Bài cuối: Giữ vững vị thế, vai trò lãnh đạo của Đảng - nhiệm vụ then chốt, quyết định thành bại với công cuộc đổi mới

TS. NHỊ LÊ - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Thế giới hiện đại là thế giới của những mối quan hệ đan xen và phụ thuộc lẫn nhau. Mỗi quốc gia là một bộ phận của thế giới đầy biến động, là một khâu trong quá trình phân công và hợp tác quốc tế. Hợp tác trong phát triển là nhu cầu sinh tồn và phát triển của toàn bộ thế giới. Chủ nghĩa xã hội không phải là một khu vực biệt lập, một thế giới khép kín, một quốc gia XHCN, càng không phải là một 'ốc đảo' trong thế giới ấy.

Kiến tạo lý luận mở cửa và hội nhập

Nội dung thứ tư trong chủ thuyết đổi mới XHCN Việt Nam là kiến tạo lý luận mở cửa và hội nhập - một trong những vấn đề quan trọng của chủ nghĩa xã hội Việt Nam, góp phần phát triển thế giới.

Khối cờ Đảng, cờ Tổ quốc tham gia diễu hành tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7.5.2024. Nguồn:chinhphu.vn

Khối cờ Đảng, cờ Tổ quốc tham gia diễu hành tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7.5.2024. Nguồn:chinhphu.vn

Càng tách rời chủ nghĩa xã hội ra khỏi thế giới hay thậm chí đem đối lập nó với chủ nghĩa tư bản, tách rời thế giới hiện đại thì càng ít thấy diện mạo và bản chất của chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, lý thuyết đổi mới đã đặt vấn đề mở cửa và hội nhập trở thành một trong những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó cũng là quan điểm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại của chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục thực thi chủ động và hiệu quả.

Nhưng mở cửa như thế nào và hội nhập ra sao? Chủ thuyết đổi mới cũng đã lượng và tính những “hạn”, “độ” cần thiết và phù hợp đối với thực tế ở nước ta. Mở cửa, đổi mới nhưng phải giữ vững nguyên tắc XHCN. Đa phương hóa, đa dạng hóa trong các mối quan hệ quốc tế, nhưng nhất thiết không để chệch hướng XHCN. Hội nhập thông qua mở cửa nhưng không hòa tan, đánh mất chính mình trong đó. Đó là những vấn đề thuộc về nguyên tắc trong công cuộc mở cửa và hội nhập của chúng ta.

Nhìn khái lược, từ Đại hội IX của Đảng đến nay, quan điểm của Đảng về “toàn cầu hóa” và “hội nhập quốc tế” ngày càng đầy đủ và đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước. Từ nhận thức về “quốc tế hóa” đã phát triển thành nhận thức về “toàn cầu hóa kinh tế” và đi đến nhận thức về “toàn cầu hóa”. Trên cơ sở thực tiễn về “toàn cầu hóa”, Đảng và Nhà nước ta đưa ra chủ trương “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực”, “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác” và ngày nay là chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”, “nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế”, “đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và các lĩnh vực khác”.

Dư luận quốc tế đánh giá: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam tăng cường tích cực các hoạt động quốc tế, đẩy mạnh hội nhập kinh tế, thúc đẩy hòa bình và đa phương hóa xuất sắc”(8).

Đó là nét độc đáo, phương pháp mở của chủ thuyết đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Việc kiến tạo chủ thuyết đổi mới không tách rời thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội

Nội dung thứ năm là phát triển độc lập, sáng tạo lý luận về Đảng lãnh đạo, cầm quyền trong vị thế then chốt của sự nghiệp phát triển XHCN.

Sự kiên định chủ nghĩa Mác - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh bao hàm việc giữ vững và nâng cao vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng ta trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Nói cách khác, giữ vững và nâng cao sự lãnh đạo của Đảng là một biểu hiện cơ bản nhất, nổi bật nhất và tập trung nhất của sự kiên định với các tính quy luật và quy luật xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời chính là một nhu cầu phát triển của lịch sử, một đòi hỏi cấp bách có ý nghĩa quyết định sự tồn vong của đất nước ta trong thời đại ngày nay.

