Bài cuối: Đột phá kiến tạo và thực thi Chiến lược phát triển nhân lực quốc gia

TS. Nhị Lê- Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sảnKhông một cuộc vận động chính trị nào có thể thành công, nếu không xây dựng thành công môi trường xã hội - chính trị tương dung và lôi cuốn toàn xã hội tham gia. Công cuộc Đổi mới toàn diện, đồng bộ trong kỷ nguyên mới càng đòi hỏi như vậy.

Tiếp tục đổi mới tư duy về nhân tài

Toàn bộ công cuộc Đổi mới, dù được hoạch định và tổ chức thực thi hoàn bị bao nhiêu mà không có sự tham dự của Nhân dân đông đảo, rường cột là đội ngũ nhân lực chất lượng cao, chắc chắn rất khó thành công. Nghĩa là không để ai có thể “đứng ngoài chính trị”, “kinh tế vô văn hóa”, dưới bất cứ hình thức và mức độ nào.

Nói tới đổi mới toàn diện, đồng bộ trên phương diện xây dựng và phát triển nguồn nhân lực càng không thể không nhấn mạnh trước hết tới đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, trực tiếp là đội ngũ các nhà chính trị, kinh tế gia, khoa học gia, doanh gia ở tầm chiến lược, với tư cách là chủ thể quyết định mô hình thể chế chính trị, làm chủ sự vận hành và sức mạnh của nền kinh tế và xã hội quốc gia. Ở họ, không chỉ hội tụ và thể hiện quyền lực của Nhân dân mà còn thể hiện quyền năng và quyền lực của nền chính trị, quyền lực nền kinh tế quốc giaquyền uy cá nhân, với tư cách là nhà chính trị và nhà khoa học - rường cột của nguồn nhân lực quốc gia.

Do đó, một cách tổng thể, cần nắm lấy, đột phá kiến tạo và thực thi Chiến lược phát triển nhân lực quốc gia, trước hết là đội ngũ các nhà chính trị chuyên nghiệp, nhà khoa học, nhà quản trị quốc gia và đội ngũ doanh gia, đồng thời đổi mới cơ chế mối quan hệ chính trị và kỹ trị, giữa kinh tế và chính trị, giữa kinh tế và văn hóa, giữa văn hóa đối nội và văn hóa đối ngoại…

Công cuộc Đổi mới gần 40 năm qua đã làm thay đổi rất toàn diện và sâu sắc đất nước. Đồng thời và may mắn, cũng làm bộc lộ rõ, thậm chí nguyên hình sự khiếm khuyết, thậm chí tụt hậu trên không ít phương diện, đặc biệt ở vào những bước ngoặt của đất nước, về tầm nhìn và quyết sách. Mối quan hệ giữa chính trị và kinh tế, giữa kinh tế và xã hội, giữa pháp luật và đạo đức, giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, giữa đối nội và đối ngoại… trên phương diện xây dựng con người, bắt đầu từ nhân học tới thực tiễn con người xã hội, con người kinh tế và con người chính trị trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, tốc độ và chiều sâu đã bộc lộ rất nhiều “độ chênh”, “độ vênh”, cả “độ lệch”, thậm chí đi ngược chiều và triệt tiêu nhau không thể xem thường. Một bất cập hay sai lầm trên phương diện này sẽ phải trả giá bằng cả thập kỷ, thậm chí bằng cả thế hệ.

Vì thế, khi có tầm viễn kiến thì không nghi ngờ, có lòng nhân ái thì không ưu tư, có lòng dũng cảm thì không sợ hãi! Đây phải là phương châm quán xuyến và chủ đạo trong việc mời gọi, tụ hội, đối đãi với nhân tài, không nên phân biệt trong hay ngoài Đảng! Đảng với tư cách là người chiến sĩ tiên phong của Dân tộc, cần giữ lấy cái “túi khôn” của Dân tộc, như đã từng những năm 45, 50 thế kỷ XX. Đặc biệt từ những năm 20 thế kỷ XXI, trước mọi biến cố sinh tử, hiện nay hơn lúc nào hết, càng cần kíp phải cầu thị thu phục một cách tự nhiên, quảng khoát, không trừ một ai với lòng chân thành, thật sự bình đẳng và tinh tế 100 triệu đồng bào và cả người nước ngoài hướng tới Việt Nam. Sự thành bại nằm ở việc kiên định và quyền biến thực thi hay không những điều cấp bách phát triển nhân lực, trực tiếp đối với nhân tài quốc gia, không kể trong hay ngoài Đảng, không kể trong nước hay ở nước ngoài và người nước ngoài.

Do đó, trọng tâm của công việc đổi mới là xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, với trung tâm là chính trị gia, quản trị gia, doanh gia và kỹ trị gia hiện nay - nhân tố có ý nghĩa quyết định thành bại mang tầm chiến lược của công cuộc phát triển trong 21 năm, tới năm 2045.

