Bài 4: Đại tướng Tổng Tư lệnh và quyết định lịch sử trên chiến trường Điện Biên Phủ
Tài năng quân sự kiệt xuất, đặc biệt là bản lĩnh hiếm có của vị Tổng Tư lệnh Chiến dịch đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng ngoạn mục của quân dân ta tại chiến trường Điện Biên Phủ.
Bài liên quan
Bài 1: Hành trình đến với cách mạng
Bài 2: Vị tướng tài và Cách mạng tháng Tám
Bài 3: Vị tướng thao lược và loạt chiến thắng mở đường cho “trận quyết chiến chiến lược” Điện Biên Phủ
Trong tác phẩm “Võ Nguyên Giáp, một sự đánh giá”, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Peter MacDonald (người Anh) đã viết: “Điều làm Điện Biên Phủ nổi tiếng chính là ở cách đánh, ở tiến trình phát triển cuộc chiến cũng như kết cục và những hệ quả mà nó dẫn đến... Tất cả những điều đó đã khiến Điện Biên Phủ trở thành trận đánh quyết định của mọi thời đại và đưa tên tuổi Võ Nguyên Giáp vào sử sách”.
Thực vậy, trong rất nhiều những nhân tố mang tính quyết định làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ 67 năm về trước, không thể không kể đến vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tài năng quân sự kiệt xuất, đặc biệt là bản lĩnh hiếm có của vị Tổng Tư lệnh Chiến dịch đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng ngoạn mục của quân dân ta tại chiến trường Điện Biên Phủ.
Từ quyết tâm của Bộ Chính trị và lời dặn dò của Bác
Tháng 7/1953 “Kế hoạch Nava” được Hội đồng Quốc phòng Pháp thông qua hòng “tìm cách thoát ra khỏi cuộc chiến tranh ở Đông Dương trong danh dự” trong vòng 18 tháng. Để hiện thực hóa kế hoạch ấy, thực dân Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương.
Sớm nhận diện rõ tình hình và âm mưu, thủ đoạn của địch, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị nhận định: Về địch: Điện Biên Phủ sẽ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng có cái yếu cơ bản là bị cô lập, mọi việc tiếp viện, tiếp tế đều dựa vào đường không; Về ta: Với chất lượng được nâng cao trong chỉnh huấn, chỉnh quân, với kinh nghiệm sẵn có và sự tiến bộ về trang bị kỹ thuật, quân đội ta có thể đánh được tập đoàn cứ điểm. Vấn đề đường xá, tiếp tế cho chiến dịch là một khó khăn lớn, nhưng với quyết tâm của toàn Đảng, cả hậu phương đang chuyển động mạnh trong cách mạng ruộng đất sẽ tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến và phục vụ chiến dịch đánh thắng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước bàn kế hoạch mở chiến dịch Ðiện Biên Phủ (năm 1954). Ảnh: Tư liệu TTXVN
Từ nhận định ấy, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến “Đánh nhanh thắng nhanh” của Tổng Quân ủy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy chỉ đạo mặt trận Điện Biên Phủ, đồng thời với tư cách Tổng Tư lệnh có nhiệm vụ chỉ đạo các chiến trường khác trên cả nước, kể cả bộ đội tình nguyện của ta ở Lào và Campuchia.
Chuyện kể rằng, đầu tháng 1/1954, trước khi lên đường ra mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Khuổi Tát chào Bác Hồ. Hôm đó, Bác hỏi vị Đại tướng mà Bác vẫn gọi bằng cái tên thân mật Chú Văn: “Chú ra mặt trận lần này có khó khăn gì không?”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời: “Chỉ khó khăn là xa hậu phương nên khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết thì khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị”. Bác nói: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền, có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau”. Trước khi chia tay, Bác lại một lần nữa nhắc nhở vị tướng trước giờ ra trận: “Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng; chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.
Tới “quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân”
40 năm sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Ngày hôm đó (tức ngày 26/1/1954), tôi đã đạt được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình, đó là quyết định thay đổi phương châm tác chiến: Từ đánh nhanh, giải quyết nhanh sang đánh chắc, tiến chắc”.
Nhưng quyết định thay đổi phương châm tác chiến ngày 26/1/1954 ấy không chỉ là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của vị tướng kiệt xuất mà còn là quyết định lịch sử để rồi làm nên chiến thắng lịch sử.
