Bài cuối: Đổi mới thực chất cách tiếp cận giảm nghèo
Để khắc phục hạn chế, góp phần hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1 - 1,5%/năm, trong đó, khu vực miền núi 2 - 3%; đến cuối năm 2025, đạt mức thấp hơn bình quân chung cả nước… tỉnh Nghệ An đang nỗ lực đổi mới thực chất cách tiếp cận về giảm nghèo, tăng cường các chính sách hỗ trợ có điều kiện; khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo…
Nguy cơ tái nghèo còn cao
Những năm qua, các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đã tạo chuyển biến rõ nét về diện mạo hạ tầng cũng như đời sống người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo ở một số địa phương chưa thực sự bền vững; vẫn còn hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới. Đơn cử như huyện vùng cao Kỳ Sơn, toàn huyện vẫn còn 59,36% tỷ lệ hộ nghèo (tương ứng 9.885 hộ) và cận nghèo là 11,41% (tương ứng 1.901 hộ).
Hay như Tương Dương, toàn huyện hiện có 7.176 hộ nghèo, chiếm 39,38%; 3.149 hộ cận nghèo, chiếm hơn 17,28%. Trong đó, Hữu Khuông là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất (chiếm 78,02%)… Khảo sát thực tế cho thấy, nguyên nhân của đói nghèo ở Hữu Khuông do hầu hết nhận thức của bà con còn hạn chế, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước; chưa thoát ra khỏi những hủ tục lạc hậu.
Còn với Quế Phong - huyện miền núi biên giới có hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, 5 năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã giúp cho người dân khai hoang, phục hóa 162ha đất sản xuất nông nghiệp, 30 mô hình khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ hơn 370 tấn gạo. Dù vậy, thu nhập bình quân trên địa bàn mới chỉ đạt 28 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 26%... Bí thư Chi bộ bản Tục Pang (xã Đồng Văn) Lang Văn Tuấn cho biết: chính sách của Đảng, Nhà nước đến người dân rất kịp thời, đầy đủ nhưng một số hộ còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Theo UBND tỉnh, số hộ nghèo, hộ cận nghèo tập trung nhiều ở các vùng miền núi, đồng bào DTTS, vùng giáo dân, vùng ven biển. Việc phân loại nguyên nhân nghèo ở một số địa phương chưa thực sự được quan tâm, từ đó xây dựng kế hoạch giảm nghèo chưa sát thực tế, nên việc thực hiện các giải pháp giảm nghèo thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư từ ngân sách tỉnh, huyện còn ít; khả năng huy động nguồn vốn xã hội còn thấp...
Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực
Từ những hạn chế, nguyên nhân trên cho thấy, để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025: mỗi năm giảm từ 1 - 1,5% tỷ lệ hộ nghèo, riêng khu vực miền núi từ 2 - 3%; cuối năm 2025, giảm xuống mức thấp hơn bình quân chung cả nước… tỉnh Nghệ An cần triển khai các giải pháp giảm nghèo thiết thực và hiệu quả hơn nữa. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân tương ái” của dân tộc ta đối với người nghèo; đồng thời, khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, ngoài thực hiện các chính sách giảm nghèo đặc thù của tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, cần đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, tăng cường các chính sách hỗ trợ có điều kiện; tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tín dụng chính sách xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; hỗ trợ tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Đồng thời, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; tập trung phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp cho người nghèo; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn…
Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An cần đẩy mạnh tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ những người làm công tác giảm nghèo, những người tham gia thực hiện các nội dung của Chương trình để hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo; tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác giảm nghèo… Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành; có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.