Bài 4: Tính toán thận trọng, giám sát chặt chẽ để bảo đảm tiến độ, hiệu quả
Với quy mô và tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay, việc đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (Dự án) mở ra nhiều kỳ vọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, góp ý về chủ trương đầu tư Dự án, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng chỉ ra không ít rủi ro, thách thức cần được nhận diện, tính toán kỹ lưỡng để có phương án phù hợp.
Kiểm soát những rủi ro, thách thức
Nếu được Quốc hội thông qua, đây sẽ là dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước tới nay, với khoảng 1,71 triệu tỷ đồng (67,34 tỷ USD). Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án cao gấp hơn 5 lần Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, gấp gần 3 lần mục tiêu xây dựng 5.000km đường bộ cao tốc… Tổng mức đầu tư sơ bộ của Dự án cũng vượt quá (bằng 114%) tổng vốn đầu tư công trung hạn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 (1,5 triệu tỷ đồng đã bao gồm số dự phòng) và tương đương 59,7% tổng vốn đầu tư công trung hạn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Việc Chính phủ đề xuất KTNN tham gia Tổ thẩm định để kiểm tra, xem xét sự phù hợp với quy định của pháp luật đối với các hồ sơ liên quan việc lựa chọn nhà thầu- không phù hợp chức năng, nhiệm vụ của KTNN. Việc kiểm tra công tác này sẽ được KTNN thực hiện theo kế hoạch kiểm toán hằng năm. Việc đề nghị KTNN kiểm toán hồ sơ tổng mức đầu tư đồng thời với quá trình thẩm định Dự án của cơ quan có thẩm quyền cũng không phù hợp với hoạt động kiểm toán của KTNN do KTNN thực hiện kiểm toán căn cứ trên hồ sơ, tài liệu đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, trong khi theo đề xuất thì chủ đầu tư gửi hồ sơ tổng mức đầu tư cho KTNN kiểm toán khi đang trình thẩm định và chưa được phê duyệt.
Kiểm toán nhà nước
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) đánh giá, với tổng vốn đầu tư ước tính 67 tỷ USD, vấn đề nguồn vốn và rủi ro phải trả nợ là một áp lực lớn. Để bảo đảm tính khả thi, đại biểu đề nghị cần có các giải pháp minh bạch, quản lý chặt chẽ và kiểm soát nguy cơ rủi ro về tài chính dài hạn. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có kinh nghiệm về đường sắt tốc độ cao nên sẽ phát sinh rủi ro trong việc vận hành và bảo trì. Vì vậy, chúng ta cần dự trù ngân sách và kế hoạch bảo trì dài hạn để bảo đảm tính bền vững.
Đồng quan điểm, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin về khả năng thu xếp, cân đối vốn để đáp ứng nhu cầu. “Vốn bố trí từ ngân sách nhà nước, vốn vay nước ngoài lẫn trong nước, vốn kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp trong nước, ngoài nước và các nguồn khác là bao nhiêu, từ đó đánh giá khả năng trả nợ, sức chịu đựng của nền kinh tế, ảnh hưởng đến an toàn nợ công ra sao” - đại biểu nêu vấn đề.
Bên cạnh đó, theo đại biểu, Dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, phức tạp, lần đầu tiên triển khai thực hiện ở Việt Nam với thời gian kéo dài khoảng 10 năm sẽ tiềm ẩn rủi ro như đã xảy ra đối với nhiều dự án trọng điểm thời gian qua, như: công tác chuẩn bị đầu tư chưa kỹ lưỡng, dự toán chưa sát thực tế, phương án thực hiện thiếu khả thi dẫn đến phải kéo dài thời gian thực hiện, làm tăng tổng mức đầu tư dự án.
Liên quan vấn đề này, Kiểm toán nhà nước (KTNN) nêu rõ: Nếu chủ trương đầu tư Dự án được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thì trong thời gian 10 năm - đến năm 2035, khối lượng công việc của Dự án phải triển khai rất lớn. Đồng thời, Dự án chưa phân chia thành các dự án thành phần nên sẽ rất khó trong việc xác định tiến độ thực hiện. Bởi, tham khảo tiến độ các dự án mới triển khai cho thấy, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài khoảng 13km với tiến độ triển khai khoảng 13 năm; Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội (tuyến số 3) tổng chiều dài tuyến chính 12,5km, thời gian thực hiện phải điều chỉnh đến 4 lần, với tiến độ khoảng 18 năm.
