Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra hai dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng
Sáng 20-11, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm trưởng đoàn, đã đến kiểm tra công tác thi công nút giao giữa hai dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (trục dọc) và Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (trục ngang). Đây là hai dự án cao tốc có quy mô lớn nhất miền Tây hiện nay - vị trí giao cắt nằm trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Báo cáo với Phó Thủ tướng, đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận - chủ đầu tư dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau cho biết, mặt bằng toàn dự án cơ bản đã xong, chỉ còn 200m ở Cần Thơ chưa được địa phương bàn giao do vướng bãi rác, dự kiến hoàn tất trong tháng 12-2024. Công trường thi công đạt khoảng 50% khối lượng hợp đồng, mục tiêu hết năm 2024 hoàn thành cơ bản 117 cầu trên tuyến chính (hiện 41 cầu đã hoàn thành mặt cầu).
Về công tác đắp gia tải 110km tuyến chính và 2,8km tuyến nối, đến nay đã xong khoảng 53%, dự kiến đến 31-12-2024 hoàn thành gia tải. Theo đại diện chủ đầu tư, khó khăn, vướng mắc lớn nhất của dự án vẫn là vật liệu. Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ GTVT, chủ đầu tư đã làm việc với các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang để có nguồn vật liệu theo cơ chế đặc thù.
Đến nay, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã xác định cấp cho dự án khoảng 19 triệu m³ cát sông, trên tổng nhu cầu 18,5 triệu m³ của dự án, cộng với 5 triệu m³ cát biển từ Sóc Trăng. Cơ bản trữ lượng đủ nhưng công suất khai thác thiếu, nguồn cát cung cấp về công trường hiện đáp ứng khoảng 70% nhu cầu thi công.
Cuối tháng 10-2024, tỉnh An Giang dừng cung cấp 7/9 mỏ do một số mỏ khai thác vượt độ sâu, một số mỏ có nguy cơ sạt lở hoặc chất lượng cát không đạt do có nhiều bùn sét. Trong 7 mỏ dừng có 2 mỏ nhà thầu đã khắc phục xong các tồn tại và đã trình UBND tỉnh An Giang cho khai thác trở lại, hiện UBND tỉnh An Giang đang xin ý kiến Thường vụ Tỉnh ủy.
Đối với nguồn cát biển, hiện đang vào mùa gió chướng nên mỗi tháng chỉ khai thác khoảng 15 ngày. Ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở GTVT Hậu Giang (chủ đầu tư dự án thành phần 3) cho biết, dự án thành phần 3 qua Hậu Giang dài gần 37km, có 3 nút giao, 24 cầu, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt 100%. Do cát khan hiếm nên tỉnh chỉ đạo tập trung hoàn thiện các cầu, đang gác dầm 5 cầu, số còn lại đang được đẩy nhanh tiến độ.
Về vật liệu, nhu cầu dự án cần khoảng 6 triệu m³. Trong đó, được cấp nguồn ở An Giang 2,6 triệu m³ (vừa qua đã chia sẻ cho dự án Cần Thơ – Cà Mau khoảng 500 ngàn m³). Hiện tỉnh Bến Tre cam kết cấp 3,4 triệu m³ còn lại, đầu tháng 12 tới sẽ có 1,5 triệu m³. Sản lượng thi công dự án hiện nay đạt 26%, dự kiến hết năm nay đạt khoảng 34-37%.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, do đặc thù của vùng ĐBSCL, các thửa đất dọc theo các kênh dẫn nước hiện có để lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, khi tiến hành thu hồi đất, thì phần còn lại không có nguồn nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp, gây phản ứng trong nhân dân. Vừa qua, tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương khơi tạm nguồn nước để phục sản xuất nông nghiệp.
Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân kiến nghị có đường nước chính thức để an tâm sản xuất. Để tránh khiếu kiện, khiếu nại tập trung, ảnh hưởng đến dự án, kiến nghị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chỉ đạo đơn vị tư vấn khẩn trương đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ liên quan nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp để sớm tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo nhu cầu sản xuất nông nghiệp, hạn chế khiếu kiện tập trung của người dân.
Tại công trường, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu chiều nay (20-11) làm việc tại Sóc Trăng, các chủ đầu tư, địa phương, cơ quan đơn vị liên quan báo cáo chi tiết, cụ thể về các vấn đề khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, xây dựng đường cao tốc phải đảm bảo yếu tố đặc thù của vùng sông nước miền Tây, không cản trở về dòng chảy, nguồn nước ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân…
Trong sáng 20-11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đoàn công tác cũng đến kiểm tra công tác thi công tại Dự án Thành phần 4, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng.
Theo Ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng (chủ đầu tư Dự án Thành phần 4, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng), Dự án Thành phần 4 được chia thành 4 gói thầu, đến nay tổng giá trị thực hiện được hơn 1.171 tỷ đồng (đạt 14,5% giá trị hợp đồng, chậm 9% so với kế hoạch). Công tác giải ngân năm 2024 thực hiện được 1.296 tỷ đồng/2.322 tỷ đồng (đạt 55,8%), lũy kế từ khi triển khai Dự án Thành phần 4 đạt 2.746 tỷ đồng.
Tại đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã thăm hỏi, động viên và trao quà đến đội ngũ kỹ sư, công nhân tại công trường; đồng thời, chỉ đạo các địa phương có dự án đi qua phải đảm bảo nguồn vật liệu để tiến độ dự án đảm bảo kế hoạch đề ra.