Bài cuối: Chuẩn hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường
Trong đó, lưu ý những sản phẩm có lợi thế, đặc trưng của địa phương, gắn với yếu tố văn hóa, con người ở mỗi khu vực, vùng miền; từng bước định hướng, nâng cao chất lượng, tăng cường đổi mới, sáng tạo...
Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã chủ trì, cùng các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc thù, sản phẩm làng nghề của tỉnh. Đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 3 sản phẩm đặc thù mang địa danh của tỉnh: Chỉ dẫn địa lý “Bà Ðen” cho sản phẩm trái mãng cầu, Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng và Muối ớt Tây Ninh; 3 sản phẩm nhãn hiệu tập thể của địa phương, gồm: nhãn Hòa Thành, xoài tứ quý Thạnh Bắc, rau rừng Lộc Trát.
Để tiếp tục thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản của địa phương, Sở KH&CN tham mưu UBND tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh, đề tài “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Bò Tây Ninh” cho sản phẩm và dịch vụ từ con bò được nuôi, thả trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”.
Tham mưu UBND tỉnh đề xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt nhiệm vụ cấp quốc gia thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ thực hiện từ năm 2022 đối với “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đậu phộng tỉnh Tây Ninh”.
Tham mưu UBND cho phép Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Đồn sử dụng tên địa danh “Bàu Đồn” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm sầu riêng, từ đó, nâng cao khả năng cạnh tranh, đồng thời tạo niềm tin, danh tiếng cho sản phẩm sầu riêng của địa phương đối với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Mặt khác, Sở KH&CN đã cấp 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Bà Ðen” dùng cho sản phẩm trái mãng cầu cho 4 tổ chức, cá nhân để phát huy giá trị tài sản trí tuệ cho sản phẩm trái “mãng cầu Bà Đen” mang chỉ dẫn địa lý; tổ chức gian hàng tham gia quảng bá các sản phẩm đặc thù tại các sự kiện về kết nối cung cầu...
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển tài sản trí tuệ gắn với sản phẩm mang địa danh của địa phương còn gặp một số khó khăn. Phần lớn cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đều nhỏ lẻ; mô hình hợp tác xã hoạt động chưa hiệu quả, chưa thu hút được cơ sở sản xuất tự nguyện tham gia, chưa hình thành được các hiệp hội đứng ra tiếp nhận sử dụng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm dẫn đến giá trị sản phẩm, giá trị tài sản trí tuệ của sản phẩm chưa được nâng cao.
Bên cạnh đó, thời gian công nhận (do Cục Sở hữu trí tuệ công nhận cấp văn bằng) các thương hiệu cho sản phẩm thường kéo dài hơn so với dự kiến cũng gây trở ngại trong xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc thù, đặc trưng…
Bà Lê Thị Mỹ Vân- chủ cơ sở muối tôm Tây Ninh Mỹ Vân (thị xã Trảng Bàng) cho biết, cơ sở thành lập vào năm 1993, bà được Sở KH&CN giải thích, hướng dẫn thực hiện bảo hộ thương hiệu, từ đó đưa sản phẩm ra thị trường, từng bước khẳng định thương hiệu.
Hiện nay, cơ sở có các loại sản phẩm như: muối ớt tôm, muối ớt chay, ngoài ra có thêm muối tiêu, muối sả; sản lượng tiêu thụ khoảng 2 tấn/tháng. Từng có thời gian, sản phẩm muối ớt của cơ sở được xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Mỹ, Canada với số lượng lớn, tuy nhiên, sau dịch Covid-19, chuỗi liên kết của bà bị đứt gãy nên hiện nay sản phẩm chủ yếu tiêu thụ nội địa.
Theo bà Vân, để giữ gìn và phát triển sản phẩm thương hiệu đặc sản Tây Ninh, ngay từ nguồn nguyên liệu đầu vào phải kỹ lưỡng; quá trình sản xuất phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Bà mong muốn thành lập HTX muối ớt để liên kết người sản xuất, đầu vào và đầu ra sản phẩm ổn định, chất lượng, khâu quản lý bài bản, hướng đến xuất khẩu sản phẩm.
Theo chị Lê Thị Thanh Thúy- chủ cơ sở kinh doanh rau rừng, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng (khu phố Lộc Trát, phường Gia Lộc), mặc dù đã trang bị một số máy móc cho quá trình sản xuất bánh tráng nhưng công đoạn phơi sương chủ yếu vẫn phụ thuộc vào thời tiết, những hôm mưa gió không phơi được, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. “Trời mưa thì không phơi được bánh, có nước vô là bánh rã hết, tôi đang nghiên cứu loại máy có thể khắc phục hạn chế này, làm chiếc bánh dịu lại, để trời mưa đỡ vất vả hơn”- chị Thúy nói.
