Bài học '3 nhanh' từ các công trình về đích sớm
Trong hàng loạt công trình đưa vào sử dụng tại TPHCM trước dịp đại lễ 30-4 có nhiều trường hợp xong trước thời hạn. Điều này được xem là bước ngoặt quan trọng mở ra chu kỳ mới của ngành giao thông là nhanh gọn.
Thi công trong điều kiện đặc biệt
Một công trình thu hút sự chú ý lớn của người dân là dự án xây dựng nhà ga T3 tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Đây là dự án có quy mô lớn với vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng, đã hoàn thành sớm 2 tháng so với kế hoạch.
Theo chia sẻ của ông Lê Khắc Hồng, Trưởng Ban Quản lý dự án nhà ga T3, quá trình thi công gặp rất nhiều khó khăn do mặt bằng chật hẹp, mật độ giao thông dày đặc quanh khu vực đường Trường Chinh, Cộng Hòa, ảnh hưởng rất lớn đến việc vận chuyển thiết bị, vật liệu; nhà ga T3 nằm sát nhà ga T1 đang khai thác nên máy bay lên xuống liên tục.
Vì là công trình trọng điểm quốc gia nên dự án thường xuyên đón lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến thị sát, chỉ đạo. Đây là áp lực rất lớn đối với chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công.
Để vượt qua thách thức này, đơn vị thi công là Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) đã thường xuyên huy động số lượng lớn kỹ sư, công nhân (có thời điểm lên đến hàng ngàn người), áp dụng các giải pháp linh hoạt như: đúc sẵn cấu kiện, thi công đồng thời nhiều mũi nhỏ, luân phiên ngày lẫn đêm. Nhờ vậy, tiến độ dự án được rút ngắn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, an toàn tuyệt đối.

Nút giao hầm chui An Phú đang tăng tốc hoàn thành cuối năm nay. Ảnh: QUỐC HÙNG
Một công trình khác là nút giao thông An Phú, TP Thủ Đức. Thời gian dài, công trường là nỗi ám ảnh đối với người dân thường xuyên đi qua đây vì thi công ì ạch, gây nên tình trạng ùn tắc xe cộ kéo dài. Mới đây, nhánh hầm chui HC1 được đưa vào vận hành, khai thông hướng xe từ đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây về TPHCM. Ít ai biết công trình đã hoàn thành sớm hơn gần một tháng so với kế hoạch.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, cho biết, nhìn thoáng qua tưởng là đơn giản nhưng thực chất điều kiện thi công rất căng thẳng vì mật độ xe quá dày đặc của khu Đông, cũng như đây là cửa ngõ chính đi về các tỉnh miền Đông, miền Trung trên trục đường cao tốc. Công trình cũng bị áp lực bởi người dân, truyền thông và quan trọng là sự “sốt ruột” của lãnh đạo thành phố.
“Chúng tôi phải chia nhỏ từng đoạn thi công theo kiểu cuốn chiếu. Đối với giờ cao điểm hoặc vào thời điểm có mật độ giao thông cao, hạn chế thi công để không bị xâm chiếm diện tích mặt đường. Phải tận dụng tối đa khung giờ ban đêm, cuối tuần để thi công. Một vấn đề cũng rất quan trọng là ứng dụng công nghệ hiện đại trong thi công móng, tường chắn để rút ngắn thời gian”, ông Phúc kể.
Thực tế cho thấy, công trình về đích đòi hỏi phải có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố để tháo gỡ vướng mắc kịp thời, như dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) đưa vào vận hành đầu năm nay. Dù khởi công từ năm 2020, nhưng dự án chậm tiến độ gần 2 năm so với kế hoạch.
Nhằm giải quyết tình trạng này, lãnh đạo thành phố đã liên tục đến công trường, yêu cầu các bên phải có mặt, nêu rõ lý do vì sao chậm và phải có kế hoạch ngày tháng cụ thể để giải quyết dứt điểm. Sau cuộc họp tại hiện trường, UBND TPHCM phát hành văn bản nêu rõ mốc thời gian, sau đó đến hẹn lại tổ chức kiểm tra. Nhờ sự quyết liệt của lãnh đạo thành phố mà công trình đã bước đầu hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Mở ra kỳ vọng mới
Không chỉ những trường hợp nêu trên mà hàng loạt công trình khác như mở rộng đường Dương Quảng Hàm (Gò Vấp), cầu Phước Long, cầu Nam Lý, cầu Tăng Long (TP Thủ Đức)… cũng đều được khắc phục và đưa vào vận hành sớm. Từ câu chuyện thực tiễn, TPHCM đã rút ra mô hình trong triển khai các dự án hạ tầng là “3 nhanh”: Nhanh trong chỉ đạo, nhanh trong giải phóng mặt bằng và nhanh trong thi công.
Trước hết, theo ông Lương Minh Phúc, trong khâu chỉ đạo đã siết chặt kỷ luật, lãnh đạo thành phố thường xuyên kiểm tra thực địa, họp giao ban định kỳ ngay tại công trường; những vướng mắc pháp lý, thủ tục hành chính được tháo gỡ tại chỗ.
Một khâu quan trọng nhất là giải phóng mặt bằng, đã được TPHCM áp dụng linh hoạt Nghị quyết 98/2023/QH15, thực hiện bồi thường sát giá thị trường, hỗ trợ tái định cư tốt, tổ chức đối thoại cởi mở với người dân. Minh chứng rõ nét là dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, dù phải giải tỏa hơn 1.300 hộ dân trong thời gian rất ngắn, nhưng nhờ công tác vận động tốt, các hộ đã bàn giao mặt bằng đúng hạn.
Về kỹ thuật trong khâu thi công, nhiều nhà thầu nội địa đã chủ động đổi mới công nghệ, sử dụng kỹ thuật thi công cuốn chiếu, đúc sẵn, lắp ghép nhanh, tối ưu hóa công trường. Việc phối hợp đồng bộ giữa các nhà thầu, tư vấn, giám sát, chủ đầu tư được thực hiện chặt chẽ, giúp tiến độ rút ngắn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và an toàn tuyệt đối.
Bài học “3 nhanh” đã và tiếp tục được TPHCM áp dụng rộng rãi cho các dự án lớn chuẩn bị triển khai như tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), các tuyến Vành đai 2, Vành đai 3, cầu Cần Giờ, Vành đai 4… để mang lại hiệu quả.
Ngoài ra, thêm một bài học quý giá là sự đồng thuận từ người dân. Công tác vận động, tuyên truyền để người dân nhận thức rõ vai trò của hạ tầng đối với chất lượng sống của mình nói riêng và thành phố nói chung, từ đó người dân sẵn sàng chia sẻ khó khăn trong thời gian ngắn, chấp nhận bàn giao mặt bằng.
“TPHCM đang đứng trước giai đoạn phát triển bứt phá khi hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được đầu tư bài bản, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Với kinh nghiệm từ những dự án đã và đang triển khai, thành phố sẽ sớm giải quyết các điểm nghẽn hạ tầng, mở rộng không gian phát triển, nâng cao chất lượng sống của người dân”, đồng chí Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bai-hoc-3-nhanh-tu-cac-cong-trinh-ve-dich-som-post793369.html