Bài 5: Mong mỏi của những người gắn bó với 'nghề' quản lý phạm nhân
Công tác giáo dục cải tạo, lao động, dạy nghề đối với phạm nhân là nội dung trọng tâm, xuyên suốt trong công tác thi hành án phạt tù, là trách nhiệm của các trại giam nhằm chuẩn bị cho phạm nhân về tâm lý, kỹ năng, thái độ để chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.
Công tác giáo dục cải tạo, lao động, dạy nghề đối với phạm nhân là nội dung trọng tâm, xuyên suốt trong công tác thi hành án phạt tù, là trách nhiệm của các trại giam nhằm chuẩn bị cho phạm nhân về tâm lý, kỹ năng, thái độ để chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.
Do vậy, việc trại giam bố trí, sắp xếp, tổ chức cho phạm nhân lao động thường xuyên, môi trường lao động tiêu chuẩn, có dây chuyền, công nghệ sản xuất sát với yêu cầu thị trường, nhất là trong giai đoạn 2-3 năm cuối (đối với phạm nhân có thời gian chấp hành án dài), hoặc 1-2 năm (đối với phạm nhân có thời gin chấp hành án ngắn) là hết sức quan trọng.
Để làm được điều đó, do nội tại trại giam không có khả năng, nên các trại giam rất cần có hành lang pháp lý là Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, để liên kết với các đơn vị kinh tế, doanh nghiệp của địa phương đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất ngoài trại giam dạy nghề, tổ chức lao động cho phạm nhân có hiệu quả.
Tính ưu việt và nhân đạo của lao động, hướng nghiệp ngoài trại giam
Chúng tôi đến Trại giam Ninh Khánh (Ninh Bình) khi nắng mùa hạ đã oi nồng. Trong một xưởng may khá rộng rãi, các phạm nhân đang ngồi may theo dây chuyền. Tinh thần lao động hăng say tạo nét bình yên trên gương mặt các phạm nhân, nếu không có bộ quần áo sọc, có lẽ chúng tôi nghĩ mình đang ở một xưởng sản xuất bên ngoài xã hội. Tuy nhiên, theo quy định của trại giam, chỉ đến 17h là hết giờ lao động buổi chiều, cán bộ quản giáo phải đưa phạm nhân về các buồng giam để thực hiện các thủ tục theo quy định. "Thời gian làm việc ít cũng là một trong những điểm trừ khi các doanh nghiệp có dự định đưa công việc sản xuất vào trại"- một cán bộ quản giáo cho biết.
Chia sẻ với chúng tôi, Đại tá Trần Đức Phong, Giám thị Trại giam Ninh Khánh cho biết, đối với đơn vị Trại giam Ninh Khánh, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện công tác thi hành án hình sự nói chung, công tác thi hành án phạt tù nói riêng, trong đó có công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trong khi đó, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, số người bị kết án phạt tù tăng tạo áp lực lớn đối với công tác quản lý giam giữ và giáo dục cải tạo, việc tổ chức lao động cho phạm nhân vốn đang gặp khó, lại càng khó khăn hơn.
Trại giam Ninh Khánh lại có một số phân trại đóng quân xa trung tâm hành chính của tỉnh, huyện, đi lại khó khăn, là những bất lợi trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư, tạo việc làm cho phạm nhân. Mặt khác, đơn vị có quỹ đất tổ chức lao động dạy nghề hạn hẹp, hệ thống nhà xưởng còn thiếu; các ngành nghề được tổ chức trong trại đa số là lao động thủ công nhỏ lẻ, không ổn định, giá trị ngày công thấp dẫn đến việc tổ chức cho phạm nhân lao động học nghề gặp nhiều khó khăn.
"Trong những năm trước đây, Trại giam Ninh Khánh đã phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam có rất nhiều thuận lợi. Ngành nghề tổ chức cho phạm nhân là những ngành nghề mới, phổ thông, là những nghề mà xã hội hiện đang cần rất nhiều nguồn lao động và có hiệu quả lao động cao hơn so với lao động các ngành nghề thủ công trong trại. Điều đó cho thấy ý nghĩa về môi trường lao động, góp phần tháo gỡ khó khăn trong tìm kiếm việc làm, cải thiện đời sống cho phạm nhân và tăng giá trị đầu tư trở lại cho trại giam. Đặc biệt, tạo điều kiện cho phạm nhân có tâm lý lao động, thái độ chấp hành cải tạo tốt và tiếp thu kiến thức trong dạy nghề, truyền nghề, giúp phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt tù tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, hạn chế tái phạm tội. Mặt khác, tạo hiệu ứng tích cực từ phía cộng đồng, đặc biệt đó là sự đồng tình ủng hộ của thân nhân gia đình phạm nhân có con em được lao động ngoài trại giam"- Đại tá Trần Đức Phong cho biết thêm.
Trong câu chuyện của anh có sự bùi ngùi, tiếc nuối, bởi anh là người có quá trình công tác lâu dài, gắn bó tại môi trường Trại giam Ninh Khánh, anh đã cùng CBCS của trại nỗ lực tìm kiếm các mô hình dạy nghề, lao động sản xuất cho phạm nhân, chứng kiến những mô hình sản xuất hiệu quả có, nhưng cũng không phải không có thất bại. Chính vì thế, là giám thị, anh luôn đau đáu tìm các giải pháp để công tác quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo và tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, cũng như thi hành các biện pháp tư pháp ngày càng hiệu quả.
Từ thực tiễn công tác thời gian qua, theo Đại tá Trần Đức Phong, việc đề xuất thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là rất cần thiết, thể hiện tính ưu việt và nhân đạo, giúp cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, giảm tỉ lệ tái phạm tội, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Các chủ trương, chính sách nêu trên là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng định hướng cho việc nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về thi hành án phạt tù trong thời gian tới theo hướng tăng cường hiệu quả công tác giáo dục, cải tạo, tái hòa nhập cộng đồng cho người bị kết án phạt tù và bảo đảm sự tham gia của xã hội trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng cho người bị kết án phạt tù.
(Còn tiếp)