Trước hết, trong đổi mới tư duy chính trị, tiếp tục đổi mới tư duy về nhân tài, trong đó tư duy về chính trị gia, kỹ trị gia, quản trị gia là những lĩnh vực chiến lược trước nhất là tư duy về thủ lĩnh chính trị, tức là đội ngũ những người đứng đầu quốc gia, đứng đầu bộ máy chính trị cao cấp, chiến lược của nền chính trị hiện đại nước nhà, theo hướng chuyên nghiệp hóa văn hóa hóa.

Nếu xem chính trị, với nghĩa rộng nhất, chính trị là chính trực. Nếu lấy chính trực mà hành xử, mà điều hành chính sự thì có ai dám không chính trực” thì tham chính là một công việc chính trực nơi chính trường phức tạp. Nói cụ thể, tham gia chính trị là chỉ làm mọi công việc chính đáng mà thôi. Do đó, chính trị là một nghề để dựng nghiệp thì càng đòi hỏi tính chuyên nghiệp tinh hoa và những người làm chính trị phải là những phần tử tinh hoa có tầm nhìn, chính trực và liêm chính. Không giữ mình trong sạch, tất bại.

 Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Mọi sự phát triển của Đổi mới phải xoay quanh con người, vì Nhân dân

Vì vậy, trong công cuộc xây dựng đội ngũ những nhà chính trị điều hành nền chính trị nước ta không thể không làm cho kỳ được mấy việc chủ yếu tối thiểu sau đây.

Một là, xây dựng bộ tiêu chí của một nhà chính trị, yêu cầu của những lĩnh vực chính trị cơ bản và chủ yếu, các chức danh chính trị… phù hợp với nền chính trị của chúng ta. Trong đó, phẩm chất cơ bản là tầm nhìn chiến lược, sự dũng cảm, danh dự liêm sỉ chính trị gia phải được ưu tiên hàng đầu. Kinh nghiệm lịch sử luôn cho thấy, từ xa xưa, ở các thể chế văn minh, người ta thật xem trọng sự ngay thẳng, trong sạch về phẩm hạnh của chính trị gia.

Hai là, thông qua mọi con đường phát hiện, thu hút, tập hợp những người có năng khiếu chính trị, những người có nguyện vọng làm các công việc chính trị ở tất cả mọi nơi, đối với mọi lứa tuổi, trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… Đối với đội ngũ khoa học gia, tập trung xây dựng đội ngũ này trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, khoa học nhân văn, khoa học kinh tế và khoa học y tế, theo hướng đi tắt đón đầu, nhằm tạo đột phá mạnh mẽ theo nhịp phát triển của thế giới. Vấn đề này có ý nghĩa thành bại trong cuộc xây dựng một nước công nghiệp, hiện đại, trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Ba là,đổi mới mối quan hệ giữa chính trị và khoa học, trước hết là mối quan hệ giữa chính trị gia và khoa học gia, một cách dân chủ và hài hòa. Đó chính là vấn đề chính trị và kỹ trị. Hơn lúc nào hết, cơ chế bảo đảm mối quan hệ giữa chính trị và khoa học phải được đặt ra và giải quyết một cách ngang tầm. Thiếu nhân tố này, sẽ thất bại.

Bốn là, đào tạo họ một cách toàn diện, trước hết là tư cách, rộng hơn là đạo đức của một người làm chính trị trong nền chính trị hiện đại, làm kinh tế trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Vì, chính trị không phải là thứ chính trị suông mà ở góc độ nào đó chính trị chính là đạo đức; là tự trọng, là liêm chính, cao nhất là danh dự quốc gia. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn; chính trị là đức, chuyên môn là tài.

Vì thế, theo nghĩa nào đó, đạo đức là giềng mối làm nên nền văn hóa chính trị và văn hóa kinh tế của chúng ta. Lúc này, nếu xem các nhà chính trị, các nhà kinh tế xứng đáng là những gương mặt đại diện quốc gia thì ở đây, họ phải xứng đáng là những tấm gương sống về đạo đức là vấn đề vô cùng quan trọng. Họ tích hợp và thể hiện một cách toàn diện và nổi bật tập trung năng lực chính trị, nhất là tầm nhìn chính trị xa rộngnăng lực hành động chính trịvĩ mô, trên nền tảng tri thức rộng lớn, xứng đáng với tư cách là nhà chính trị hay nhà kinh tế chuyên nghiệp.

Năm là,đối đãi và bảo vệ những người làm chính trị, những nhà khoa học, nhất là những chính trị gia, những kinh tế gia thật ngang tầm và xứng đáng. Đồng thời, trên nền tảng pháp quyền, xử lý thật nghiêm minh những nhà chính trị, các khoa học gia, quản trị gia, kinh tế gia làm tổn hại uy tín và sức mạnh nền chính trị, kinh tế, sức mạnh và uy tín đất nước. Vì, họ là biểu tượng quốc gia, là tấm gương phản chiếu Quốc thể Việt Nam.

