Bài cuối: Người dân cần sáng suốt, không để bị 'dắt mũi' bởi tin xấu độc
Tin giả, tin thất thiệt, tin độc, tin xấu không chỉ đơn thuần là thông tin sai lệch mà còn kéo theo những hệ lụy sâu rộng đối với xã hội. Những thông tin thất thiệt liên quan đến an ninh trật tự, dịch bệnh, thiên tai dễ dàng gây ra tâm lý hoang mang, bất an trong cộng đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội.

Cơ quan chức năng Công an TP Đà Nẵng làm việc với người đăng tải thông tin không đúng sự thật về việc bị bỏ thuốc mê giữa trung tâm thành phố.
Có thể thấy, một phần nguyên nhân của việc chia sẻ, đăng tải thông tin sai lệch đến từ tâm lý "nghe người ta nói", "có gì đâu, đăng cho vui", hoặc "có sao thì gỡ". Nhưng không phải ai cũng nhận ra rằng một dòng trạng thái vô trách nhiệm có thể kéo theo hậu quả rất thật - danh dự, uy tín tổ chức, cá nhân bị bôi nhọ, môi trường đầu tư bị ảnh hưởng, tâm lý bất an lan rộng trong xã hội.
Không ít cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân đã chịu tổn hại nặng nề về uy tín, danh tiếng vì bị bôi nhọ, xuyên tạc bằng những thông tin bịa đặt. Đáng lo ngại hơn, tin giả còn bị các thế lực thù địch lợi dụng để kích động, lôi kéo, gây rối trật tự công cộng, phá hoại sự ổn định của đất nước, đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia.
Cuộc chiến chống tin giả, tin thất thiệt, tin độc, tin xấu không thể thành công nếu thiếu sự chung tay của toàn xã hội. Do đó, mỗi cú "click", mỗi lượt "share" có trách nhiệm của chúng ta đều đang góp phần hình thành diện mạo thông tin của thành phố, của đất nước.
Mỗi người dân cần ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc kiểm chứng thông tin trước khi tin tưởng và chia sẻ, đồng thời chủ động theo dõi, cập nhật tin tức từ những nguồn chính thống, đáng tin cậy. Khi phát hiện các thông tin nghi ngờ là giả mạo, cần kịp thời báo cáo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.
Theo quy định tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm cá nhân có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi "đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng" có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù lên đến 7 năm.
Không thể phủ nhận, mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc tỉnh táo trước thông tin, kiểm chứng trước khi chia sẻ là yêu cầu cấp thiết đối với mỗi công dân trong thời đại số. Bên cạnh vai trò của cơ quan chức năng, sự chủ động, cảnh giác, ý thức trách nhiệm của từng cá nhân trong việc sử dụng mạng xã hội là yếu tố then chốt quyết định thành bại của cuộc chiến chống tin giả, bảo vệ an ninh thông tin quốc gia.
Chỉ với tinh thần trách nhiệm cao, sự đồng thuận xã hội và các giải pháp căn cơ, toàn diện, chúng ta mới có thể xây dựng được một không gian mạng lành mạnh, an toàn, phục vụ tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia trong tình hình mới.
Để xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn, không chỉ cần những "bàn tay sắt" xử lý vi phạm, mà còn cần "trái tim ấm" của mỗi cư dân mạng có trách nhiệm, biết yêu thương thành phố, quê hương mình bằng cách bảo vệ uy tín, hình ảnh địa phương trước những thông tin thất thiệt.
Để khẳng định sự thật về tình hình an ninh tại Đà Nẵng, chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan và toàn diện. Những thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội thường xuất phát từ những sự việc có thực, nhưng chúng đã bị bóp méo, cắt ghép hoặc thổi phồng để tạo ra một bức tranh sai lệch.
Thực tế, Đà Nẵng vẫn duy trì một hệ thống an ninh trật tự ổn định và có hiệu quả. Thời gian qua, Công an thành phố đã tập trung triển khai lực lượng phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm rõ 51 nhóm thanh thiếu niên có các hành vi vi phạm pháp luật về TTATXH trên đường phố, khởi tố điều tra 48 vụ, 446 đối tượng; ngăn chặn sớm 14 nhóm/52 đối tượng tụ tập gây rối trật tự công cộng, mang theo hung khí chuẩn bị đánh nhau. Củng cố, tăng cường hiệu quả hoạt động của lực lượng 911, 8394,… để đảm bảo an ninh trật tự, đấu tranh mạnh với tội phạm đường phố.
Việc giữ gìn môi trường thông tin tích cực liên quan đến Đà Nẵng trên mạng có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút khách du lịch, nhà đầu tư, chuyên gia quốc tế. Đà Nẵng đang nỗ lực từng ngày để trở thành thành phố an toàn, đáng sống, đáng đầu tư. Và thành công ấy không chỉ nhờ vào những con số thống kê hay những tấm bằng khen, mà còn được đo bằng sự bình yên trong từng khu phố, sự tin yêu trong lòng mỗi người dân, du khách cả trên thực địa lẫn trong không gian mạng.