Bài cuối: Cán bộ, đảng viên làm gương mẫu mực trước nhất về hành động Liêm, Chính

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Không ai có thể làm thay chính mình về Liêm, về Chính! Đến lượt mỗi đảng viên, cán bộ, phải tự mình giác ngộ. Lấy nhân mà sửa mình, trước nhất là những người mang trọng trách phải làm gương. Cùng với pháp luật thượng tôn, đạo đức hành động Liêm, Chính tự nó ngày càng tỏa sáng.

Cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước, để làm kiểu mẫu cho Dân

Không ai khác, các cán bộ, đảng viên phải làm gương mẫu mực trước nhất về hành động Liêm, Chính và phải hiểu rằng, “tham lam sẽ dẫn đến bất liêm, cho nên, cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước, để làm kiểu mẫu cho Dân… Cán bộ thi đua thực hành liêm khiết, thì sẽ gây nên tính liêm khiết trong Nhân dân. Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn.

Trước mắt, bất cứ ai giữ trọng trách trước Dân, phải thực thi nghiêm các quy định về nêu gương rèn luyện chuẩn mực đạo đức “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Đó là liêm sỉ, là trách nhiệm chính trị và là thước đo phẩm giá cá nhân. Liêm, Chính là sự kết tinh lòng nhân, là tình người của cuộc chỉnh đốn Liêm, Chính hiện nay.

Cán bộ, đảng viên làm gương mẫu mực trước nhất về hành động Liêm, Chính. Ảnh: Tư liệu

Cán bộ, đảng viên làm gương mẫu mực trước nhất về hành động Liêm, Chính. Ảnh: Tư liệu

Rằng, làm một người chân chính thì dù là ai, cũng không thể xa rời Liêm, Chính. Ấy là cái hồn để chăm cho cái căn bản con người ngày càng xứng đáng là Con người, cái cốt để vun cho cái gốc thể chế vững mạnh, dân tộc hùng cường. Đó cũng là những giềng mối căn bản làm nên địa vị, tiếng tăm, sức mạnh một đảng viên, cán bộ; góp phần bảo vệ vị thế, nâng cao sức mạnh đất nước và gìn giữ thanh danh của Đảng, của chế độ. Để xứng là người Liêm, thì bất luận gặp hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham cầu, cũng chẳng muốn ham hố vật chất. Để làm một đảng viên, cán bộ Chính, cũng lại là thấy của người, của quốc gia mà lòng không ham chiếm đoạt một cách phi pháp. Tức là biết xét nét đâu là giới hạn giữa công và tư, rồi không dám làm điều xấu, điều trái với quốc pháp và đạo lý luân thường. Hơn nữa, Liêm, Chính là tinh thần chí công vô tư, “dĩ công vi thượng” và biết quên mình mà làm chuyện ích lợi chung. Người Liêm, Chính thì luôn giữ cho nhân cách mình được vẹn toàn, thanh danh mình được thơm tho, không lợi dụng địa vị mình để chiếm công vi tư, để nhũng nhiễu, bóc lột Nhân dân. Nghĩa là đức hạnh vẹn toàn.

Rằng, một công bộc quốc gia liêm chính phải có đức, tài, biết kính trọng Nhân dân, công chính vô tư. Nếu không tự mình rèn đúc tài đức xứng với danh vị, chức tước và phận vị của mình, nếu không Liêm thì của gì cũng cả gan lấy, không Chính thì việc gì cũng bất chấp làm… thì không chỉ tự mình rước tội, khiến thân bại danh liệt, và thử hỏi còn tai họa nào mà chẳng đến.

