Bài cuối: Phía trước còn nhiều thách thức

Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình đã đi vào cuộc sống, được đông đảo người dân đón nhận. Sau hơn 3 tháng triển khai, các chính sách đã tác động tích cực đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội nói chung và đời sống của người nghèo, người yếu thế nói riêng. Tuy nhiên, việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều thách thức, không cho phép những người thực thi lơ là, chủ quan…

Bài 3: Không để ai bỏ lại phía sau
Bài 2: Rốt ráo chuyển vốn đến người nghèo
Bài 1: Tập trung nguồn vốn

Tác động lớn đến kiểm soát lạm phát!

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về tác động của việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình tại Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện hai nghị quyết nêu trên vừa diễn ra sáng 18.5. Phó Thủ tướng cho rằng, kết quả triển khai Nghị quyết đã tác động rất lớn đến giá cả hàng hóa và việc kiểm soát các chỉ số lạm phát.

Trên thực tế, báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng 2,1%, cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2021 (4 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 0,89%). Đây là kết quả đáng ghi nhận trong chỉ đạo, điều hành giá của Chính phủ, các ngành, các cấp trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang gánh chịu cơn “bão giá” chưa từng có trong vài chục năm qua. Sự cân đối sản xuất trong nước cũng như việc kiểm soát tăng giá bằng các chính sách hiệu quả, thiết thực đã không gây áp lực lên nguồn cung.

Trong nước, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng trong điều kiện bình thường mới, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá một số hàng hóa tăng lên nhưng nhìn chung mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát tốt. Nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân nên giá cả ổn định. Giá các mặt hàng thực phẩm quý I.2022 giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Giá dịch vụ giáo dục giảm 4,24% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021 - 2022, làm CPI giảm 0,23 điểm phần trăm. Giá thuê nhà ở giảm 15,14% so với cùng kỳ năm trước do nhiều hộ gia đình giảm giá hỗ trợ người thuê nhà trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, làm CPI giảm 0,07 điểm phần trăm.

Có thể thấy, sự kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp đã có tác động rất lớn đến việc phục hồi, phát triển nền kinh tế - xã hội của đất nước. Mặt bằng giá trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm khá lớn; nền kinh tế còn nhiều biến động nên CPI khó giữ được ở mức tăng dưới 4%.

Các đại biểu dự Hội nghị nhận định việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức
Ảnh: Trần Trung

Không được chủ quan

Nghị quyết số 11/NQ-CP đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, song, vẫn còn những tồn tại, hạn chế về công tác huy động nguồn lực. Cụ thể, nguồn vốn trong gần 5 tháng qua mới đạt được 2.600 tỷ đồng, tương đương 13% mục tiêu.

Đề cập đến các thách thức khi triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay, năm 2022, NHCSXH sẽ huy động 20.400 tỷ đồng trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Đến nay, dù có nhiều cố gắng nhưng kết quả huy động mới đạt 2.600 tỷ đồng. Nhu cầu giải ngân cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 dự kiến là 19.000 tỷ đồng; nhiệm vụ từ nay đến cuối năm trong huy động trái phiếu của NHCSXH là rất lớn, trong khi đó, thị trường tài chính, thị trường vốn có nhiều biến động, gần đây, lãi suất có chiều hướng tăng. Ngân hàng cần phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tìm giải pháp phù hợp, vừa bảo đảm sự ổn định của thị trường tài chính chung, vừa huy động được nguồn lực để thực hiện Chương trình.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng đề cập đến khó khăn trong sắp xếp, bố trí nguồn nhân lực và quản trị, điều hành của NHCSXH khi số lượng chương trình tín dụng mà Ngân hàng này đang quản lý lên tới 26 chương trình; nhiều chương trình có dư nợ cao, có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội. Một mặt, Ngân hàng tiếp tục tập trung quản lý, theo dõi thu hồi nợ, giải ngân cho vay đối với các chính sách; mặt khác, thực hiện giải ngân các chính sách mới ban hành để đảm bảo hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ trưởng Bộ Tài chính đề nghị, NHCSXH nghiên cứu, xem xét, tính toán khối lượng công việc để bố trí, sắp xếp nguồn nhân lực bảo đảm thực hiện hiệu quả. Đồng thời, lưu ý, tín dụng ra phải kịp thời, bảo đảm chất lượng, khả năng thu hồi cao, phát sinh dư nợ xấu thấp nhất; đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo giúp NHCSXH triển khai nhiệm vụ của mình, góp phần vào kết quả chung của Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Đặc biệt, tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ xây dựng và trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng ưu đãi đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua NHCSXH. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, đã phối hợp với các Bộ, ngành trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030 (trong đó giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025).

Để thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra, cũng như giải quyết các tồn tại, vướng mắc trên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, Ủy ban Dân tộc, Bộ Y tế cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn các địa phương xác nhận, phê duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách. Chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHCSXH để tổ chức triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, bảo đảm nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước nhanh chóng, kịp thời đến đúng đối tượng hỗ trợ.

Bình Nhi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/bai-cuoi-phia-truoc-con-nhieu-thach-thuc-i289284/