Bài cuối: Tiếp tục phát huy vai trò, sứ mệnh

Trải qua gần 45 năm trưởng thành và phát triển với 9 kỳ Đại hội, Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam đã không ngừng phát triển cả tổ chức, chức sắc, tín đồ, chùa chiền và cơ sở thờ tự, thực sự là ngôi nhà chung đại đoàn kết các hệ phái Phật giáo.

GHPG đã tạo niềm tin vững chắc cho tăng ni, phật tử của tất cả các hệ phái thực hiện phương châm hành đạo: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

Với những thành tích đạt được, GHPG Việt Nam đã được Nhà nước trao tặng 2 lần Huân chương Hồ Chí Minh cho tổ chức GHPG và nhiều vị cao tăng của Giáo hội như: Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Thanh Tứ... trao được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý Huân, Huy chương, Kỷ niệm chương vì có nhiều thành tích trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng GHPG Việt Nam luôn nỗ lực phấn đấu, đồng hành cùng dân tộc xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, hùng cường, thịnh vượng.

Nhiều khó khăn, thách thức

Dưới sự điều hành của GHPG Việt Nam các cấp, các chức sắc, tín đồ phật tử cả nước tích cực triển khai thực hiện hiệu quả chương trình hành động của Đại hội toàn quốc lần thứ IX GHPG Việt Nam đã đề ra. Tuy nhiên, do âm mưu “chính trị hóa tôn giáo”, “gắn tôn giáo với nhân quyền” “coi nhân quyền cao hơn chủ quyền”, các thế lực thù địch đã công kích, xuyên tạc chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước nói chung, GHPG Việt Nam nói riêng. Điển hình là hoạt động ly khai của tổ chức mạo xưng với cái gọi là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất” do Thích Quảng Độ, Thích Vĩnh Phước, Chánh Lạc, Giác Đức, Hộ Giác, Giác Đẳng, Viên Lý cầm đầu.

Đại lễ Vu Lan báo hiếu - Bông hồng cài áo tại chùa Bằng - Linh Tiên Tự (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Nhật Thiện

Đại lễ Vu Lan báo hiếu - Bông hồng cài áo tại chùa Bằng - Linh Tiên Tự (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Nhật Thiện

Ở vùng đất Tây Nam Bộ, các đối tượng phản động người Khmer lưu vong tiếp tục lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền tiến hành nhiều hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng đã tổ chức hội thảo “Nâng cao nhận thức và sự tham gia giải quyết vấn đề Khmer Krom” để xuyên tạc, vu cáo Việt Nam “xâm phạm” quyền tự do tín ngưỡng, phong tục tập quán, không tôn trọng sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer; trao học bổng cho một số tăng sinh sang Thái Lan “tu học” nhằm đào tạo, huấn luyện phục vụ mục tiêu chống phá Việt Nam lâu dài.

Các cơ quan chức năng đã phát hiện, thu hàng nghìn tài liệu có nội dung xuyên tạc lịch sử vùng đất Nam bộ, cho rằng, đất Nam bộ là của người “Khmer Krom” bị Việt Nam xâm chiếm. Lợi dụng Tuyên ngôn về quyền của người bản địa của Liên Hợp quốc để xuyên tạc chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta đối với dân tộc Khmer; vu cáo, kích động gây chia rẽ quan hệ Việt Nam - Campuchia; tuyên truyền kích động tư tưởng “ly khai” đối với sư sãi, tín đồ Phật giáo Khmer Nam tông nhằm đòi lại vùng đất Nam bộ.

Đồng thời, với mặt trái của toàn cầu hóa và cơ chế thị trường đã tác động tiêu cực, tiềm ẩn nhiều “nguy cơ” gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội như thành lập các tà đạo hoạt động mê tín, trục lợi, làm lệch chuẩn văn hóa, đạo đức xã hội có nhiều yếu tố của đạo Phật và các tín ngưỡng dân gian như: Long Hoa Di Lặc; Tiên Thiên Huỳnh đạo; Quang Minh tu đức; Đạo Phật thiên; Ngọc Phật Hồ Chí Minh tuyên truyền sai trái các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, gây phức tạp về an ninh, trật tự xã hội. Những người tin theo bỏ bê công việc, học hành, gây ra những mâu thuẫn trong gia đình, dòng họ, ảnh hưởng đến kết quả việc thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, trái với hương ước, quy ước của khu dân cư, không chăm lo đến sản xuất mà tụ tập cầu cúng.