Rằng, nếu Liêm là sự trong sạch, Chính là sự ngay ngắn, thì sự bất Liêm, bất Chính ấy là khi mắc sự vẩn đục, khuất tất và tráo trở, không còn xứng đáng với phận vị của mình. Ấy là khi nước còn nghèo, Nhân dân còn thiếu thốn, nhưng bản thân dùng những phương tiện bất Chính để trở nên “giàu có bất thường”, dư dật kệch cỡm... Ấy là khi tài đức không xứng với chức vị nhưng bằng mọi thủ đoạn “đạo” lấy chức vụ, nhưng cam tâm mặc cho cơ đồ tan hoang, nghị quyết không được thi hành, Quốc pháp không được được tuân thủ... chính là làm vấy bẩn sự Liêm, Chính và xâm phạm lợi ích của Nhân dân và của quốc gia. Nên nhớ, “sinh hoạt vật chất, hết thời người đó là hết. Còn tiếng tăm xấu hay tốt, sẽ truyền đến ngàn đời sau”(24), như Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo.

Hơn ai hết, đảng viên, cán bộ thức tỉnh và tự thức tỉnh. Đồng thời, biểu dương những hành động giữ mình thanh liêm, không phù hoa xa xỉ, không sa vào trộm cắp, lấy Liêm để răn mình, lấy Chính để sửa mình, góp sức sửa sang thể chế, đặng tu dưỡng chính khí, khắc chế mọi hủ bại… Phải ra sức thực hành chữ Liêm, bắt đầu bằng những việc cụ thể, như “tuyệt đối không đem của công dùng vào việc tư, không động đến cái kim sợi chỉ của dân;... mua bán phải công bình, mượn cái gì phải trả tử tế, hỏng cái gì phải bồi thường”(25). Quản lý, sử dụng tài sản công đúng mục đích, đúng quy định; tiết kiệm và hiệu quả; không xa hoa, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức và các nguồn lực vật chất khác của tập thể và cá nhân. Vì thế, đảng viên, cán bộ nhất thiết phải Liêm, Chính, cần làm gương cho Nhân dân, vì quyền hành mà họ có nếu không đi liền với lương tâm và liêm sỉ sẽ sa vào đục khoét của công, ăn của đút lót của Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ không chỉ thực hành chữ Liêm mà còn phải có trách nhiệm giáo dục đức liêm cho người khác, nếu không, dù họ trong sạch đến mấy vẫn chỉ là “liêm một nửa”(26). Nếu không Liêm thì cái gì cũng mưu đoạt lấy, nếu không Chính thì việc gì cũng mưu mô, rắp tâm cả gan mà làm.

Những đảng viên giữ chức vụ càng cao trong hệ thống chính trị càng phải tự răn lấy mình, tự mình nêu gương về đạo đức. Đặc biệt, người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền các cấp... phải Gương mẫu - Trung thực - Trong sạch - Liêm sỉ và Kỷ luật. Người đứng đầu ở tất cả các cấp trong hệ thống chính trị, trước hết là các chính trị gia, phải thật sự nêu gương cao nhất về thủ pháp cầm quyền và tuân thủ vô điều kiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trước hết về đạo đức, lối sống, về tư cách làm người chân chính. Đây không chỉ là đạo lý mà còn là trách nhiệm chính trị.

Công luận - nơi Nhân dân nói và nơi nói tiếng nói phụng sự Nhân dân giám sát, giữ gìn Liêm, Chính

Thực tiễn đang cho thấy, trong cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt việc gìn giữ, cổ vũ và thực hành Liêm, Chính, không ít cấp, không ít phương diện, không ít người coi nhẹ, thiếu sự tham gia của báo chí đã lâm vào khó khăn nan giải, khủng hoảng nghiêm trọng; không ít cơ quan dưới mọi mánh lới ngăn cản công tác báo chí đã bị cô lập, thoái bộ; thậm chí cả một số người dùng nhiều thủ đoạn hoặc là bóp nghẹt hoặc là mua chuộc báo chí và công luận… đã tự mình chuốc lấy hậu họa khôn lường. Và, không ít cơ quan báo chí chưa coi trọng nhiệm vụ này và không ít nhà báo, theo đó, cũng “nhúng chàm”. Đây là một “khoảng trống” nguy hiểm trong cuộc chỉnh đốn Liêm, Chính.

