Bài 7 - Bài học Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn cầu sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch: Không xử lý nghiêm, tài nguyên đất đai còn thất thoát, lãng phí
Mặc dù các cơ quan chức năng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu - chủ đầu tư các ô đất NT1, TH, THPT thuộc Khu đô thị Thành phố Giao lưu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội dẫn đến nguồn lực đất đai bị trục lợi trong suốt nhiều năm, tiềm ẩn nguy cơ thất thoát ngân sách nhà nước nhưng việc xử lý nghiêm minh các sai phạm của chủ đầu tư và tình trạng buông lỏng quản lý của chính quyền sở tại vẫn bị bỏ ngỏ.
Đối với vụ việc Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu nhận chuyển nhượng các ô đất NT1, TH, THPT thuộc Khu đô thị Thành phố Giao lưu từ Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Quốc tế VIGEBA (Công ty VIGEBA) rồi “om” đất vàng, không chịu triển khai dự án xây dựng trường học, sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch làm sân bóng cỏ nhân tạo đã gây bức xúc, bất bình trong dư luận.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải đưa lực lượng công an vào cuộc, mở rộng xác minh, làm rõ, điều tra các hành vi, dấu hiệu trục lợi từ đất đai, cố ý làm trái, lợi ích nhóm để xử lý nghiêm. Vấn đề này cần phải làm công tâm, khách quan, minh bạch để người dân giám sát.
Quy định của pháp luật về quản lý đất đai đã rõ ràng, đầy đủ. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố Hà Nội cũng rất quyết liệt, thế nhưng tại sao chủ đầu tư Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu không thực hiện, lại còn để sai phạm kéo dài? Có hay không việc các cấp chính quyền quận Bắc Từ Liêm chỉ xử lý nghiêm trên giấy còn ngoài thực địa, chủ đầu tư muốn làm gì thì làm? Bởi lẽ, nếu quản lý chặt chẽ, có phương án đầu tư hiệu quả, chính quyền địa phương thường xuyên sâu sát, nhắc nhở thì Khu đô thị Thành phố Giao lưu đã có thêm nhiều cơ sở giáo dục đúng nghĩa, phục vụ nhu cầu của cư dân.
Trên thực tế, kể từ khi nhận chuyển nhượng từ năm 2014 đến nay, Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu đã sử dụng đất không đúng mục đích, không đúng quy hoạch hoặc bỏ trống gây lãng phí tài nguyên đất. Thậm chí, từ các sai phạm trên đã hình thành các sân bóng cỏ nhân tạo để kinh doanh, dần rà “biến tướng” thành các hình thức kêu gọi đầu tư, hợp tác liên doanh, liên kết làm phát sinh các khiếu kiện phức tạp từ các hành vi trục lợi này.
Ngày 05/5/2020, Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản số 3735/VP-ĐT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội gửi các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo; Cục Thuế Hà Nội; UBND các quận: Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy; Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Quốc tế VIGEBA; Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn cầu.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng yêu cầu các Sở: Tài nguyên và Môi trường và Xây dựng và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Quốc tế VIGEBA khẩn trương thực hiện văn bản số 913/UBND-ĐT ngày 17/3/2020 của UBND Thành phố Hà Nội về việc vi phạm trật tự xây dựng tại ô đất NT1, TH, THPT thuộc khu Khu đô thị Thành phố Giao lưu, quận Bắc Từ Liêm. Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin Tạp chí Mặt trận nêu; trả lời Tạp chí Mặt trận theo quy định của pháp luật hiện hành; tham mưu cho UBND thành phố những nội dung vượt thẩm quyền (nếu có), báo cáo UBND Thành phố thực hiện trong tháng 5/2020.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, ngày 22/4/2020, Trung tá Trần Văn Phúc - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) cũng đã có văn bản số 256/PC-C03-P1 gửi UBND quận Bắc Từ Liêm xem xét, giải quyết; thông báo kết quả cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và Tạp chí Mặt trận biết.
Như đã thông tin, ngày 20/3/2014, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Quốc tế VIGEBA (Công ty VIGEBA) do ông Đặng Quốc Anh - Quyền Tổng Giám đốc làm đại diện và Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu do ông Nguyễn Quang Thuật - Tổng Giám đốc làm đại diện đã ký kết với nhau Hợp đồng nguyên tắc số 01/2014/VIGEBA-GAV về việc chuyển nhượng hạ tầng kỹ thuật ô đất mang ký hiệu NT1, TH, THPT - dự án Khu đô thị Thành phố Giao Lưu.
Tại thời điểm ký kết, các ô đất NT1, TH, THPT đã giải phóng mặt bằng, được đầu tư đầy đủ hạ tầng kỹ thuật xung quanh theo đúng thiết kế đã được duyệt.