Nhưng, đúng như lời Đại tướng Tổng Tư lệnh, đó thực sự là quyết định vô cùng khó khăn. Điều chuyển một chiến dịch lớn chưa từng có, từ mục tiêu dự kiến: “Trận đánh chỉ diễn ra trong 2 đêm 3 ngày; Thời gian nổ súng ấn định lúc đầu là 17 giờ ngày 20/1 và sau đó là 17 giờ 30 ngày 25/1/1954, bằng tiến công ồ ạt đồng loạt, thọc sâu” đến một chiến dịch gian khổ, kiên trì, lầm lỳ, bền gan, nhưng vững chắc, diễn ra trong 54 ngày là cả một sự không hề giản đơn.
Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu kế hoạch tác chiến và mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Theo nhiều tài liệu cũng như hồi ức của các nhân chứng lịch sử, những ngày tháng 1 năm 1954 ấy, tình hình tại mặt trận Điện Biên Phủ có những diễn biến rất mới, rất nhanh, khác nhiều với những dự kiến ban đầu. Sự gia tăng tính kiên cố và sức mạnh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân Pháp và sự khó khăn trong việc đưa pháo vào và chuẩn bị công sự của bộ đội ta đã khiến vị Tổng Tư lệnh chiến dịch không khỏi trăn trở, băn khoăn về yếu tố “chắc thắng” cũng như phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” đã định.
Ngày 14/1/1954, khi mệnh lệnh chiến đấu được phổ biến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Nay ta đánh theo phương án này, nhưng trong quá trình chuẩn bị cần chú ý theo dõi nắm vững tình hình địch, để khi địch có thay đổi, ta phải kịp thời xử trí...”.
Những trăn trở, băn khoăn càng lớn khi khoảng đêm 22/1, phía ta nhận được tin: “Địch đã biết rõ kế hoạch tác chiến của ta và chúng đã có kế hoạch cụ thể chuẩn bị đối phó”.
Thêm vào đó, việc ngày 23/1, tướng Phạm Kiệt, sau khi theo dõi đơn vị kéo pháo đã có cuộc điện đàm về Sở chỉ huy báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong Bức thư ngày 19/1/1995 gửi Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhân Hội thảo về Trung tướng Phạm Kiệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhắc đến khá cụ thể về điều này: “Tại mặt trận Điện Biên Phủ, cùng với nhiệm vụ phụ trách công tác bảo vệ, anh (tướng Phạm Kiệt - PV) được tôi cử đi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến trường ở phía Đông Bắc. Anh đã đến tận nơi, kiểm tra trận địa pháo binh, phát hiện sự nguy hiểm bố trí pháo binh dã chiến tại một địa bàn tương đối bằng phẳng. Lúc bấy giờ, toàn thể cán bộ và chiến sĩ đang hăng hái triển khai kế hoạch đánh nhanh. Bản thân tôi thì đang khẩn trương theo sát tình hình củng cố của địch và suy nghĩ về quyết định thay đổi phương châm. Chính vào lúc đó thì nhận được ý kiến của anh Phạm Kiệt phát biểu qua điện thoại. Anh trình bày vắn tắt tình hình và là người duy nhất lúc đó đã đề nghị tôi xem xét lại kế hoạch đánh nhanh”.
Sau 11 ngày đêm “mất ăn, mất ngủ” (từ ngày 14/1), nhất là đêm 25/1, hầu như không ngủ được với nỗi trăn trở được Đại tướng chia sẻ sau này trong hồi ký “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử”: “Chúng ta không thể giành chiến thắng bằng bất cứ giá nào, mà phải giữ vốn liếng cho cuộc chiến đấu lâu dài”. Sau đề xuất của “Khiêm tốn tướng quân” Phạm Kiệt, trên cơ sở phân tích đánh giá tình hình chiến trường, sau khi bàn bạc, trao đổi cùng trưởng đoàn cố vấn vấn Trung Quốc Vi Quốc Thanh, chiều 26/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi tới quyết định cuối cùng: “Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết, và kéo pháo ra”.
Quyết định đó ngay lập tức được báo về Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy và đã nhận được sự đồng tình ủng hộ hoàn toàn.
Sau này trong hồi ký của mình, tướng Henri Navarre - Tổng Chỉ huy quân Pháp tại trận Điện Biên Phủ đã khẳng định: “Nếu Tướng Giáp tiến công vào khoảng 25/1 như ý đồ ban đầu thì chắc chắn ông ta sẽ thất bại. Nhưng không may cho chúng ta, ông đã nhận ra điều đó và đây là một trong những lý do khiến ông tạm ngừng tiến công”.
Tài năng quân sự kiệt xuất, “với tinh thần trách nhiệm trước Bác và Bộ Chính trị”, trước sinh mệnh của hàng vạn cán bộ, chiến sỹ và đặc biệt là bản lĩnh của người cầm quân, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã góp phần quan trọng làm nên một chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.