'Bài hát lớn lên cùng con' – câu chuyện phía sau những ca khúc thiếu nhi
Sáng ngày 18.2, tại Nhà xuất bản Kim Đồng đã diễn ra buổi giao lưu và ra mắt cuốn sách 'Bài hát lớn lên cùng con' của nhà báo Phạm Hồng Tuyến – con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên là cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam, chỉ riêng mảng sáng tác dành cho thiếu nhi, ông cũng đã giữ một vị trí quan trọng mà không phải nhạc sĩ nào cũng đạt được. Nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam thuộc lòng những bài hát của ông như: Cô và mẹ, Trường cháu là trường mầm non, Chiếc đèn ông sao, Cánh én tuổi thơ… Thế nhưng không phải ai cũng biết, phía sau mỗi giai điệu, lời ca trẻ thơ thân thuộc ấy lại có một câu chuyện đặc biệt.
Nhân dịp sinh nhật lần thứ 94 của nhạc sĩ Phạm Tuyên, Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt cuốn sách Bài hát lớn lên cùng con do con gái ông ‒ nhà báo Phạm Hồng Tuyến viết.
Theo chia sẻ của nhạc sĩ Phạm Tuyên, ông rất bất ngờ khi con gái tặng ông cuốn Bài hát lớn lên cùng con, gồm nhiều bài viết về các ca khúc ông sáng tác cho con gái hoặc gắn với những cột mốc quan trọng trong tuổi thơ của con.
Nhạc sĩ nói: “Tuyến có đặc điểm là hay giấu bố, tôi không biết gì về những công việc Tuyến làm. Quyển sách này lạ quá, rất ý nghĩa, bởi Tuyến cũng đau đáu về những bài hát thiếu nhi”.
Cuốn sách là những mẩu chuyện kể về hoàn cảnh sáng tác và những điều thú vị xung quanh hơn 20 ca khúc thiếu nhi nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Có thể nói, mỗi bài hát thiếu nhi của Phạm Tuyên giống như một món quà thuần khiết, hồn hậu của người bố dành tặng con gái và bạn bè của con để rồi với tình thương yêu trong trẻo, tất cả đã lan tỏa, trở thành bài ca của các thế hệ thiếu nhi.
Ký ức của cô bé Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát của bố, năm tuổi thu thanh bài Đêm pháo hoa mừng cái “tết thanh bình đầu tiên sau bao năm chiến tranh”. Trường cháu là trường Mầm non là bài hát bố Phạm Tuyên viết tặng trường con gái Phạm Hồng Tuyến học, giờ trở thành bài “Mầm non ca” cùng với Cả tuần đều ngoan bé nào cũng hát và người lớn đều thuộc.
Hay như Cô và mẹ được nhạc sĩ viết năm 1974, lúc này, con gái út nhạc sĩ chuyển về học Mầm non Đống Đa, khu Kim Liên. Lúc này, cô hiệu trưởng “đặt hàng” nhạc sĩ viết một bài tặng trường. Rồi khi Hồng Tuyến vào lớp Một và lớn dần lên, bố Phạm Tuyên lại viết Chúng em là học sinh lớp Một, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay…
Đặc biệt, năm 1979, khi hay tin thầy giáo của mình phải lên vùng biên giới chiến đấu, Hồng Tuyến nhờ bố viết ca khúc tặng, Tiễn thầy đi bộ đội ra đời.
Không chỉ là ký ức riêng tư của tác giả Phạm Hồng Tuyến, nhiều bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã gắn bó với những người bạn đồng trang lứa của cô, khi thì là các bạn ở tại Khu tập thể Khương Thượng, lúc lại là các bạn cùng học lớp 12A chuyên Nga trường Lý Thường Kiệt…
Đến với Bài hát lớn lên cùng con, người đọc sẽ gặp một “khung trời hoài niệm” về các bài hát như những lát cắt sinh động về cuộc sống sinh hoạt, chuyện trường lớp, chuyện sơ tán, chuyện ở khu tập thể… của người Hà Nội những năm 70, 80 của thế kỉ trước. Với những “khuôn hình” hồi ức, chúng ta có thể hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử của đất nước. Đó không chỉ là câu chuyện của một cô bé Hà Nội lớn lên trong thời bao cấp, đó còn là câu chuyện của một thế hệ, và đặc biệt là những nốt nhạc nhỏ xinh trên khuôn nhạc lớn rộng của tâm hồn người Việt Nam.
Điều đáng quý, nhà báo Phạm Hồng Tuyến đã kể lại câu chuyện riêng tư của mình với ngôn ngữ hiện đại, lôi cuốn, hóm hỉnh. Đọc sách, người đọc thấy một nhạc sĩ Phạm Tuyên gần gũi, thân thương hơn, luôn yêu chiều cô con gái nhỏ thích hát ca, thích bày tỏ, chia sẻ… để rồi từ đó sáng tác cho con và tuổi thơ trang lứa của con.
Sách Bài hát lớn lên cùng con.
Hiện nay, sức khỏe nhạc sĩ Phạm Tuyên đã yếu nhưng tinh thần minh mẫn. Tại buổi ra mắt sách, khi nghe mọi người hát những ca khúc quen thuộc của mình, ông chú tâm lắng nghe, đưa tay đánh nhịp. Được con gái cho nghe một số bản phối mới các ca khúc của mình, ông gật gù khen hay.
Đồng thời, trong Bài hát lớn lên cùng con, bên cạnh những mẩu chuyện là một số hình ảnh tư liệu về nhạc sĩ Phạm Tuyên, gia đình, người thân, bút tích viết tay của một số bài hát. Đặc biệt hơn, gần tựa đề mỗi bài hát đều được gắn một mã QR code, người đọc có thể quét bằng điện thoại thông minh để nghe hoặc xem clip bài hát được thu âm, có những bài “nguyên gốc” từ tư liệu hiếm có, rất sống động.