Chưa kể, nhu cầu sử dụng xi măng, sắt thép, cát rất lớn, thời gian dài, trong khi thời gian tới nhiều dự án đồng loạt triển khai thi công. Đại biểu Dương Khắc Mai lưu ý: Thực tế thời gian qua, dù đã áp dụng các chính sách đặc thù về mỏ vật liệu, song nguồn cung nguyên vật liệu vẫn thiếu, không đáp ứng được tiến độ thi công của các dự án. “Chính phủ cần nghiên cứu kỹ, đánh giá từng vấn đề cụ thể, chi tiết để có giải pháp hữu hiệu khắc phục các tồn tại, đảm bảo hoàn thành Dự án theo đúng kế hoạch đề ra” - ông Mai nhấn mạnh.
Có cơ chế kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, tránh tiêu cực, lãng phí
Cùng với việc tính toán kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện những rủi ro, thách thức có thể xảy ra trong quá trình triển khai Dự án, các ý kiến cũng nhấn mạnh việc cần chú trọng công tác giám sát, thanh tra, kiểm toán để bảo đảm Dự án được triển khai đúng tiến độ, chất lượng, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn vốn.
Thực tế, căn cứ quy định của Luật KTNN, KTNN đã chủ động tham gia Dự án từ rất sớm. Chia sẻ với phóng viên Báo Kiểm toán, TS. Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho biết, đại diện lãnh đạo, công chức KTNN đã tham gia các đoàn khảo sát của Ủy ban Kinh tế tại một số điểm chính của Dự án. Đặc biệt, trên cơ sở Tờ trình, hồ sơ dự án của Chính phủ, KTNN đã tham gia ý kiến về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án.
“Về cơ bản, KTNN đồng tình, thống nhất về chủ trương đầu tư Dự án, song cũng đưa ra nhiều khuyến nghị. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã sử dụng các ý kiến của KTNN để củng cố các nhận định, đánh giá, khuyến nghị và có các giải pháp phù hợp, khả thi trong quá trình triển khai Dự án sắp tới” - ông Sơn nhấn mạnh.
Theo TS. Nguyễn Minh Sơn, đây là dự án có tính chất đặc biệt quan trọng. Do đó, khi Dự án được Quốc hội thông qua, căn cứ chức năng, nhiệm vụ trong xây dựng kế hoạch kiểm toán hằng năm, KTNN cần đưa vào kế hoạch kiểm toán các nội dung liên quan đến Dự án này, nhất là việc tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề để đánh giá, kiến nghị kịp thời. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo cho Dự án đúng tiến độ, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn vốn, phòng, chống lãng phí.
“Thực tiễn thời gian qua, với các dự án quan trọng quốc gia, KTNN đã kiểm toán sớm và có nhiều phát hiện quan trọng. Đơn cử, qua kiểm toán Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, KTNN đã đưa ra nhiều kiến nghị xác đáng. Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đang tập trung thực hiện các kiến nghị của KTNN liên quan đến công tác đền bù, tái định cư, thu hồi đất cho Dự án” - ông Sơn dẫn chứng.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) cho rằng, cùng với trách nhiệm xem xét, quyết định thông qua chủ trương đầu tư Dự án, các ĐBQH cần tham gia giám sát việc thực hiện Dự án. Đồng thời, Nghị quyết của Quốc hội cần quy định trách nhiệm của Chính phủ trong tổ chức triển khai để đảm bảo tiến độ, chất lượng và nguồn vốn. Còn đại biểu Hà Sỹ Đồng thì đề nghị, khi áp dụng các cơ chế đặc thù cần quán triệt chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể và có cơ chế kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để đạt hiệu quả tốt nhất, tránh tiêu cực, lãng phí trong quá trình thực hiện.
Những bài học từ việc triển khai các dự án trước đây cho thấy, với siêu Dự án này, giai đoạn chuẩn bị có ý nghĩa hết sức quan trọng, là nền tảng bảo đảm chất lượng và hiệu quả đầu tư. Đặc biệt, quá trình triển khai Dự án đòi hỏi quyết tâm cao, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp để Dự án có thể “về đích” đúng hẹn, xứng đáng là biểu tượng của đất nước trong kỷ nguyên “vươn mình”./.