Bài cuối: Thắp sáng văn hóa người Hà Nội

Tăng quy mô, duy trì chất lượng giáo dục Bài 2: Giảm quá tải cho tuyến trên Thực hiện Chương trình 04-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội: Nền tảng để phát triển bền vững

(HNM) - Phát triển văn hóa là ưu tiên hàng đầu của Hà Nội. Với chủ trương này, Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020” tiếp tục củng cố mục tiêu thắp sáng văn hóa, để những giá trị tinh thần trên mảnh đất nghìn năm văn hiến mãi là nguồn lực thúc đẩy Thủ đô vươn lên mạnh mẽ và bền vững.

Hướng dẫn trẻ em giữ gìn nếp sống thanh lịch, văn minh nơi công cộng, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Anh Tuấn

Giữ nền, xây nếp văn minh

Là một trong những chương trình hành động bao quát và xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố, Chương trình 04-CTr/TU hướng tới mục tiêu đặt văn hóa là trung tâm chính sách phát triển, khẳng định tinh thần quyết liệt đổi mới, sáng tạo, bồi đắp, củng cố văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Nỗ lực ấy tiếp tục được thể hiện rõ trong giai đoạn 2016-2020, với sự ra đời của Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội. Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động, công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một trong 5 nhiệm vụ chủ yếu; một trong 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng bộ thành phố đề ra, trong đó nhấn mạnh xây dựng người Hà Nội tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử. Cùng với việc ban hành hai quy tắc ứng xử, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục văn hóa ứng xử, đấu tranh phòng, chống các hành vi bạo lực trên địa bàn.

Kể từ đó đến nay, các quy tắc ứng xử nhận được sự quan tâm, vào cuộc của các cấp chính quyền, sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo người dân. Đồng thời, hàng loạt mô hình, phong trào, dự án... gắn với xây dựng văn hóa người Hà Nội được khởi động, như: Phong trào “Lời nói hay, việc làm tốt, phong cách đẹp” của quận Hoàn Kiếm; mô hình “Tổ dân phố không rác”, “Đoạn đường tự quản văn minh” của quận Tây Hồ…

Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, nếu như việc niêm yết công khai, rõ ràng các quy định, đường dây nóng giúp người dân dễ dàng liên hệ, phản ánh, đồng thời là sự nhắc nhở mỗi cán bộ, công chức trong công việc hằng ngày, thì các chương trình phát động thông qua khẩu hiệu làm việc ở nhiều cơ quan, đơn vị… cũng góp phần làm bầu không khí thi đua thêm sôi nổi.

Vì một Hà Nội văn minh, giàu bản sắc

Theo đánh giá của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, hơn 2 năm đi vào cuộc sống, các quy tắc ứng xử đã mang lại nhiều đổi thay tích cực cho đời sống văn hóa của Thủ đô. Văn hóa ứng xử từ công sở tới nơi công cộng được chú trọng hơn. Những than phiền về thái độ nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm trong công việc; hành vi thiếu văn hóa nơi công cộng giảm dần. Thay vào đó là những cơ quan, đơn vị, những cộng đồng biết vun vén, làm giàu cho văn hóa Hà Nội.

Cùng với đó, thành phố đã nỗ lực chấn chỉnh hoạt động lễ hội, đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa mới trong cộng đồng dân cư. Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Ngô Văn Nam cho biết, những tồn tại từ nhiệm kỳ trước, như: Chặt chém, chèo kéo khách, xô xát trong lúc cướp lộc... được khắc phục, giúp cho những lễ hội của Hà Nội thực sự vui tươi, lành mạnh. Nhiều mô hình cưới văn minh, ý nghĩa, tiết kiệm xuất hiện, như: Đám cưới tập thể; hôn lễ tiệc ngọt, tiệc trà; đám cưới 1 ngày… Hệ thống thiết chế văn hóa dần hoàn thiện với 23 thiết chế văn hóa cấp thành phố, 150/584 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn; 2.389/2.456 nhà văn hóa thôn, làng...

Đánh giá hiệu quả triển khai Chương trình 04-CTr/TU giai đoạn 2016-2020, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy cho rằng, những kết quả thực hiện Chương trình đã góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của thành phố. Đặc biệt, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gắn với hệ thống quy tắc ứng xử đã mang đến nhiều chuyển biến, đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng, xã hội.

Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, thời gian tới, Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy sẽ chú trọng nêu cao tinh thần gương mẫu về đạo đức, phong cách, lối sống trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phát huy vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội; tranh thủ ý kiến chuyên gia và cộng đồng để có thêm sáng kiến, giải pháp bồi đắp, phát triển văn hóa - con người Hà Nội thực sự tiêu biểu cho nền văn hóa dân tộc, xứng đáng với vị thế, tầm vóc của Thủ đô và tình cảm, mong đợi của nhân dân cả nước.

Theo kế hoạch, hôm nay 6-1, Thành ủy Hà Nội tổ chức tổng kết Chương trình 04-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” nhằm đánh giá những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, đề ra giải pháp trong giai đoạn tiếp theo.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/954792/bai-cuoi-thap-sang-van-hoa-nguoi-ha-noi