Bài cuối: Kinh nghiệm tái thiết di sản công nghiệp
Di sản công nghiệp đang được nhiều quốc gia nhìn nhận như một phần của văn hóa, của lịch sử xã hội. Vì vậy, vấn đề bảo tồn và tái thiết di sản công nghiệp cần được quan tâm và thúc đẩy sự tham gia, sáng tạo của xã hội.
Nhìn từ các quốc gia trên thế giới có nền kinh tế sáng tạo phát triển, di sản công nghiệp được đầu tư, phát huy hiệu quả cao.
Từ hầm mỏ thành di sản thế giới
Nhìn từ các quốc gia trên thế giới có nền kinh tế sáng tạo phát triển, di sản công nghiệp được đầu tư, phát huy hiệu quả cao. Ở châu Âu, nhận thức về vai trò lịch sử của các công trình công nghiệp được nhắc tới lần đầu tiên từ những năm 1960 của thế kỷ trước ở Vương Quốc Anh - cái nôi của Cách mạng Công nghiệp châu Âu. Khái niệm “di sản công nghiệp” ra đời từ đây.
Ở Pháp, ý thức việc giữ gìn loại hình di sản này tuy muộn hơn ở Anh, nhưng lại có sức lan tỏa lớn. Nhiều tác nhân, từ sử gia đến các kiến trúc sư quan tâm đề cập, chính quyền cũng nhanh chóng có những động thái cụ thể để ghi nhận, gìn giữ.
Nhờ việc sớm được xếp hạng công trình lịch sử, nhiều tòa nhà đã tránh khỏi số phận bị san phẳng khi các dự án mới mọc lên. Sau đó, một số địa điểm ở ngoại ô Paris, chứng tích của ngành công nghiệp chế tạo ô tô Pháp, hay hầm mỏ còn lại của khu công nghiệp khai thác than đá ở vùng Lorrain và Nord-Pas-de-Calais được UNESCO xếp hạng di sản thế giới vào năm 2012.
Tiếp đó phải kể đến “la Condition publique” ở Roubaix - khu kho bãi và đóng gói nguyên vật liệu cũ, được chuyển đổi thành một trung tâm văn hóa, nhà triển lãm, biểu diễn, hội họp… Để khẳng định mạnh mẽ hướng đi này, vào năm 2004 vùng Lille đã ứng cử và được chọn làm Thủ đô văn hóa châu Âu.
Ở các quốc gia khác cũng dễ dàng để tìm thấy những không gian nghệ thuật được hình thành từ quá trình tái thiết di sản công nghiệp như nhà máy đường Eridania (Italia) chuyển đổi thành phòng hòa nhạc Niccolo Paganini. Nhà máy điện Bankside (Vương Quốc Anh) được chuyển đổi thành Trung tâm trưng bày nghệ thuật Tate. Tổ hợp văn hóa nghệ thuật 798 Art Zone (Trung Quốc) được tái thiết trên nền tảng một khu liên hợp nhà máy điện tử thuộc sở hữu Nhà nước.
Việc tái tạo này đã biến các bến tàu, nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, thậm chí là kho bãi... thành các bảo tàng hoặc trung tâm văn hóa, sáng tạo nghệ thuật mới, địa chỉ hấp dẫn thu hút khách du lịch.
Gần với chúng ta nhất, trong khu vực Đông Nam Á, là Thái Lan, ngay từ đầu những năm 2000, Chính phủ Thái Lan đã công bố 16 ngành kinh tế sáng tạo cần được tập trung phát triển trong thiên niên kỷ mới. Trong đó, “Tái thiết các di sản công nghiệp” là một trong những dự án được đầu tư nghiên cứu công phu.
Hà Nội cần xem các di sản công nghiệp cũng là một loại di sản văn hóa và là một trong những nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Các cơ quan, ban, ngành cần phối hợp và lên phương án đánh giá, phân loại các loại di sản công nghiệp, từ đó có cơ sở để xây dựng phương án bảo tồn cũng như tái sử dụng.
Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) - GS.TS Từ Thị Loan
Trong buổi tọa đàm cùng các nhà khoa học của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023, TS.KTS Mongkol Khan, giảng viên Khoa Kiến trúc, Đại học Công nghệ Rajamangala Thanyaburi (Thái Lan), người chuyên nghiên cứu về không gian phố và văn hóa phố truyền thống ở các nước châu Á cho biết, khoảng 20 năm nay những dự án “Tái thiết các di sản công nghiệp” của quốc gia này được ưu tiên cho tất cả những cơ sở công nghiệp có đủ những điều kiện để tái thiết dựa trên các tiêu chí như bề dày lịch sử, biểu tượng kiến trúc, biểu tượng văn hóa.
