Bài 4: Thế giới ứng xử với tiền ảo như thế nào?
Nhằm duy trì vị thế độc quyền trong việc phát hành tiền tệ và chủ động trong việc điều hành kinh tế vĩ mô nên chính phủ nhiều nước không chấp nhận tiền ảo như một phương tiện thanh toán, bởi nó có nguy cơ đe dọa an ninh tiền tệ, an ninh kinh tế của đất nước. Tuy nhiên nhiều nước cởi mở hơn, chấp nhận tiền ảo là 'một đơn vị tiền tệ' và là 'tiền tiêu dùng', đồng thời để quản lý đồng tiền này, chính phủ của họ áp đặt thuế trong giao dịch tiền ảo.
Lo ngại về việc không thể kiểm soát
Với một nền kinh tế mở, khoa học công nghệ số phát triển rất cao và là thị trường đứng đầu thế giới, nhưng Mỹ lại tỏ ra khá thận trọng với tiền ảo. Đầu tháng 4/2021, Bộ Tài chính Mỹ ban hành kế hoạch xử phạt các tổ chức tài chính liên quan đến các giao dịch rửa tiền thông qua tài sản kỹ thuật số.
Ở châu Á, Singapore được xem là quốc gia “làm bạn với cả thế giới” cũng mới đưa ra cảnh báo về sự bất ổn của tiền ảo. Chủ tịch Cơ quan tiền tệ quốc tế Singapore Tharman Shanmugaratnam từng nhiều lần khuyến cáo người dân Singapore: “Cần hết sức thận trọng với tiền ảo bởi tính rủi ro cao”.
Mặc dù có lệnh cấm của chính phủ, người dân nhiều nước lại tỏ ra khá hào hứng với tiền ảo.
Với Trung Quốc, đây là thị trường tiền ảo khá sôi động nhưng chính phủ nước này cũng rất mạnh tay với tiền ảo. Ngay từ năm 2017 nước này đã ra lệnh cấm công dân trao đổi trực tiếp đồng Nhân dân tệ lấy tiền ảo thông qua các trang web giao dịch trực tuyến. Ấn Độ, nước đông dân thứ 2 thế giới cũng cấm tiền ảo kèm theo quy chế phạt nặng với những người giao dịch hoặc nắm giữ tiền ảo. Nhật Bản, Hàn Quốc cũng liên tục đưa ra những cảnh báo và những cạm bẫy, rủi ro tiềm ẩn từ tiền ảo.
Thổ Nhĩ Kỳ là nước có tỷ lệ người dân dùng tiền ảo tới 20%, cao nhất thế giới nhưng vào ngày 16/4/2021, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã ban lệnh cấm sử dụng tiền ảo trong mọi giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng mọi phương pháp trực tiếp hay gián tiếp. Cơ quan này nhấn mạnh các tài sản tiền ảo "không bị điều chỉnh bởi bất kỳ quy định hay cơ chế giám sát nào, cũng không được quản lý bởi bất kỳ cơ quan trung ương nào".
Ngay cả Chủ tịch Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell khi phát biểu với hãng thông tấn CNBC ngày 14/4/2021 cũng có cái nhìn không mấy thiện cảm với tiền ảo, ông cho rằng: “Tiền ảo chủ yếu chỉ để đặt cược vào sự tăng giá mà chưa hề đạt tới địa vị cơ chế thanh toán. Tiền ảo thực sự là công cụ cho việc đầu cơ".
Chấp nhận để quản lý
Thích ứng với xu thế mới
Với sự phát triển hết sức nhanh của công nghệ số và các loại hình thanh toán mới, theo hãng tin Bloomberg, báo cáo từ công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) mới đây cho biết, hiện có hơn 60 ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang cân nhắc phát hành tiền kỹ thuật số và số hóa đồng tiền của mình. Trong đó, các dự án tiền kỹ thuật số bán lẻ - dùng trong các hoạt động thanh toán của người dân đang chiếm ưu thế tại các nền kinh tế mới nổi. Ngược lại, các dự án tiền kỹ thuật số bán buôn – dùng trong thanh toán liên ngân hàng có xu hướng trội hơn tại các nền kinh tế phát triển.
Thế nhưng, mặc dù có lệnh cấm của chính phủ, người dân nhiều nước lại tỏ ra khá hào hứng với tiền ảo. Ngay như công ty sản xuất xe điện Tesla của tỷ phú Elon Musk vào đầu tháng 2/2021 đã mua 1,5 tỷ USD tiền điện tử bitcoin, chấp nhận bitcoin trong tương lai như một hình thức thanh toán đối với khách hàng mua xe.
Theo khảo sát trong năm 2019 của Statista - một công ty của Đức chuyên về thị trường và dữ liệu người tiêu dùng thì Thổ Nhĩ Kỳ là nước có tỷ lệ dùng tiền ảo tới 20%, cao nhất thế giới, tiếp đến là Brazil và Colombia đứng thứ hai với tỷ lệ 18%; Argentina và Nam Phi cùng đứng thứ 3 với tỷ lệ 16%; Mexico 12%, Chile 11%; Trung Quốc và Indonexia cùng 11%; Tây Ban Nha 10%; Nga 9%, Đan Mạch 8%; Úc 7%, Anh 6%; Mỹ 5%; Pháp 4%, Đức 4% và Nhật Bản 3%...
