Bài cuối - Từ những con đường lên bản đến hành trình kiến tạo tương lai
Từ những con đường vào bản trên đồi cao cho đến những ngôi trường nội trú ngời ngời sắc màu H'Mông, Dao, Tày, Nùng... ở biên viễn, Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đã để lại những dấu ấn đậm nét trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Dấu ấn chính sách nơi non cao: Bài 2 - Thắp sáng vùng cao từ hồn văn hóaDấu ấn chính sách nơi non cao: Bài 1 - Lạng Sơn bật dậy từ nền móng chính sách vùng dân tộc
Không chỉ là những con số, những công trình cứng nhìn thấy được, mà còn là một hành trình lan tỏa niềm tin, khẳng định tinh thần đồng hành của người dân và chính quyền.
Bức tranh nhiều chiều sáng
Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 được xem là một động lực mang tính đổi mới lớn đối với vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Lạng Sơn. Trong bối cảnh nhiều khó khăn về địa hình, khí hậu, cấu trúc dân cư và điều kiện kinh tế - xã hội, Chương trình vẫn đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Không gian trò chơi dân gian rộn ràng trong Dự án 6, nơi tuổi thơ vùng cao được kết nối với di sản ông cha
Chính quyền tỉnh đã kịp thời ban hành nghị quyết, hướng dẫn cụ thể hóa các chính sách Trung ương, xây dựng cơ chế phân bổ, điều phối nguồn vốn đối ứng linh hoạt và đẩy mạnh chuẩn bị đầu tư ngay từ giai đoạn đầu. Công tác tuyên truyền được triển khai rộng khắp, nhiều hình thức linh hoạt, thu hút được sự quan tâm và đồng thuận cao trong nhân dân.
Nhiều kết cấu hạ tầng thiết yếu được đầu tư đáng kể như đường giao thông, trường học, trạm y tế, điện, nước... Tinh thần đồng hành của các cấp, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân là yếu tố then chốt.
Từ các tiểu dự án phát triển sản xuất, sinh kế đến đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, nhiều mô hình liên kết chuỗi giá trị đã được thí điểm, nhân rộng. Trong đó, không thể không nhắc đến đối tượng thanh niên DTTS đã được khích lệ tinh thần khởi nghiệp, tự lực vươn lên.
Tỉnh cũng chủ động đề xuất những đổi mới trong cách tiếp cận chính sách: chọn điểm để để nhân rộng, thí điểm theo nhu cầu thay vì áp đặt hành chính. Sự vào cuộc của Ban Chỉ đạo Chương trình các cấp, sự phân công, giao quyền rõ ràng, giúp Chương trình đi vào chiều sâu, không dừng lại ở mức hình thức.
Một điểm sáng nổi bật là công tác phối hợp liên ngành trong triển khai. Các sở, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực tham gia, tạo nên một guồng máy vận hành đồng bộ, giúp giải quyết nhanh các vướng mắc phát sinh.
Sự chủ động, sáng tạo của cấp huyện, xã được phát huy. Một số địa phương đã lồng ghép nguồn lực từ các chương trình khác, phối hợp hiệu quả với các tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư.
Đặc biệt, Dự án 6 về "Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" là một trong những điểm sáng nổi bật tại Lạng Sơn trong giai đoạn này.
Hàng loạt hoạt động bảo tồn văn hóa được tổ chức, nhiều nghệ nhân tiêu biểu được hỗ trợ, mô hình bảo tồn và phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa dân tộc được duy trì và nhân rộng, dự án đã thổi một luồng sinh khí mới vào đời sống tinh thần đồng bào các dân tộc.
Nhiều lễ hội truyền thống được phục dựng và tổ chức quy mô lớn hơn. Các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, rèn dao, làm giấy bản được hỗ trợ khôi phục. Hợp tác giữa cộng đồng và doanh nghiệp du lịch cũng được thúc đẩy, tạo nên những tour, tuyến khám phá bản sắc độc đáo ngay trong lòng núi biên viễn.

Nhiều trang phục, phong tục và sắc màu văn hóa của các dân tộc vùng Đông Bắc được khôi phục, gìn giữ và lan tỏa nhờ Chương trình MTQG vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Từ việc gìn giữ vốn quý văn hóa, đồng bào không chỉ tự hào về bản sắc dân tộc, mà còn từng bước biến văn hóa thành nguồn lực phát triển, từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch cộng đồng, nâng cao thu nhập, lan tỏa giá trị văn hóa đến du khách trong và ngoài nước.
Từ dựng xây đến kiến nghiệp tương lai
Chỉ ra những thành công, Lạng Sơn cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại để rút ra bài học có giá trị. Việc triển khai chậm, giải ngân thấp, một số chỉ tiêu chưa phù hợp với thực tế là những nút thắt được chỉ rõ.
Nguyên nhân được phân tích rõ ràng: từ điểm giao vốn chậm, thiếu hướng dẫn đồng bộ, cho đến khó khăn địa hình, thiếu kinh nghiệm triển khai ở cấp cơ sở.
Một số chỉ tiêu chưa đáp ứng được yêu cầu, như hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, khoán bảo vệ rừng, phòng học nội trú, kho chứa lương thực… Việc nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả gặp khó khăn do thiếu vốn, thiếu liên kết, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Tính bền vững trong giảm nghèo còn hạn chế, tỉ lệ hộ cận nghèo có nguy cơ tái nghèo vẫn cao, mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt 69-70 triệu đồng/năm chưa đảm bảo tính khả thi.

Nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc của các dân tộc vùng Đông Bắc được phục dựng và phát huy giá trị nhờ Chương trình MTQG – thắp sáng đời sống văn hóa vùng cao
Tuy nhiên, nhìn từ những vướng mắc đó, các đề xuất cho giai đoạn 2026-2030 của tỉnh lại càng đáng quan tâm. Lạng Sơn đề nghị cho phép địa phương linh hoạt điều chuyển nguồn vốn giữa các dự án thành phần phù hợp với thực tiễn; điều chỉnh cơ cấu vốn theo hướng tăng tỷ lệ đầu tư phát triển, giảm chi sự nghiệp, nhất là tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đồng thời, tăng định mức hỗ trợ đối với các nội dung thiết yếu như nhà ở, đất ở, trồng rừng, học nghề, đầu tư hạ tầng.
Tỉnh cũng kiến nghị sớm giao kế hoạch vốn giai đoạn mới để chủ động triển khai; phân cấp mạnh hơn cho cấp xã trong việc quyết định dự toán, danh mục đầu tư và chịu trách nhiệm thực hiện.
Đề xuất sắp xếp, kiện toàn bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo từ Trung ương đến cơ sở theo hướng thống nhất, đồng bộ, tăng tính chuyên nghiệp và hiệu quả.
Đáng chú ý, tỉnh cũng khuyến nghị cần rà soát lại cách xác định đối tượng thụ hưởng, tránh tình trạng trùng lặp giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là trong các nội dung giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ nhà ở, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị... Cùng với đó, kiến nghị điều chỉnh các chỉ tiêu, định mức hỗ trợ phù hợp với điều kiện vùng miền, nhất là vùng núi phía Bắc như Lạng Sơn.
Một đề xuất quan trọng khác là tăng mức khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ phát triển rừng sản xuất gắn với sinh kế bền vững; tập trung đầu tư vào hạ tầng thiết yếu như giao thông, y tế, giáo dục, thông tin truyền thông; bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả sử dụng vốn.
Nhìn lại hành trình thực hiện Chương trình MTQG, Lạng Sơn cũng đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị. Đó là:
Một là, tăng cường nghiên cứu chính sách dân tộc; xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ về vùng đồng bào DTTS&MN để phục vụ hiệu quả công tác dự báo, hoạch định, quản lý và thực thi chính sách.
Hai là, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về công tác dân tộc; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và phát huy vai trò đầu mối của cơ quan làm công tác dân tộc cấp tỉnh trong việc theo dõi, tổng hợp, tham mưu chính sách và thẩm định các dự án liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN.
Ba là, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; ưu tiên những địa bàn còn thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ đúng đối tượng, tránh chồng chéo với các chương trình khác.
Bốn là, đảm bảo quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu và cơ chế chính sách; phân cấp rõ ràng, công khai, minh bạch trong phân bổ vốn; tăng cường giám sát, phòng chống tiêu cực và phát huy vai trò chủ thể của người dân.
Năm là, coi trọng phát triển nguồn nhân lực người DTTS; gắn đào tạo nghề với tạo việc làm, phát triển hạ tầng đồng bộ theo quy hoạch, tập trung vào các lĩnh vực then chốt như giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch, môi trường...
Sáu là, tăng cường bám sát cơ sở, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; phát huy vai trò người có uy tín và giám sát xã hội; kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ thực tiễn.
Bảy là, thường xuyên quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc; cụ thể hóa bằng những chính sách thiết thực, xác định rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành, từng cán bộ đảng viên trong tổ chức thực hiện.
Ở những vùng đất từng thiếu thốn trăm bề, Chương trình MTQG không chỉ mang lại điện, đường, trường, trạm mà còn mang lại ánh sáng của khát vọng. Những người mẹ người cha nơi vùng cao không còn lo con em phải vượt suối băng rừng đi học.
Những người trẻ được tiếp cận nghề nghiệp mới, mang về tri thức để làm giàu trên mảnh đất quê hương. Những già làng, trưởng bản trở thành cầu nối giữa chính sách với lòng dân.
Niềm tin ấy không chỉ đến từ hiệu quả các tiểu dự án cụ thể mà còn từ cách thức triển khai đầy trách nhiệm và nhân văn. Sự sát sao của chính quyền, sự sáng tạo trong lồng ghép nguồn lực, sự đổi mới trong phối hợp liên ngành đã tạo nên sức bật mạnh mẽ, giúp chương trình thực sự "đi đến đâu, sáng đến đó".
Giai đoạn tới, Lạng Sơn xác định Chương trình không chỉ là chính sách đầu tư, mà là nền tảng cho chiến lược phát triển bền vững. Với kinh nghiệm, bài học, cùng sự chủ động, đồng hành của chính quyền và nhân dân, Lạng Sơn đã sẵn sàng bước vào chu kỳ phát triển mới, bền vững hơn, bao trùm hơn.
Chặng đường phía trước còn dài, nhưng với những gì đã đạt được, với ánh mắt người dân đã sáng lên, với những ngọn núi không còn là rào cản mà trở thành nơi khởi nguồn hy vọng, Lạng Sơn có quyền tin vào một ngày mai rực rỡ hơn, như chính tên gọi thân thương của mình: ngọn sáng nơi biên cương.