Bài 4: Cụm an ninh giáp ranh - 'lá chắn' vùng biên
Trải qua hơn hai thập kỷ, mô hình 'Cụm an ninh giáp ranh' tại 03 huyện Sơn Động (Bắc Giang), Ba Chẽ (Quảng Ninh), Đình Lập (Lạng Sơn) ngày càng phát huy tính hiệu quả, tạo 'lá chắn', góp phần đảm bảo an ninh chính trị, giữ vững bình yên cho nhân dân. Từng là điểm nóng về vấn đề an ninh trật tự, đến nay, những vùng đất giáp ranh giữa 3 huyện đã chuyển biến, trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế; tạo thế trận vững chắc trong đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh vùng biên viễn.

Chủ tịch UBND xã Hữu Sản và Công an xã đi tuần tra, khảo sát địa bàn.
Địa bàn phức tạp
Dù đúng đợt cao điểm sắp xếp, tinh gọn bộ máy, chấm dứt hoạt động đối với Công an cấp huyện, nhưng Trung tá Hoàng Hồng Quân, Đội trưởng Đội an ninh, Công an huyện Sơn Động vẫn dành thời gian tiếp chúng tôi. Là người trực tiếp tham mưu và “sống” với mô hình nên Trung tá Hoàng Hồng Quân vẫn nhớ như in về thuở sơ khai của mô hình “Cụm an ninh giáp ranh”.
Theo Trung tá Hoàng Hồng Quân, địa bàn giáp ranh giữa 03 huyện Sơn Động (Bắc Giang), Ba Chẽ (Quảng Ninh), Đình Lập (Lạng Sơn) gồm 12 xã với trên 8.000 hộ dân, trong đó có 14 dân tộc cùng sinh sống. Trước năm 2003, các xã giáp ranh của 03 huyện đã được Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, đời sống nhân dân còn khó khăn.
“Địa hình các xã giáp ranh đều là vùng rừng núi, giao thông đi lại khó khăn; bên cạnh đó, vì phần lớn là các dân tộc thiểu số nên nhận thức về pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng móc nối, lôi kéo, kích động gây chia rẽ nội bộ đồng bào dân tộc, nhất là hoạt động mê tín dị đoan, tuyên truyền phát triển đạo trái pháp luật, tranh chấp đất lâm nghiệp... Bên cạnh đó là tội phạm hình sự, ma túy, các đối tượng truy nã, trốn thi hành án hình sự lợi dụng để hoạt động và lẩn trốn tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự”, Trung tá Hoàng Hồng Quân cho hay.
Cũng theo Trung tá Hoàng Hồng Quân, thực tế trên đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có những biện pháp nhằm bảo đảm tốt tình hình an ninh, trật tự của 03 địa phương, phục vụ hiệu quả cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn các xã giáp ranh. Đầu năm 2003, lãnh đạo Công an 03 huyện Sơn Động, Ba Chẽ, Đình Lập đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các huyện, 12 xã ở địa bàn giáp ranh họp bàn, đề ra nhiệm vụ trọng tâm là liên kết phát triển vùng, xây dựng mô hình “Cụm an ninh giáp ranh” nhằm đảm bảo sự phối hợp, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân.
Tháng 11/2003, được sự nhất trí của lãnh đạo Công an 03 tỉnh, Huyện ủy 03 huyện đã chỉ đạo UBND cùng cấp ký kết Quy chế, Kế hoạch phối hợp trong triển khai thực hiện mô hình “Cụm an ninh giáp ranh”, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, địa phương. Theo đó, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ, phòng, chống cháy rừng và xây dựng nông thôn mới gắn với các cuộc vận động, các phong trào cách mạng khác như: Phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới; xây dựng thôn, xã văn hóa, xóa đói giảm nghèo; xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội...