Có lẽ nhận thấy xu thế không thể đảo ngược của tiền ảo, Đức - quốc gia có nền kinh tế đứng thứ tư thế giới và đứng đầu châu Âu ngay từ năm 2013 đã công nhận bitcoin là loại tiền hợp pháp và là đối tượng chịu thuế và trở thành quốc gia đầu tiên công nhận việc sử dụng tiền ảo như một “đơn vị tiền tệ” và “tiền tiêu dùng”.
Gần đây nhất, khi cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina xảy ra, các nước phương Tây đã trừng phạt Nga bằng việc đóng băng khối dự trữ ngoại tệ hàng trăm tỉ USD, đồng thời ngắt hầu hết các ngân hàng Nga khỏi SWIFT (hệ thống thông tin thanh toán toàn cầu được các ngân hàng sử dụng để thanh toán xuyên biên giới), những nhà lãnh đạo Nga cũng đã tính toán đến phương án sử dụng tiền ảo để thanh toán thay thế đồng USD trong các giao dịch. Các nước như Iran, Triều Tiên… do bị quốc tế trừng phạt cũng đã sử dụng tiền ảo như một phương thức thanh toán quốc tế để lách các biện pháp cấm vận quốc tế.
Một dẫn chứng về sự vươn lên thần kỳ từ tiền ảo đó là thành phố Zug của Thụy Sỹ. Trước 2013, Zug là một bang cũng là thành phố cổ nhưng nhỏ bé, nghèo nhất Thụy Sỹ với dân số chưa tới 30.000 người nằm cách Zurich 25km về phía nam. Trong khi các nước còn đang loay hoay nhận diện tiền ảo thì chính quyền thành phố Zug quyết định chấp thuận và bảo trợ cho hoạt động startup tiền ảo. Ngay lập tức các chuyên gia hàng đầu thế giới đã đổ về Zug và chỉ sau hơn 2 năm, Zug đã trở thành trung tâm
blockchain số 1 thế giới, trái tim của thung lũng tiền mã hóa. Chỉ sau 8 năm, từ một bang nghèo nhất đã vươn lên thành bang giàu có nhất Thụy Sỹ với hơn 400 doanh nghiệp trong lĩnh vực blockchain, chiếm 45% toàn khu vực. Top 50 doanh nghiệp lớn nhất nơi đây đã tạo ra giá trị 254,9 tỷ USD cùng 11 kỳ lân giá trị hơn 1 tỷ USD, với những cái tên nổi bật như Ethereum (157.2 tỷ USD), Cardano (40,6 tỷ USD) hay Polkadot (29,3 tỷ USD)... Thu nhập bình quân đầu người ở Zug cũng vươn lên đứng thứ hai toàn Thụy Sĩ.
Lý do khiến nhiều chính phủ thận trọng hoặc quay lưng với tiền ảo
Tiền ảo tồn tại bên rìa hệ thống tài chính toàn cầu và không được quản lý bởi một cơ quan nhà nước như các loại tiền tệ pháp định do chính phủ phát hành. Ngoài việc lo ngại được sử dụng vào mục đích rửa tiền, trốn thuế, tài trợ khủng bố, tiền ảo còn thể hiện sự bất ổn định và có khả năng đe dọa đến các đồng tiền pháp định, từ đó tác động đến ổn định tài chính và chính sách tiền tệ. Có lẽ vì lý do này đã khiến nhiều chính phủ thận trọng hoặc quay lưng với tiền ảo.
Báo cáo trên nói rằng Bahamas và Campuchia đang là hai nước có điểm số cao nhất ở mảng tiền kỹ thuật số bán lẻ, vì dự án tiền số của các nước này đã chính thức "lên sóng". Đồng tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Campuchia được phát hành vào tháng 10/2020, có tên là Bakong với một phần mềm được triển khai trên ứng dụng trên điện thoại di động để thực hiện các giao dịch bằng đồng tiền kỹ thuật số này, với đầu vào là đồng Riel của Campuchia hay đồng USD. Hiện nay đã có tới gần 1/2 dân số Campuchia sử dụng tiền kỹ thuật số. Gần đây nhất, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã chính thức phát hành đồng Nhân dân tệ số và đang tạo ra sự thách thức lớn đối với đồng Đô la Mỹ.
Thực tế cho thấy, hàng loạt đồng tiền ảo, hay còn gọi là tiền mã hóa đã trở nên phổ biến, có sàn giao dịch riêng, vốn hóa hàng chục tỷ USD, được xem như một “thang đo kinh tế” hàng ngày, như giá dầu mỏ, giá vàng, giá USD. Cùng với đó, thị trường tài sản ảo, nhất là NFT (Non-fungible token) có giá trị thương mại tăng hàng tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu… Đó là xu hướng tất yếu của quá trình số hóa cũng như sự phát triển của công nghệ mới. Còn tại Việt Nam, với tiền ảo và tài sản ảo thì chưa rõ ràng, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu chậm quá, Việt Nam sẽ bỏ qua cơ hội phát triển trong lĩnh vực này. Chính vì vậy, việc sớm xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo là điều hết sức cần thiết.