Bài cuối: Hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ các startup 'bật dậy'
Sẽ có nhiều cơ chế, chính sách được hoàn thiện để hỗ trợ các startup 'bật dậy', thậm chí là có thể bứt phá vươn lên sau dịch bệnh Covid-19. Việc xây dựng, phát triển hệ sinh khái hỗ trợ khởi nghiệp cũng sẽ được chú trọng, tạo bệ đỡ cho các startup 'nội địa' phát triển.
Bài liên quan
Bài 1: Sáng tạo, chuyển đổi thích ứng với tình hình mới
Bài 2: Cơ hội từ việc “đứng trên vai người khổng lồ”
Bài 3: Nắm bắt cơ hội từ thách thức của thị trường
Nhiều startup đã không dừng mọi hoạt động kinh doanh đợi Covid-19 đi qua, mà lựa chọn chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình phi truyền thống, tích hợp các ứng dụng công nghệ để chờ thời điểm “bật dậy”. Thậm chí là một số startup xác định tận dụng thời gian này để tập trung thiết kế lại mô hình kinh doanh, tinh gọn và xác định đúng nhu cầu thị trường hoặc tìm nơi nương tựa trên “vai người khổng lồ” là những tập đoàn lớn. Chính điều này mà có nhiều ý kiến cho rằng, nếu biết nắm bắt cơ hội thì với các startup “trong nguy vẫn có cơ”.
Nhiều startup lựa chọn chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình phi truyền thống
Theo ông Phạm Hồng Quất- Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và công nghệ), các bộ, ban, ngành đã và đang tìm các giải pháp để khôi phục lại nền kinh tế, đặc biệt là việc phát triển các doanh nghiệp, trong đó có các startup. Ngay ở thời điểm dịch bệnh, nhiều startup đã đưa ra các giải pháp, theo đó, họ được kỳ vọng sẽ đưa ra được các giải pháp để có thể tận dụng các cơ hội từ những diễn biến phức tạp do dịch bệnh tạo ra. Như ở một số lĩnh vực: giáo dục, y tế, giao thông vận tải, dịch vụ…thì từ trước đến nay các giải pháp của startup dường như đã đi trước một nhịp. Đây chính là cơ hội để lan tỏa những mô hình dựa trên công nghệ mới. Tuy nhiên để làm được điều đó thì cũng cần chung tay của nhiều bộ, ban, ngành khi xem xét những cơ chế cũ đã không còn phù hợp thì cần sửa, mở đường cho nền tảng công nghệ mới của startup phát triển, chiếm lĩnh thị trường.
Các chuyên gia cho rằng, để các startup có thể “bật dậy”, ngoài nỗ lực “tự thân vận động”, thì Nhà nước cũng cần có các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ. Mặc dù, trên thực tế, môi trường chính sách dành cho startup Việt đang có nhiều chuyển biến tích cực. Bức tranh toàn cảnh về khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã xuất hiện nhiều điểm sáng tích cực và đầy lạc quan- nhưng đó là chuyện trước khi dịch bệnh xảy ra. Do đó, nhiều chính sách sẽ cần được hoàn thiện để hỗ trợ các startup vượt qua khó khăn, và để Việt Nam trở thành môi trường thu hút đầu tư quốc tế cho khởi nghiệp. Nhất là để giúp các startup vượt qua khó khăn, để hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam tiếp tục phát triển thì cần có những giải pháp phải được triển khai trong thời gian tới.
Theo ông Phạm Hồng Quất, về hệ sinh thái quốc gia sẽ tập hợp được những sáng kiến, giải pháp sau đó đưa vào Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844) sửa đổi bổ sung. Tại đó sẽ có những cơ chế hỗ trợ trực tiếp vốn mồi cho các startup. Bởi trước đây, đề án 844 chỉ hỗ trợ gián tiếp thông qua các chuyên gia, tổ chức khi tư vấn cho startup. Ngoài ra, hệ thống quỹ đổi mới khoa học công nghệ, trung ương, địa phương, quốc gia…sẽ đưa thêm vào cơ chế tài trợ cho startup giai đoạn đầu. Song song với đó sẽ đưa ra cơ chế thí điểm cho vay vốn cộng đồng, tức là vay trực tiếp từ tư nhân, câu lạc bộ đầu tư, mạng lưới nhà đầu tư thiên thần…Những nhà đầu tư này họ không chỉ có tiền mà còn có thị trường, khi họ tham gia sẽ cùng với các startup đã thông qua huấn luyện để chiếm lĩnh thị trường tiềm năng. Bên cạnh đó đề án 844 sẽ hỗ trợ kết nối quốc tế, đặc biệt là lực lượng người Việt từ nước ngoài. Qua đó giúp hình thành nên định chế, thể chế mới, kể cả về đầu tư vốn, phát triển thị trường cho startup…
Một buổi hướng dẫn startup tại Sun
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, không phải đến khi đại dịch Covid-19 xảy ra, mà từ trước đó, Việt Nam cũng như các quốc gia đã và đang nỗ lực trong việc kiến tạo một hệ thống chính sách phù hợp và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp, tạo bệ đỡ cho các startup “nội địa” phát triển, để không xảy ra tình trạng “chảy máu startup”.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, ở Singapore có một hệ thống chính sách, có cách để lôi kéo các ý tưởng, thu hút các startup. Đây là thực tế cũng đã được Việt Nam nghiên cứu, để xây dựng hệ thống chính sách, trong đó có việc xây dựng các quỹ đầu tư- là nguồn vốn để hỗ trợ cho khởi nghiệp. Việc hình thành các quỹ này càng sớm càng tốt để các startup có thể khởi nghiệp mà không phải ra ngoài nhờ sự hỗ trợ về vốn nữa. Điều này phụ thuộc vào sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương chung tay cùng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đang sửa đổi bổ sung một số điều trong Đề án 844. Nếu như trước đây, Đề án 844 chỉ hỗ trợ cho các đơn vị tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp, thì sắp tới, sẽ có thêm những cơ chế chính sách hỗ trợ vốn mồi trực tiếp cho các startup. Hệ thống Quỹ đổi mới khoa học công nghệ quốc gia từ trung ương đến địa phương sẽ đưa thêm vào cơ chế tài trợ cho các startup giai đoạn đầu. Song song với đó, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu cơ chế, thí điểm cho phép gọi vốn cộng đồng và vốn vay trực tiếp của tư nhân- những nguồn vốn rất dồi dào trong xã hội, mà lại giảm thiểu được những khâu trung gian. Bên cạnh đó, cũng triển khai các mô hình thí điểm câu lạc bộ đầu tư, mạng lưới nhà đầu tư thiên thần- như kinh nghiệm mà Mỹ đã triển khai thành công. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho biết, sẽ mở rộng kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế- đặc biệt là cộng đồng người Việt ở nước ngoài, từ đó, giúp hình thành những định chế, thể chế mới, cũng như phát triển thị trường cho các startup.
Thay đổi chính sách để đón đầu làn sóng startup đang ngày càng phát triển là một hướng đi đúng đắn, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Chỉ có sự thay đổi tích cực không ngừng về chính sách, thì Việt Nam mới có thể thu hút được các startup, cũng như có môi trường để startup phát triển đột phá.
Gia Nguyên