Hành trình không dễ dàng
Từ kinh nghiệm của các quốc gia đi trước có thể thấy, quá trình chuyển hướng ứng xử với công trình công nghiệp đã diễn ra không dễ dàng. Nó là thành quả của rất nhiều chính sách từ trung ương đến địa phương, nhằm hạn chế phá dỡ và hỗ trợ kinh phí bảo tồn.
Mặt khác, không kém phần quan trọng, là sự tác động vào dư luận kiểu bền bỉ “mưa dầm thấm lâu” của các sử gia, giảng viên, chuyên gia về di sản, kiến trúc quy hoạch, các cơ quan báo chí... Bằng cách thu thập, truyền tải các giá trị và vai trò của di sản công nghiệp trong ký ức cộng đồng, họ đã dần tạo sự gắn bó tinh thần, niềm tự hào của người dân và các nhà quản lý với lịch sử công nghiệp của quê hương mình.
Theo Giám đốc Khu phức hợp văn hóa Friche la Belle de Mai ở Marseille (Pháp) Alban Corbier-Labasse, thành công của Friche la Belle de Mai là sự kết hợp của hai ý chí. Một là ý nguyện của chính quyền, hai là sáng kiến của các chủ thể trong xã hội. Việc sử dụng tối ưu không gian hiện có và dự trữ các không gian cho các mục đích sáng tạo sau này là cần thiết. Vì vậy, cùng với việc tổ chức các hoạt động trong khu phức hợp, nơi này đang trở thành địa chỉ hấp dẫn cho người dân trong vùng và đông đảo du khách nơi khác đến tham quan.
Được chuyển đổi từ kho tàu cũ nát của Đường sắt Hà Lan, không gian làm việc Utrecht Community (Uco) đã giúp cung cấp 1.800m2 không gian làm việc, hội họp và trình diễn. Tuy khởi tạo từ một kho tàu cũ được xếp hạng di sản, tòa nhà Uco vẫn thiết kế và tuân theo các tiêu chuẩn trong suốt quá trình cải tạo để bảo đảm tính trung hòa về năng lượng.
Trong quá trình cải tạo và trang bị nội thất, Uco đã xem xét từng chi tiết để tìm ra các giải pháp bền vững, đầy đủ chức năng. Những người thiết kế đã chú ý để bảo đảm khí hậu trong lành với các vật liệu không độc hại và có nhiều ánh sáng tự nhiên. Đó là lý do nhiều năm qua, không gian này hoạt động hiệu quả do thực hiện tái thiết di sản công nghiệp tích hợp thiết kế bền vững tối ưu năng lượng.
Là nơi hội tụ nhiều nhà máy, xí nghiệp, công trình phục vụ sản xuất hàng đầu của cả nước, theo các chuyên gia, nếu loại bỏ các di sản công nghiệp, Hà Nội sẽ mất đi chuỗi liên tục của hình ảnh đô thị và rất khó để tạo ra những giá trị về mặt thời gian hay lịch sử.
Trước đây, một số cơ sở công nghiệp cũ của Hà Nội sau khi di dời, dừng hoạt động đã bị thu hồi để làm thành khu chung cư, trung tâm thương mại. Xét về mặt đầu tư, tài chính đó vẫn là những dự án phát huy hiệu quả. Nhưng về văn hóa, theo tôi chúng ta cần phải duy trì sự tiếp nối truyền thống, bản sắc của từng khu vực. Đó chính là câu chuyện về di sản đô thị. Không có TP hay không gian đô thị nào hình thành từ một bãi đất trống mà đều từ một vùng đất nào đó, địa danh nào đó có lịch sử truyền lại, và chúng ta cần phải duy trì ký ức đô thị. Khi thực hiện những dự án di dời này, chúng ta cần giữ lại không gian đó, ký ức đô thị tồn tại trong đó. Chúng ta không nên xóa nhòa tất cả chỉ để phục vụ cho mục đích kinh tế.
Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Hà Nội -
TS Emmanuel Cerise
Hà Nội cần nhận diện, phân loại, đánh giá các công trình công nghiệp cũ, từ đó đề xuất cơ chế gìn giữ, tái thiết, tái sử dụng các nhà máy, công xưởng có giá trị về văn hóa.
Để làm được việc này, rất cần một tầm nhìn xa rộng của chính quyền TP, sự tư vấn chuẩn xác của các cơ quan chuyên môn, sự tham gia nhiệt tình của đội ngũ sáng tạo, sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức thực thi. Có như vậy Hà Nội mới trở thành một TP không chỉ hiện đại, văn minh, mà còn thể hiện bề sâu văn hiến, bề dày văn hóa, có bản sắc và sự hấp dẫn riêng, đồng thời khắc phục được những nhà máy cũ nhiều khói bụi, ô nhiễm môi trường tọa lạc trong trung tâm TP.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-cuoi-kinh-nghiem-tai-thiet-di-san-cong-nghiep.html