Bài cuối: Chuyển đổi để thích ứng
Bài 1: Nơm nớp nỗi lo sạt lở
Bài 2: Mong manh đê biển
Triển khai các giải pháp chuyển đổi sản xuất để ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là vấn đề cấp bách của các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay.
1. Trên nhiều diễn đàn, hội thảo gần đây, các nhà khoa học liên tục đưa ra các khuyến cáo đối với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL về những tác động hiện hữu của BĐKH, đặc biệt là tình hình hạn mặn, sạt lở, triều cường; đồng thời, khuyến nghị nhiều giải pháp để chuyển đổi cũng như thích ứng với những mối hiểm họa này. Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH (Trường Đại học Cần Thơ), ĐBSCL được xem là khu vực dễ bị tổn thương do những tác động của BĐKH.
Khu vực ven biển Gò Công chuyển đổi mạnh từ đất lúa sang cây thanh long.
Thời gian qua, nhiều giải pháp thích ứng BĐKH đã được nông dân các nơi triển khai và bước đầu cho thấy hoàn toàn phù hợp với sự thay đổi tự nhiên, các biến động của thời tiết, giúp cải thiện sinh kế, thu nhập và giảm thiểu rủi ro. Có thể kể ra các mô hình canh tác lúa chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang các hình thức canh tác bền vững hơn trên nền lúa như: Lúa - cá, lúa - tôm, lúa - sen…; đồng thời, kết hợp với chế biến nông sản, làm du lịch. Đây là các mô hình “thuận thiên” theo hướng bảo vệ môi trường, duy trì hệ sinh thái và ứng phó với các BĐKH, rất hợp lý với tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH.
Thực tế cho thấy, đợt hạn, mặn “lịch sử” năm 2016 gây cho ĐBSCL thiệt hại nặng nề. Theo dự báo, năm nay, hạn, mặn sẽ đến sớm, ảnh hưởng trực tiếp đến ĐBSCL. Trong chuyến làm việc tại Tiền Giang gần đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khuyến cáo, tình hình hạn, mặn năm nay sẽ đến sớm hơn mọi năm nhưng sẽ không bằng đợt hạn, mặn “lịch sử” cuối năm 2015 đầu năm 2016.
Nếu trong điều kiện bình thường, diện tích lúa đông xuân ở ĐBSCL khoảng 1,6 triệu ha thì với dự báo xâm nhập mặn năm 2019 - 2020 và có sự chủ động thích ứng, giảm thiểu tối đa thiệt hại, diện tích lúa canh tác dự kiến còn khoảng 1,55 triệu ha. Với diện tích lúa đông xuân giảm 50.000 ha, các địa phương trong vùng ĐBSCL cần chủ động chuyển đổi diện tích lúa ở những chân ruộng cao sang cây trồng cạn, chú ý lựa chọn cây có hiệu quả kinh tế cao, tính toán liên kết chế biến và tiêu thụ. Với diện tích thấp, các địa phương cần tăng cường phương thức lúa - tôm…; đồng thời, đẩy sớm khung thời vụ xuống giống ngay từ tháng 10.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đảm bảo nước phục vụ sản xuất trong mùa khô 2019 - 2020, đối với vùng Ngọt hóa Gò Công, ngành Nông nghiệp sẽ rà soát lại diện tích lúa thu đông trễ vụ để khuyến cáo thực hiện các vụ chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng nhằm hạn chế thiệt hại do hạn, mặn gây ra; huy động đủ lượng máy bơm tổ chức bơm chuyền 2 cấp, bơm trữ nước trên kinh, ao mương. Trong trường hợp hạn đến sớm, tổ chức vận hành lấy gạn nước ngọt qua các cống Xuân Hòa, Rạch Chợ để tiếp nước cho diện tích lúa ở vùng Ngọt hóa Gò Công.
Đối với vùng Bảo Định, thường xuyên quan trắc mặn để có kế hoạch ngăn mặn và bơm chống hạn kịp thời trong điều kiện cho phép. Đồng thời, phối hợp với tỉnh Long An tổ chức vận hành công trình hợp lý và kiểm tra triệt để công tác ngăn mặn từ hướng sông Vàm Cỏ xâm nhập qua các vị trí bỏ ngỏ đi vào kinh Bắc Đông theo rạch Láng Cát đi ngược về các tuyến kinh nội đồng như: Trương Văn Sanh, Tràm Mù, Nguyễn Văn Tiếp, khu vực này còn 5 vị trí bỏ ngỏ.
Riêng diện tích vườn cây ăn trái ở các huyện phía Tây cần thường xuyên quan trắc để có kế hoạch đắp đập ngăn mặn và chuẩn bị sẵn sàng thiết bị để đắp các đập. Đối với các đê bao khép kín (sông Ba Rài), nếu trường hợp mặn lớn hơn 0,5 gram/lít thì tiến hành đóng tất cả các cống; chỉ lấy nước ở các cống trên tuyến sông Ba Rài khi độ mặn cho phép. Đối với khu vực không khép kín, thường xuyên quan trắc, theo dõi diễn biến tình hình mặn để thông tin cho các địa phương biết.
