Bài 4: Tạo bệ đỡ để vùng đất cửa ngõ phía Tây cất cánh

Sau mở rộng địa giới hành chính từ năm 2008 đến nay, khu vực phía Tây của Hà Nội đã có những bước phát triển mạnh mẽ với những đại đô thị được quy hoạch bài bản, hệ thống hạ tầng phát triển kết nối.

Chưa dừng lại ở đó, khu vực này đang được định hướng phát triển đột phá, trong đó có việc hình thành TP trực thuộc Thủ đô. Nhiều ý kiến cho rằng đây chính là tiền đề, bệ đỡ quan trọng để giúp vùng đất phía Tây TP cất cánh, phát triển vượt bậc trong giai đoạn tới.

Nhiều tiềm năng phát triển để giảm tải cho đô thị trung tâm

Theo đánh giá của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (đơn vị thuộc Liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô), mặc dù thời gian qua được quy hoạch xây dựng khá nhiều nhưng nhìn chung quỹ đất tại khu vực phía Tây gồm các huyện Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ vẫn còn khá lớn để phục vụ phát triển.

Khu vực này cũng được đánh giá là có hạ tầng cơ sở hoàn thiện đồng bộ, hiện đại với nhiều trục đường đối ngoại huyết mạch như QL 21 (điểm khởi đầu tuyến đường Hồ Chí Minh nối Thạch Thất với các tỉnh Tây Bắc), QL 32, QL6, Vành đai 3,5.

Nhất là dự án đường Vành đai 4 khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của 4 huyện, mở rộng giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với vùng kinh tế Tây Bắc, hành lang phát triển đường Hồ Chí Minh và cả nước.

Một góc Khu công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Một góc Khu công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Hệ thống kết nối hạ tầng xuyên tâm về trung tâm Thủ đô khá tốt, đại lộ Thăng Long, QL 32, trong tương lai gia tăng động lực với nhiều tuyến bổ trợ song hành được định hướng trong quy hoạch như: trục Hồ Tây - Ba Vì, Hà Nội - Xuân Mai…, hệ thống đường sắt đô thị kết nối lên Hòa Lạc…

Đặc biệt, tại khu vực này đã hiện hữu những khu chức năng, dự án cấp quốc gia như khu công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học Quốc gia Hà Nội, cùng nhiều khu, cụm công nghiệp thu hút được đông đảo nhà đầu tư. Đây cũng là vùng đa dạng văn hóa làng nghề, Thạch Thất nổi tiếng với nhiều làng nghề nổi tiếng của xứ Đoài như nghề mộc Chàng Sơn, dệt Hữu Bằng, đan lát Bình Phú, sắt - cơ kim khí Phùng Xá, làm bánh chè lam Thạch Xá và kẹo chè lam Đại Đồng…

Văn hóa phi vật thể phong phú, một số nơi tại huyện Thạch Thất như làng Chàng Sơn, thôn Phú Hòa (làng Ra) xã Bình Phú, Thạch Xá vẫn còn lưu giữ bộ môn nghệ thuật dân gian múa rối nước. Địa hình đa dạng với núi đá vôi xen lẫn đồng bằng tạo nhiều vùng cảnh quan hấp dẫn để phát triển dân cư gắn với du lịch sinh thái, đặc biệt là hành lang cảnh quan sông Đáy, sông Tích và vùng núi Viên Nam.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, khu vực các huyện phía Tây hiện đang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để xác lập một cực phát triển mới của Thủ đô, tách rời và giúp giảm tải áp lực hạ tầng, dân số cho đô thị trung tâm.

Tuy nhiên, để thu hút đầu tư phát triển khu vực này, Hà Nội cần dành nguồn lực kết nối hạ tầng giao thông, đặc biệt đầu tư đường sắt đô thị. Bên cạnh đó cần sớm có chính sách thu hút nhà đầu tư có năng lực để xây dựng những đô thị mới, đô thị chức năng đồng bộ, hiện đại nhằm thu hút người dân đến sinh sống.

“Kinh nghiệm các nước trên thế giới, trung tâm mới thường cách nội đô cũ khoảng 1 - 2 giờ lái xe. Tại Hà Nội, trung tâm mới phía Tây cách khu phố cổ chỉ khoảng 30 - 40 phút xe chạy. Với điều kiện lý tưởng như vậy, nếu trung tâm mới có đầy đủ hạ tầng dịch vụ, tiện ích chất lượng cao thì người dân sẵn sàng từ bỏ nơi ở cũ chật hẹp để chuyển đến sống” - ông Trần Ngọc Chính nêu.

