Bài cuối: Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm bác sĩ rởm chữa tự kỷ

Bác sĩ nội trú Nguyễn Minh Quyết - Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện thường tiếp nhận những bệnh nhi sau khi 'điều trị' tự kỷ bởi những bác sĩ không có chuyên môn, hoặc những người tự xưng là 'chuyên gia tâm thần' nhưng không có hiệu quả...

Mỗi năm có 30.000 – 50.000 lượt trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong đó có tới 25-30% trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ và có dấu hiệu theo dõi nguy cơ tự kỷ. Đáng buồn là Khoa Tâm thần - Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều bệnh nhi sau khi đã được chữa, can thiệp rối loạn phổ tự kỷ bởi các “bác sĩ”, “chuyên gia” trên mạng không hiệu quả, nhiều cháu gánh chịu hậu quả nặng nề. Có cháu đến viện trong tình trạng thắng lưỡi đã cắt nhưng vẫn không nói được, có cháu rối loạn phổ tự kỷ nặng nhưng trước đó được “bác sĩ” chẩn đoán không mắc bệnh, đã bỏ lỡ “giai đoạn vàng” can thiệp tốt nhất.

Cha mẹ cần hiểu đúng để sớm can thiệp cho con

Có mặt tại Khoa Tâm thần – Bệnh viện Nhi Trung ương, chúng tôi bắt gặp nhiều ánh mắt lo lắng của các bậc phụ huynh về tình trạng sức khỏe của con. Mỗi ngày Khoa Tâm thần tiếp nhận khoảng 200 cháu bé đến khám. Hằng năm, Khoa còn can thiệp cho khoảng 250-300 lượt trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ. Một người mẹ trẻ bế con trên tay đi lại trong hành lang của Khoa kể: “2h sáng nay, mẹ con em bắt xe từ Lạng Sơn xuống. Cháu 23 tháng nhưng đến nay chưa nói được, gọi hỏi 10 lần thì đáp ứng 5-6 lần, sợ tiếng ồn, đưa đồ vật cho chơi thì đẩy ra, hay đi vòng tròn. Em lên mạng đọc thấy con có dấu hiệu rối loạn phổ tự kỷ nên đưa tới đây khám”.

Khi thấy con có dấu hiệu của rối loạn phổ tự kỷ, cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế có chuyên khoa Tâm thần Nhi để thăm khám.

Khi thấy con có dấu hiệu của rối loạn phổ tự kỷ, cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế có chuyên khoa Tâm thần Nhi để thăm khám.

Tại đây, chúng tôi gặp không ít phụ huynh “thông thái” như người mẹ trẻ này, khi phát hiện con có biểu hiện bất thường, họ đưa con đến bệnh viện tuyến trung ương có chuyên khoa tâm thần để thăm khám. “Em có xem bác sĩ trên mạng quảng cáo chữa tự kỷ, nhưng không tin. Quan điểm của em là có bệnh phải tới bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán mới chính xác”, một phụ huynh có con 20 tháng tuổi chậm nói cho biết.

Qua quan sát của chúng tôi, nhiều phụ huynh có con chậm nói, tăng động giảm chú ý đưa con tới khám từ khi trẻ chỉ 18 -24 tháng tuổi. Nhưng bên cạnh đó, cũng có người con chậm nói tới 4 tuổi mới quay tới khám lần 2.

Một nam phụ huynh ngồi cạnh con gái 4 tuổi, lo lắng kể: “Lúc cháu hơn 2 tuổi, tôi đưa cháu tới khám 1 lần do chậm nói, nhưng vì bận bịu nên tôi cũng để trôi đi không tái khám. Thời gian sau, nghe bác sĩ trên mạng mách ra chợ giật đồ ăn mang về cho con ăn sẽ biết nói, tôi làm theo. Sau đó tôi cũng mua thuốc chậm nói của bác sĩ này, làm theo hướng dẫn của bác sĩ mà đến nay cháu 4 tuổi vẫn chỉ nói được 1 vài từ đơn. Không biết lần này tới khám thì cháu được chẩn đoán ra sao”.