Diện tích các ô đất NT1, TH, THPT lần lượt là: 5.620m2, 19.991m2 và 12.086m2 với tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng dự án nói trên là hơn 139,478 tỷ đồng, tương ứng với đơn giá 3,7 triệu đồng/m2.
Trong đó, giá trị chuyển nhượng ô đất NT1: 20,794 tỷ đồng, ô đất TH: 73,966 tỷ đồng và ô đất THPT là 44,718 tỷ đồng.
Sau đó, ngày 27/3/2014, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã ký ban hành văn bản số 2157/UBND-QHXDGT đồng ý về chủ trương để Công ty VIGEBA chuyển nhượng đất có hạ tầng kỹ thuật (các lô đất NT1, TH, THPT) tại Dự án Khu đô thị Thành phố Giao lưu cho Công ty GAVEDU để triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà trẻ, trường tiểu học, trường trung học phổ thông theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Sau khi nhận chuyển nhượng đất, ông Nguyễn Quang Thuật - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu sử dụng một số ô đất nói trên vào mục đích xây dựng sân bóng cỏ nhân tạo, khai thác bãi để xe… khiến quy hoạch tổng thể của cả khu đô thị biến dạng, méo mó nghiêm trọng.
Theo một số thông tin PV thu thập được, tại thời điểm cuối năm 2015, một số đối tượng đã “đổ” một lượng tiền rất lớn lên tới hàng đồng tỷ để xây dựng các sân bóng cỏ nhân tạo trên các ô đất do Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu làm chủ đầu tư.
Các đối tượng này cho thuê sân bóng cỏ nhân tạo để thu lợi từ những người dân sử dụng dịch vụ. Mỗi tháng, trừ đi các khoản chi phí, các đối tượng cho thuê sân bóng dễ dàng “đút túi” một khoản lợi nhuận lên tới cả trăm triệu đồng/ô đất bị sử dụng sai mục đích, sai quy hoạch.
Đáng nói hơn, trên đất được quy hoạch làm dự án trường học, các đối tượng trên còn sử dụng danh nghĩa cá nhân để mời gọi cùng đầu tư bằng hình thức lập, kí kết hợp đồng liên kết kinh doanh, dẫn đến phát sinh khiếu kiện, tố cáo.
Để biện minh cho hành vi “hô biến” hàng chục nghìn mét vuông đất xây dựng trường học thành các điểm kinh doanh dịch vụ trục lợi, bất chấp pháp luật, trong văn bản gửi các cấp của quận Bắc Từ Liêm ngày 20/8/2018, ông Nguyễn Quang Thuật - Giám đốc Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu đã lấy lý do, trong thời gian chờ hoàn thành xong các thủ tục pháp lý, các ô đất thường xuyên bị các cá nhân tập thể bên ngoài lấn chiếm và đổ rác bừa bãi gây mất an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Do đó, để đảm bảo an ninh trật tự, chống lấn chiếm, đổ phế thải cũng như nhằm mục đích tạo sân chơi thể thao lành mạnh cho cán bộ chiến sỹ, công an viên, cư dân địa bàn. Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu đồng ý cho Cục Quản trị, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Bộ Công an) phối hợp với Công ty TNHH Vận tải Vương Gia sử dụng lại để làm các hoạt động thể thao, chỗ đỗ xe cho cán bộ chiến sỹ và các vận động viên.
Thế nhưng, văn bản của Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu chẳng khác nào sử dụng hình ảnh của lực lượng vũ trang để “dọn đường” cho các sai phạm đã tồn tại trước đó từ rất lâu.
Bên cạnh đó, đối với các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng của Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu, chính quyền sở tại nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư nghiêm chỉnh chấp hành theo đúng các văn bản của các cấp có thẩm quyền ban hành và tự dỡ phần công trình vi phạm theo quy định, nhưng chủ đầu tư vẫn bất chấp pháp luật, “coi trời bằng vung”, không tự giác chấp hành, cố tình vi phạm như thể có thế lực “chống lưng”, “bảo kê” cho các sai phạm.
Các sai phạm về đất đai, quy hoạch tại các ô đất dự án do Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu làm chủ đầu tư chỉ được xử quyết liệt khi Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội có văn bản số 9860/VP-ĐT ngày 16/10/2019 truyền đạt ý kiến của ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội gửi các Sở: Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục; Cục Thuế Hà Nội; UBND các quận Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy; Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Quốc tế VIGEBA; Công Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn cầu; Tập đoàn GELEXIMCO-CTCP.