Tạo niềm tin trong nhân dân
Chia sẻ về những vụ việc phức tạp trên địa bàn, Trung tá Hoàng Hồng Quân cho biết, quá trình hoạt động, có trường hợp, đối tượng hết sức manh động, nhắm mục tiêu vào phòng làm việc của các lãnh đạo huyện. Sau khi nắm bắt thông tin đối tượng xuất hiện trên địa bàn, Công an đã chủ động bố trí lực lượng để vây bắt. Tuy nhiên, khi tới huyện Sơn Động, đối tượng lại không thực hiện hành vi trộm cắp, mà thay đổi phương tiện, quần áo và tiếp tục di chuyển. Nhận thấy đối tượng có hướng di chuyển sang huyện Đình Lập, Công an huyện Sơn Động đã nhanh chóng trao đổi thông tin với lực lượng Công an huyện bạn để bố trí lực lượng chốt chặn tại các tuyến Quốc lộ 31 và kết quả là đối tượng đã bị bắt giữ tại huyện Đình Lập.

Trung tá Hoàng Hồng Quân, Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Sơn Động.
Để hiểu thêm về “Cụm an ninh giáp ranh”, men theo Quốc lộ 31, chúng tôi tìm về xã Hữu Sản, một trong những địa bàn giáp ranh, từng là điểm nóng về an ninh, trật tự trên địa bàn.
Dù đã quá trưa, nhưng ông Bế Văn Kính, Chủ tịch UBND xã Hữu Sản vẫn chờ tiếp chúng tôi. “02 nhiệm kỳ làm Chủ tịch UBND xã rồi, không nhiệt tình thì sao làm được lãnh đạo ở vùng biên viễn này”, ông Kính hài hước.
Chia sẻ về địa bàn, ông Kính cho biết: Là xã vùng cao với 80% người dân tộc thiểu số, trước đây, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn xã diễn biến rất phức tạp. Từ khi có mô hình “Cụm an ninh giáp ranh” và lực lượng Công an chính quy tăng cường về xã, các đối tượng xấu không còn manh động nữa, an ninh, trật tự vùng giáp ranh cũng được giữ vững.
“Còn nhớ thời điểm năm 2022, một số đối tượng từ các địa phương khác sang đánh bạc trên đất Hữu Sản, khi lực lượng phát hiện và tổ chức vây bắt thì tất cả đều bỏ chạy. Nhờ có sự phối hợp với các địa phương bạn thông qua mô hình “Cụm an ninh giáp ranh”, lực lượng Công an đã nhanh chóng tìm ra các đối tượng để xử lý theo quy định pháp luật”, ông Bế Văn Kính kể lại.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Hữu Sản, ngoài vụ việc trên, trước đây cũng xuất hiện một vài vụ trộm cắp tài sản như trâu bò, xe máy… xảy ra giữa địa bàn xã Hữu Sản và xã Lâm Ca (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn). Song nhờ có sự trao đổi thông tin giữa các địa phương, nên các đối tượng đều bị bắt giữ và xử lý.
“Nhờ lực lượng Công an, cánh tay đắc lực của Đảng ủy và chính quyền xã, một số vụ việc nổi cộm đã được xử lý, tình hình an ninh, trật tự trên các địa bàn được đảm bảo”, ông Bế Văn Kính nhấn mạnh.
Theo Đại úy Hà Duy Hiếu, Phó trưởng Công an xã Hữu Sản: Cùng với việc đảm bảo an ninh, lực lượng Công an xã thường xuyên xuống các thôn, xóm để gặp gỡ người dân, tuyên truyền công tác bảo vệ rừng, quản lý đất đai, phòng cháy chữa cháy…; tổ chức các cuộc họp, hội nghị, để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời phổ biến các quy định pháp luật của Nhà nước. Nhờ đó, ý thức của người dân ngày càng được nâng cao, các loại hình tội phạm giảm hẳn, đặc biệt là tội phạm liên quan đến trộm cắp, tệ nạn xã hội cơ bản không còn.
“Để trao đổi thông tin đa chiều, Trưởng Công an xã đã lập Zalo để trao đổi thông tin với bà con nhân dân các thôn, bản. Được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, công tác phối hợp giữa lực lượng các địa phương, cụm an ninh giáp ranh hoạt động có hiệu quả, đảm bảo tình hình an ninh, trật tự địa phương”, Đại úy Hà Duy Hiếu cho hay.
Tiếp tục tạo “lá chắn” vững chắc vùng biên viễn
Để mô hình hoạt động có hiệu quả, hàng năm, UBND 03 huyện: Sơn Động, Đình Lập, Ba Chẽ luân phiên tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá kết quả đạt được, qua đó chỉ ra tồn tại, hạn chế để khắc phục và đề ra phương hướng, nhiệm vụ tiếp theo.