Bác sĩ nội trú Nguyễn Minh Quyết - Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện thường tiếp nhận những bệnh nhi sau khi “điều trị” tự kỷ bởi những bác sĩ không có chuyên môn, hoặc những người tự xưng là “chuyên gia tâm thần” nhưng không có hiệu quả. Có nhiều cháu đến đây sau khi đã cắt thắng lưỡi để chữa tự kỷ nhưng vẫn không nói được như lời quảng cáo của “bác sĩ” trên mạng. Có cháu lại được “bác sĩ” không có chuyên môn tâm thần chẩn đoán không mắc rối loạn phổ tự kỷ, cha mẹ cứ để như thế không can thiệp, khi trẻ 4 tuổi có các biểu hiện của rối loạn phổ tự kỷ rất nặng mới đưa tới đây, đã lỡ “giai đoạn vàng” can thiệp tốt nhất.

Bác sĩ Quyết khẳng định: Việc cắt thắng lưỡi để điều trị trẻ tự kỷ chậm nói là sai hoàn toàn. Dính thắng lưỡi hay không phải do các bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt khám và tư vấn, điều trị, chứ không phải trẻ tự kỷ chậm nói cắt thắng lưỡi mà nói được. “Nhiều phụ huynh cho con cắt thắng lưỡi thì yên tâm đi về. Sau vài tháng, hoặc đôi ba năm con vẫn chưa nói được mới tới Bệnh viện Nhi Trung ương. Can thiệp cho các cháu vất vả hơn nhiều”, BS Quyết cho biết và khẳng định, “mẹo” cho con đi giật đồ ngoài chợ để trẻ nhanh biết nói là không có cơ sở.

Trước tư vấn của bác sĩ H ở Hưng Yên khuyên phụ huynh bỏ sữa bò để uống sữa hạt chữa tự kỷ (như chúng tôi đã đề cập ở bài 1 – PV), bác sĩ Quyết khẳng định, sữa hạt không thể thay thế được sữa bò và chỉ dùng dưới dạng bổ sung. Bỏ sữa bò sẽ làm cho trẻ còi cọc, bởi đây là một nguồn cung cấp năng lượng và dinh dưỡng cho trẻ. Việc vận động là tốt cho các con nhưng phải đảm bảo an toàn, có cơ sở khoa học chứ không phải cho trẻ đi bộ bất chấp, như quan điểm của vị bác sĩ ở Hưng Yên. Bác sĩ Quyết cũng cho rằng, việc tư vấn cho trẻ tự kỷ không ăn thịt đỏ là sai, mà trẻ nên ăn đa dạng thực phẩm để bảo đảm đủ dinh dưỡng cho sự tăng trưởng và phát triển.

Cảnh giác với những thông tin sai lệch

Hiện nay, sự bùng nổ của mạng xã hội đã khiến nhiều người không có chuyên môn về sức khỏe tâm thần xây dựng kênh để chia sẻ về hành trình dạy trẻ tự kỷ. Nếu như những kênh này chia sẻ thông tin đúng thì không sao, đằng này lại là những thông tin sai lệch, phản khoa học, và sau đó hướng đến bán thực phẩm chức năng.

Bác sĩ Nguyễn Minh Quyết cho biết, có lẽ sau xu hướng đẩy một số bác sĩ không có chuyên khoa tâm thần lên thành “idol” như bác sĩ H ở Hưng Yên thì giờ đây, đến lượt các mẹ có con tự kỷ (trên mạng gọi là mẹ VIP) dần dần thay thế các bác sĩ trở thành các “idol” mới. Và cách thức rất giống nhau, chia sẻ kiến thức đúng và có cả các kiến thức không đúng/không có bằng chứng. Ban đầu, video sẽ là câu chuyện về bé VIP; sau đó, sẽ là cách mẹ đưa bé đi đâu, cho làm gì, cho ăn gì…? Mẹ VIP in cuốn 100 bài ra gửi cho các phụ huynh khác (rất giống bác sĩ H tặng cho phụ huynh kèm sản phẩm bác sĩ này bán); rồi dần dần câu chuyện sẽ dẫn đến rằng bạn VIP uống gì? Mẹ VIP sẵn sàng dẫn dắt phụ huynh. Có mẹ VIP không ngần ngại lên video truyền thông sai lệch, làm ảnh hưởng đến uy tín của một số bệnh viện và dẫn dắt phụ huynh ra các trung tâm để test cho kỹ.

