Bài cuối: Cơ hội để thích ứng và thay đổi
Từ những con số tăng trưởng mà ngành nông nghiệp đạt được, chuyên gia này cho rằng nông nghiệp là bệ đỡ, tấm khiên vững chắc của nền kinh tế. Ngành nông nghiệp đã nhập cuộc kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, phân phối, lưu thông, chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp.
Mặc dù chịu rất nhiều tác động bởi đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác, nông nghiệp vẫn tiếp tục khẳng định là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế. Trong đại dịch, nông nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp, nông dân trên địa bàn tỉnh chủ động điều chỉnh hướng phát triển bền vững, từng bước chuyển dịch từ phương thức nuôi, trồng truyền thống sang sản xuất an toàn, hữu cơ, quan tâm xây dựng thương hiệu nông sản, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử…
Tăng trưởng ổn định
Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Nhìn lại công tác chỉ đạo, điều hành vượt khó của ngành nông nghiệp giữa đại dịch Covid-19”, do Bộ NN&PTNT phối hợp Báo Nông thôn ngày nay tổ chức ngày 11.11 vừa qua, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, nếu dùng một chữ để nói về ngành nông nghiệp trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, thì đó là từ “An”.
Theo ông, đó là an toàn quốc gia về mặt năng lượng, an tâm về an ninh lương thực và an lành nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ những con số tăng trưởng mà ngành nông nghiệp đạt được, chuyên gia này cho rằng nông nghiệp là bệ đỡ, tấm khiên vững chắc của nền kinh tế. Ngành nông nghiệp đã nhập cuộc kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, phân phối, lưu thông, chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp.
Đối với Tây Ninh, từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất nông - lâm - thủy sản chịu nhiều tác động của dịch bệnh nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định, hầu hết các sản phẩm chủ lực đều duy trì sản xuất; nông sản được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường trong nước.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến tháng 11.2021, toàn tỉnh chuyển đổi gần 206 ha cây trồng, chủ yếu từ mía, mì sang trồng cây ăn quả; giá trị sản phẩm bình quân thu được trên một héc-ta đất trồng trọt đạt 102 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng so với năm 2020.
Năm 2021, khối lượng củ mì đưa vào chế biến đạt trên 3,8 triệu tấn, tăng 2,45% so cùng kỳ, sản xuất được trên 954.000 tấn bột, giá thu mua củ mì tươi dao động từ 3.300 đồng đến 3.700 đồng (30 chữ bột) tùy khu vực và tùy thời điểm. Tỉnh phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, sẽ sớm đưa vào sản xuất giống mì mới kháng bệnh khảm lá và năng suất cao hơn trong thời gian tới.
Chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ nhỏ lẻ, không bảo đảm an toàn sinh học, hiệu quả thấp sang hình thức quy mô trang trại, an toàn sinh học. Trên địa bàn tỉnh có 612 trang trại gia súc với tổng đàn trên 192.000 con và 112 trang trại gia cầm với tổng đàn 5,6 triệu con. Ngành Nông nghiệp tiếp tục khuyến khích các cơ sở chăn nuôi đạt chứng nhận VietGAHP, lũy kế đến nay có 62 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận.
Để xử lý các ổ dịch tả heo châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu bò, ngành Nông nghiệp của tỉnh triển khai quyết liệt các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật. Tính đến ngày 1.12, toàn tỉnh cơ bản hoàn thành việc tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò với 43.197 con được tiêm.
Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi khai báo kịp thời cho chính quyền địa phương và cơ quan Thú y gần nhất khi có động vật bệnh, nghi bệnh để kịp thời xử lý. Vận động người dân thực hiện “5 không” trong phòng, chống dịch: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển động vật bệnh, động vật chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt động vật bệnh, chết; không vứt xác động vật ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Ngành Nông nghiệp phối hợp UBND xã giám sát, hướng dẫn người chăn nuôi nhốt toàn bộ trâu, bò tại vùng dịch, cách ly chăm sóc bò bệnh, làm mùng chống côn trùng chích; tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng liên tục trong vòng 3 tuần tại các hộ chăn nuôi có gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh.
Nông nghiệp hữu cơ-hướng đi tất yếu
Tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, địa phương mới đây, trả lời ý kiến của người dân về tình hình giá vật tư nông nghiệp tăng, ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá cả vật tư nông nghiệp tăng không chỉ ở Tây Ninh mà diễn ra trên cả nước và toàn cầu, hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Với vai trò quản lý nhà nước, ngành đã kiểm tra và chưa phát hiện trường hợp nào găm hàng, tăng giá, đầu cơ; tuy nhiên, ngành tăng cường phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, xử lý những trường hợp đưa phân bón kém chất lượng, phân bón giả ra thị trường.
Ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân nên thay đổi cách sử dụng phân bón, tăng cường dùng phân chuồng, phân xanh; tiết kiệm phân hóa học bằng cách pha loãng phân vào nước để tưới; cày lấp dưới đất thay vì rải trên mặt đất.