Nội dung văn bản có đoạn nêu:
“… 1. Yêu cầu các chủ đầu tư:
- Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Quốc tế VIGEBA và Công Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn cầu:
+ Dừng mọi hoạt động sử dụng kinh doanh, liên doanh, liên kết cho thuê mặt bằng kinh doanh không đúng mục đích sử dụng đất, không đúng quy hoạch được duyệt tại ô đất (NT1, TH, THPT);
+ Khẩn trương khắc phục, dỡ bỏ hạng mục vi phạm theo đúng quy hoạch, mục đích sử dụng đất được duyệt, thời gian hoàn thành trong tháng 10/2019.
- Tập đoàn GELEXIMCO-CTCP: Dừng mọi hoạt động sử dụng tại ô đất (VP2), khẩn trương khắc phục những tồn tại theo yêu cầu của các cơ quan chức năng; đồng thời khẩn trương hoàn thiện mọi thủ tục để triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt”...
Theo quy hoạch, diện tích đất trường học, nhà trẻ tại Dự án Khu đô thị Thành phố Giao lưu là 55.605m2, trong đó diện tích các ô đất mà Công ty VIGEBA chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu để xây dựng các cơ sở giáo dục đã là 37.697m2 (chiếm xấp xỉ 67,8% quỹ đất).
Rõ ràng, trong khi các chủ đầu tư khác chỉ mong chờ có mặt bằng sạch để đẩy nhanh tiến độ dự án thì việc Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu sử dụng các ô đất xây dựng cơ sở giáo dục làm sân bóng cỏ nhân tạo, bãi đỗ xe trong suốt nhiều năm qua chẳng khác nào “đẩy” cả khu đô thị vào hệ lụy đầy bi kịch trong “cơn khát” trường học.
Đến đây, dư luận đặt ra câu hỏi: Căn cứ vào đâu để Công ty VIGEBA chuyển nhượng các ô đất nêu trên cho Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu để xây dựng dự án cơ sở giáo dục dẫn đến hệ lụy bi kịch như ngày hôm nay? Liệu Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu có đủ năng lực để triển khai dự án hay cố tình “om” để trục lợi trên đất dự án? Trong khi 12.000 người dân Khu đô thị Thành phố Giao Lưu đang “quay cuồng” trong “cơn khát” trường học thì vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương là UBND quận Bắc Từ Liêm, UBND phường Cổ Nhuế 1 ở đâu khi để đất đai bị sử dụng sai mục đích, sai quy hoạch?
Ngoài ra, đối với vấn đề các sân bóng tại địa chỉ 234 đường Phạm Văn Đồng sử dụng nguồn điện 3 pha để hoạt động, bà Đỗ Thục Anh, Phó Giám Đốc phụ trách kinh doanh Công ty Điện lực Bắc Từ Liêm cho biết, đơn vị không cấp phát điện cho bất cứ sân bóng nào trên địa bàn nào quận Bắc Từ Liêm, cũng không có khách hàng nào sử dụng điện là Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu.
“Công ty đã cho rà soát và cũng không nắm được các sân bóng tại địa chỉ 234 đường Phạm Văn Đồng lấy nguồn điện 3 pha về sử dụng có nguồn từ đâu” - bà Đỗ Thục Anh nói.
Có thể thấy, câu trả lời của bà Đỗ Thục Anh thể hiện sự thiếu trách nhiệm của Điện lực Bắc Từ Liêm trong việc quản lý địa bàn. Tại sao việc sử dụng điện cho các lô đất rộng cả chục nghìn m2 hoạt động sai mục đích sử dụng đất, sai quy hoạch trong suốt nhiều năm liền mà Điện lực Bắc Từ Liêm lại không nắm được? Trong khi đó, tại mỗi sân bóng phải sử dụng dụng hệ thống đèn cao áp, hệ số tiêu thụ điện năng ở mức rất lớn thì việc đại diện Điện lực Bắc Từ Liêm buông ra câu trả lời không biết, không nắm được là rất thiếu thuyết phục và không thể chấp nhận được.
Đối với hành vi sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch của các chủ đầu tư tại Khu đô thị Thành phố Giao Lưu, mới đây, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội đã có Quyết định số 18854/QĐ/CT-QLĐ ngày 25/3/2020 về việc bãi bỏ Quyết định số 58105/QĐ-CT-QLĐ ngày 24/7/2019 về việc miễn tiền thuê đất đối với Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Quốc tế VIGEBA của Cục Thuế thành phố Hà Nội.
