Tu dưỡng theo tư tưởng Hồ Chí Minh về 'cần, kiệm, liêm, chính' tạo ra sức đề kháng ngăn chặn tham ô, lãng phí, quan liêu

Đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, người lao động chủ động, tích cực học tập, tu dưỡng theo tư tưởng Hồ Chí Minh về 'cần, kiệm, liêm, chính' tạo ra sức đề kháng, xây dựng thành công văn hóa liêm chính để ngăn chặn, đẩy lùi tham ô, lãng phí, quan liêu, góp phần quan trọng vào xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện xứng đáng với niềm tin của Nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần II, tháng 2/1951. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần II, tháng 2/1951. Ảnh tư liệu

1. Văn hóa liêm chính là một bộ phận hữu cơ của văn hóa Việt Nam, kết tinh của những giá trị truyền thống và tinh hoa văn hóa thế giới, thể hiện trách nhiệm công vụ, phục vụ Nhân dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh toàn diện. “Cần, kiệm, liêm, chính” là cốt lõi căn bản của văn hóa liêm chính.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới nhiệm vụ phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Người cho đây là “kẻ thù nguy hiểm”, “là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến”, nó làm hỏng tinh thần và phá hoại đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên.

Sau khi Cách mạng tháng Tám - 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm cảnh báo nguy cơ tham nhũng, lãng phí, quan liêu trong bộ máy và đội ngũ cán bộ. Người chỉ rõ nạn tham ô, tham nhũng, lãng phí và quan liêu, là một thứ “giặc nội xâm” rất nguy hiểm. Bởi vậy, ngay sau khi tuyên bố độc lập một ngày (ngày 3/9/1945), Người đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay, trong đó có nhiệm vụ “giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện cần, kiệm, liêm, chính”.

Trong tác phẩm “Đời sống mới” (3/1947), Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải thực hành “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” nhưng đến tác phẩm “CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH”, Người đã coi “tứ đức” là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của thi đua ái quốc và luận giải “tứ đức” trong tổng thể của trời, đất, con người và mối quan hệ của mùa - trời; của phương - đất; của đức - người. Giản dị mà khúc chiết, Người khẳng định:

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính
Thiếu một mùa, thì không thành trời
Thiếu một phương, thì không thành đất
Thiếu một đức, thì không thành người”[1].

Theo đó, lần lượt trong 4 bài báo, Hồ Chí Minh chỉ rõ nội hàm của từng đức trong “tứ đức”, cụ thể như sau:

CẦN “là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai”; “cần thì việc gì, dù khó khăn đến mấy, cũng làm được”, bởi “Cần chẳng những có nghĩa hẹp như: Tay siêng làm thì hàm siêng nhai” mà còn “có nghĩa rộng là mọi người đều phải Cần, cả nước đều phải Cần”. Hiểu đúng về Cần nghĩa là luôn chăm chỉ, cố gắng không phải một sớm một chiều mà thường xuyên và liên tục.

Hiểu sâu xa hơn thì Cần cũng có nghĩa là làm để nuôi dưỡng tinh thần và lực lượng của mình, để làm việc lâu dài, để đạt được mục đích đề ra, bởi: “Nếu mỗi người, mỗi ngày làm thêm một tiếng đồng hồ thì: Mỗi tháng sẽ thêm 300 triệu giờ. Mỗi năm thêm lên 3.600 triệu giờ… Cứ tính một giờ làm đáng giá một đồng bạc, thì mỗi năm nước ta đã có thêm được 3.600 triệu đồng. Đưa số tiền đó thêm vào kháng chiến, thì kháng chiến ắt mau thắng lợi, thêm vào kiến quốc, thì kiến quốc ắt mau thành công”[2].

KIỆM “là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi” và không phải là bủn xỉn. Trong đó, Cần phải đi đôi với Kiệm “như hai chân của con người”; vì “KIỆM mà không CẦN thì không tăng thêm, không phát triển”. Tiết kiệm về vật chất phải đi đôi với tiết kiệm về thời giờ, bởi “của cải nếu hết, còn có thể làm thêm. Khi thời giờ qua rồi, không bao giờ kéo nó trở lại được”[3]. Vì thế, thời giờ cần tiết kiệm và đó cũng là Cần; “tiết kiệm thời giờ của mình, lại phải tiết kiệm thời giờ của người”, cũng giống như “khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm”[4].

Đặc biệt, muốn tiết kiệm tốt thì phải khéo tổ chức, vì “không biết tổ chức thì không biết tiết kiệm” và phải “kiên quyết không xa xỉ”. Từ đó, “một mặt, chúng ta thi đua KIỆM. Một mặt, chúng ta thi đua CẦN” thì cộng lại là “nhân dân sẽ ấm no, kháng chiến sẽ mau thắng lợi, kiến quốc sẽ mau thành công”…

LIÊM “là trong sạch, không tham lam” và “tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là BẤT LIÊM”[5]. Chữ LIÊM phải đi đôi với chữ KIỆM, cũng như chữ KIỆM phải đi đôi với chữ CẦN, vì “có KIỆM mới LIÊM được. Vì xa xỉ mà sinh tham lam”. Tham lam sẽ dẫn đến BẤT LIÊM, cho nên, cán bộ phải thực hành chữ LIÊM trước, để làm kiểu mẫu cho dân”.

Cũng theo Hồ Chí Minh, “trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư” và “Quan tham vì dân dại”. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì "quan" dù không liêm cũng phải hóa ra LIÊM. Vì vậy dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ LIÊM”[6]. Vì, “pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”, cho nên “cán bộ thi đua thực hành liêm khiết, thì sẽ gây nên tính liêm khiết trong nhân dân. Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”[7]…

CHÍNH “nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà. “CẦN, KIỆM, LIÊM, là gốc của CHÍNH. Nhưng một cây cần phải có gốc rễ, lại cần có nhành, lá, hoa quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm nhưng còn phải CHÍNH mới là người hoàn toàn”[8].

Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh: “Trên quả đất, có hàng muôn triệu người. Song số người ấy có thể chia làm hai hạng: người THIỆN và người ÁC. Trong xã hội, có trăm công, nghìn việc. Song những công việc ấy có thể chia làm hai thứ: việc CHÍNH và việc TÀ. Làm việc Chính là người Thiện. Làm việc Tà là người Ác. Siêng năng (cần), tần tiện (kiệm), trong sạch (liêm), CHÍNH là THIỆN. Lười biếng, xa xỉ, tham lam là tà, là ác”[9]…

Để là CHÍNH, mỗi người, ĐỐI VỚI MÌNH, phải “chớ tự kiêu, tự đại; luôn luôn cầu tiến bộ; luôn luôn tự kiểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình. Đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình”[10], vì “tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”. ĐỐI VỚI NGƯỜI, “phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ. Chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới. Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới. Phải thực hành chữ Bác - Ái”[11].

ĐỐI VỚI VIỆC, “phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà”, “đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm”; “việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Việc gì dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm. Mỗi ngày cố làm một việc lợi cho nước (lợi cho nước tức là lợi cho mình), dù là việc nhỏ, thì một năm ta làm được 365 việc. Nhiều lợi nhỏ cộng thành lợi to. Cả 20 triệu đồng bào đều làm như vậy, thì nước ta nhất định mau giàu, dân ta nhất định nhiều hạnh phúc. Ai chẳng muốn cho tự mình thành một người tốt”[12].

Những điều Hồ Chí Minh viết về “CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH” hàm chứa yêu cầu và mong mỏi của Người về sự cần thiết phải rèn luyện đạo đức cách mạng nói chung, xây dựng và rèn “tứ đức” nói riêng đối với mỗi người cán bộ, đảng viên. Theo Người, uy tín của Đảng cầm quyền, của mỗi cán bộ, đảng viên và lòng tin của Nhân dân gắn liền với sự tu dưỡng và gương mẫu thực hành đạo đức cách mạng, cho nên, nếu mỗi cán bộ, đảng viên chỉ biết nói lời hay, ý đẹp nhưng không gương mẫu thực hành “CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH” thì cũng không thể hấp dẫn, quy tụ, lãnh đạo được quần chúng nhân dân.

Vì thế, thực hành “CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH” không chỉ là yêu cầu cần thiết trong tu dưỡng đạo đức của mỗi người cách mạng mà còn là biện pháp quan trọng để xây dựng Đảng về đạo đức.

