Bài cuối: Đừng để vi phạm pháp luật vì thiếu hiểu biết
Theo Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy (CSMT)- Công an TP Đà Nẵng, thời gian qua, đơn vị đã phát hiện khám phá nhiều vụ việc liên quan đến hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Hầu hết những nam, nữ thanh niên sau khi bị bắt giữ chưa có hiểu biết, nhận thức đúng đắn về hành vi vi phạm.
Đơn cử như trường hợp Nguyễn Hoàng Bảo D. (20 tuổi, trú Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) bị Phòng CSMT bắt giữ ngày 30-11-2023 tại một khách sạn trên địa bàn Q. Sơn Trà. D. thú nhận, sau khi dự đám cưới bạn thì nhóm bạn rủ đi nghe nhạc. Khi đến nơi, bản thân D. không sử dụng ma túy, nhưng là người trực tiếp dùng điện thoại di động để kết nối loa bluetooth và mở nhạc cho cả nhóm cùng “bay”, đồng thời D. còn trực tiếp đưa thẻ ATM của mình cho một người khác trong nhóm để “xào ke” cho cả nhóm sử dụng.
Trung tá Trần Thanh Tịnh - Đội trưởng Đội Điều tra thuộc Phòng CSMT - Công an Đà Nẵng, cho biết: “Thời gian qua, đơn vị đã triệt phá thành công không ít vụ án liên quan đến hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Nhiều trường hợp trong số đó chưa nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật về tội danh này. Các em chỉ nghĩ đơn giản việc tụ tập sử dụng trái phép chất ma túy thì chỉ bị xử phạt hành chính chứ không bị khởi tố hình sự. Nhiều trường hợp các em vướng lao lý là do hiểu biết về pháp luật còn hạn chế nên mới phạm tội”.
Điều đáng quan ngại là khi bị phát hiện bắt giữ, nhất là những người khai nhận lần đầu rủ nhau tụ tập sử dụng ma túy có thành phần phổ biến thường gặp là lao động phổ thông, buôn bán, thậm chí có cả kỹ sư, sinh viên… Sau khi nghe cơ quan Công an giải thích thì nhiều người mới “tá hỏa” rằng, hành vi của mình là đã cấu thành tội danh tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Đơn giản chỉ vì một phút nông nổi nhất thời, để rồi phải bị khởi tố hình sự. Thực tế từ các vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, có những trường hợp không phải vì không biết, không hiểu tác hại và tính nguy hiểm của ma túy mà là do sự tò mò, đua đòi, muốn chứng tỏ bản thân và có lối sống không lành mạnh khiến cho nhiều gia đình phải lao đao vì cái “chết trắng”.
Ví như trường hợp của Nguyễn Công Q. (1998, trú H. Hòa Vang, Đà Nẵng), thường nhật Q. hay tụ tập, chơi bời lêu lổng, có mặt tại nhiều nơi khá phức tạp về ANTT. Để rồi, ngày 28-9-2023, Q. bị bắt giữ khi đang tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại một quán bar trên địa bàn thành phố. Tại cơ quan Công an, Q. khai: “Sau khi nhậu say với bạn bè, tôi được rủ rê sử dụng ma túy cho biết. Do tôi muốn thử “cảm giác lạ”, đồng thời bị bạn bè rủ rê nên sử dụng ma túy lần đầu và cứ như thế có những lần tiếp theo. Cũng từ đây, hành trình trở thành con nghiện của tôi bắt đầu. Tôi rất hối hận nhưng bây giờ có lẽ đã muộn...”.
Trước diễn biến phức tạp về tội phạm liên quan đến ma túy, thời gian qua, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng và lãnh đạo Phòng CSMT luôn quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu rõ các hành vi phổ biến thường gặp của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Thế nên mỗi CBCS thuộc lực lượng CSMT luôn quan niệm, cần trang bị cho người dân, nhất là các em ở độ tuổi thanh thiếu niên kiến thức và kỹ năng phòng tránh thông qua nhiều nội dung, hình thức phù hợp.
Rõ nhất là cuối năm 2020, Công an TP Đà Nẵng xây dựng mô hình “Dân vận khéo trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm, tệ nạn ma túy”. Thông qua mô hình này đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ma túy, trong đó chú trọng nhận biết các chất ma túy, phương thức thủ đoạn và các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy. Không chỉ đơn thuần là tuyên truyền phổ biến pháp luật với nhiều nội dung, hình thức sinh động, hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân tham gia, qua mô hình các báo cáo viên của đơn vị đã chủ động xây dựng các phiếu khảo sát, câu hỏi trắc nghiệm, câu đối để tương tác, trao đổi trực tiếp và lắng nghe ý kiến trình bày của người dân.
Từ khi mô hình ra đời đến nay, nhất là trong những tháng hành động phòng, chống ma túy, Phòng CSMT đã tham mưu Giám đốc Công an TP xây dựng ban hành nhiều kế hoạch, phân công báo cáo viên dày dạn kinh nghiệm, có năng khiếu, kiến thức chuyên sâu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức hơn 100 buổi tuyên truyền với hơn 5.000 lượt người dự nghe. Trong đó chú trọng vào việc phân tích, giải thích các hành vi cấu thành của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, qua đó đã nhận được nhiều phản hồi tích cực, nhiều lời khen ngợi từ người nghe, góp phần nâng cao nhận thức hiểu biết để góp phần kéo giảm tội phạm chung tay xây dựng xã, phường không ma túy.
Để phòng ngừa tội phạm và tệ nạn ma túy nói chung, tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nói riêng trong thời gian tới, thiết nghĩ, ngoài sự nỗ lực, kiên quyết của cơ quan chức năng thì gia đình, nhà trường là nhân tố quan trọng trong việc phối hợp quản lý, giáo dục để con, em mình không sa ngã và vướng vào “cạm bẫy” của ma túy.