Bài cuối: Kỳ vọng vào những khởi sắc trong hạ tầng giao thông
Đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại là một trong những ưu tiên hàng đầu của Hà Nội nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh các dự án giao thông trọng điểm đang được Thành phố triển khai để giảm ùn tắc, Hà Nội cũng đang đẩy mạnh đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng, thu hút người dân, từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Tạo đòn bẩy cho Thủ đô phát triển
Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa; là một trong những điểm sáng phát triển của cả nước. Để tiếp tục bứt phá, Hà Nội đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối liên vùng cũng như nội vùng, làm tốt một trong ba khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội. Ví dụ dễ thấy cho quyết tâm này là dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Chưa khi nào Thủ đô có một dự án giao thông được quan tâm, tập trung mọi nguồn lực, huy động đồng bộ cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt như dự án này. Để tìm hiểu, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc từ dự án, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đi thị sát tại một số nút giao quan trọng của tuyến đường Vành đai 4 thuộc các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và quận Hà Đông; trực tiếp nghe các đơn vị báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ giải phóng mặt bằng; đồng thời gặp gỡ, trao đổi với người dân có đất thuộc dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô…
Sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo Thành phố đã phần nào cho thấy quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị; đồng thời khẳng định việc nhanh chóng đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng, đem lại lợi ích to lớn không chỉ đối với các địa phương của Hà Nội, mà còn các tỉnh, thành phố trong vùng.
Trở lại với câu chuyện tăng cường xử lý ùn tắc giao thông ở Thủ đô, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn thông tin, để giảm ùn tắc, Thành phố đang triển khai 6 nhóm giải pháp trọng tâm.
Trong đó, giải pháp quan trọng đầu tiên là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch. Trong đó tập trung đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai, ưu tiên triển khai Vành đai 4; các tuyến trục chính hướng tâm như quốc lộ 1, quốc lộ 6; các tuyến đường có tính kết nối như Nguyễn Tam Trinh; Lĩnh Nam, các cầu qua sông để tăng tính kết nối giao thông giữa các khu vực, đây là giải pháp cơ bản có tính bền vững và lâu dài.
Cùng với đó, Thành phố chú trọng đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng, tiếp tục đầu tư các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông; tăng cường công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông khoa học, hợp lý phát huy tối đa năng lực hệ thống giao thông hiện có…
Theo ghi nhận, hiện thực hóa các nội dung công tác nêu trên, thời gian qua Hà Nội đã đẩy mạnh triển khai rà soát các vị trí giao cắt gây xung đột giao thông để bố trí các lực lượng chốt trực hướng dẫn giao thông nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc; thường xuyên rà soát các bất cập của tổ chức giao thông, nghiên cứu tổ chức giao thông hợp lý, hạn chế xung đột (bao gồm: điều chỉnh chu kỳ đèn, điều chỉnh hạ tầng nút giao, điều chỉnh tổ chức giao thông tại nút, xén mở rộng tối đa mặt đường tăng khả năng thông hành cho các phương tiện; xén mở rộng các nút giao, tạo các nhánh rẽ phải liên tục, giảm bớt lưu lượng phương tiện dừng chờ tại nút).
Kỳ vọng đồng bộ, hoàn thiện giao thông
Mặc dù giao thông Hà Nội đã có những khởi sắc, tuy nhiên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cũng chỉ ra, hiện nay, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố diễn biến hết sức phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu là tốc độ phát triển phương tiện giao thông cá nhân cao hơn tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông dẫn đến lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn gây quá tải kết cấu hạ tầng giao thông; Ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn hạn chế…
Theo tìm hiểu từ phía Sở Giao thông vận tải Hà Nội, để cải thiện tình hình giao thông, Sở đã phối hợp với các Sở, ngành, chính quyền địa phương thường xuyên rà soát các điểm, nút giao thông và các tuyến đường thực hiện các giải pháp trước mắt, khắc phục kịp thời đối với những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên, những giải pháp đang thực hiện trước mắt chủ yếu là điều chỉnh tổ chức giao thông hiện trạng nhằm giảm thiểu phần nào tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Do đó, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện các giải pháp lâu dài. Trong đó, cốt lõi nhất vẫn là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016, trong đó tập trung đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai; Các tuyến trục chính có tính kết nối; đồng thời tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường…
Quanh việc phát triển vận tải hành khách công cộng, được biết Hà Nội có định hướng phát triển phương tiện sử dụng năng lượng sạch, hiện nay đã có 8 tuyến xe buýt chạy bằng năng lượng điện. Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang tham mưu với Thành phố thay thế những tuyến xe buýt trong nội đô trở thành những chiếc xe năng lượng sạch. Đồng thời, tiếp tục phát triển những phương tiện với sức chứa nhỏ hơn như xe đạp công cộng, xe điện cỡ nhỏ để tăng cường kết nối mạng lưới phương tiện tiện công cộng… hướng tới mục tiêu năm 2030 sản lượng vận tải hành khách công cộng của Thành phố đạt từ 45 - 50%.
