Bài 6: Khắc phục bất hợp lý trong quy định khen thưởng

Vai trò, nhiệm vụ của mỗi đại biểu dân cử là giám sát việc tổ chức thực thi chính sách, pháp luật của UBND, các cơ quan, đơn vị thuộc UBND và cá nhân Chủ tịch UBND cùng cấp; UBND là cơ quan chấp hành của HĐND nhưng Chủ tịch UBND lại là người có thẩm quyền ký quyết định khen thưởng đối với đại biểu HĐND cùng cấp. Thẩm quyền này tuy bảo đảm sự thống nhất với nguyên tắc quản lý công tác khen thưởng, chức năng, nhiệm vụ UBND nhưng theo nhiều địa phương thì quy định như vậy bất hợp lý.

Tạo điều kiện cho đại biểu hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm

Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 (có hiệu lực ngày 1.1.2024) vẫn chưa phân định thẩm quyền của HĐND, Chủ tịch HĐND các cấp trong việc khen thưởng đại biểu HĐND, các cơ quan của HĐND (hằng năm, đột xuất và cuối nhiệm kỳ) và xây dựng tiêu chí đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu làm căn cứ xét khen thưởng nhằm bảo đảm tính độc lập với thẩm quyền của UBND. Nhiều địa phương đề nghị cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định cho phù hợp hoặc hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện thống nhất đối với nội dung này.

HĐND tỉnh Bắc Giang giám sát công tác quản lý, sử dụng tài sản công là nhà đất tại huyện Lạng Giang. Ảnh: Vũ Cường

HĐND tỉnh Bắc Giang giám sát công tác quản lý, sử dụng tài sản công là nhà đất tại huyện Lạng Giang. Ảnh: Vũ Cường

Khoản 5 Điều 103 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định về các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của đại biểu HĐND. Theo đó: “Đại biểu HĐND được cấp hoạt động phí hằng tháng và được hỗ trợ các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động đại biểu”. Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới quy định chế độ sinh hoạt phí cho đại biểu, còn việc “hỗ trợ các điều kiện cần thiết khác” chưa có quy định cụ thể, dẫn đến khó áp dụng. Vì vậy, một số địa phương đề nghị xem xét hướng dẫn cụ thể nội dung quy định này cho từng cấp tỉnh, huyện, xã. Trong đó, cần quy định rõ về mức phụ cấp hoặc mức bồi dưỡng cho các chức danh kiêm nhiệm (Trưởng ban, Phó Trưởng ban, Tổ trưởng, Tổ phó Tổ đại biểu HĐND); mức chi, nội dung chi đối với hoạt động giám sát, khảo sát, cuộc họp, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; công tác phí, hội nghị; nghiên cứu học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ của đại biểu; trang thiết bị làm việc; cơ chế huy động, sử dụng chuyên gia có chuyên môn các lĩnh vực tham mưu, giúp việc cho các đoàn giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban của HĐND; các chế độ chi khác của HĐND.

Cùng với đó, đề nghị quy định cụ thể điều kiện và chế độ đối với đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, đại biểu HĐND tham gia thành viên các Ban HĐND, nhằm nâng cao trách nhiệm cũng như tạo điều kiện cho đại biểu HĐND hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân.

Cụ thể hình thức công khai báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ

Về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu. Điểm a Khoản 1 Điều 57 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định các hoạt động giám sát của HĐND, trong đó có quy định xem xét báo cáo công tác 6 tháng và hằng năm của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp cho thấy hoạt động của các cơ quan tư pháp chịu sự giám sát của HĐND cùng cấp. Do đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND các cấp đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ở địa phương, theo một số địa phương, cần xem xét để HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan tư pháp cùng cấp (Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, thủ trưởng cơ quan thi hành án) để đánh giá năng lực chỉ đạo, điều hành, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan tư pháp.

Điểm a Khoản 1 Điều 88 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng ban của HĐND. Tuy nhiên, thực tế đối với một số Ban của HĐND, Trưởng ban HĐND hoạt động kiêm nhiệm còn Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách có vai trò quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động thường xuyên của Ban, giúp Trưởng Ban điều hành hoạt động của Ban HĐND tỉnh trong lĩnh vực phụ trách nhưng lại không thuộc đối tượng lấy phiếu tín nhiệm. Vì vậy, một số địa phương đề nghị xem xét bổ sung quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Phó Trưởng Ban HĐND.

Cùng với đó, bổ sung quy định về sự phối hợp của Ủy ban MTTQ các cấp trong thực hiện lấy phiếu tín nhiệm của HĐND. Trong đó, quy định cụ thể về hình thức công khai báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm để Nhân dân cùng tham gia đóng góp ý kiến và thực hiện quyền giám sát đối với đại biểu dân cử, cũng như giám sát đối với cán bộ quản lý trong thực thi nhiệm vụ; trình tự, thủ tục, phương pháp thu thập, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm.

PHƯƠNG NGUYÊN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/bai-6%C2%A0khac-phuc-bat-hop-ly-trong-quy-dinh-khen-thuong-i376554/