Nhìn lại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là quá trình khắc phục cuộc khủng hoảng vừa qua, càng thấy nổi bật lên sự khẳng định đầy thuyết phục: giữ vững vị thế, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng là nhiệm vụ then chốt, nhân tố quyết định thành bại đối với công cuộc đổi mới. Sở dĩ phải nhấn mạnh và khắc sâu nhiệm vụ đó để thấy rằng, các thế lực thù địch với chủ nghĩa xã hội luôn âm mưu phá hoại nền tảng tư tưởng và tổ chức của Đảng, phá hoại sự đoàn kết thống nhất của Đảng từ bên trong, làm cho Đảng suy yếu, tan rã. Họ luôn đòi Đảng ta thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, mưu toan tước bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng chính là mưu đồ đưa đất nước, dân tộc và chế độ ta vào thảm họa diệt vong bắt đầu từ việc lật đổ Đảng. Bài học xương máu từ sự sụp đổ của các quốc gia XHCN ở Đông Âu và Liên Xô, nhất là 20 năm nay càng cho thấy rõ các thủ đoạn “diễn biến hòa bình” “mềm” và “hiểm” đó.

Việc khẳng định vị trí, vai trò và sự lãnh đạo của Đảng không chỉ là vấn đề thuộc về nguyên tắc của lý luận Mác - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Kết luận được rút ra từ yêu cầu bức bách của lịch sử, từ tình cảm lý trí sáng suốt của Nhân dân ta mà chính là quá trình phát hiện, hiện thực hóa những tính quy luật và quy luật của đảng lãnh đạo cầm quyền ở Việt Nam. Đây là thành tựu to lớn trong tổng kết thực tiễn và phát triển lý luận về Đảng lãnh đạo, cầm quyền một cách hệ thống, toàn diện và phù hợp trên 10 phương diện của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị: Quy luật cầm quyền; Quan niệm cầm quyền; Cơ sở cầm quyền; Phương lược cầm quyền; Nội dung cầm quyền; Cơ chế cầm quyền; Phương thức cầm quyền; Nguồn lực cầm quyền; Môi trường cầm quyền; và Nguy cơ đối với cầm quyền (9).

Điều cần nhấn mạnh là, từ thực tiễn xây dựng, chỉnh đốn Đảng song hành với quá trình trong sạch hóa hệ thống chính trị, Đảng ta luôn tự mình nỗ lực rèn luyện, nêu gương về tầm nhìn chính trị chiến lược, bản lĩnh chính trị, tự phê phán nghiêm khắc những mặt non kém; đồng thời, lường trước, nhận diện và đẩy lùi những nguy cơ làm cho Đảng suy thoái và đánh mất vị trí, vai trò lãnh đạo của mình.

Đặc biệt, ở những bước ngoặt của cách mạng, đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng càng cho thấy, nếu Đảng không tự vươn lên, tự đổi mới và chỉnh đốn mình một cách kiên quyết nhằm ngăn chặn những mầm họa khủng hoảng từ trong Đảng (lợi ích nhóm, dấu hiệu của sự phân hóa ở nhiều mức độ ngay trong không ít tổ chức đảng, nguy cơ xa rời cơ sở chính trị - xã hội, sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên giữ trọng trách, tham nhũng, xa Dân, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…) và sự chống phá từ bên ngoài, nhất định sẽ thất bại trong cuộc lãnh đạo, cầm quyền trước dân tộc và thanh danh trước nhân loại.

Những tính quy luật và quy luật đó đã biến thành hành động một cách chủ động, thận trọng và hiệu quả trong toàn Đảng; đồng thời, Đảng chủ động tiếp tục tìm tòi từ thực tiễn và phát triển không ngừng lý luận về một Đảng lãnh đạo, cầm quyền một cách nghiêm khắc, đầy trách nhiệm trước lịch sử và trước Nhân dân, dẫn dắt đất nước từng bước vượt qua khó khăn, thử thách, tự tin, vững bước trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.

Nói khái quát, Đảng không ngừng phát hiện, phát triển các tính quy luật và quy luật xây dựng Đảng trên cả hai phương diện nghiên cứu lý luận - tổng kết thực tiễn - phát triển lý luận: Từ 3 phương diện chính trị, tư tưởng và tổ chức tới phương diện thứ tư: xây dựng Đảng về đạo đức (Đại hội XII - năm 2016) và phương diện thứ năm: xây dựng Đảng về cán bộ (Đại hội XIII - năm 2021), hợp thành 5 phương diện mang tính hệ thống, chỉnh thể và phù hợp trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn chặt với hệ thống chính trị.