Không chỉ làm rõ nội hàm của CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH, sau này, trong nhiều tác phẩm khác, Hồ Chí Minh còn khẳng định rõ “tứ đức” đối lập với tham ô, lãng phí, quan liêu, với ý nghĩa: cần, kiệm, liêm, chính như là ánh sáng của đạo đức con người; còn tham ô, lãng phí, quan liêu như là bóng tối của sự suy thoái. CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH có mối quan hệ chặt chẽ với “chí công vô tư” và người cán bộ, đảng viên trong nhận thức và hành động hướng lòng mình đến “chí công vô tư”, tận tâm vì dân, vì nước thì nhất định sẽ thực hiện được CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH. Hơn nữa, thực tế cho thấy rằng, một bộ phận cán bộ, đảng viên - những người “có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”[13], cho nên người cách mạng bên cạnh yêu cầu phải có "tú đức", còn rất cần phải xây dựng đức tính “chí công vô tư”, để mình trở thành người lãnh đạo - người đầy tớ trung thành của nhân dân luôn phụng sự và liêm chính.

Tháng 10/1947, khi viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh rằng: Mỗi đảng viên, trước hết là mỗi cán bộ, phải thật thà tự phê bình, tự sửa chữa những khuyết điểm của mình. Đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Kiên quyết chống bệnh tự mãn tự túc, tự tư tự lợi, kiêu ngạo, ba hoa. Phải thực hành khẩu hiệu: “Chí công vô tư, cần, kiệm, liêm, chính!". Vì thế, càng không phải ngẫu nhiên, Hồ Chí Minh lại ghi ở trang đầu quyển sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương là: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”[14].

Điều mong mỏi, tâm huyết về yêu cầu cần phải có những đức tính quý báu này cũng được Người dặn lại trong Di chúc và coi đó là một trong những nội dung của công tác xây dựng và chỉnh đốn lại Đảng, để mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, để "xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[15].

2. Tại phiên họp Hội đồng Chính phủ tháng 7/1952, trong bài phát biểu Người nhấn mạnh: Bệnh quan liêu, nạn tham ô, lãng phí nguồn gốc trong xã hội cũ mà ra. Chúng ta không lấy làm lạ, nhưng mấy năm sau cách mạng mà tham ô, lãng phí còn khá phổ biến trong cán bộ ta là vì giáo dục thiếu sót. Chúng ta phải sửa chữa một cách có kế hoạch, có chuẩn bị.

Trong bài “Thực hành tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Tham ô là trộm cướp… Tham ô, lãng phí và bênh quan liêu là kẻ thù của nhân dân… Nó là kẻ thù khá nguy hiểm. Vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chúc của ta, để làm hỏng việc của ta… Tội lỗi ấy cũng nặng như tội việt gian, mật thám”…

Lãng phí và tham ô tuy khác nhau về biểu hiện: Lãng phí thì không trực tiếp ăn cắp, ăn trộm của công, nhưng kết quả tai hại đến tài sản của Nhà nước, của tập thể thì lãng phí cũng có tội. Trong đó, lãng phí có nhiều hình thức: Hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo; hoặc vì tính toán không cẩn thận, điều động hàng trăm, hàng nghìn người đến công trường nhưng chưa có việc làm hoặc người nhiều việc ít, phải để họ trở về; hoặc vì xa xỉ, phô trương hình thức, nào liên hoan, nào kỷ niệm, sắm sửa lu bù, xài tiền như nước… Như vậy, lãng phí là thiếu tinh thần trách nhiệm, không có ý thức quý trọng sức của, sức người của Nhà nước, của Nhân dân.

Quan liêu là cán bộ phụ trách xa rời thực tế, không điều tra, nghiên cứu đến nơi đến chốn những công việc cần phải làm, việc gì cũng nắm không vững, chỉ đạo một cách đại khái, chung chung… Vì vậy, bệnh quan liêu là nguồn gốc sinh ra lãng phí, tham ô[16]. Người chỉ rõ thái độ kiên quyết đấu tranh với tệ tham ô. Theo Hồ Chí Minh, "phải dùng pháp luật mà trừng trị nghiêm những kẻ ăn hối lộ".

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã lưu ý: “Lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước” [17].

Chính vì thấy rõ những tác hại do tham ô, lãng phí, quan liêu gây ra cho đất nước, cần quán triệt sâu sắc những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Bác, biện pháp quan trọng hàng đầu để đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí chính là giáo dục tư tưởng cho quần chúng.