Tăng cường kỷ cương, trách nhiệm

Với truyền thống yêu nước, đồng hành cùng dân tộc của GHPG, chức sắc, tín đồ Phật giáo Việt Nam tiếp tục không ngừng nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội để vững bước trong sự nghiệp chung chăm lo cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động Phật sự ích nước, lợi dân, ích đạo, lợi đời.

Phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các đoàn thể trong hệ thống chính trị chung tay xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, hưởng ứng mạnh mẽ các chương trình hành động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng nền văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam tiến đến, đậm đà bản sắc truyền thống dân tộc. Bên cạnh đó, Phật giáo đồng hành cùng đất nước hướng đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam trở thành nước phát triển, hùng cường, thịnh vượng.

Để thực hiện được mục tiêu đó, GHPG Việt Nam cần nỗ lực phấn đấu theo định hướng: “Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển”; nêu cao kỷ cương, phụng hành giáo pháp, giới luật Phật chế và pháp luật Nhà nước trong quản lý tăng ni, tự viện. Lấy nguyên tắc Lục hòa cộng trụ, Tứ nhiếp pháp trong điều hành, triển khai các hoạt động Phật sự ở tất cả các cấp Giáo hội.

Bên cạnh đó, xây dựng tổ chức Giáo hội vững mạnh ở tất cả các cấp. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát, kiểm soát các hoạt động Phật sự, quản lý tự viện, sinh hoạt của tăng ni theo đúng giới luật Phật chế, Hiến chương GHPG Việt Nam và pháp luật Nhà nước. Nâng cao hiệu quả điều hành, năng lực hoạt động Phật sự của các Ban Trị sự tỉnh, TP. Tập trung kiện toàn và hoàn thành việc thành lập các Ban Trị sự cấp huyện ở các tỉnh miền núi, hải đảo.

Tăng cường và làm sâu sắc mối quan hệ hợp tác hữu nghị với cộng đồng Phật giáo thế giới, với Phật giáo các nước châu Á, cộng đồng Phật giáo các nước Asean. Chủ động tích cực tham gia với tư cách thành viên, thành viên sáng lập của các tổ chức Phật giáo quốc tế: Phật giáo châu Á vì hòa bình ABCP, Hội Phật giáo thế giới truyền bá chính pháp, Hội Liên hữu Phật giáo thế giới, Ủy ban tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc, Liên minh Phật giáo toàn cầu… góp phần tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu vì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Tiếp tục thành lập các Hội Phật tử Việt Nam tại tất cả các nước có cộng đồng người Việt Nam sinh sống, lao động và học tập để gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc và hướng lòng yêu nước về Tổ quốc Việt Nam. Thông qua Bộ Ngoại giao, phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước trong việc gìn giữ di sản Phật giáo Việt Nam: Hệ phái Phật giáo Việt tông và các ngôi chùa Việt tại Thái Lan, tại Lào và Campuchia.

Ngoài ra, nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa GHPG Việt Nam với Mặt trận và các tổ chức thành viên Mặt trận vận động tăng ni, phật tử phát huy tinh thần yêu nước, tích cực đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn lợi dụng Phật giáo của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, không thực hiện các hành vi mê tín, dị đoan, tin theo các “tà đạo” tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua ích đạo, lợi đời như bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng nếp sống mới trên địa bàn khu dân cư, ủng hộ bảo vệ biên giới hải đảo; tích cực thực hiện hoạt động từ thiện xã hội.

Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Quang - Phó Trưởng ban Dân tộc, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-cuoi-tiep-tuc-phat-huy-vai-tro-su-menh.html