Bài cuối - Di sản bản địa thành sức hút toàn cầu
Những làng ven biển miền Trung, nơi lưu giữ ký ức ngư dân ngàn đời gắn với sóng nước đang bước vào một hành trình mới. Từ những không gian sinh hoạt cộng đồng truyền thống, họ vươn mình thành điểm đến du lịch, vừa bảo tồn di sản vừa tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương.
Hơi thở văn hóa làng biển miền Trung: Bài 2: Vòng xoáy đô thị hóa và nguy cơ “hóa thạch văn hóa”Hơi thở văn hóa làng biển miền Trung: Bài 1 - Mạch sống từ làng ra khơi
Khởi nguồn từ bản sắc
Dọc dải ven biển miền Trung từ Huế, Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, không ít ngôi làng vẫn giữ được nếp sống truyền thống: nhà ngói rêu phong, nghề làm nước mắm, đan lưới, lễ hội cầu ngư, những điệu hò ru con vang vọng giữa trưa nắng biển. Đây không chỉ là ký ức văn hóa mà còn là tài nguyên du lịch quý giá.

Những ngôi làng nhỏ bé, nép mình bên chân sóng nhưng chứa đựng trong nó là chiều sâu, bề dày văn hóa truyền thống đa dạng mà du khách mong muốn được tìm hiểu
Tại làng Nam Ô (Đà Nẵng), làng Gành Yến (Quảng Ngãi), làng chài Phú Thuận (Huế), các chương trình du lịch cộng đồng đang dần định hình. Du khách không chỉ đến ngắm cảnh mà còn được hòa vào đời sống dân cư: theo thuyền đánh cá, học làm mắm, nghe hát bả trạo, đan lưới và đặc biệt là cùng ngồi lại nghe kể chuyện làng, chuyện biển từ chính những người lớn tuổi.
Ông Trần Thanh Vân, ở làng Gành Yến cho biết: “Trước đây người ta nghĩ du lịch là phải khách sạn, dịch vụ. Nhưng giờ, họ muốn về làng, được sống như người bản địa. Văn hóa của mình chính là thứ giữ chân du khách”.

Du khách về làng nghe chuyện làng
Không giống mô hình du lịch đại trà, du lịch cộng đồng gắn với văn hóa làng biển đề cao tính trải nghiệm, tính bản địa và tính cộng đồng. Chính cư dân là trung tâm, họ vừa là chủ thể văn hóa vừa là người trực tiếp hưởng lợi từ hoạt động du lịch.
Tại phường Hải Vân (Đà Nẵng), mô hình "mỗi làng một sản phẩm" đang mở rộng ra các xã, phường ven biển. Các nhóm cộng đồng tự tổ chức tour du lịch ngắn ngày, khai thác lễ hội địa phương, ẩm thực truyền thống và nghề thủ công.
Du khách được ăn, ở homestay với dân làng, cùng nấu ăn, đi chợ, học hát ru, thăm rừng ngập mặn, câu cá đêm ven sông Cu Đê.

Trải nghiệm cùng ngư dân thu hoạch hải sản theo cách truyền thống không phải điểm đến du lịch nào cũng có
Ở Huế, làng Thái Dương Hạ nổi tiếng với lễ hội cầu ngư ba năm một lần, nay được tích hợp vào các tuyến du lịch sinh thái – văn hóa ven biển. Quảng Ngãi cũng đang triển khai chương trình số hóa thông tin di sản vùng Sa Huỳnh, kết hợp với trải nghiệm làng biển, nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch ngoài các bãi biển thương mại.
Từ làng ra thế giới
Dù tiềm năng lớn, nhưng việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa vùng ven biển vẫn còn nhiều rào cản.
Trước hết là về nhân lực, người dân phần lớn chưa có kinh nghiệm làm du lịch, kỹ năng tiếp đón còn hạn chế. Hạ tầng đường sá, vệ sinh, an toàn thực phẩm, dịch vụ đi kèm… cũng là vấn đề.

Mỗi làng biển lại chứa dựng nét văn hóa biển, câu chuyện biển riêng có
Ngoài ra, một số địa phương chưa có quy hoạch cụ thể, chưa xác định rõ đâu là làng biển có khả năng phát triển du lịch cộng đồng bền vững.
Việc đầu tư đôi khi mang tính phong trào, thiếu chiều sâu dẫn đến hiệu quả thấp. Không ít nơi có nguy cơ thương mại hóa quá mức, làm mất đi sự nguyên bản, điều mà du khách quốc tế rất trân quý.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng với sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, cộng đồng và doanh nghiệp, du lịch cộng đồng làng biển hoàn toàn có thể là “hướng đi kép”: bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế.

Trong những làng biển của dọc dải mảnh đất miền Trung, không khó để tìm thấy những di sản của cư dân bản địa và đi kèm theo nó là những câu chuyện về đời sống văn hóa ven biển
Điều cốt lõi là giữ được tính ‘sống’ của văn hóa, không biến làng thành sân khấu. Mọi trải nghiệm phải là thực, từ con người đến câu chuyện, món ăn. Khi làm được điều đó, du khách sẽ quay lại, sẽ kể cho bạn bè quốc tế về một Việt Nam sâu sắc và độc đáo.
Để lan tỏa mô hình này, các địa phương cần xây dựng đề án cụ thể về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng biển gắn với phát triển du lịch.
Có thể tổ chức các cuộc thi sáng tạo sản phẩm du lịch văn hóa biển, chương trình đào tạo “người kể chuyện” cho các nghệ nhân, tài trợ phục dựng không gian làng cổ, kết nối với các trường đại học và tổ chức quốc tế để đưa sản phẩm du lịch cộng đồng vươn ra thế giới.
Đặc biệt, ứng dụng công nghệ như xây dựng bản đồ số du lịch, tạo các nền tảng giới thiệu văn hóa bản địa bằng đa ngôn ngữ, thực hiện tour ảo… sẽ giúp các làng biển tăng khả năng tiếp cận du khách toàn cầu.
Sự trỗi dậy của du lịch trải nghiệm, du lịch nhân văn và du lịch sinh thái là cơ hội cho các làng biển miền Trung. Nếu biết giữ lấy “hồn” làng, thổi vào đó những hình thức thể hiện mới, thì không chỉ khách trong nước mà du khách quốc tế cũng sẽ tìm về, như tìm một miền ký ức và văn hóa sống động.
Những điệu hò ru con, lễ hội cầu ngư, vị mắm nồng nàn và câu chuyện ngư dân… rồi sẽ được kể lại bằng nhiều ngôn ngữ. Và những làng ven biển nhỏ bé hôm nay sẽ là cánh cửa mở ra để thế giới hiểu hơn về một dải đất miền Trung giàu truyền thống và khát vọng vươn lên.