Bài cuối: Nhiều bài học kinh nghiệm quý cho việc ban hành, thực hiện chính sách

Đến nay, hầu hết các chính sách trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã hoàn thành, nên việc Quốc hội tiến hành chuyên đề giám sát ngay tại thời điểm này có ý nghĩa quan trọng. Qua đó, kịp thời đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết; làm rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, vướng mắc, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan; qua đó, rút ra bài học kinh nghiệm trong việc ban hành và triển khai chính sách, nhất là trong bối cảnh tình hình đặc biệt.

Sự đồng lòng, nhất trí tạo sức mạnh to lớn

Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, nước ta đã từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội. Đây là một trong những kết quả tổng hợp nổi bật từ việc ban hành Nghị quyết. Cùng với đó, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết cũng để lại nhiều kinh nghiệm quý về năng lực và khả năng kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh, giúp đất nước sớm trở lại trạng thái bình thường, chuyển các hoạt động kinh tế - xã hội từ trạng thái thích ứng với thực tế, kiểm soát dịch bệnh, từng bước phục hồi nhanh và ổn định hơn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15. Ảnh: Hồ Long

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15. Ảnh: Hồ Long

Ấn tượng với việc duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô trong hai năm 2022, 2023, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trần Thị Hồng Minh khẳng định, những thành quả mà Việt Nam đạt được về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là rất đáng lưu tâm, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Thành tựu về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát càng cho thấy, chất lượng phục hồi của tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Kết quả này cũng khẳng định quá trình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội có chất lượng hơn, gắn với cải cách cơ cấu và tăng năng lực cung của nền kinh tế. Do đó, đã không xảy ra vấn đề “đánh đổi” giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát.

Đoàn giám sát của Quốc hội cũng khẳng định, những kết quả đạt được sau hơn 2 năm thực hiện cho thấy, việc ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong hoàn cảnh tình hình kinh tế - xã hội đất nước đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Các chính sách được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 có tính chiến lược trong việc duy trì phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, mang tính nhân văn, động viên tinh thần cho người dân, doanh nghiệp và bổ sung nguồn lực lớn từ ngân sách Nhà nước cũng như các nguồn vốn huy động khác để vực dậy cả cung và cầu của nền kinh tế, giúp kinh tế có những bước phục hồi và phát triển tích cực, được đông đảo nhân dân, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đồng thuận, hưởng ứng.

Để đạt được kết quả này có sự đóng góp quan trọng của quá trình triển khai khẩn trương, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương với quyết tâm cao, nhận thức và xác định đúng tầm quan trọng của các chính sách, qua đó huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, gắn với kiểm tra, đôn đốc quyết liệt từ cơ sở, tạo hiệu ứng lan tỏa trong quá trình triển khai, bảo đảm thực hiện các mục tiêu chính sách đã đề ra.

Điều này được các bộ, ngành, địa phương nơi Đoàn giám sát trực tiếp làm việc, khảo sát nhất trí khẳng định. Thực tiễn cho thấy, tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp và bài học trong xây dựng chính sách, sử dụng hiệu quả nguồn lực chính sách, đặc biệt là cách thức tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 là những bài học kinh nghiệm quý, là động lực to lớn để chúng ta tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Tiếp tục gỡ một số “nút thắt” trong xây dựng và thực hiện chính sách

Dù vậy, qua giám sát cũng cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển thuộc Chương trình chưa đạt kỳ vọng là do các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đăng ký các dự án chưa có trong Kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 (cụ thể là 255/264 dự án). Báo cáo của các bộ, ngành và thực tế triển khai thực hiện tại các địa phương cho thấy, do sự phối hợp giữa Bộ quản lý ngành, lĩnh vực với các bộ liên quan và chính quyền địa phương trong việc đăng ký dự án, lập danh mục dự án còn hạn chế, nên việc lập danh mục còn chưa sát thực tế. Do đó, khi đưa sang Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, thì nhiều dự án phải "trả về", cần sửa lại danh mục dự án, gây mất thời gian không cần thiết.

Việc xây dựng chưa có sự chuẩn bị tốt nên tính sẵn sàng và khả năng hấp thụ vốn cũng không cao, không bảo đảm tiến độ. Cùng với đó, việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, giao kế hoạch vốn của Chương trình quá chậm, làm giảm hiệu quả, ý nghĩa của Chương trình, dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện và bảo đảm tiến độ giải ngân vốn cho các dự án, không bảo đảm quan điểm nêu trong Nghị quyết, là “nguồn lực đưa ra có khả năng giải ngân, hấp thụ nhanh”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ phát biểu

Nhìn lại quá trình triển khai các dự án, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ, thành viên Đoàn giám sát đề nghị, cần làm rõ: Nghị quyết số 43/2022/QH15 mang tính cấp bách, nhưng phải chăng chúng ta chưa có cơ chế phù hợp nên tiến độ triển khai thực hiện một số chính sách còn chậm? Nghị quyết thực hiện trong bối cảnh đặc biệt, nhưng thực hiện lại theo quy trình, thủ tục bình thường, nên địa phương không thực hiện nhanh các công việc có liên quan, chưa kể tâm lý sợ, ngại, không dám làm khiến tiến độ và hiệu quả của nhiều chính sách chưa đạt yêu cầu đề ra?

ĐBQH Hoàng Văn Cường - thành viên Đoàn giám sát phát biểu

ĐBQH Hoàng Văn Cường - thành viên Đoàn giám sát phát biểu

Cũng theo ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội), thành viên Đoàn giám sát, thì tiến độ thực hiện một số chính sách chậm có nguyên nhân từ việc thiếu cơ sở dữ liệu chuyên ngành, chưa đầy đủ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dẫn đến khó khăn, lúng túng trong lập kế hoạch và tổ chức triển khai ở địa phương. Điển hình của vấn đề này là do thiếu cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cộng với việc hồ sơ đề nghị hỗ trợ thuê nhà cho người lao động dồn vào cuối tháng 7, đầu tháng 8.2022, đã gây sức ép lớn trong việc bố trí lực lượng cán bộ tiếp nhận, thẩm định ở các địa phương, khiến tiến độ giải quyết hồ sơ chậm so với yêu cầu đề ra. Và, với tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, tại một số địa phương đã phát sinh thêm thủ tục hành chính vượt quá quy định, dẫn đến khi áp dụng được thì đối tượng thụ hưởng chính sách không còn nhu cầu.

Có thể thấy, đến nay, hầu hết các chính sách trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã hoàn thành, chỉ còn chính sách đầu tư phát triển được kéo dài thực hiện đến ngày 31.12.2024 và giảm thuế giá trị gia tăng được thực hiện đến 30.6.2024.

Việc Quốc hội tiến hành chuyên đề giám sát ngay khi các chính sách vừa cơ bản hoàn thành sẽ giúp đánh giá sát kết quả triển khai Nghị quyết, làm rõ những nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ với một số chính sách và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm trong việc ban hành và triển khai các chính sách, nhất là các chính sách ban hành trong bối cảnh đặc biệt để xử lý tình huống đặc biệt và cấp bách. Đồng thời, kịp thời xử lý vướng mắc đối với những chính sách được kéo dài thời hạn thực hiện; nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong tập trung chỉ đạo triển khai và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, bảo đảm tính hiệu quả của chính sách.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/bai-cuoi-nhieu-bai-hoc-kinh-nghiem-quy-cho-viec-ban-hanh-thuc-hien-chinh-sach-i372725/