Tình trạng xâm nhập mặn đang có xu hướng đi sâu vào đất liền, không chỉ ảnh hưởng đến vùng ven biển, sản xuất lúa mà còn ảnh hưởng đến vùng chuyên canh cây ăn trái của nhiều tỉnh, thành ĐBSCL. Theo đánh giá của Viện Cây ăn quả miền Nam, để ứng phó với tình trạng hạn, mặn, nông dân cần dự trữ nước ngọt trong mương để tưới cho cây trong những tháng nước mặn hoặc dự trữ trong những túi nilon dày và đặt dưới gốc cây để tưới cho cây trồng trong những tháng nước mặn. Đồng thời, hạn chế tối đa việc tưới nước nhiễm mặn cho cây trồng khi độ mặn ≥10/00 đối với nhóm cây mẫn cảm với mặn như: Chuối, nhãn, đu đủ, chanh dây, sầu riêng… Bên cạnh đó, nhà vườn không nên xử lý cây ra hoa trong giai đoạn này nếu nguồn nước tưới không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây khi đậu trái và phát triển trái. Nông dân có thể phun phân bón lá có chứa Kali, Canxi, Mg, Silic giúp cây tăng đề kháng, tăng khả năng chịu hạn, chống chọi với nhiễm mặn, cứng cây, không đổ ngã…
BĐKH đang tác động mạnh mẽ đến đời sống, sinh kế của người dân; trong đó, lĩnh vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Do đó, về lâu dài, PGS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng, cần có những điều chỉnh lịch thời vụ kịp thời, đẩy mạnh nghiên cứu tìm ra các giống cây, con mới có thể chịu đựng khô hạn, nhiễm mặn tốt hơn. Trong canh tác nông nghiệp, tưới tiết kiệm nước sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và phù hợp với sự suy kiệt nguồn nước. Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp công trình trữ nước, phục hồi nước ngầm, bảo tồn các vùng đất ngập nước, xây dựng và khai thác các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, dòng chảy..) nhằm phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
2. Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, Tiền Giang đã triển khai các giải pháp để ứng phó, các mô hình sản xuất thích ứng BĐKH. Đồng thời, Tiền Giang cũng đang nỗ lực để chuyển đổi sản xuất thông qua những việc làm và giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện thực tiễn. Phương châm của tỉnh là biến thách thức, trở ngại thành cơ hội phát triển bền vững, phù hợp chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát huy tiềm năng đất đai, lao động, giúp nông dân làm giàu. Thực tế cho thấy, tại những khu vực ven biển, người dân đã mạnh dạn chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây thanh long, hoa màu, trồng cỏ chăn nuôi bò, dê… cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa.
Theo đó, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa với diện tích hơn 12.900 ha. Trong đó, chuyển sang cây ăn trái trên 9.850 ha, chuyển sang trồng hoa màu chuyên canh và nuôi trồng thủy sản hơn 3.000 ha. Ngoài ra, tỉnh còn luân canh hoa màu trên nền đất lúa bình quân mỗi năm trên 10.000 ha. Riêng các huyện phía Đông của tỉnh, thực hiện Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”, đến nay tỉnh đã thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng 20.104 ha.
Trong điều kiện BĐKH, thiếu nước sinh hoạt đang trở thành vấn đề lớn đối với Tiền Giang và nhiều tỉnh, thành khác trong khu vực. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đảm bảo nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2019 - 2020, Tiền Giang sẽ tiến hành nạo vét ao chứa và chủ động bơm bổ cấp nguồn nước để tăng khả năng trữ ngọt, sẵn sàng phục vụ cấp nước trong mùa khô. Song song đó, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang xây dựng kế hoạch điều tiết nguồn nước từ Nhà máy nước Đồng Tâm với các trạm đã được đấu nối để đảm bảo việc cấp nước của các trạm trong mùa khô năm 2020. Đồng thời, tập trung thi công, lắp đặt và đưa vào sử dụng công trình nâng cấp tuyến ống chuyển tải HDPE từ Trạm Cấp nước Phú Thạnh đến Trạm Cấp nước Phú Đông (huyện Tân Phú Đông). Ngoài ra, tỉnh sẽ tiến hành đầu tư phát triển các tuyến ống đến cụm dân cư trên địa bàn các huyện phía Đông của tỉnh chưa có đường ống nước kéo đến; mở 106 vòi nước công cộng cho nhân dân ở các khu vực ven biển, ven sông, các hộ dân thuộc các xã vùng sâu chưa có nước từ trạm cấp nước tập trung tại các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông và TX. Gò Công (từ tháng 3 đến giữa tháng 6-2020).
Tân Phú Đông là một trong những huyện của tỉnh được đánh giá sẽ chịu nhiều tác động của BĐKH ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh kế của người dân. Để thích ứng với BĐKH, theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Phú Đông Võ Ngọc Chiến, thực hiện Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”, địa phương phấn đấu đến năm 2020 trên địa bàn sẽ không còn đất sản xuất lúa. Hiện địa phương đang khuyến cáo người dân giữ vững diện tích trồng dừa, mãng cầu Xiêm và phát triển cây sả. Đây là những cây trồng chủ lực của huyện và được định hướng phát triển phù hợp với điều kiện dễ bị ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn.
Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng, đến nay tỉnh đã có nhiều giải pháp ứng phó tình trạng hạn, mặn; trong đó, được sự hỗ trợ của Trung ương và ngân sách địa phương, hệ thống cống vùng Ngọt hóa Gò Công đã được tỉnh xử lý cơ bản đảm bảo ngăn mặn, cống Xuân Hòa cũng được đầu tư… Nếu vụ đông xuân 2019 - 2020, hạn, mặn xảy ra như mức độ năm 2016 thì Tiền Giang có thể vượt qua.