Người nói: “Làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.

Bên cạnh đó, Người nhấn mạnh sự cần thiết phải nghiêm trị các hành vi tham ô, lãng phí. Việc xử lý hành vi tham ô, lãng phí phải đúng các quy định của pháp luật, không nể nang người có chức vụ, địa vị, với mục đích bảo vệ công lý, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, răn đe, làm gương cho những người đang hoặc có ý định tham ô.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những phương thuốc chữa và triệt tận gốc bệnh tham ô, lãng phí, đó là:

Một là, muốn chống tham ô, lãng phí, đặc biệt phải chống chủ nghĩa cá nhân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không có nghĩa là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”. Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và của gia đình mình”. Bác khuyên dạy cán bộ, đảng viên, quân đội... không xâm phạm cái kim sợi chỉ của dân, lên án những cán bộ, đảng viên nặng đầu óc cá nhân chủ nghĩa, chỉ biết chăm lo thu vén cho bản thân mình, không quan tâm đến lợi ích của tập thể cộng đồng và của những người xung quanh mình. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong bộ máy của Đảng, của Nhà nước thì Đảng mới thực sự trong sạch và vững mạnh, mới giành được sự tin yêu thực sự của nhân dân.

Hai là, muốn chống tham ô, lãng phí phải phát huy quyền làm chủ tối đa của Nhân dân, phải biết dựa vào dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Dân chủ là thế nào? Là dân làm chủ. Dân làm chủ thì chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đầy tớ. Làm đầy tớ cho Nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng. Thực hiện dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Chỉ khi nào toàn thể nhân dân đều tham gia vào quản lý thì khi ấy mới có thể đã phá tận gốc chủ nghĩa quan liêu.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản lý Nhà nước, đào tạo và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ.

Nhà nước đó phải thể hiện và thực hiện trên thực tế quyền lực của Nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân; thực hiện dân chủ hóa, công khai hóa sự quản lý của Nhà nước. Việc hoàn thiện bộ máy quản lý gọn, nhẹ, có hiệu lực, bảo đảm cho bộ máy đó phải đi sâu đi sát thực tế, gắn quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Trong đó, bộ máy Nhà nước phải tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18 -NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trong văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng đã nhấn mạnh: “Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và đạt nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm”[18].

Nghị quyết số 27 - Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” đã khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; trong công tác xây dựng pháp luật và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để không dám tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không cần, không muốn tham nhũng, tiêu cực” [19].

Như vậy, vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn lớn lao, thực hành “CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH” theo chỉ dẫn của Hồ Chí Minh là yêu cầu tất yếu mà mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng và thường xuyên rèn luyện để xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của Nhân dân.

Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (15/9/1890 - 15/9/2025), toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt phát huy di sản, giá trị đạo đức của Người về “cần, kiệm, liêm, chính” xây dựng văn hóa liêm chính, văn hóa trong Đảng, văn hóa chính trị trong hệ thống chính trị vững mạnh, sâu sắc góp phần tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí có hiệu quả, phá bỏ những lực cản, tạo ra những điều kiện thuận lợi để đất nước vươn mình phát triển trong kỷ nguyên mới./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] .Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, t.6, tr. 117.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, t.6, tr. 121.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, t.6, tr. 123.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, t.6, tr. 123.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, t.6, tr. 127.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, t.6, tr. 127.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, t.6, tr. 127-128.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, t.6, tr.129.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, t.6, tr.129.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, t.6, tr.129-130.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, t.6, tr.130-131.
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, t.6, tr.131.
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, t.5, tr.122.
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, t.6, tr.208
[15]. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1999.
[16]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, t.10, tr.574.
[17]. GS,TS.Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chống lãng phí, Tạp chí Cộng sản số 1.048 (10/2024).
[18]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2021, trang 206.
[19]. Nghị quyết số 27, ngày 09/11/2022, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, Hà Nội.

(*) Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng.

(*) Trường Sĩ quan Lục quân 1, Bộ Quốc phòng

Trung tá, ThS Dương Văn Đại - Thượng tá, ThS Nguyễn Hữu Quý

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/tu-duong-theo-tu-tuong-ho-chi-minh-ve-can-kiem-liem-chinh-tao-ra-suc-de-khang-ngan-chan-tham-o-lang-phi-quan-lieu-a27952.html