“Chúng tôi đang có chương trình hướng dẫn người nông dân sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP, bảo đảm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất an toàn, hiệu quả cao, từ đó nông sản dễ tiêu thụ hơn.
Ngành Nông nghiệp của tỉnh tiếp tục xây dựng và áp dụng hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc, tem truy xuất nguồn gốc, đăng ký thông tin vùng trồng; đẩy mạnh các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị”, ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ.
Trên thực tế, những doanh nghiệp, hộ nông dân làm nông nghiệp với cái “tâm”, nhạy bén với thị trường, sản phẩm của họ làm ra đạt các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, an toàn với sức khỏe và môi trường đều chứng minh khả năng vượt khó và thành công giữa đại dịch.
Thương hiệu Natani là một ví dụ điển hình. Trong đại dịch Covid-19, sản phẩm mãng cầu Bà Đen của Công ty Natani vẫn xuất khẩu sang các thị trường Trung Đông, Bắc Mỹ, các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Canada…
Số lượng xuất khẩu tuy chưa nhiều nhưng là một tín hiệu rất tích cực, cho thấy hướng đi đúng của một doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Natani phối hợp với nhà vườn tạo thành một chuỗi liên kết, trong đó, công ty cung cấp kỹ thuật, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ vi sinh nhằm bảo đảm chất lượng, tăng sức đề kháng cho cây, cải tạo đất bằng phân vi sinh giúp đất tơi xốp tự nhiên, nói không với thuốc BVTV, phân bón hóa học để phát triển theo hướng nông nghiệp bền vững, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường thế giới. Khi trái mãng cầu còn xanh, nông dân bao trái bằng hai lớp lưới xốp dày, ngăn chặn các loại côn trùng chích và đẻ trứng lên trái.
Song song việc quản trị chất lượng sản phẩm, Natani phát huy tốt giá trị của chỉ dẫn địa lý và không ngừng xây dựng thương hiệu nông sản, nghiên cứu chế biến sâu sản phẩm mãng cầu Bà Đen để thị trường ngày càng rộng mở, đi xa hơn.
Tại ấp Bình Long, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, từ năm 2013 đến nay, xác định mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, 12 thành viên tổ hợp tác sản xuất rau sạch do ông Lương Quang Mai làm tổ trưởng đều hạn chế sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Năm 2017, quy trình canh tác của tổ hợp tác sản xuất rau sạch được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ông Lương Quang Mai cho biết, tổng diện tích trồng rau của tổ gần 2 ha, mỗi ngày cung cấp hàng tấn rau cho các chợ, cửa hàng kinh doanh thực phẩm khu vực thị trấn Châu Thành và thành phố Tây Ninh.
Trong quá trình trồng rau, các thành viên tổ hợp tác đều sử dụng phân chuồng hoai mục để bón lót khi làm đất và phân hữu cơ vi sinh trong quá trình sinh trưởng của cây rau. Nhờ vậy, đầu ra sản phẩm rau của tổ luôn ổn định.
“Nhiều lần, đại diện Bách Hóa Xanh có liên hệ nhờ làm đầu mối cung cấp rau sạch cho các cửa hàng tại địa phương. Tuy nhiên, sản lượng rau của tổ đã có mối riêng, thậm chí còn thiếu nên tôi không đồng ý việc này”- ông Lương Quang Mai chia sẻ.
Theo ông Mai, thời gian gần đây, giá cả nhiều mặt hàng vật tư đầu vào như phân bón tăng cao ảnh hưởng phần nào đến lợi nhuận của nông dân, vì nhiều loại phân hữu cơ vi sinh cũng tăng theo phân bón hóa học.
Hiện tại, giá các loại hạt giống rau tăng gấp ba lần so với trước đây, nhưng nhờ rau thành phẩm được giá (trung bình trên 15.000 đồng/kg tùy loại) và các chợ hoạt động bình thường nên việc sản xuất rau của tổ vẫn tiến triển tốt.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ cung cấp thực phẩm an toàn cho con người mà còn giúp tạo hệ sinh thái bền vững, bảo vệ môi trường. Lợi ích của nông nghiệp hữu cơ đã rõ, nhưng để chuyển từ nhận thức thành hành động, từng bước thay đổi phương thức nuôi trồng truyền thống, giảm dần dư lượng thuốc BVTV, kháng sinh trong cây trồng, vật nuôi là một quá trình lâu dài.
“Nhìn chung, người dân biết lợi ích của phân hữu cơ vi sinh, nhưng phân bón này có giá đắt hơn phân vô cơ, và hiện tại, các nhà máy không còn chính sách trả chậm nên người dân chưa quan tâm sử dụng, đa số họ vẫn quen dùng phân vô cơ”, ông Nguyễn Ngọc Tính- Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Châu cho biết. Đây là thực tế chung về nhận thức và hành động của nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh.
Do đó, trong thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh- đặc biệt là ngành Nông nghiệp cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân từng bước thay đổi nhận thức, chuyển sang sản xuất hữu cơ theo đúng tinh thần của “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030” và “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-cuoi-co-ho-i-de-thi-ch-u-ng-va-thay-do-i-a139799.html