Trong nền kinh tế thị trường, cùng với tu dưỡng đạo đức, mỗi đảng viên tự nâng mình về mặt trí tuệ, uy tín và danh dự để thực sự là người dẫn dắt, xứng tài sáng đức, để đạo đức tỏa sáng hơn. Theo nghĩa đó, lúc này đạo đức chính là chính trị, cũng tức chính là quyền uy trí tuệ, chính là uy vũ. Cổ nhân lại nói rằng: Đạo đức bao giờ cũng thắng uy vũ, nhưng đạo đức thiếu uy vũ thì nhiều khi chỉ là đạo đức nhu nhược; và rằng, đạo đức không có tài năng là có bộ giáp và không có kiếm, mà khi không có kiếm, đúng là chỉ bảo vệ được người mặc, nhưng sẽ không cho phép anh ta bảo vệ được bạn bè. Rốt cuộc, chúng ta không cần thứ đạo lý ấy.

Chưa bao giờ như hiện nay, lịch sử xác quyết, lý do tồn tại của tổ chức đảng, và các lãnh tụ xứng đáng với danh hiệu đó là, ngoài nhiều điểm khác, đảng và lãnh tụ còn phải thông qua một công tác lâu dài, kiên cường, thiên hình vạn trạng nhiều mặt của tất cả các đại biểu giác ngộ của giai cấp mình mà thu hoạch được những kiến thức cần thiết - ngoài kiến thức và kinh nghiệm là tính nhạy bén chính trị cần thiết để giải quyết một cách chính xác và mau lẹ những vấn đề chính trị phức tạp, như V. I. Lenin khẳng định.

Theo đó, các cấp ủy nêu gương lấy việc giáo dục đạo đức thực hành và tổ chức thực hành đạo đức trong Đảng làm khâu then chốt thúc đẩy và lan tỏa văn hóa toàn xã hội sống và hành động một cách đạo đức, khắc phục tình trạng đạo đức xuống cấp, kiên quyết xử lý sự suy đồi đạo đức ở một bộ phận, ngăn chặn và tẩy trừ những suy nghĩ và hành động phi đạo đức trong Đảng. Mỗi tổ chức, từng cơ quan, đơn vị, mỗi cộng đồng phải là một môi trường đạo đức trong sạch, văn minh, hiện đại và mẫu mực. Nhắc lại một lần nữa lời của cổ nhân: Đạo đức ở tất cả mọi quốc gia là sản phẩm của pháp luật và chính quyền, nhưng xin được bổ sung: là trí tuệ và phẩm giá của Nhân dân.

Vì thế, Nhân dân, trực tiếp là công luận, tạo nên dư luận xã hội sâu rộng giám sát đạo đức đảng viên, tham gia xây dựng Đảng, bồi đắp và phát triển đạo đức xã hội - cơ sở vững chắc phát triển đạo đức của Đảng và trong Đảng - rường cột của môi trường chính trị - đạo đức - xã hội hiện nay và tương lai. Đó chính là vì mục tiêu phát triển con người, biểu hiện tập trung cao nhất và thiêng liêng nhất của văn hóa, mà mọi sự đổi mới và đột phá về chế chế phải hướng tới!

Công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ do Đảng hiện nay, thực sự là một bước ngoặt về chất trong tiến trình cách mạng. Đây là môi trường và điều kiện thử thách lớn đối với tất cả chúng ta. Đồng thời, quá trình dân chủ hóa xã hội gắn chặt với sự giải phóng con người với mọi tiềm năng đang mở ra chân trời mới, chắp cánh cho toàn dân tộc và mỗi người thực hiện khát vọng của mình bằng chính sức mình một cách tự do, dân chủ và pháp quyền.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ hội để Việt Nam, các công nghệ blockchain, fintech, AI… phải là phương diện phát triển nhảy vọt trong việc triển khai hệ thống mạng 5G một cách mau lẹ và phù hợp. Phải tranh thủ cơ hội đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là chất lượng cao, với quyết tâm xây dựng những thành phố thông minh, chính quyền điện tử hiện thực… Qua đó, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Chính trị hay kinh tế đều vị nhân sinh, vị lợi ích quốc gia. Mọi sự phát triển của công cuộc đổi mới phải xoay xung quanh con người, vì và cho Nhân dân, chứ không phải ngược lại. Đó chính là mục tiêu chính trị và văn hóa phát triển, kinh tế và đối ngoại của đất nước đổi mới một cách bản sắc, độc lập và phù hợp với sự phát triển tất yếu của nhân loại.

Xét cho cùng, đó cũng chính là mục tiêu sự phát triển toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới trong kỷ nguyên mới, trên con đường phát triển nền chính trị và kinh tế, xã hội và ngoại giao, nhằm nâng cao vị thế, sức mạnh Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XXI.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-cuoi-dot-pha-kien-tao-va-thuc-thi-chien-luoc-phat-trien-nhan-luc-quoc-gia-post393810.html