Bài cuối: Nguồn lực giúp ngư dân làm giàu

Tận mắt chứng kiến cả nghìn lồng nuôi đầy ắp cá tôm trên hòn đảo xinh đẹp, mới thấy sự trỗi dậy thần kỳ của Lý Sơn sau 2 năm đóng băng vì dịch bệnh. Góp phần làm nên sức sống ấy, không thể không kể tới sự hy sinh thầm lặng của những người làm tín dụng 'tam nông'. Hạnh phúc nhất với họ là thấy đồng bào 'ăn nên làm ra' bằng chính nguồn vốn vay của ngân hàng mình…

Bài 1: Không chỉ giúp dân làm kinh tế

Giàu lên từ nuôi cá lồng bè

Sau hai năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, Lý Sơn đang tấp nập đón những chuyến tàu chở đầy khách du lịch vào, ra. Ngoài khơi, những bè nuôi trồng thủy sản cũng đang trở lại nhịp sóng hồi phục nhờ chính sách hỗ trợ vốn vay của ngân hàng.

Bắt đầu nuôi cá bớp từ năm 2017 nhưng đến năm 2022, ông Huỳnh Ngọc Thảo, thôn Đông, xã An Hải mới “trúng đậm” vì giá cá cao ngất ngưởng. "Trung bình mỗi kilôgam cá thương phẩm đầu tư hết 100.000 đồng thì mỗi con cá bán ra có trọng lượng 5 - 6kg cũng lãi từ 400.000 - 500.000 đồng”, ông Thảo nhẩm tính.

Chủ bè Huỳnh Ngọc Thảo,huyện Lý Sơn phấn khởi khoe lồng cá mú chuẩn bị xuất bán với các cán bộ Agribank Lý Sơn Ảnh: Bình Nhi

Chủ bè Huỳnh Ngọc Thảo,huyện Lý Sơn phấn khởi khoe lồng cá mú chuẩn bị xuất bán với các cán bộ Agribank Lý Sơn Ảnh: Bình Nhi

Hiện, trên địa bàn Lý Sơn có hơn 50 hộ nuôi cá bớp; trung bình mỗi bè từ 20 - 60 ao lồng. Toàn bộ khu vực nuôi trồng thủy sản ở đảo Lý Sơn đều sử dụng nguồn vốn vay của Agribank Lý Sơn - ngân hàng thương mại đầu tiên đóng chân trên địa bàn đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Ông Huỳnh Văn Thảo cho biết, thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm cùng với việc mưa bão thường xuyên, phải di chuyển lồng bè đến khu vực khác có môi trường không bảo đảm dẫn đến nhiều lồng cá bị chết, thua lỗ. Các năm sau, hoặc vừa đủ vốn hoặc lãi ít nhưng khổ nhất là 2 năm dịch bệnh vừa qua, mọi thứ đóng băng, coi như mọi công sức đổ sông, đổ biển. Nay, sau một thời gian “treo lồng”, hiện cá mú, cá bớp đều đã được thả nuôi lại trong 60 lồng nuôi của gia đình. Lứa trước bù lứa sau, gối đầu liên tục, một bè gối 4 - 5 lứa cua, cá, tôm.

Tuy nhiên, vì nuôi toàn loại đặc sản nên vốn đầu tư rất lớn. Đa phần vốn liếng của gia đình ông Thảo nói riêng và các hộ nuôi nói chung đều phải vay ngân hàng, nhất là thời điểm cần thúc cá để chuẩn bị xuất bán, phải đầu tư cho ăn mồi nhiều để đạt cả về chất và lượng. Trong khi đó, thời gian gần đây giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, nay tăng lên 15.000 đồng/kg. “Nếu không có chính sách hạ lãi suất của ngân hàng thì còn khó khăn nữa”, ông Thảo nói.