Bà Trần Hồng Hạnh- chủ cơ sở muối tôm Minh Hiến (khu phố Lộc Du, phường Trảng Bàng) cho biết, sản phẩm của cơ sở đã có mặt trên thị trường trên 20 năm, bà muốn đăng ký nhãn hiệu muối tôm của mình để góp phần đem sản phẩm đặc sản Tây Ninh được nhiều người biết đến, qua đó, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Theo Sở NN&PTNT, mặc dù tiềm năng đối với các đặc sản của tỉnh là rất lớn nhưng việc phát triển các sản phẩm này còn nhiều khó khăn. Sự hạn chế trong các khâu tiếp thị, quảng bá, xây dựng thương hiệu… đang là rào cản khiến đặc sản Tây Ninh chưa trở thành sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao.
Các siêu thị yêu cầu sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng bảo hộ, trong khi đó, đa phần sản phẩm đặc sản do các cơ sở nhỏ lẻ sản xuất nên hầu như không đăng ký bảo hộ. Bên cạnh đó, các nguồn cung cấp đặc sản vẫn phát triển theo hướng tự phát, sản xuất theo dạng thủ công rời rạc, công nghệ lạc hậu nên ảnh hưởng lớn đến chất lượng. Đồng thời, do làm theo mùa vụ, thụ động trong khâu sản xuất, chế biến, nguồn hàng cung cấp không ổn định... dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của sản phẩm thấp; việc tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Để phát triển các thương hiệu đặc sản Tây Ninh bền vững và vươn xa, cần tăng cường công tác truyền thông với nhiều hình thức khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở; trên các trang thông tin điện tử dưới dạng bản tin, chuyên đề, câu chuyện gắn với hình ảnh...
Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống tư vấn, đối tác hỗ trợ thực hiện; đào tạo nhân lực; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng an toàn thực phẩm, hữu cơ cho các doanh nghiệp, chủ trang trại và nông hộ. Các ngành chức năng xây dựng các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến công, xúc tiến thương mại, chương trình khởi nghiệp...
Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Các doanh nghiệp sản xuất cần tăng cường hoạt động liên kết, quảng bá sản phẩm tại các tỉnh, thành có thị trường tiêu thụ lớn. Để làm được điều này, Nhà nước cần phải chủ trì những chương trình truyền thông, quảng bá các thương hiệu đặc sản của tỉnh; hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách cho các chương trình kết nối các địa phương để hình thành hệ thống cung ứng và phân phối hàng hóa, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng...
Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất cần xây dựng kế hoạch rõ ràng, dài hạn với mục tiêu cụ thể, thay vì lập kế hoạch từng năm. Đồng thời, thiết lập và thúc đẩy hệ thống phân phối thông qua các trung tâm phân phối đặc sản vùng, từ đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và xuất khẩu”.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ triển khai mạnh mẽ chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Mặt khác, hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách như: hỗ trợ kinh phí thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết, cá nhân, hộ gia đình về chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản; danh mục ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh...
Ngoài ra, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh như: hội nghị yến sào Tây Ninh; hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực miền Trung; hội chợ triển lãm các sản phẩm OCOP tại khu vực Nam bộ; hội chợ triển lãm các sản phẩm OCOP tại khu vực miền Bắc.
Theo Sở KH&CN, Sở sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về sở hữu trí tuệ; triển khai chính sách hỗ trợ về đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ theo Nghị quyết số 42/2022/NQ-HĐND ngày 9.12.2022 của HĐND tỉnh. Tăng cường sự phối hợp của các sở, ngành, đơn vị liên quan trong thực hiện nhiệm vụ, thúc đẩy, phát triển các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ cho các sản phẩm của địa phương. Ngoài ra, tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ về chuyên môn và nguồn lực của Cục Sở hữu trí tuệ trong công tác tạo lập, triển khai phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm đặc thù, đặc trưng của tỉnh.
Ông Hà Minh Dảo- Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng cho biết: “Ngoài việc tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc phát triển các sản phẩm thương hiệu đạt OCOP, UBND Thị xã sẽ tập trung đầu tư phát triển sản phẩm đã được xác định, trong đó, lưu ý những sản phẩm có lợi thế, đặc trưng của địa phương, gắn với yếu tố văn hóa, con người ở mỗi khu vực, vùng miền; từng bước định hướng, nâng cao chất lượng, tăng cường đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là đối với sản phẩm OCOP đạt cấp độ quốc gia nhằm mở rộng và thúc đẩy thị trường.
Mặt khác, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, sản xuất nông nghiệp, văn hóa, làng nghề truyền thống để hình thành các điểm du lịch nông thôn đặc sắc; phát triển sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5 sao) từ một số sản phẩm OCOP cấp tỉnh có chất lượng, sản lượng, hiệu quả kinh tế cao”.