Ông Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động (Bắc Giang) cho biết: Mô hình “Cụm an ninh giáp ranh” góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân các xã; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”…
“Cụm an ninh giáp ranh được giữ vững với mục tiêu “3 an” là tập trung giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để người dân, doanh nghiệp yên tâm lao động, sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội các địa phương”, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động nhấn mạnh.

Nhờ mô hình “Cụm an ninh giáp ranh”, nhân dân địa bàn các xã giáp ranh vùng Sơn Động (Bắc Giang) được thụ hưởng cuộc sống bình yên.
Bên cạnh việc giữ vững an ninh, trật tự các vùng biên viễn, “Cụm an ninh giáp ranh” còn phát huy vai trò quan trọng trong việc phát triển hạ tầng, hỗ trợ giải phóng mặt bằng các dự án giao thông liên tỉnh trọng điểm. Ông Đỗ Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) cho biết, sau khi Dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh 342 kết nối huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) với huyện Đình Lập (Lạng Sơn), Dự án tuyến đường nối từ Quốc lộ 279 (Quảng Ninh) đến đường tỉnh 291 (Bắc Giang), Dự án đường tỉnh 293D xã Dương Hưu (Sơn Động) đi Ba Chẽ (Quảng Ninh) được lưu thông, vai trò của công tác bảo đảm an ninh, trật tự càng trở nên quan trọng. Việc này không những đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, mà còn góp phần thúc đẩy liên kết vùng, từng bước thu hẹp khoảng cách, chênh lệch vùng miền, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế các địa bàn giáp ranh.
Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Xây dựng về định hướng chỉ đạo của Công an tỉnh Bắc Giang về mô hình “Cụm an ninh giáp ranh” trong thời gian tới, Đại tá Đỗ Đức Trịnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang cho biết: “Với kết quả đạt được từ việc xây dựng, duy trì hoạt động mô hình “Cụm an ninh giáp ranh”, thời gian tới, Công an tỉnh Bắc Giang tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương trong cụm phối hợp thực hiện tốt Quy chế phối hợp đã ký kết, tăng cường trao đổi thông tin, tình hình hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là hoạt động của các loại tội phạm hình sự, ma túy ở địa bàn giáp ranh; duy trì thường xuyên chế độ giao ban, sơ kết, tổng kết, qua đó, kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế và các vấn đề mới nảy sinh để phối hợp chỉ đạo giải quyết dứt điểm không để tình hình an ninh, trật tự phức tạp, góp phần thực hiện thắng lợi kết luận, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy 03 tỉnh về triển khai các biện pháp thúc đẩy liên kết vùng, nhất là tại 03 huyện (Sơn Động, Ba Chẽ, Đình Lập)”.
Từ những mô hình, tổ chức quần chúng của Công an tỉnh Bắc Giang, càng thấy rõ hơn vai trò của lực lượng Công an, đặc biệt là Công an cấp huyện, cấp xã trong việc thực hiện chủ trương, biện pháp thiết thực trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Những kết quả này đã góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Quan trọng hơn hết, là việc gắn bó với quần chúng nhân dân, dựa vào dân và có được “lòng dân” để tạo phong trào hành động có ý nghĩa sâu rộng, góp phần bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Điều này cũng góp phần đưa Công an tỉnh Bắc Giang trở thành đơn vị đi đầu trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”; góp phần ổn định chính trị, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân và giữ gìn bình yên cuộc sống.
Trong bối cảnh cả nước đang tinh gọn bộ máy, đặc biệt là việc chấm dứt hoạt động đối với Công an cấp huyện, với những kết quả quan trọng mà lực lượng Công an cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đạt được, kỳ vọng, dù ở vị trí nào, lực lượng này cũng tiếp tục phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, phát triển trên tinh thần “tinh, gọn, mạnh”; tiếp tục xây dựng “lòng dân” và “thế trận lòng dân” vững chắc, góp phần bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” đúng như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/bai-4-cum-an-ninh-giap-ranh-la-chan-vung-bien-395296.html