Bài ca kết đoàn trên các khu dân cư Hà Tĩnh
Thường, trong những ngày cả thành phố xôn xao đón mừng ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, tôi lại nhớ làng quê của mình. Nỗi nhớ miên man đưa tôi đến con ngõ dẫn vào ngôi nhà bên cạnh trường cấp 2 của tôi.
Ở đó có thầy giáo già dạy Toán miễn phí cho bầy trẻ nhỏ. Kỳ lạ là, thầy thường bắt đầu bài dạy của mình bằng câu ca dao: "Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn".
Thầy dạy Toán nhưng lại bắt đầu giờ học bằng một câu ca dao. Tôi đem thắc mắc đó về hỏi bố tôi. Người nói rằng, bởi cha của thầy là cán bộ tiền khởi nghĩa, thầy cũng là một người trở về từ chiến trận, hơn ai hết, thầy muốn dạy các con bài học làm người, bài học về nghĩa đồng bào. Bố tôi còn giảng giải thêm về ý nghĩa của câu ca dao đó và đọc thêm cho tôi nghe lời dạy của Bác Hồ về tình đoàn kết dân tộc: "Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công".
Những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, lúc thầy giáo già dạy chúng tôi về tình yêu thương đồng bào ấy, có lẽ chưa một ai trong chúng tôi, kể cả thầy giáo có ý niệm về ngày hội đại đoàn kết. Lúc ấy, chuyện quan trọng nhất là chuyện cơm áo. Chúng tôi đi học vì cha mẹ kỳ vọng về một sự đổi đời từ tri thức. Cả chúng tôi cũng mang trong mình một khát vọng đổi đời, thoát ly từ học tập. Nhưng thầy tôi vẫn muốn dạy chúng tôi bài học trước hết - bài học làm người. Và, bằng một con đường tưởng chừng như không chính thống ấy, chúng tôi đã thấm nhuần vào tâm khảm bài học về tình yêu thương, trách nhiệm phải yêu thương đồng bào của mình.
Tôi đã lớn lên trong bài học của thầy cô, trong lời dạy của cha mẹ, trong những trang sách. Tiến trình lịch sử của đất nước cho tôi hay rằng, tình đoàn kết, yêu thương nhau là cơ sở của lòng yêu nước. Từ hàng nghìn năm trước, cha ông ta đã dạy: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Chính từ trong những lời dạy đó mà ở đâu trên đất nước Việt, các thế hệ lại nối tiếp nhau sống trong chan hòa, trìu mến, thương yêu nhau.
Trong chiến tranh, người ta đã đem những mối cảm tình nhỏ bé ấy nhen nhóm cùng nhau để thổi bùng lên ngọn lửa của tình đoàn kết, tạo nên sức mạnh của dân tộc. Trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, tình đoàn kết dân tộc chính là sức mạnh để vượt qua khó khăn, để có thể chuyển bại thành thắng, để từ trong gian khổ, thiếu thốn vẫn có thể hết lần này đến lần khác đánh đuổi quân thù.
Nhìn lại lịch sử, năm 1945, khi đất nước lâm vào nạn đói, những hũ gạo cứu đói lần lượt ra đời. Đó là lúc nghĩa đồng bào, sức mạnh của tình đoàn kết trỗi dậy hơn bao giờ hết. Sau này, trong các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, nghĩa đồng bào còn được thể hiện rõ hơn bằng rất nhiều hành động “quên mình” vì người khác, quên mình vì Tổ quốc.
Vì sao trong những năm chống Mỹ ác liệt, người Tây Nguyên lại hạt muối cắn đôi tặng cho Bộ đội Cụ Hồ. Vì sao bộ đội ta đi đến đâu cũng nhận được sự chở che, đùm bọc của người dân bản xứ… Là bởi vì, nghĩa tình đồng bào đã chảy trong huyết quản, đã trở thành một đạo lý của người Việt. Chính vì tình yêu thương đó mà tất cả các dân tộc anh em, dù khác nhau về văn hóa, tập quán vẫn có chung một lòng yêu nước, thương nòi.
Còn nhớ, trong những năm tháng đầu tiên của đời học sinh, tôi đã đem 1 trong 5 lời dạy thiếu niên, nhi đồng của Bác Hồ về hỏi bố tôi. Rằng, muốn “yêu Tổ quốc, yêu đồng bào” thì phải làm thế nào? Bố tôi nhẹ nhàng nói, chuyện đó rất đơn giản, chỉ cần con luôn đoàn kết, yêu thương bạn bè, thương yêu người thân, họ hàng, làng xóm, sống chân tình, hòa thuận với mọi người thì đó là con đang yêu đất nước mình.
Sau này, càng lớn lên, tôi càng thấm nhận được thật nhiều từ lời dạy của bố. Những việc lớn đều bắt đầu từ những hành động nhỏ. Tình yêu Tổ quốc, tình yêu đồng bào không phải là thứ vô hình, xa xôi. Nó gần gũi và hiển hiện quanh ta mỗi ngày. Biểu hiện đầu tiên của nó chính là xây dựng mối đoàn kết bền vững trong gia đình và cộng đồng mình đang sống. Đạo lý yêu thương đồng bào luôn nhắc nhở tôi biết chia ngọt sẻ bùi, biết yêu thương đùm bọc. Cho tôi niềm tin về sức mạnh giống nòi, về lòng tự hào dân tộc…
Ngày nay, khi đời sống kinh tế, xã hội thay đổi, truyền thống đoàn kết, yêu thương nhau của người Việt lại được biểu hiện theo rất nhiều cách. Tôi đã nhìn thấy những dòng họ, mấy đời con cháu sum vầy, tôi đã nhìn thấy những ngõ quê, đường phố, những thôn làng, phường xã được bà con đồng trí, đồng tâm trong những công việc chung. Tôi cũng đã nhìn thấy rất nhiều tấm lòng thiện nguyện trong thiên hạ. Bao nhiêu làng quê chịu thiên tai đã được chung tay giúp đỡ. Bao nhiêu mảnh đời cơ cực, thiếu thốn cũng đã và đang nhận được sự chia sẻ, chở che từ ánh sáng thiên lương trong những tâm hồn Việt trên bốn phương trời.
Đại đoàn kết hiện nay được toàn dân coi là ngày hội. Nhiều nơi tổ chức sinh hoạt theo chủ đề đồng thời cũng là dịp đánh giá lại các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Chỉnh trang đô thị; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư…
Nhiều nơi lại coi đó là dịp để những người trong thôn, trong tổ dân phố có cơ hội giao lưu, gần gũi với nhau hơn, hiểu nhau và chia sẻ với nhau nhiều điều trong cuộc sống. Từ đó, lại cùng nhau tiếp tục xây dựng khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Tôi đã đi qua những câu ca cổ, đã đi qua những lời dạy của tiền nhân. Cũng đã nghe trong bài ca kết đoàn của Bác, trong những bài học lịch sử của đất nước về ý nghĩa của kết đoàn. Tôi hiểu rằng, dù ở thời đại nào, dù hình thức biểu đạt khác nhau nhưng tình đoàn kết, nghĩa đồng bào vẫn luôn là cơ sở vững bền để dựng xây và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Và, trong những ngày này, khi ngày hội Đại đoàn kết toàn dân đang đến, những tình cảm ấm áp giữa xóm làng, tổ dân phố lại như càng thắm lại…
Phong Linh