Bài 4: Dân là gốc, dân thụ hưởng trong mọi quyết sách

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng bổ sung thêm chủ trương 'dân thụ hưởng' vào nội dung dân chủ xã hội chủ nghĩa 'Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng'.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các quyết sách của Quốc hội đều vì dân, sự hài lòng của dân là thước đo quan trọng nhất về chất lượng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ấn tượng của các kỳ họp Quốc hội khóa XV không chỉ ở số lượng lớn các dự án Luật được xem xét, thông qua, các quyết sách mang tính đột phá, tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy nền kinh tế đi lên mạnh mẽ mà còn mang đậm hơi thở cuộc sống, được Nhân dân đón nhận và hưởng thụ. Nhiều ý kiến chia sẻ cùng Báo Kinh tế & Đô thị xung quanh nội dung này.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh:
Chung sức xây dựng hệ thống an sinh xã hội

Bảo đảm an sinh xã hội (ASXH), song song với phát triển kinh tế, là nhiệm vụ trọng tâm và là mục tiêu thúc đẩy xã hội phát triển toàn diện, bền vững. Đảng và Nhà nước ta luôn xác định tầm quan trọng của chính sách xã hội trong phát triển đất nước, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội và thể hiện bản chất tốt đẹp của dân tộc ta.

Thời gian qua, chính sách ASXH của Việt Nam đạt được những kết quả tích cực. Để thực hiện mục tiêu xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, BHXH, BHYT, giảm nghèo, lao động, việc làm đang dần được hoàn thiện để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó, hệ thống ASXH của Việt Nam được xây dựng đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; tạo cơ hội cho Nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin. Tuy nhiên, chính sách xã hội vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đầy đủ, toàn diện, kịp thời một số văn bản mới của Đảng, trong đó có pháp luật về BHYT, việc làm.
Xác định việc xây dựng chính sách, pháp luật nói chung và trong lĩnh vực xã hội nói riêng phải nhằm nâng cao chất lượng quản lý phát triển xã hội gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tiếp tục nhất quán quan điểm phát triển xã hội với mục tiêu bao trùm, bền vững và mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh dân chủ, công bằng, văn minh”, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tiếp tục nỗ lực trong công tác xây dựng pháp luật để có hệ thống chính sách về ASXH bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV, Ủy ban Xã hội chịu trách nhiệm đối với các dự án Luật Việc làm (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến hoặc xem xét thông qua. Các dự án Luật này được kỳ vọng sẽ góp phần mở rộng, nâng cao chất lượng BHYT toàn dân, giảm chi phí người dân chi trả trực tiếp cho dịch vụ y tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động…

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An
Thái Thị An Chung: Giảm nghèo đa chiều, bền vững

Thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng và thực hiện nhiều chính sách hướng đến mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Trong đó, trọng tâm là 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các biện pháp xóa đói, giảm nghèo không chỉ giúp người dân có cơm ăn, áo mặc mà còn giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập.

Dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu, kết quả giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tại tỉnh Nghệ An, đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chiếm 83% diện tích tự nhiên và 41% dân số toàn tỉnh (riêng đồng bào dân tộc thiểu số gồm 47 dân tộc và chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh). Tỷ lệ hộ nghèo cao, đặc biệt ở 4 huyện nghèo, 27 xã biên giới khó khăn. Triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đời sống của Nhân dân được cải thiện đáng kể. Bên cạnh việc huy động các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, hệ thống giao thông, điện, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, việc triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, việc làm; nâng cao khả năng tiếp cận về giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin kết hợp với các Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi căn bản bộ mặt vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Nghệ An.

Những thành quả về xóa đói, giảm nghèo tại Việt Nam trong thời gian qua đã được Nhân dân cả nước ghi nhận. Việt Nam đạt mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc về xóa đói, giảm nghèo trước thời hạn 10 năm, được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu trong cuộc chiến chống đói nghèo. Đây là một trong những thành công nổi bật thể hiện ý nghĩa nhân văn của Việt Nam trong mục tiêu phát triển bền vững của đất nước và là một trong những thành quả nổi bật của thời kỳ đổi mới, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của đất nước.

Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) Matt Jackson: Quốc hội đóng vai trò then chốt

Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong phát triển hệ thống ASXH toàn diện, đặc biệt hỗ trợ tốt người già, phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật. Điều này góp phần vào thành công của Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp quốc (SDGs) và giảm tỷ lệ nghèo quốc gia từ 21% vào năm 2010 xuống 5% vào năm 2020. Đồng thời, Việt Nam đang trải qua những thay đổi về nhân khẩu học. Khi tôi đến Việt Nam với tư cách là Đại diện Quốc gia của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) cách đây hơn một năm, tôi rất ấn tượng với sự sôi động và năng lượng của những người trẻ và sự chăm chỉ, rạng ngời hạnh phúc ở thế hệ lớn tuổi. Việt Nam hiện có tỷ lệ người trẻ cao nhất: 21% trong độ tuổi 10 - 24.

Những thay đổi về nhân khẩu học này không chỉ xảy ra ở Việt Nam, nhưng Việt Nam đã làm tốt việc ứng phó và hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương nhất. Bảo đảm phẩm giá và hạnh phúc của công dân thông qua chính sách và luật pháp. Bằng cách thúc đẩy dịch vụ thiết yếu và hỗ trợ cho những nhóm dễ bị tổn thương, Việt Nam đang xây dựng một hệ thống ASXH bền vững và toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau. Quốc hội đóng vai trò then chốt trong định hình hệ thống ASXH của Việt Nam, bảo đảm chúng mang tính toàn diện và phù hợp với các ưu tiên của quốc gia. Minh chứng rõ nét về vai trò của Quốc hội là triển khai nhanh chóng vaccine Covid-19 và thông qua hai gói ASXH để hỗ trợ những người dễ bị tổn thương, đặc biệt người cao tuổi và thất nghiệp. Với tiêu chuẩn nghèo đa chiều từ năm 2015, thêm 10 triệu người đủ điều kiện hưởng lợi các chương trình hỗ của Chính phủ. Khi đại dịch ập đến, chính sách này đã giúp hàng triệu hộ gia đình thoát cảnh nghèo đói.

Lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu, Việt Nam được Liên Hợp quốc và bạn bè quốc tế xem như một câu chuyện thành công, một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Tổng Bí thư Ban Chấp hành
T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm

Ngoài ra, việc Quốc hội thông qua Luật BHXH sửa đổi ở Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV bảo đảm một hệ thống bảo trợ xã hội toàn diện, chú trọng cải thiện chế độ thai sản và chăm sóc sức khỏe cho một số nhóm dễ bị tổn thương.

UNFPA đã tích cực tham gia vào quá trình chiến lược này bằng cách thúc đẩy hợp tác Nam - Nam và trao đổi kiến thức giữa Quốc hội Việt Nam và Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), cũng như với các quốc gia trong khu vực ứng phó với những thay đổi nhanh chóng về nhân khẩu học. Thông qua chính sách và hợp tác quốc tế, chúng ta có thể thấy hệ thống ASXH của Việt Nam đáp ứng được nhu cầu của mọi công dân.

Tổ trưởng tổ dân phố số 10, phường Liễu Giai (quận Ba Đình)
Nguyễn Văn Thúy: Phát huy trách nhiệm của đại biểu dân cử

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Quốc hội đã ban hành hệ thống pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Luật được triển khai đồng bộ, hiệu quả góp phần phòng ngừa và kiểm soát tốt dịch bệnh theo từng giai đoạn, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Khi Chính phủ báo cáo Quốc hội về nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024, từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến từng đại biểu Quốc hội đã trăn trở, tâm huyết, đồng cảm với người lao động, hưởng lương. Chính sách lương mới đem lại niềm vui cho hàng triệu người dân Việt Nam, thật phấn khởi vô cùng.

