Bài 4: Đảng phải trở thành 'tấm gương văn hóa' để lan tỏa những giá trị tích cực cho xã hội
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết số 33-NQ/TW của Đảng đã đề ra là: 'Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh'.
(Tiếp theo và hết)
Vậy đến nay chúng ta đã có nền tảng văn hóa vững chắc trong Đảng chưa? Còn có những "lỗ hổng" gì đáng lo ngại? Và phải làm gì để xây dựng “tấm gương văn hóa” của Đảng đủ sức soi rọi niềm tin tốt đẹp và lan tỏa những giá trị tích cực cho xã hội? Đây là những vấn đề chúng tôi đặt ra trong cuộc trò chuyện với TS Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương.
Không đủ bản lĩnh, độ chín về văn hóa, cán bộ, đảng viên sẽ suy thoái về đạo đức, lối sống
Phóng viên (PV): Tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng (3-2-1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói:“Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Từ góc nhìn của một chuyên gia, một cán bộ lãnh đạo từng trải qua nhiều cương vị, xin ông cho biết cảm nhận, suy nghĩ của mình về lời nói đó của Bác Hồ?
TS Vũ Ngọc Hoàng: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” là cách diễn đạt rất ngắn gọn nhưng chỉ rõ bản chất văn hóa của Đảng. Nhắc lại câu ấy vào thời điểm này và có lẽ kể cả mãi về sau là rất cần thiết. Đạo đức và văn minh là những phạm trù thuộc về văn hóa. Chỉ có bản chất văn hóa tốt đẹp mới biểu hiện tính chân chính của một đảng cách mạng. Đạo đức là giá trị cốt lõi của văn hóa. Nếu đánh mất đạo đức và văn minh thì Đảng mất giá trị văn hóa, thay đổi bản chất, không còn là Đảng của Hồ Chí Minh nữa. Tất nhiên Đảng còn có những tính chất khác, nhưng cũng đều phải trên nền tảng của đạo đức và văn minh. Đảng phải trong sạch, chân chính, trí tuệ, tiên tiến và hết lòng vì nhân dân, thì Đảng mới đủ sức lãnh đạo, giáo dục, thuyết phục được nhân dân.
PV: Những năm gần đây, xã hội ghi nhận những kết quả bước đầu về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có việc chấn chỉnh những lệch chuẩn văn hóa, sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Theo ông, liệu chúng ta đã xây dựng được nền tảng vững chắc về văn hóa trong Đảng chưa?
TS Vũ Ngọc Hoàng: Chúng ta đã định hình, xây dựng được một số yếu tố văn hóa trong Đảng. Thời gian qua, Đảng ta, nhất là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chủ trương về xây dựng văn hóa trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể, nhưng nhìn chung, chúng ta chưa xây dựng được nền tảng vững chắc về văn hóa trong Đảng. Thực tế cho thấy, phẩm chất đạo đức và trí tuệ, năng lực của không ít cán bộ, đảng viên vẫn còn nhiều mặt yếu kém, sự suy thoái về đạo đức, lối sống qua mấy chục năm gần đây đã gia tăng, từ “một số” cán bộ, đảng viên thoái hóa đã tăng lên thành “một bộ phận”, rồi “bộ phận không nhỏ” và trong bộ phận không nhỏ ấy có cả cán bộ cao cấp. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác chống tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên đã có nhiều chuyển biến tích cực so với mấy nhiệm kỳ trước, bước đầu tạo được niềm tin cho nhân dân về công việc này. Tuy nhiên, cuộc chiến chống tham nhũng vẫn còn không ít khó khăn, phức tạp. Đây là một thách thức không nhỏ đối với việc kiến tạo văn hóa, đạo đức lành mạnh trong hệ thống chính trị.