Góp ý cho vận tải hành khách công cộng phát triển, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Dư cho rằng, đầu tiên Hà Nội phải làm cho tốt, phủ kín mạng lưới giao thông công cộng để làm sao người dân ở tất cả mọi nơi đều có thể tiếp cận được. Bên cạnh đó, cũng cần có một chính sách công bằng với giao thông công cộng cũng như tổ chức giao thông sao cho hợp lý, có chính sách quản lý giao thông hợp lý. Hay nói cách khác, những giải pháp đưa ra làm sao tạo ra lực vừa vừa kéo, vừa đẩy thì giao thông công cộng sẽ chiếm lĩnh được thị trường và chiếm được tình cảm của người dân.
Trở lại với câu chuyện từng bước đồng bộ hạ tầng giao thông Hà Nội, được biết hiện Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thuộc danh sách các công trình cấp bách, trọng điểm, trong đó, sớm hoàn thiện các thủ tục để khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đúng kế hoạch vào tháng 6/2023; khởi công dự án đầu tư xây dựng đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 trong Quý I/2023; đôn đốc thi công, phấn đấu hợp long cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 trước ngày 30/6;
Tập trung triển khai thi công theo tiến độ đối với các dự án: hầm chui Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng; dự án tăng cường năng lực cho tuyến đường sắt đô thị số 03; dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên giai đoạn 2; và hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư, chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính; đầu tư xây dựng các cầu qua sông Hồng gồm cầu Vân Phúc, cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Thượng Cát...
Rõ ràng, Hà Nội đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, phát triển toàn diện, xứng đáng là Thủ đô của đất nước. Đúng với tinh thần ưu tiên thúc đẩy hạ tầng “phải đi trước một bước” Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ. Từ nội thành đến ngoại thành, những cây cầu, con đường hiện đại được mở rộng, từng bước định hình cho một Thủ đô kết nối và phát triển không ngừng.
Nhắc đến giao thông Thủ đô hẳn không ít người sẽ nghĩ ngay đến mặt tiêu cực là ùn tắc. Ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội là câu chuyện không phải đến bây giờ mới được đề cập. Ở đâu đó vẫn có thể chứng kiến cảnh phương tiện ùn ứ lúc tan tầm, tiếng còi xe và khói bụi khiến người đô thị mỏi mệt. Đây là sự hẳn nhiên. Thế nhưng, nếu mở lòng, nhìn rộng hơn ở câu chuyện này có thể thấy ùn tắc không phải chỉ ở Thủ đô, những nơi khác như Paris (Pháp), Seoul (Hàn Quốc) hay gần hơn là Bangkok (Thái Lan), Jakarta (Indonesia)… ùn tắc vẫn là bệnh trầm kha.
Hơn hết, nếu suy nghĩ ngược lại có thể thấy, đây là chuyện tất yếu khó tránh. Vì sao ư? Bởi trong bối cảnh quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông hạn hẹp, dân số đổ về Thủ đô, lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng cao… là những áp lực nhãn tiền khiến “bài toán” giao thông khó giải. Đáng mừng là, câu chuyện này đã và đang được thành phố Hà Nội cùng các ngành chức năng tích cực giải quyết bằng nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.