Bài 4: Đừng chỉ 'trở lại bình thường'
Hàng loạt tổ chức tài chính hàng đầu như Ngân hàng Thế giới (IMF), các ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, Goldman Sachs, hay các hãng tư vấn quản lý như McKinsey, BCG, Deloitte… gần đây đều đã đưa ra nhiều mô hình, dựa trên các kịch bản khác nhau, về nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên tất cả được chỉ ra đều thiếu sót, khi chỉ sử dụng GDP là thước đo cho sự 'trở lại bình thường'.
>> Bài 1: Thoát khỏi "sự quyến rũ" Trung Hoa
>> Bài 2: Tận dụng toàn cầu hóa
>> Bài 3: Vượt qua nỗi sợ tự động hóa
Hầu như tất cả các mô hình được đề xuất hiện nay đều dựa trên cơ sở đánh đổi giữa các biện pháp cách ly xã hội với lợi ích kinh tế. Và theo Forbes, đây là lỗi sai nguy hiểm trong việc lượng hóa hiệu quả kinh tế.
Trong một cuộc khảo sát lớn được thực hiện tại Anh vào tuần trước, chỉ có 9% người dân trả lời rằng muốn quay lại cuộc sống giống như thời kỳ tiền khủng hoảng Covid-19. Nếu các cuộc khảo sát được tiến hành trên khắp thế giới, chưa biết chừng sẽ có nhiều bất mãn tương tự.
Ra đời sau cuộc Đại suy thoái 1930, GDP - Tổng sản phẩm quốc nội được nhà kinh tế học đoạt giải Nobel, Simon Kuznets đề xuất lần đầu tiên như là cách để đo lường sản lượng kinh tế quốc gia, cũng là cách duy nhất để đánh giá sự phục hồi trong thời điểm mà dữ liệu kinh tế còn hạn chế lúc bấy giờ. Tuy nhiên cách lượng hóa này vẫn gây nhiều tranh cãi kể từ đó đến nay.
Đã có những dấu hiệu cảnh báo rằng một số chính phủ, chẳng hạn như Mỹ, đã hạ thấp tiêu chuẩn môi trường, bảo trợ cho các ngành công nghiệp gây ô nhiễm và không bền vững, như một cách để đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế. Đây là sự đánh đổi sai lầm và có thể “tiếp tay” cho những thiên tai, thảm họa tương tự. Xét đến cùng, đại dịch lần này bắt nguồn và trầm trọng hơn chính bởi nền kinh tế hiện đại đã tác động quá lớn đến hệ sinh thái tự nhiên.
Thực tế điều này đã xảy ra sau khủng hoảng tài chính năm 2008 hay hậu Eurozone năm 2011. Hầu hết các quốc gia đã không thể xây dựng lại một nền kinh tế tốt hơn, khi tất cả các chỉ số như bất bình đẳng, ô nhiễm môi trường, chỉ số hạnh phúc của công dân, đều ở mức thấp sau 1 thập kỷ. Vụ tràn dầu BP Deepwater Horizon năm 2010 thường được ghi nhớ là thời điểm chứng kiến sản lượng kinh tế cao, thay vì là sự cố khiến động vật hoang dã trong khu vực suy giảm mạnh.
Đối đầu với đại dịch Covid-19, thế giới đã trải qua một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu lớn. Bên cạnh đó, vẫn còn một cuộc khủng hoảng khí hậu vẫn đang diễn ra, khi trái đất vẫn phải đối mặt với sự mất mát đa dạng sinh học nhanh chóng, làm gia tăng sự khan hiếm nước, hay tỷ lệ phá rừng nhiệt đới.
Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE) cho biết, diện tích rừng Amazon bị phá hủy tại nước này trong tháng 3 đã tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do những đối tượng khai thác gỗ bất hợp pháp và đầu cơ đất đã lợi dụng bối cảnh của dịch bệnh Covid-19.