Theo bác sĩ Quyết, nguyên nhân của tự kỷ không phải do cha mẹ không chăm sóc trẻ, không phải do tiêm vaccine hay cho trẻ xem tivi, điện thoại nhiều. Có 5 dấu hiệu cảnh báo nguy cơ trẻ tự kỷ mà phụ huynh cần đặc biệt chú ý: 12 tháng, trẻ không nói bập bẹ; 12 tháng trẻ chưa biết chỉ ngón, bai bai, vỗ tay, lắc đầu; 16 tháng, trẻ chưa nói được từ đơn; 24 tháng, trẻ chưa nói được 2 từ; trẻ mất đi kỹ năng ngôn ngữ hoặc xã hội đã có ở bất kỳ lứa tuổi nào.

Bác sĩ Quyết cũng cho biết, sàng lọc tự kỷ ở Việt Nam hiện nay có thể áp dụng cho trẻ từ 18-30 tháng (có thể mở rộng cho trẻ từ 16 tháng) bằng thang M-chát và khi có 2 dấu hiệu nguy cơ trở lên nên được thăm khám chuyên khoa Tâm thần nhi. Sàng lọc phát triển chỉ là bước đầu tiên, dù sàng lọc có âm tính vẫn cần theo dõi tiếp mà không chủ quan là con em mình bình thường. Còn nếu sàng lọc có nguy cơ tự kỷ hoặc trễ phát triển thì nên đi khám chuyên khoa phù hợp.

Hiện nay, chưa có phương pháp nào điều trị khỏi rối loạn phổ tự kỷ. Các biện pháp can thiệp giáo dục được chứng minh là có hiệu quả tốt nhằm giảm các triệu chứng rối loạn phổ tự kỷ, giúp trẻ học các kỹ năng quan trọng, nâng cao khả năng hòa nhập xã hội.

Theo Quyết định 1862/QĐ-BYT của Bộ Y tế, bác sĩ chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ cần đáp ứng các tiêu chuẩn: Là bác sĩ chuyên khoa Nhi hoặc được cấp bằng/chứng chỉ về nhi khoa; được cấp bằng/chứng chỉ, trong đó có nội dung đào tạo về chẩn đoán, điều trị các rối loạn phát triển trẻ em. Thông thường, bác sĩ chẩn đoán có thể là bác sĩ nhi, bác sĩ tâm thần hoặc bác sĩ phục hồi chức năng. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế là rất quan trọng bởi bác sĩ vẫn là trưởng nhóm trong nhóm chẩn đoán và can thiệp trẻ, gồm cán bộ tâm lý, giáo viên giáo dục đặc biệt, nhà âm ngữ trị liệu, nhà hoạt động trị liệu.

Thiết nghĩ, để trẻ có dấu hiệu rối loạn phổ tự kỷ không gặp phải những hậu quả đáng tiếc bởi các “chuyên gia”, “bác sĩ” không có chuyên môn, Thanh tra Sở Y tế, Phòng Y tế các quận, huyện, nơi có các phòng khám này hoạt động phải tiến hành kiểm tra thường xuyên, xử lý nghiêm nếu có sai phạm. Đặc biệt, việc quảng cáo tràn lan chữa bệnh, bán thuốc sai quy định trên không gian mạng cần phải được mạnh tay xử lý, nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/bai-cuoi-tang-cuong-kiem-tra-xu-ly-nghiem-bac-si-rom-chua-tu-ky-i738284/