Bài dự thi Giải Cờ đỏ: Thời của tuân thủ pháp luật, bài trừ tham nhũng. Bài 2
Bài 2: Đề cao tính tuân thủ pháp luật
Để bài trừ tham nhũng, mọi cán bộ, công chức, viên chức, người dân đề cao hơn nữa tính tuân thủ pháp luật cũng như việc chấp hành luật pháp của bản thân. Bởi tham nhũng một phần xuất phát từ việc xem nhẹ quy định pháp luật, chủ nghĩa cá nhân, buông lỏng trong lãnh đạo quản lý.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh về tính tuân thủ pháp luật tại buổi làm việc mới đây.
Thượng tôn pháp luật…
“Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật” - tức là mỗi người được bảo đảm quyền chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội của mình. Theo đó, khi sống và làm việc, nhất là cán bộ, công chức lấy đó, làm điểm tựa phấn đấu thành người cán bộ, đảng viên tốt. “Đảng và Nhà nước phải làm sao khơi dậy được tính tuân thủ pháp luật của người dân, nhất là cán bộ, công chức, đặc biệt người lãnh đạo. Bởi người lãnh đạo mẫu mực tuân thủ pháp luật thì cấp dưới tuân theo. Mẫu mực ở đây là thực hiện tốt những điều đảng viên không được làm bao gồm các quy định Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Cán bộ công chức. Làm được điều ấy mới hạn chế tham nhũng…”, ông Nguyễn Văn Tư - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tiến Thành trăn trở và mong muốn.
Những trăn trở của ông Tư đến trước khi tôi nghe ông Nguyễn Đức Hà – nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cũng đề cập vấn đề này tại Hội nghị bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2023 tổ chức mới đây. Bằng giọng dứt khoát, truyền cảm ông Hà phân tích rất sâu kỹ những điểm mới trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII về 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó có nhóm tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. “Thực tiễn cho thấy rất rõ, ở đâu có người đứng đầu gương mẫu, xứng tầm, tương xứng với nhiệm vụ thì ở đó không bao giờ xảy ra những chuyện đáng tiếc. Ngược lại thì nó tạo nên một dây chuyền hư hỏng dẫn đến mất quá nhiều cán bộ…”, ông Hà diễn giải.
Tuân thủ pháp luật bài trừ tham nhũng. (ảnh minh họa)
Thực tế cũng chứng minh, người thầy giỏi thì trò giỏi; cha nào con nấy, nghĩa là người cha như thế nào thì con cái học theo thế đó… Chính vì vậy, cán bộ, công chức cần xây dựng cho mình lối sống liêm chính có phép tắc, luôn đề cao tính tuân thủ pháp luật, sống vì cái chung, không vì cái riêng. Bác Hồ kính yêu đã khẳng định, chủ nghĩa cá nhân là bệnh mẹ đẻ ra trăm thứ bệnh con nguy hiểm; một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm khác. Trong số những căn bệnh do chủ nghĩa cá nhân gây ra, tham nhũng là căn bệnh nguy hiểm nhất, là “hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất”.
Tự “soi rọi” hàng ngày
Để trở thành người có vị thế trong xã hội không phải dễ mà phải trải qua một quá trình phấn đấu không mệt mỏi. Song để giữ vững vị thế và danh dự suốt đời lại càng khó hơn. Ông bà thường nói: “Sai một ly, đi một dặm”, chỉ một giây phút thiếu tu dưỡng, rèn luyện thì mọi phấn đấu ấy lại trở về con số không. Vì thế, cán bộ, công chức, luôn đề cao tính tự kiểm điểm, kỷ luật bản thân, không cho phép mình sống quá tự do, thoải mái, dễ dãi với bất cứ điều gì trong quá trình sống và làm việc. Luôn tự “soi rọi” mình hàng ngày theo tinh thần đợt sinh hoạt chính trị “Giữ trọn lời thề đảng viên” do Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát động. Đây là cuộc sinh hoạt hết sức ý nghĩa, giúp mỗi đảng viên tự nhận xét, soi rọi lại quá trình thực hiện lời thề của cá nhân, lời hứa trước cơ quan, tổ chức, trước nhân dân kể từ khi được kết nạp Đảng, khi nhận nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý đến thời điểm hiện tại. Trong đó tập trung làm rõ những ưu, khuyết điểm, rút ra nguyên nhân và xác định giải pháp tự thân để tiếp tục thực hiện tốt lời thề, lời hứa của mỗi người…
Trung tá Nguyễn Thanh Cường – nguyên Hiệu trưởng Trường quân sự địa phương tỉnh Thuận Hải (cũ) cho biết: Đợt sinh hoạt chính trị “Giữ trọn lời thề đảng viên” được Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thời điểm này rất thiết thực, để cán bộ, công chức đề cao trách nhiệm cũng như nhiệm vụ của mình trong thực thi công việc. Thời tôi còn đương chức, cứ sau một ngày làm việc tôi thường tự kiểm lại mình bằng cách liệt kê hôm nay làm được gì?, và chưa làm được gì?, có sai sót chỗ nào? Vì sao tổ chức nhắc nhở khi không hoàn thành nhiệm vụ… Ông nói thêm, thời đó cán bộ, công chức sống có kỷ luật, chứ không như ngày nay một bộ phận cán bộ hoàn thành công việc là hết trách nhiệm.
Việc “tự soi, tự sửa” ấy không chỉ dừng ở đảng viên, mà phải lan tỏa đến từng cán bộ, viên chức, để mỗi chúng ta luôn không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức lối sống; có thái độ ứng xử giao tiếp đúng mực đối với các tổ chức, công dân; tận tâm với công việc, thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật. Đấy cũng là một trong nhiều cách để cán bộ, công chức, viên chức quan tâm, tích lũy thêm kinh nghiệm cho bản thân. Ngoài rèn luyện cho mình kỹ năng nghiệp vụ cần thiết thì luôn quan tâm đến các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng, nhất là Luật Cán bộ công chức, Luật Phòng chống tham nhũng. Trong buổi làm việc mới đây về công tác tư pháp và thi hành án tại Bình Thuận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh: “Trong bối cảnh Đảng ta đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống… đòi hỏi tính tuân thủ pháp luật cao nếu không sẽ xảy ra những vụ việc đáng tiếc”. Điều đó không chỉ tốt cho cá nhân mà còn góp phần bài trừ “căn bệnh” tham nhũng nguy hiểm cho xã hội.