Vấn đề giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, trên cơ sở phát hiện và thực thi các tính quy luật và quy luật là nhân tố quyết định thành công của công cuộc đổi mới và ở đây là một bộ phận cơ bản hợp thành chủ thuyết đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Dư luận quốc tế khẳng định: “Và trong suốt 90 năm ấy, Đảng đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam đạt biết bao thành tựu lịch sử vẻ vang”. “Là đội quân tiên phong của người dân Việt Nam - Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ những ngày đầu hoạt động cho đến nay luôn thể hiện là một tổ chức không ngừng sáng tạo, với những quyết sách táo bạo, không theo những tiêu chuẩn sáo mòn, được kết tinh bởi sự đoàn kết toàn dân tộc”(10).

Tựu trung, dù còn không ít khó khăn, nan giải, những chệch choạc ở lĩnh vực này hay phương diện khác, những mâu thuẫn to lớn đang đòi hỏi phải giải quyết một cách phù hợp và hiệu quả, rõ ràng chúng ta đã tạo được những tiền đề cơ bản và quan trọng về lý luận và thực tiễn không ngừng phát triển chủ thuyết đổi mới. Việc kiến tạo chủ thuyết đổi mới không thể tách rời với thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội và trào lưu XHCN thế giới. Cùng với thời gian và sự phát triển của thế giới hiện đại, tất cả sẽ được bổ sung, điều chỉnh ngày càng phong phú và sâu sắc hơn, tiếp tục dẫn đường công cuộc đổi mới phát triển ngày càng vững chắc.

Chủ thuyết đổi mới vì thế, tự nó bao hàm một hệ thống mở, với các luận điểm luôn phát triển.

Nói khái lược, chủ thuyết đổi mới là kết quả tất yếu của sự phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và thực tiễn xây dựng xã hội XHCN mấy thập niên qua trên thế giới, trong điều kiện cụ thể của nước ta. Đây là một đóng góp của Đảng Cộng sản Việt Nam vào sự phát triển của chủ nghĩa xã hội khoa học hiện nay. Chủ nghĩa xã hội Việt Nam là dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh - chủ nghĩa xã hội là đất nước độc lập, Tổ quốc phồn vinh, Nhân dân hạnh phúc - chủ nghĩa xã hội là đạo đức, là văn minh, là văn hóa, dưới ngọn cờ của Đảng.

Nhận định về công cuộc đổi mới ở Việt Nam, dư luận quốc tế đánh giá: “Đảng Cộng sản Việt Nam xuất phát từ thực tế của chính bản thân mình, không chịu bất cứ một sức ép nào từ bên ngoài và nhất là không ảo tưởng vào một mô hình sẵn có nào”(11). “Đảng Cộng sản Việt Nam luôn lấy chủ nghĩa Mác - Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động, lãnh đạo Nhân dân Việt Nam thực hiện giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, cũng như giành những thành tựu quan trọng và nổi bật trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới phù hợp với tình hình Việt Nam. Tình hình chính trị - xã hội Việt Nam ổn định lâu dài, kinh tế tăng trưởng liên tục, nhanh chóng, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, địa vị quốc tế không ngừng được nâng cao”(12).

_________

(8) Đại hội XIII: Ca ngợi vai trò lãnh đạo của Đảng trong thành công chung của Việt Nam, ra ngày 28.1.2021.

(9) Xem Nhị Lê: Về sự cầm quyền của Đảng hiện nay, Tạp chí Cộng sản, số 16 (8.2006), tr.44.

.(10) Đại hội XIII: Dư luận quốc tế tin tưởng và kỳ vọng vào Đại hội XIII của Đảng, số ra ngày 20.1.2021.

(11) A. V. I-va-nô-vích: “Minh chứng hùng hồn của chính sách đổi mới đúng đắn”, Báo Nhân Dân, số ra ngày 20.9.2000, tr. 5.

(12) Điện mừng Đại hội lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam, Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử, số ra ngày 2.2.2011.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-dang/bai-cuoi-giu-vung-vi-the-vai-tro-lanh-dao-cua-dang-nhiem-vu-then-chot-quyet-dinh-thanh-bai-voi-cong-cuoc-doi-moi-i375193/