Từ đó, Forbes tin rằng những gì kinh tế hậu Covid-19 cần là một mô hình giải quyết gốc rễ của cuộc khủng hoảng, nghĩa là bất cứ mô hình phục hồi nào được đưa ra cũng cần định hình được mối quan hệ của các nền kinh tế với thiên nhiên, bởi một chỉ số “sức khỏe hành tinh”. Nó chịu trách nhiệm đo lường sức khỏe toàn diện của trái đất, tương tự như chỉ số GDP đối với sức khỏe kinh tế thông thường - để đưa ra định hướng cho nền kinh tế hậu Covid-19.
Và theo đó, Forbes chỉ ra 4 kịch bản với nền kinh tế xanh - kinh tế bền vững trong thời kỳ hậu Covid-19 như sau:
Kịch bản chữ L: Mô hình khi tăng trưởng kinh tế chỉ ưu tiên cứu trợ các ngành công nghiệp, đẩy nhanh sự suy yếu sức khỏe hành tinh. Điều này dẫn đến việc nhân loại sẽ lại mất nhiều năm để đạt được tiến bộ về môi trường, sau thời gian mà chỉ số ô nhiễm nhiều điểm nóng đã giảm rõ rệt “nhờ” hoạt động kinh tế tạm ngưng.
Kịch bản chữ W: Mô hình khi phản ứng kinh tế với sức khỏe hành tinh chưa thực sự quyết đoán, không đồng đều và không có sự phối hợp quốc tế. Tăng trưởng kinh tế yếu hơn một mặt làm giảm nhu cầu đối với các ngành khai thác gây ô nhiễm, nhưng cũng làm suy yếu nguồn lực để thực thi chính sách của các chính phủ và tổ chức xã hội. Hậu quả là tỷ lệ khai thác tài nguyên bất hợp pháp cao hơn, do người thất nghiệp phải tìm mọi cách để kiếm thêm thu nhập.
Kịch bản chữ U: Mô hình khi mà cho dù phản ứng kinh tế với sức khỏe còn yếu, nhưng nếu mọi chính phủ đồng lòng thúc đẩy kinh tế xanh thì vẫn có thể đạt được sự phục hồi khiêm tốn của sức khỏe hành tinh.
Kịch bản hình chữ V: Mô hình mà sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đi kèm với đổi mới và định hướng tăng trưởng xanh và bền vững, ưu tiên các nguồn lực cho nền kinh tế xanh có thể giúp phục hồi sức khỏe hành tinh một cách nhanh chóng. Đây là đích đến cho cả sức khỏe con người, sức khỏe của nền kinh tế và sức khỏe hành tinh.
Hiện tại, các dự báo dường như đang nghiêng về kịch bản chữ W hơn cả.
Báo cáo tài trợ cho phát triển bền vững 2020 của Ủy ban Các vấn đề kinh tế - xã hội Liên Hợp quốc (UNDESA) mới đây nhận định, các cú sốc về kinh tế và tài chính do đại dịch Covid-19 gây ra, như sự gián đoạn trong sản xuất công nghiệp, sự sụt giảm giá hàng hóa, biến động trên các thị trường tài chính… đang tác động đến đà tăng trưởng kinh tế còn yếu, bên cạnh những rủi ro gia tăng đến từ các yếu tố khác, như chủ nghĩa đa phương, sự bất mãn và thiếu lòng tin vào toàn cầu hóa, nguy cơ vỡ nợ và các hiện tượng khí hậu nghiêm trọng diễn ra với tần suất cao hơn…
Các yếu tố này đã khiến hoạt động tài trợ cho phát triển bền vững trở nên khó khăn hơn và làm giảm khả năng đạt các mục tiêu về phát triển bền vững vào năm 2030 Chương trình Nghị sự toàn cầu mà 193 quốc gia thành viên LHQ đã thông qua năm 2015.
UNDESA kêu gọi các chính phủ, DN và các cá nhân nhanh chóng hành động để đảo ngược tình trạng thụt lùi trong thời kỳ hậu Covid-19, như một đề xuất rõ ràng cho lựa chọn nền kinh tế nên được “trở xanh”, thay vì chỉ trở lại bình thường.