộ máy thời gian qua?

Đại biểu Phạm Văn Hòa: Công tác tinh giản tổ chức bộ máy và biên chế hiện nay chúng ta đã và đang thực hiện. Tuy nhiên, điều bất cập hiện nay là chúng ta thực hiện tinh giản biên chế “cào bằng” 10% từ trung ương đến cơ sở. Trong khi đó, cấp cơ sở ít nhân sự hơn các cấp trung ương. Ví dụ một phòng, ban cấp cơ sở chỉ vài ba người nếu giảm thì không còn nhân sự làm việc, còn ở cấp trung ương có số lượng con người rất đông, do đó việc tinh giản cào bằng chưa thật sự hợp lý.

Một vấn đề nữa là chúng ta chưa tinh giản được tổ chức bộ máy là các cấp trung gian. Như Tổng Bí thư có nói về việc chồng lấn chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan với nhau. Do đó, cần xem xét lại chức năng, nhiệm vụ của các cấp trung gian như: vụ, viện, trường, cục, vụ, cục…, ở các sở thì có phòng, ban… Vấn đề này trong thời gian qua chúng ta đã tinh giản rồi nhưng hiện tại cần đánh giá lại xem hợp lý hay chưa bởi đầu mối có giảm nhưng biên chế thì chưa.

Với bộ máy cồng kềnh như vậy, chi thường xuyên cho lương và các khoản theo lương tới 70% tổng chi ngân sách là một con số rất lớn. Ở các quốc gia trên thế giới, các tổ chức xã hội nghề nghiệp là các tổ chức thành lập tự nguyện, không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, họ không có tổ chức mặt trận và các đoàn thể như Việt Nam. Việt Nam còn có các tổ chức hội đặc thù được hưởng kinh phí từ ngân sách nhà nước và được ngân sách nhà nước chi trả theo đơn đặt hàng của Nhà nước, thậm chí các hội đặc thù lại là có là sử dụng biên chế của Nhà nước. Chúng ta có bộ máy cồng kềnh cũng do như vậy.

Phóng viên: Vậy theo đại biểu, chúng ta cần có hướng đi như thế nào để tinh gọn bộ máy một cách hiệu quả?

Đại biểu Phạm Văn Hòa: Trong thời gian tới, chúng ta cần chờ cấp có thẩm quyền ban hành các kế hoạch, hướng dẫn cụ thể, phù hợp tình hình thực tiễn của Đất nước về tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế. Mục đích hướng tới trong tinh giản đó là giảm được bộ máy trung gian, xem xét những cơ quan trùng lắp chức năng, nhiệm vụ với nhau để thực hiện tinh gọn cũng như các tầng nấc trung gian khác. Như Tổng Bí thư đã nói, trên có bộ thì dưới tỉnh có sở, có sở thì bên dưới lại có phòng, do đó rất cần thực hiện tinh gọn từ cấp trung ương trở xuống.

Bên cạnh đó, cần xem lại cơ chế đặc thù của các tổ chức là xã hội nghề nghiệp hiện nay. Các tổ chức này biên chế cũng không hề nhỏ. Hay như tổ chức mặt trận và các tổ chức đoàn thể khác cũng phải đảm bảo tinh gọn, tinh giảm để mang lại hiệu quả thiết thực.

Tất nhiên thể chế chính trị của Việt Nam khác với nhiều nước khác, chúng ta vẫn phải có những cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng, trong đó có tổ chức Mặt trận và các đoàn thể hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải xem xét tình hình biên chế, bộ máy của những tổ chức này để tiếp tục tổ chức tinh gọn.

Phía Chính phủ và Quốc hội cũng như vậy. Tôi nghĩ rằng việc tinh gọn bộ máy từ Trung ương cho đến tận cơ sở, các phòng, ban ở cấp huyện là hết sức cần thiết, nhất là cấp trung gian.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Trần Huyền (thực hiện)

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tinh-gon-bo-may-can-duoc-tien-hanh-tu-trung-uong-den-co-so.html