Bài học bầu Đức là điểm tựa để bầu Hiển tiến ra châu Âu
Thương vụ Đoàn Văn Hậu là bằng chứng cho thấy bầu Hiển đã sẵn sàng tiếp bước bầu Đức trên hành trình đưa cầu thủ Việt Nam bước ra thế giới.
Bản hợp đồng với Heerenveen giúp Đoàn Văn Hậu trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi bóng tại Hà Lan. Anh đồng thời là người đầu tiên của lứa U20 Word Cup 2017, người đầu tiên của CLB Hà Nội xuất ngoại.
Với phát đại bác mang tên Đoàn Văn Hậu, CLB mạnh nhất, lò đào tạo trẻ tốt nhất của bóng đá Việt Nam đã chính thức gia nhập cuộc chơi chuyển nhượng quốc tế.
Vì sao bầu Hiển gia nhập cuộc chơi muộn hơn bầu Đức?
Trước khi hợp đồng Văn Hậu được công bố, xuất khẩu cầu thủ ở bóng đá Việt Nam vẫn là câu chuyện riêng của nhà bầu Đức. Ông Đức xây dựng Học viện HAGL JMG với mục tiêu đưa cầu thủ ra nước ngoài chơi bóng. Không tính những lần đưa người sang Lào, HAGL đã thực hiện bảy hợp đồng lớn, liên quan tới ba ngôi sao Lương Xuân Trường, Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Công Phượng.
Xuân Trường từng chơi cho Incheon, Gangwon và Buriram, Công Phượng đá ở Mito Hollyhock, ngắt quãng vài năm trước khi tiếp tục tới Incheon rồi sau đó là Sint-Truidense. Tuấn Anh chỉ có một mùa ở Yokohama. Cả bảy hợp đồng này đều không mang tới kết quả ưng ý.
Cùng thời gian đó, bầu Hiển không thực hiện bất kì thương vụ lớn nào dù lứa 1995 (và sau này là 1997) của ông tài năng không kém và trưởng thành cùng một thời điểm với quân bầu Đức. Ngay cả khi U20 Việt Nam giành vé dự World Cup hồi 2017 và nhất là sau Giải U23 châu Á 2018, bầu Hiển vẫn không tỏ ra sốt ruột. Những hoạt động quốc tế đáng kể nhất của CLB Hà Nội giai đoạn này chỉ là Nguyễn Xuân Nam sang Lao League và Phạm Đức Huy, Đỗ Duy Mạnh thử việc ở J.League.
Tháng 9/2018, nhân chuyến rước Cúp Ngoại hạng Anh của Man City sang Việt Nam, bầu Hiển xác nhận: “ASIAD vừa rồi, Quang Hải được nhiều CLB châu Á mời sang thi đấu. Nhưng tôi nghĩ thời điểm này, độ tuổi này chưa phải lúc thích hợp với Quang Hải. Cậu ấy cần sự học hỏi, khẳng định mình trong 2 tới 3 năm nữa. Đó mới là thời điểm thích hợp để Hải tới những đội hàng đầu châu Á”.
Khi bầu Hiển nói những lời ấy, ông hẳn đã tiếp thu bài học lớn từ thất bại của bầu Đức.
Bảy lần xuất ngoại của HAGL trong giai đoạn này đều thất bại (tính cả Công Phượng đang gặp khó tại STVV). Bảy thương vụ, tất cả đều cho mượn, không dấu ấn chuyên môn, không ai gắn bó với CLB nhiều hơn một năm, không ai đạt nổi mốc 10 trận mỗi mùa.
Thất bại ấy buộc chúng ta phải suy ngẫm bởi Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh là sản phẩm của một hệ thống được xây dựng, được chuẩn bị cho việc xuất ngoại. Ngoài chuyên môn, họ được trang bị đầy đủ hành trang của một “công dân quốc tế”, coi việc tiến ra thế giới là bước phát triển tất yếu của một hành trình đã bắt đầu từ năm 11 tuổi.
