Bài 4: Không thể nghèo mãi

“Ðảng viên đi trước”

>>>Bài 1: Từ chuyện làm vườn rau…

>>>Bài 2: … đến thói quen giữ vệ sinh

>>>Bài 3: Lan tỏa nếp sống văn hóa

LCĐT - Năm 2019, thu nhập bình quân khu vực nông thôn của tỉnh đạt 26 triệu đồng/người/năm(tăng 2,54 triệu đồng so với năm 2018), tỷ lệ hộ nghèo còn 11,46% (giảm 4,65% so với năm 2018). Kết quả này có được, bên cạnh vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, phải kể đến tinh thần tiên phong làm giàu của các đảng viên, từ đó tạo thành phong trào thi đua phát triển kinh tế ngay từ cơ sở.

Bà Lý Thị Hạnh (phải ảnh) chia sẻ kinh nghiệm trồng cây atiso cho người dân.

Bà Lý Thị Hạnh (phải ảnh) chia sẻ kinh nghiệm trồng cây atiso cho người dân.

Ở thôn Sín Chải A, xã Na Hối (Bắc Hà), nhiều năm qua, bà Lý Thị Hạnh, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn đã trở thành tấm gương sáng cho các hộ học tập, từ phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nông thôn mới đến thực hiện nếp sống văn hóa. Khoảng chục năm về trước, kinh tế ở Sín Chải A vẫn rất khó khăn. Khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, học theo lời dạy của Bác: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, năm 2013, bà Hạnh đưa cây atiso vào trồng thử nghiệm và đã thành công. Bà lấy chính cây atiso làm dẫn chứng về hiệu quả kinh tế để thuyết phục người dân trong thôn làm theo, đến nay đã có hơn 80% số hộ ở thôn Sín Chải A trồng loại cây này với nguồn thu ổn định.

Cũng trong năm 2013, khi phong trào làm đường giao thông nông thôn phát triển mạnh trong toàn tỉnh, với vai trò Bí thư Chi bộ thôn Sín Chải A, bà Hạnh đã tích cực vận động người dân trong thôn hiến đất, góp công làm đường. Kết quả là ngay giữa trung tâm thôn Sín Chải A có tuyến đường đất dài 700 m nối với khu sản xuất của các hộ, đây cũng là tuyến đường tắt đến trường học nhanh nhất của học sinh trong thôn. Bà Hạnh đã đưa chủ trương xã hội hóa làm đường ra bàn công khai tại các cuộc họp chi bộ, họp thôn để huy động nguồn lực. Với những hộ chưa đồng thuận, bà đến vận động, thuyết phục, giải thích và cuối cùng tuyến đường đã hoàn thành nhờ sự đồng lòng, đóng góp của tất cả các hộ trong thôn. Mới đây, bà Hạnh đưa cây dâu tây vào trồng thử nghiệm, nếu thành công, bà sẽ vận động các hộ trong thôn cùng trồng để tạo thành vùng hàng hóa. Nhờ luôn tích cực đi đầu trong mọi lĩnh vực, năm 2017, bà Lý Thị Hạnh vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Huy hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Lào Cai”.

Thôn Xuân Khánh, xã Khánh Yên Hạ (Văn Bàn) nhiều năm qua trở thành điểm sáng của xã về phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Thôn có hơn 130 hộ thì chỉ còn 2 hộ nghèo thuộc diện bất khả kháng, hơn 80% hộ có kinh tế khá và giàu. Có được kết quả này là nhờ Chi bộ thôn Xuân Khánh đã phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo Nhân dân trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xây dựng thôn kiểu mẫu. Căn cứ thực tế về điều kiện tự nhiên của thôn và nhu cầu thị trường, chi bộ đã xây dựng các nghị quyết lãnh đạo Nhân dân phát triển nghề mộc truyền thống, chăn nuôi gia súc và nuôi cá, trồng cây ăn quả. Chi bộ cũng khuyến khích các đảng viên đi đầu trong việc xây dựng các mô hình kinh tế hộ để người dân có cơ sở học và làm theo.

Đảng viên Nguyễn Duy Bùi, Trưởng thôn Xuân Khánh là một ví dụ điển hình trong phát triển kinh tế gia đình của thôn. Ngay khi chi bộ ban hành nghị quyết về phát triển các ngành nghề, anh Bùi đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng mở xưởng mộc, xây dựng xưởng đóng gạch ba vanh và kinh doanh vật liệu xây dựng. Trong sản xuất nông nghiệp, anh tiên phong cấy 6 sào lúa giống mới, mỗi năm thu hơn 2 tấn thóc. Qua hạch toán, mỗi năm gia đình anh Bùi lãi hơn 300 triệu đồng. “Vận động có hay đến đâu mà lời nói không đi đôi với việc làm thì bà con cũng không nghe theo, cách tuyên truyền hiệu quả nhất là mình phải tiên phong”, anh Bùi bộc bạch.

Chi bộ thôn Tả Chải, xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa) có 31 đảng viên thì tất cả đều có điều kiện kinh tế khá và giàu. Theo ông Lý Phù Chìu, Bí thư Chi bộ 2 thôn Tả Chải, trước đây điều kiện kinh tế của thôn rất khó khăn. Qua nghiên cứu, bàn bạc và thống nhất, chi ủy đã lấy ý kiến về giải pháp chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi và khai thác tốt tiềm năng du lịch cộng đồng. Để nhân rộng cách làm, chi bộ yêu cầu các đảng viên gương mẫu làm trước, khi thành công thì vận động người dân làm theo. Chi bộ giao mỗi đảng viên giúp đỡ ít nhất 5 hộ thoát nghèo.

Riêng đồng chí Bí thư Chi bộ trực tiếp giúp đỡ một số hộ trong thôn về giống hoa, kỹ thuật chăm sóc để hoa nở đúng thời điểm, tránh bị sâu bệnh. Gia đình chị Lý Mẩy Líu là một trong những hộ nghèo nhận được sự giúp đỡ tận tình của Bí thư Chi bộ, đến nay, gia đình chị không chỉ hết nghèo mà còn xây được ngôi nhà trị giá 600 triệu đồng. Anh Lý Láo Ú cũng được Bí thư Chi bộ đến tận nhà hỗ trợ cách trồng địa lan. Không những thế, anh còn được ông Lý Phù Chìu giúp đỡ, tạo điều kiện rèn luyện, phấn đấu trở thành đảng viên.

Yếu tố quan trọng nhất dẫn đến sự đổi thay ở thôn Tả Chải chính là nhờ chi bộ thôn đã chú trọng đổi mới phong cách lãnh đạo. Mỗi khi có chủ trương mới, chi bộ đưa ra bàn dân chủ, sau đó có giải pháp lãnh đạo sát, đúng, phù hợp với thực tế nên được người dân đồng thuận, ủng hộ cao. Năm 2019, Tả Chải được công nhận là thôn nông thôn mới, thu nhập bình quân của người dân đạt 34 triệu đồng/năm, thôn chỉ còn 3 hộ nghèo bất khả kháng.

Với quyết tâm “thôn mình không thể nghèo”, các chi bộ nông thôn trong tỉnh đã không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, phát huy vai trò tiên phong của đảng viên trong phát triển kinh tế và giúp người dân vươn lên làm giàu chính đáng.

Thu Ngọc

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phong-su/bai-4-khong-the-ngheo-mai-z62n20200714074841788.htm