Cụ thể nét mới, đột phá, đặc thù của từng địa phương

Từ những lợi thế tiềm năng, khu vực 4 huyện phía Tây, đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia cho hay, đơn vị đã được đề xuất định hướng phát triển giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 với nhiều ý tưởng đột phá.

Trong đó, định hướng đô thị Hòa Lạc và đô thị Xuân Mai thuộc các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ trở thành “TP phía Tây“, có tính chất là TP khoa học công nghệ - giáo dục và đào tạo, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số. Đây sẽ là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao, các dịch vụ hỗ trợ giáo dục như trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, trung tâm hỗ trợ nghiên cứu,… một phần đô thị dự kiến phát triển trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh hóa phẩm phục vụ cho Hà Nội và khu vực đồng bằng sông Hồng.

Về phát triển đô thị, khu vực này sẽ xây dựng theo mô hình hiện đại, chất lượng cao, phát triển nhà cao tầng tại khu vực trung tâm và các khu vực đầu mối giao thông.

Xây dựng các đô thị sinh thái, khu ở mới đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, phát triển gắn kết với địa hình đồi núi và hệ thống hồ nước hiện có của khu vực. Phát triển các trung tâm dịch vụ thương mại, chợ đầu mối nối kết Hà Nội với các tỉnh phía Tây Bắc đất nước.

Bên cạnh đó, tại khu vực 3 huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ cũng đề xuất hình thành đô thị du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, trung tâm vùng phía Tây Hà Nội dựa trên cấu trúc địa hình tự nhiên, gắn kết với hệ thống núi Ba Vì, hồ Đồng Mô và sông Tích, hệ thống hạ tầng kỹ thuật quốc gia như QL21, đường Hồ Chí Minh.

Phát triển các dự án vui chơi giải trí, du lịch sinh thái phục vụ Nhân dân Thủ đô và vùng phụ cận như Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Đồng Mô, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam. Khoanh vùng bảo tồn hệ sinh thái đặc trưng như núi Thoong, sông Tích, sông Bùi…, kết hợp phát triển dịch vụ du lịch sinh thái. Tiếp tục phát triển các làng nghề truyền thống kết hợp với phát triển du lịch; trong đó tập trung phát triển các sản phẩm làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống.

Riêng đối với huyện Hoài Đức, định hướng lên quận, phần lớn diện tích phục vụ phát triển đô thị, trong đó tập trung phát triển các trung tâm thương mại và siêu thị tại các khu đô thị, các khu trung tâm, các trục đường giao thông.

Các ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng, vận tải, bưu chính viễn thông, y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư và thu hút xã hội hóa để đạt các tiêu chí quận. Cùng với đó, phát triển du lịch tâm linh, di tích lịch sử với hệ thống các công trình di tích văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp TP kết hợp với du lịch sinh thái và du lịch trải nghiệm tại các vùng trồng cây ăn quả tại các xã vùng bãi.

Cần làm rõ phần còn lại của 4 huyện sau khi hình thành TP phía Tây sẽ phát triển như thế nào. Đồng thời, nên nghiên cứu kỹ phần quy hoạch nông thôn, trong đó làm rõ tiêu chí của đô thị nông thôn trong định hướng quy hoạch để sau này triển khai quy hoạch cấp dưới chúng ta có tiêu chí cụ thể để thực hiện.
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Trần Quang Tuyên

Cơ bản thống nhất với những đề xuất ý tưởng, định hướng phát triển đối với 4 huyện phía Tây TP của đơn vị tư vấn, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn cũng lưu ý, cần rà soát lại một số chức năng “TP phía Tây” dựa trên thực tế nhu cầu các địa phương như y tế, giáo dục, thương mại để xác định rõ nét hơn khu vực này.

Đồng thời, cần làm rõ hơn những tiêu chí của mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái; quy mô phát triển đô thị với quy mô dân số được xác định đến năm 2050; định hình rõ các không gian phát triển cho từng lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, đô thị…, nhất là ý tưởng phát triển cần kế thừa những định hướng còn phù hợp trong bản quy hoạch chung các huyện đã được TP phê duyệt năm 2015; cập nhật những định hướng mới trong quy hoạch vùng huyện mà các huyện đang nghiên cứu xây dựng.
(Còn nữa)

Vũ Lê

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-4-tao-be-do-de-vung-dat-cua-ngo-phia-tay-cat-canh.html