Cử tri ở các địa bàn dân cư cho rằng, hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã thúc đẩy việc thực hiện chính sách ASXH, mang lại cho người dân một cuộc sống tốt đẹp, phát triển xã hội bền vững, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và truyền thống văn hóa của người Việt Nam.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra ngay sau Hội nghị T.Ư 10, tôi cho rằng sẽ có nhiều đổi mới, nhất là về công tác lập pháp, nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống người dân. Được biết, kỳ họp này sẽ tiến hành chất vấn đối với 3 bộ trưởng. Hy vọng, thông qua hoạt động giám sát tối cao, các đại biểu sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm đặt câu hỏi đúng, trúng; còn các bộ, ngành sẽ nhìn nhận rõ những tồn tại, hạn chế hiện nay, từ đó tiếp tục nỗ lực giải quyết, tháo gỡ vướng mắc.

Chúng tôi mong muốn nhiều luật bảo đảm chất lượng được thông qua, nhằm tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn trong thực thi để phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống của người dân.

Tổng Giám đốc Duane Morris Vietnam LLC, tiến sĩ Oliver Massmann:
Bảo vệ người lao động trước những bất trắc

Những năm gần đây, chính sách ASXH của Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Các chương trình xóa đói giảm nghèo và việc làm đạt được nhiều kết quả tích cực với tỷ lệ hộ nghèo và thất nghiệp giảm đáng kể. Trong khi đó, chính sách BHXH và BHYT được bổ sung, sửa đổi, tăng cơ hội tham gia và quyền lợi cho người dân. Mới đây, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được thông qua là bước tiến quan trọng giải quyết những bất cập thực tiễn và tăng quyền lợi cho người lao động. Hơn nữa, nỗ lực cải cách Bộ luật Lao động cùng với mở rộng hệ thống BHXH giúp tăng năng suất lao động và bảo vệ người lao động trước những bất trắc.

Quốc hội, cơ quan lập pháp cao nhất ban hành luật, chính sách liên quan đến ASXH, giám sát việc thực hiện chính sách để bảo đảm chúng không chỉ được thực hiện đúng mà còn phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế của Nhân dân. Quốc hội thường xuyên tổ chức nhiều kỳ họp, thảo luận, chất vấn Chính phủ và các cơ quan hữu quan để đánh giá hiệu quả chính sách ASXH, đồng thời tiếp nhận ý kiến, nguyện vọng của cử tri, góp phần điều chỉnh, hoàn thiện chính sách. Qua các kỳ họp, nhiều đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của mạng lưới ASXH và khuyến nghị cải thiện chính sách, pháp luật để đáp ứng yêu cầu của một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu của các chính sách này là mọi công dân được hưởng phúc lợi xã hội cơ bản, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương như người già, trẻ em và người khuyết tật.

Do đó, vai trò của Quốc hội là vô cùng quan trọng trong việc xây dựng một hệ thống ASXH toàn diện, bảo đảm mọi công dân được bảo vệ trước các rủi ro kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội, các chính sách xã hội được triển khai cơ bản, đúng, đủ và kịp thời; thông qua đó tạo chuyển biến rất quan trọng về nhận thức, hành động và hiệu quả. Các chính sách giảm nghèo bền vững dành cho đối tượng yếu thế theo hướng bảo đảm an sinh tối thiểu và nâng dần các mức trợ giúp xã hội đang được thực hiện có hiệu quả. Tỷ lệ giảm nghèo trên cả nước giảm 1%, còn ở mức 1,93%, là cố gắng lớn trong điều kiện thiên tai, lũ, bão liên tiếp xảy ra. Lần đầu tiên năng suất lao động đạt chỉ tiêu 5,56% so với yêu cầu đề ra, điều đáng mừng là chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc. Cuối tháng 10 vừa qua, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á được các nước G7 mời trực tiếp đến báo cáo điển hình về việc thực hiện chính sách xã hội và phát huy vai trò người khuyết tật, người yếu thế trong xã hội hiện nay...

Trích ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

(Còn nữa)

Hồng Thái - Hải Lý - Thoan Thu

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-4-dan-la-goc-dan-thu-huong-trong-moi-quyet-sach.html