Bài cuối: Vẫn còn những khó khăn, thách thức trong tối ưu hiệu quả vốn

Mặc dù chủ trương về tín dụng thể hiện định hướng và các giải pháp đúng đắn, nhưng khâu thực hiện sẽ còn nhiều khó khăn, phức tạp. Đặc biệt, việc kiểm soát dòng vốn đi đúng hướng, không bị 'lệch lạc' sang các kênh không được khuyến khích là yêu cầu rất khó khăn. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng đã có những kinh nghiệm trong các lần thực thi chính sách trước đây và điều này có thể sẽ là yếu tố đảm bảo cho dòng vốn phát huy tối đa hiệu quả trong việc hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tháo gỡ các nút thắt cho nền kinh tế.

Nguồn: Thông tư số 02/2023/TT-NHNN Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Thông tư số 02/2023/TT-NHNN Đồ họa: Văn Chung

Hướng dòng vốn đi đúng quỹ đạo

Trong các nội dung chỉ đạo của Chính phủ và hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), thông điệp xuyên suốt trong các giải pháp tín dụng vẫn là tiếp tục hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, những lĩnh vực là động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Tại Thông báo số 149/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với tập thể lãnh đạo NHNN, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tích cực, khẩn trương tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng để cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; kịp thời phối hợp chặt chẽ và thống nhất với Bộ Xây dựng về cách thức, phương thức tổ chức triển khai thực hiện tích cực, khẩn trương đồng bộ, hiệu quả, khả thi, kịp thời.

Những chỉ đạo của Chính phủ với hoạt động ngân hàng cho thấy, mục tiêu là thúc đẩy tín dụng ra nền kinh tế, nhưng cũng đồng thời yêu cầu đặt ra là hướng dòng vốn đến được đúng đối tượng, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn. Bối cảnh này đặt ra cho các ngân hàng bài toán cần trả lời về đáp ứng vốn cho sản xuất, kinh doanh, vốn cho mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà vẫn phải đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống. Bởi lẽ, tín dụng tăng trưởng nếu không kiểm soát tốt để bị “lưu lạc” sang các kênh đầu cơ, rủi ro cao thì nguy cơ nợ xấu gia tăng sẽ là yếu tố bất ổn ảnh hưởng trở lại với chính các ngân hàng.

Ngay trong quan điểm khi hướng dẫn các ngân hàng thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu thời hạn trả nợ, bà Hà Thu Giang - Vụ Tín dụng NHNN cũng cho biết, các tổ chức tín dụng khi cơ cấu nợ vẫn phải đánh giá, phân loại, cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng. Theo bà Giang, khi thực hiện Thông tư 02, các ngân hàng phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng phải xây dựng và ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thống nhất triển khai trong toàn hệ thống, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.

Vẫn kiểm soát tốt hệ thống

Bối cảnh hiện nay cho thấy, các ngân hàng vẫn giữ được trạng thái khá ổn định để bảo đảm các yếu tố an toàn hệ thống. TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, một điểm tích cực quan trọng là chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng Việt Nam được phản ánh rõ nét hơn rất nhiều. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu hiện đã lên tới 125%, có nghĩa là 1 đồng nợ xấu thì có khoảng 1,25 đồng dự phòng, đảm bảo tốt năng lực quản trị rủi ro của hệ thống ngân hàng.

Về câu chuyện tín dụng bất động sản, việc cho vay bất động sản hiện cũng trong kiểm soát, vì dư nợ cho bất động sản của Việt Nam đang ở 21,2%, riêng cho vay nhà ở là 14%, trong khi của các thị trường mới nổi thì tỷ lệ cho vay nhà ở thường ở mức 20 - 25%.

Ngoài ra, trong nội dung chỉ đạo, Thủ tướng cũng đặt yêu cầu khá rõ ràng về vấn đề an toàn hệ thống khi cho biết ngành Ngân hàng phải khẩn trương xây dựng phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém theo đúng trình tự, thủ tục, không để chậm trễ, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, đúng quy định, không để xảy ra rủi ro, thất thoát tài sản nhà nước, trục lợi chính sách và vi phạm pháp luật.

Một trong những yếu tố tích cực hiện nay là vai trò dẫn dắt của các ngân hàng thương mại nhà nước đang được thể hiện, khi 4 ngân hàng thương mại gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank hiện đang chiếm tỷ lệ lớn trong tổng lượng tín dụng của nền kinh tế. Do đó, các ngân hàng này có khả năng tạo động lực, truyền cảm hứng cho hệ thống ngân hàng, hỗ trợ nền kinh tế phát triển; có chính sách hỗ trợ lãi suất đối với từng đối tượng cụ thể, hướng tín dụng vào đúng vào các địa chỉ, lĩnh vực cần thiết.

Đảm bảo yêu cầu kép, giữ được các yếu tố cân bằng

Theo nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng phải tìm điểm cân bằng hợp lý giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa lãi suất và tỷ giá... để có giải pháp kịp thời, hiệu quả, đặc biệt là ưu tiên cung cấp vốn tín dụng, hỗ trợ thanh khoản và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bai-cuoi-van-con-nhung-kho-khan-thach-thuc-trong-toi-uu-hieu-qua-von-128030.html