Cũng giống như ông Thảo, ngư dân Huỳnh Văn Nam đã có 10 năm nuôi cá lồng bè. Hiện, ông Nam cũng đang nuôi 60 lồng cá bớp, cá mú và tôm hùm, mỗi năm xuất bán khoảng gần 20 tấn cá, tôm các loại. Riêng năm nay, tiền lãi thu từ cá bớp cũng lên đến 1 tỷ đồng. “So với đi biển, nghề này ổn định và an toàn hơn. Tuy nhiên, cũng hên xui và phụ thuộc vào nhiều thứ lắm”, ông Huỳnh Văn Nam nói.

Ông Huỳnh Văn Nam khẳng định, không chỉ gia đình ông mà rất nhiều hộ nuôi cá lồng bè ở Lý Sơn đều ổn định cuộc sống và phất lên nhờ vốn vay của Agribank. Chỉ tính riêng tiền làm lồng, bè thôi lên đến vài tỷ đồng. Chưa kể, cá tôm giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng, chống dịch bệnh, nhân công… “Anh chị cứ tính đơn giản, cứ 10 tấn cá, cần phải mất 200 triệu đồng tiền thức ăn/tháng. Nếu không có sự hỗ trợ của Agribank Lý Sơn, chắc chúng tôi không trụ được!’ - ông Huỳnh Văn Nam chia sẻ.

Lý Sơn luôn cần Agribank đồng hành

Đánh giá về vai trò của ngành ngân hàng nói chung, Agribank nói riêng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Đặng Tấn Thành cho biết, nguồn vốn tín dụng của ngân hàng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế của người dân huyện đảo.

Là ngân hàng đầu tiên có mặt trên huyện đảo, nguồn vốn tín dụng của Agribank đã giúp bà con đầu tư phát triển kinh tế, nhất là trong nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và phát triển sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, trong phục hồi và phát triển kinh tế sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn vốn tín dụng của Agribank đã góp phần giúp doanh nghiệp, người dân trên huyện đảo khôi phục sản xuất, đầu tư xây dựng, tu bổ cơ sở hạ tầng, khách sạn, nhà hàng, mua sắm phương tiện vận tải để đón khách du lịch đến với huyện đảo.

“Riêng đối với lĩnh vực nuôi trồng hải sản năm nay đặc biệt được mùa, được giá, khiến bà con vui và lãnh đạo chúng tôi cũng rất phấn khởi. Kết quả này là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có sự góp sức kịp thời, thiết thực của Agribank. Chúng tôi mong muốn, Agribank sẽ tiếp tục quan tâm tới nguồn vốn và dành những cơ chế ưu đãi cho nhu cầu và kế hoạch phát triển huyện đảo” - Phó Chủ tịch Đặng Tấn Thành nói.

Không chỉ được chính quyền Lý Sơn tin tưởng, Agribank còn là người bạn đồng hành thân tín của ngư dân trên Đảo. Nhiều bà con tâm sự, trước cũng đã từng vay ở các ngân hàng khác nhưng rồi dần dần chuyển qua Agribank. Bà con chia sẻ, lãi suất của Agribank có thấp hơn nhưng không nhiều so với các ngân hàng khác, song họ vẫn lựa chọn Agribank bởi thái độ phục vụ, chất lượng sản phẩm và trên hết là sự tận tâm với người vay.

Về phía Agribank, Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank Lý Sơn Lê Thị Của xác định, sự hiện diện của Agribank tại đảo tiền tiêu của Tổ quốc là vừa thực hiện nhiệm vụ kinh doanh, vừa mang ý nghĩa chính trị nên Chi nhánh luôn nỗ lực không ngừng, để không chỉ góp phần làm giàu cho người dân trên đảo, mà còn khẳng định mục tiêu của Agribank giúp mọi người dân, từ vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo khó khăn đều được tiếp cận với nguồn vốn của nhà nước, với dịch vụ ngân hàng. Đây cũng là cách Agribank đóng góp vào việc đưa Lý Sơn thành hạt nhân của tỉnh Quảng Ngãi trong phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX của Quảng Ngãi và Đại hội Đảng bộ huyện Lý Sơn đã đề ra.

Đức Kiên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/bai-cuoi-nguon-luc-giup-ngu-dan-lam-giau-i296390/