Đó cũng là thách thức rất nan giải từ bên trong của báo chí và những người làm báo nước nhà. Phải xây dựng đội ngũ những nhà báo thật sự Liêm, Chính, giỏi nghề, với trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm nghề nghiệp và trách nhiệm đạo đức xứng đáng để nghiên cứu và tác nghiệp về lĩnh vực Liêm, Chính.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã nông nghiệp Tân Lập, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (năm 1958). Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã nông nghiệp Tân Lập, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (năm 1958). Ảnh: Tư liệu

Mỗi tờ báo và tạp chí không chỉ là nơi Nhân dân nói mà còn phải là nơi nói tiếng nói phụng sự Nhân dân, phục vụ cách mạng, trong cuộc chỉnh đốn, gìn giữ và phát triển Liêm, Chính hiện nay.Nghĩa là, phải nắm thật vững “quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho Nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân tức là không phải chân lý”(27), trong tác nghiệp báo chí, không để “kẻ địch chú ý”, “kẻ thù lợi dụng”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn.

Nói khái lược, bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chuyên môn và bản lĩnh nghề nghiệp là ba trụ cột phát triển sức mạnh và trách nhiệm của báo chí trên phương diện khó khăn này.

Cách nay 5 năm, ngày 26.7.2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Tinh thần là phải tiếp tục làm, làm quyết liệt, làm tập trung, dứt điểm những việc đang dở dang, những khâu còn yếu, những địa bàn trọng điểm. Toàn Đảng, toàn Dân quyết tâm. Không có chuyện dừng lại hay ngập ngừng. Mà cũng không thể ngừng lại được. Đây là yêu cầu của cách mạng, tình cảm của Nhân dân, mong muốn của Đảng ta.

Phải khẳng định quyết tâm ấy. Còn trong chúng ta có ai dao động, ngập ngừng thì tự giác báo cáo, xin tự thôi đi. Phải quyết tâm như thế và truyền tinh thần này xuống dưới… Càng che giấu càng mất uy tín”(28).Vì thế, hiện thời, không kiên quyết và kiên trì, không mạnh mẽ và dũng cảm, không thể thành công. Khi Đạo lý chưa đủ răn, Danh dự chưa đủ thức, Đạo đức chưa đủ chuyển, Trách nhiệm chưa đủ buộc, Hậu họa chưa đủ sợ, Tự thân chưa quyết sửa... thì Pháp lý phải được toàn dụng.

Do đó, cần kíp nghiên cứu ban hành một quy định về Liêm, Chính xứng đáng cho mọi cá nhân và mọi tổ chức, không trừ một ai, không ngoại lệ một cấp nào, không bỏ sót một nơi đâu trong toàn hệ thống chính trị. Đồng thời, với việc cải cách lương phù hợp, cần thiết lập quỹ dưỡngLiêm, Chính quốc gia ngang tầm.

Không còn nghi ngờ, trong cuộc chỉnh đốn, gìn giữ, cổ vũ và thực hành Liêm, Chính hiện nay, nếu thiếu sự kiên quyết, kiên trì và sự tham gia của Nhân dân, chắc chắn khiếm khuyết, nhất định gặp rất nhiều khó khăn nan giải, thậm chí rất khó thành công. Đó là trọng trách của các cấp ủy của từng tổ chức trong hệ thống chính trị. Đó cũng là điều tự răn, phương châm tu dưỡng và hành xử của mỗi đảng viên, cán bộ về Liêm, Chính.

Đó cũng là thước đo sự trưởng thành về trách nhiệm, sức mạnh, sứ mệnh và danh dự trước Nhân dân, trước Tổ quốc và chế độ ta của cả hệ thống chính trị, dưới ngọn cờ của Đảng, ngày càng xứng đáng với sự mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

___________

(24) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 537.

(25) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 135.

(26) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 220.

(27) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 216.

(28) Phát biểu quan trọng của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, báo Pháp luật, số ra ngày 26.7.2019.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/bai-cuoi-can-bo-dang-vien-lam-guong-mau-muc-truoc-nhat-ve-hanh-dong-liem-chinh-i380078/