PV: Một lần đọc tài liệu, tôi được biết GS, TSKH Trần Ngọc Thêm đã thống kê trong 23 văn kiện cơ bản của Đảng ban hành từ năm 1991 đến 2013 thì thấy, trong khi từ “kinh tế” được sử dụng tới 1.171 lượt thì từ “văn hóa” xuất hiện có 463 lần! Điều đó cho thấy mặc dù về lý luận, chúng ta coi văn hóa là nền tảng, động lực, mục tiêu của sự phát triển, nhưng thực tế chúng ta chủ yếu vẫn chú trọng đến phát triển kinh tế nhiều hơn. Phải chăng, đó cũng là một trong những lý do khiến đạo đức, văn hóa xã hội nói chung, văn hóa trong Đảng nói riêng còn "lỗ hổng"? Vậy, “lỗ hổng” về văn hóa trong Đảng có biểu hiện gì đáng lo ngại, thưa ông?
TS Vũ Ngọc Hoàng: Tôi thì lại không lấy số lượng ít hay nhiều lần viết từ “kinh tế” và “văn hóa” trong các văn bản để làm căn cứ đánh giá sự quan tâm nhiều hay ít đối với các lĩnh vực này. Nhưng quả thực trong hơn 30 năm qua, công việc đổi mới chủ yếu là thực hiện trên lĩnh vực kinh tế. Đoạn đường đổi mới đi được khá nhất là trên lĩnh vực kinh tế, mặc dù lĩnh vực này đến nay vẫn phải tiếp tục tiến tới nhiều hơn nữa. Còn lĩnh vực văn hóa rõ ràng là chậm hơn, đi được ít hơn, kể cả văn hóa trong chính trị. Mà không coi trọng đúng mức vấn đề văn hóa thì đổi mới sẽ không bền vững vì các giá trị nền tảng chưa được hình thành đầy đủ. Mặt khác, bản thân kinh tế cũng là do con người làm ra. Khi con người chưa được chuẩn bị kỹ về nhân cách văn hóa thì kinh tế cũng bị kìm hãm và lại còn phát sinh tham nhũng, “lợi ích nhóm”, thị trường ngầm, buôn bán gian lận, phá hoại môi trường…
“Lỗ hổng” văn hóa trong Đảng đáng lưu ý hiện nay là chưa có cơ chế, thể chế đủ mạnh kiểm soát việc sử dụng quyền lực của cán bộ có chức quyền. Đã là con người thì dù lúc đầu có thể tốt, hoặc không phải xấu, nhưng họ vẫn luôn chịu sự tác động mạnh mẽ, thường xuyên, bền bỉ của một số bản năng mà trong đó có những mặt xấu có thể làm hư hỏng nhân cách. Bất kỳ người nào khi được giao quyền lực thì đều chịu sự tác động từ hai mặt: Mặt tốt là rộng đường hơn để có thể cống hiến được nhiều hơn nếu đủ nhân cách; mặt xấu là nguy cơ suy thoái về đạo đức, lối sống tăng lên nếu không đủ bản lĩnh và độ chín về văn hóa.
Thực thi kiểm soát quyền lực để góp phần kiến tạo nền tảng văn hóa, đạo đức trong Đảng
PV: Việc kiểm soát quyền lực tốt sẽ góp phần xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức lành mạnh trong Đảng. Điều này đã được Đảng ta đề cập và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nhắc đến. Nhưng việc triển khai kiểm soát quyền lực đang ở mức độ nào, thưa ông?
TS Vũ Ngọc Hoàng: Người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta tỏ ra rất quyết liệt với việc phải sớm “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”, nhưng theo tôi nhìn nhận, các bước triển khai để thực hiện cụ thể thì còn chưa tích cực lắm. Nói bao nhiêu về văn hóa, đạo đức mà không tổ chức tốt việc kiểm soát quyền lực thì đều có thể dẫn đến lạm quyền, lộng quyền, bởi bản chất quyền lực luôn có mặt trái như phần trên đã nói. Mà lạm quyền, lộng quyền thì tất yếu sẽ dẫn đến tha hóa bộ máy, đó là điều không thể tránh khỏi, dù cho đảng cầm quyền và nhà nước ấy ban đầu có tốt đến bao nhiêu đi nữa. Một người đứng đầu tốt là hết sức quan trọng, nêu gương về nhân cách chính là một cách làm cho văn hóa thấm sâu để thành nền tảng, tuy nhiên vẫn là chưa đủ nếu không có một thể chế tốt về kiểm soát quyền lực trong toàn bộ hệ thống.