Lý do bãi bỏ: “Căn cứ các quy định và trình tự miễn giảm theo Khoản 7 Điều 8, Nghị định số 46/NĐ-CP ngày 15/4/2014 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước quy định: “Trường hợp người thuê đất, thuê mặt nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định tại Nghị định này nhưng trong quá trình quản lý, sử dụng đất không đáp ứng các điều kiện để được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước đã được ghi tại quyết định cho thuê đất, hợp đồng thuê đất nhưng không trong trường hợp bị thu hồi theo quy định của pháp luật đất đai thì phải thực hiện hoàn trả ngân sách nhà nước số tiền thuê đất đã được miễn, giảm theo quy định của pháp luật về quản lý thuế”.
Chi cục Thuế quận Bắc Từ Liêm có trách nhiệm truy thu tiền thuê đất được miễn, giảm theo quy định về chính sách và giá đất tại thời điểm được miễn, giảm thuê đất cộng thêm một tương đương với khoản tiền chậm nộp tiền thuê đất của thời gian đã được miễn giảm”.
Tiếp theo, Chi cục Thuế quận Bắc Từ Liêm đã có thông báo số 3522/TB-CCT-TBTK ngày 25/3/2020 về việc tạm nộp tiền thuê đất.
Trên cơ sở của các văn bản của cơ quan Thuế, ông Phạm Hồng Sơn - Tổng Giám đốc Công ty VIGEBA đã có văn bản số 23/2020/CV-VIGEBA gửi các nhà đầu tư thứ cấp, trong đó có Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu.
Theo tính toán của Công ty VIGEBA, ngoài các khoản đã hoàn thành nghĩa vụ, Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu sẽ có trách nhiệm phải nộp thêm hơn 33,615 tỷ đồng vào ngân sách.
Trong đó, tổng số tiền thuê đất phải nộp (giai đoạn 2017-2019) tại các ô đất NT1, TH, THPT là trên 7,7 tỷ đồng, tổng số tiền tăng thêm do vi phạm (giai đoạn 2014-2019) là gần 26 tỷ đồng.
Việc sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm có thể bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai.
Đối chiếu với các quy định của pháp luật, việc Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu để hoang hóa hoặc sử dụng các ô đất sai mục đích sử dụng, sai quy hoạch như ở trên có nằm trong diện bị thu hồi?
Việc “ôm” đất “vàng” rồi “bánh vẽ” dự án nhưng thực chất là không triển khai hoặc không có nguồn lực để triển khai rồi sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch. Điều này, không chỉ gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, lãng phí hạ tầng xã hội, quy hoạch đô thị mà dẫn tới tình trạng coi thường pháp luật, khi các doanh nghiệp biết sai nhưng vẫn cố tình làm vì việc xử lý “nằm trên giấy”.
Để thực sự “chặn đứng” triệt để tình trạng các sai phạm về đất đai do Công ty Cổ phần Giáo dục Tiên tiến Toàn Cầu làm chủ đầu tư tại dự án Khu đô thị Thành phố Giao lưu, đề nghị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý đất đai, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường… cần có chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong công tác quản lý, sử dụng đất mang ký hiệu NT1, TH, THPT.
Bên cạnh đó, việc thu hồi các ô đất sử dụng sai mục đích, sai quy hoạch, để xảy ra tình trạng trục lợi, lãng phí là điều mà UBND thành phố Hà Nội cần tính đến, để đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật, tính răn đe đối với các chủ đầu tư cố tình vi phạm, thách thức pháp luật và dư luận.
Hai là, tiếp tục đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Công an Thành phố Hà Nội; Cục Thuế Hà Nội làm rõ việc ai là người được hưởng các nguồn lợi từ việc kinh doanh trên đất đai bị sử dụng sai mục đích, sai quy hoạch. Việc chấp hành các quy định của pháp luật về thuế đối với các cá nhân, tổ chức được hưởng lợi từ các nguồn thu nói trên. Đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về trật tự xã hội, về quản lý đất đai để làm gương, răn đe các vi phạm sau này.
Ba là, các khu đất khi được giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án mang lại lợi ích cho xã hội nhưng lại bị lợi dụng để sử dụng sai mục đích, trục lợi cá nhân đang khiến dư luận bức xúc, đặt dấu hỏi có lợi ích nhóm trong vấn đề này. Nhất là việc giao, chuyển nhượng đất nhưng không thể hiện được giá trị của đất gây thất thoát, lãng phí để lại hậu quả nặng nề mà nhà nước, người dân phải gánh chịu, Vì vậy, đất đai cần phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, sớm có phương án thu hồi những khu đất sử dụng sai mục đích.
Bốn là, đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội truy đến cùng việc cấp phát, sử dụng điện ngoài sinh hoạt (điện 3 pha) đối với các chủ thể, đối tượng kinh doanh tại địa chỉ 234 đường Phạm Văn Đồng trên ô đất bị sử dụng sai mục đích, sai quy hoạch.
Tạp chí Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên.