Bài học bất ngờ từ dân tộc... 'tằn tiện'
Niềm tự hào của người Memon, một dân tộc thiểu số ở Pakistan, là lối sống cực kỳ dè sẻn và khả năng tận dụng, tái chế đồ đạc tối đa.
Trong kỷ nguyên “khủng hoảng lãng phí” ngày nay, truyền thống siêu tiết kiệm của họ được chú ý.
Dân tộc… siêu giàu
Người Memon có gốc gác là người Sindhis, một dân tộc thuộc nhóm Ấn - Arya. Theo tư liệu lịch sử, cộng đồng người Memon hình thành vào thế kỷ XV tại Karachi, Pakistan với 700 hộ (tổng cộng 6.178 người), sống dựa vào buôn bán.
Thế kỷ XVI, họ mở rộng phạm vi buôn bán và ngày càng tỏa đi xa. Thế kỷ XIX, các thương nhân Memon hình thành mạng lưới thương mại trải dài từ Trung Phi đến Trung Quốc. Thế kỷ XX, họ có mặt khắp năm châu bốn biển, nổi tiếng là dân tộc làm ăn phát đạt.
Hiện, người Memon có khoảng 1,8 triệu dân. Tại quê hương Karachi, họ có khoảng 700 nghìn người. Bất kể là ở Pakistan hay hải ngoại, người Memon cũng giàu “nứt đố đổ vách”.
“Khi đang chạy lòng vòng tìm chỗ đậu xe ở Karachi, tôi được chị dâu chỉ cho dinh thự cổ tuyệt đẹp của Bilquis Sulaman Divan, một người Memon vốn là đồng nghiệp cũ của chị ấy”, nhà văn Aysha Imtiaz (Anh) kể chuyện.
Bất động sản của ông Divan là khu đất rộng rãi, xung quanh là hàng rào thực vật được cắt tỉa gọn gàng, sau cổng vào là lối đi xinh đẹp dẫn đến sân trước sang trọng.
Nhà văn Imtiaz cứ ngỡ, chủ nhà phải sống trong căn phòng hoa lệ nhất. Không ngờ, cô lại được chị dâu dắt tới căn nhà nhỏ xập xệ kế bên. Bên bậu cửa căn nhà này, chiếc máy xay sinh tố sắp hỏng xiêu vẹo dựa vào tường. Trong nhà cũng chỉ có bộ bàn ghế sofa sờn rách và chiếc tủ lạnh cũ rích.
“Tôi đã cho trường tư thục thuê phần lớn diện tích và ở căn nhà nhỏ này được hơn 20 năm nay rồi”, ông Divan cho biết.
Ngoài sở hữu bất động sản, ông Divan còn thừa kế nhà máy sản xuất chai lọ và công ty xuất nhập khẩu thực phẩm của người cha quá cố. Khối tài sản mà ông đang có lớn đến “gần như không thể đong đếm được”.
Tiết kiệm và tự cấp
“Ông nội tôi đã đi bộ từ Ấn Độ đến Pakistan sau chia cắt năm 1947, tay trắng mà xây dựng nên cơ đồ. Từ tuổi ấu thơ, tôi đã thấm thía thế nào là “đồng tiền khó kiếm” và nỗ lực sống tằn tiện hơn cả những gì ông đã dạy dỗ”, Anila Parekh, con gái của ông Divan, nói.
Không ở đâu con người lại tự hào vì lối sống dè sẻn hơn trong cộng đồng Memon. Bài học đầu tiên mà một trẻ em Memon được chỉ dạy chính là quản lý chi tiêu, tiếp theo đó là tiết kiệm, tái sử dụng và tái chế.
“Các đồ dùng trong nhà của người Memon thường là đồ cũ đã qua tay nhiều người. Câu cửa miệng của các bậc cha mẹ với con cái cũng luôn là những lời nhắc nhở như nhớ tắt quạt, tắt đèn trước khi ra khỏi phòng”, Hira Khatri, cư dân ở Karachi, cho biết.
Trong cộng đồng người Memon, nếu có ai quên ngắt xả nước hoặc tắt đèn trong nhà vệ sinh, họ sẽ bị phạt 15 rupee/lần. Sau một tháng hoặc một quý, tiền phạt các “tội lãng phí” sẽ được sử dụng trả phí Internet hoặc dịch vụ công cộng nào đó.
Các hộ Memon tiết kiệm triệt để mọi thứ. Họ chê bai các dụng cụ gọt vỏ siêu mỏng vì “vẫn gọt quá dày” và sử dụng các dụng cụ cạo vỏ, để không lãng phí một chút củ, quả nào. “Bữa chính của chúng tôi thường chỉ có 2 món: Rau và thịt. Nếu nhà nào nấu nhiều hơn liền bị trách là lãng phí”, chị Parekh cho biết.
Người Memon cần cù trồng trọt, hái lượm theo mùa. Họ thích tận dụng tối đa nguồn thực phẩm địa phương và hạn chế nhập khẩu. “Nếu thế giới chỉ mới kêu gọi tiết kiệm, tái chế và tái sử dụng trong mấy thập kỷ gần đây, thì người Memon chúng tôi đã liên tục thực hành từ hàng trăm năm trước rồi”, chị Parekh tự hào.
Tiền chỉ dùng… kiếm tiền
Chủ đề trò chuyện thường thấy nhất ở người Memon là paisa (tiết kiệm). “Đàn ông tiết kiệm bằng cách tái đầu tư, vận hành kinh doanh, còn phụ nữ tiết kiệm bằng để dành tiền, mua vàng, gửi vào tài khoản… Tất cả chúng tôi đều đề cao tiết kiệm, vì không ai biết tương lai sẽ thế nào”, chị Parekh nói tiếp.
Paisa của chị Parekh là cho 2 con vay, lấy lãi. Cứ đến ngày đầu tiên của tháng, chị lại tới nhà của 2 người con, thu lãi.
Chỉ có duy nhất một sự kiện mà người Memon không tiếc tiền tổ chức là đám cưới. Tiệc cưới của họ thuộc diện “xa xỉ nhất hành tinh”, với lễ đường lộng lẫy, thực đơn tiệc 10 món, váy cưới cô dâu một triệu rupee và lượng khách mời đông đến hàng nghìn người.
Tuy nhiên, “Đám cưới là cơ hội để kết nối và giới thiệu thương hiệu”, Moshin Adhi, Chủ tịch của Diễn đàn Thương nghiệp Memon, giải thích. Ngoài mừng kết hôn, đám cưới còn là dịp đầu tư. Nếu đặt lên bàn cân mà đo lường, nó không phải “chi tiêu hào phóng”, mà là “thương vụ có tính toán”.
Theo BBC
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bai-hoc-bat-ngo-tu-dan-toc-tan-tien-post630608.html