Phải kiểm soát quyền lực bằng quyền lực, trước hết là quyền lực nhà nước, đồng thời là quyền lực trong nội bộ đảng cầm quyền và bằng các quy định khác về thực thi dân chủ, tăng quyền tham chính của dân, phát huy vai trò mạnh mẽ của truyền thông để phản ánh ý chí, nguyện vọng của dân. Người dân chỉ có thể tham gia kiểm soát quyền lực khi họ được thể chế trao quyền và bảo vệ họ. Đó cũng là một cách để nhân dân góp phần tham gia xây dựng văn hóa, đạo đức trong Đảng.
PV: Ở cấp Trung ương đang thể hiện sự quyết liệt trong việc xây dựng văn hóa, củng cố đạo đức trong Đảng; nhưng cấp dưới, nhất là nhiều nơi ở cơ sở vẫn tỏ ra lừng khừng trong chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc, hành vi ứng xử văn hóa, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nhìn nhận của ông về vấn đề này?
TS Vũ Ngọc Hoàng: Đúng là có tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Việc chống tham nhũng, “lợi ích nhóm” cũng vậy, trên Trung ương thực hiện tích cực, rốt ráo hơn so với các ngành, các cấp bên dưới. Vì sao có tình hình này? Người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta đã gương mẫu và kiên quyết thực hiện. Còn ở dưới thì chưa có nhiều người đứng đầu mạnh dạn, mẫu mực như thế, nên tiêu cực nói chung, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, đảng viên nói riêng vẫn khiến người dân phiền lòng. Đấy là chưa kể có cán bộ đã nhúng tay vào tiêu cực thì càng khó nói, khó giáo dục, lãnh đạo cấp dưới.
PV: Đảng ta từng nhấn mạnh, để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng về văn hóa, phải xây dựng văn hóa từ trong Đảng. Vậy, theo ông, chúng ta cần phải làm gì để xây dựng “tấm gương văn hóa” của Đảng đủ sức soi rọi niềm tin tốt đẹp cho xã hội, để văn hóa của Đảng đủ khả năng tác động, thẩm thấu vào nhân dân và qua đó, góp phần xây dựng, lan tỏa những giá trị văn hóa tích cực trong xã hội?
TS Vũ Ngọc Hoàng: Tôi nghĩ cần làm tốt 4 việc sau đây thì công tác xây dựng văn hóa trong Đảng chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều. Thứ nhất, cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành phải thể hiện sự gương mẫu thực chất, không hình thức, không hô khẩu hiệu nhiều, nói đi đôi với làm, nhất là nêu gương về đạo đức, lối sống. Thứ hai, khẩn trương nghiên cứu, ban hành, thực thi các cơ chế kiểm soát quyền lực để góp phần phòng, chống tha hóa quyền lực, tha hóa con người, tha hóa đạo đức. Thứ ba, từng bước đổi mới căn bản cách lựa chọn và sử dụng cán bộ, trong đó cần sớm nghiên cứu để mở rộng dân chủ trong ứng cử, đề cử cán bộ lãnh đạo, vì có cán bộ đức độ, tài năng thực sự sẽ góp phần kiến tạo niềm tin, thu phục lòng người để nhân lên những giá trị tích cực, tốt đẹp cho đất nước và chế độ. Thứ tư, lấy việc xây dựng nhân cách văn hóa cán bộ làm trọng tâm thường xuyên để làm cơ sở, động lực góp phần xây dựng nền tảng văn hóa lành mạnh trong Đảng và trong xã hội.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!