Từng ấy chu đáo vẫn không giúp họ đạt được thành công. Bất chấp vai trò ngày càng lớn ở các đội tuyển Việt Nam, điều Xuân Trường, Công Phượng có được sau mỗi chuyến đi chỉ là nỗi thất vọng, những ngày dài trên ghế dự bị và sự sa sút cả về tinh thần lẫn chuyên môn bởi không được thi đấu.
Xuyên suốt lịch sử bóng đá Việt Nam, Đặng Văn Lâm là người duy nhất thành công khi chuyển tới một nền bóng đá đẳng cấp hơn. Nhưng Văn Lâm vốn trưởng thành từ bóng đá Nga. Với Văn Lâm, V.League cũng có thể xem như một lần xuất ngoại còn Lâm “Tây” từ lâu đã là một “công dân toàn cầu”.
Trước Văn Lâm, khoảng một chục lần xuất ngoại của bóng đá Việt Nam trong quá khứ với đỉnh cao là hai thương vụ của Lê Công Vinh đều không mang đến thành công. Quan trọng hơn, đó đều là các vụ chuyển nhượng rời rạc, mang tính hiện tượng chứ không thể hiện sự chuẩn bị lâu dài của mỗi CLB, không xuất phát từ nhu cầu phát triển tất yếu của nền bóng đá.
Thất bại của thời tiền Công Vinh và HAGL đặt ra thách thức lớn với bất kì ai muốn bước tiếp trên con đường này. Đó cũng là lý do quan trọng ngăn cản Đỗ Duy Mạnh, Văn Hậu, Nguyễn Văn Quyết và nhất là Nguyễn Quang Hải bước ra thế giới.
Bầu Hiển liệu có thành công?
Dù vậy, chẳng phải các giới hạn sinh ra để chờ được chúng ta chinh phục?
Sau Asian Games và nhất là Asian Cup - giải đấu đẳng cấp cao nhất của các đội tuyển châu Á, những dấu hiệu manh nha của thời kỳ xuất ngoại mới đã xuất hiện. Chỉ trong nửa đầu năm 2019, Đặng Văn Lâm gia nhập Muangthong United, Công Phượng gia nhập Incheon và sau đấy là Sint-Truidense. Chính Văn Hậu cũng suýt gia nhập Austria Wien, đội bóng không hề kém cạnh Heerenveen, cách đây vài tháng.
Mọi dấu hiệu đều cho thấy thời cơ đã chín muồi.
CLB Hà Nội chắc chắn nhận ra con sóng thời đại đang tới. Và thương vụ Văn Hậu là bước đi mạnh mẽ đầu tiên mà họ thực hiện.
Khác với Công Phượng chưa hoàn toàn bất khả xâm phạm, Văn Hậu là lựa chọn số một ở đội tuyển Việt Nam. Anh cũng trưởng thành từ lò đào tạo trẻ tốt nhất, đang chơi cho CLB mạnh nhất. Hậu từng được dự U20 World Cup, ra sân cả ở AFC Champions League lẫn AFC Cup - những giải đấu nằm trong tầm ngắm của giới “săn đầu người” quốc tế.
So với Công Phượng, Hậu trẻ hơn, thể hình tốt hơn, lối chơi hiện đại và do đó có nhiều tiềm năng hơn. Khác với Công Phượng, Hậu phải sang Hà Lan ký hợp đồng chứ không ra mắt tại một khách sạn ở TP.HCM. Điều đó mang tới cảm giác nghiêm túc và thuần túy chuyên môn.
Hợp đồng cho mượn kèm điều khoản mua đứt giá 1,5 triệu euro/năm, con số ấy khiến ta nhớ tới các vụ chuyển nhượng châu Âu mà bóng đá Việt Nam thường chỉ thấy ở... Ngoại hạng Anh. Công khai các chi tiết ấy là bằng chứng cho thấy CLB Hà Nội cùng bầu Hiển rất tự tin trong thương vụ của mình.
Có một chi tiết đặc biệt trong quá trình đàm phán đã được tiết lộ, CLB Heerenveen ban đầu không định mất phí chuyển nhượng mà chỉ muốn trả lương cho Văn Hậu. Nhưng khi CLB Hà Nội cứng rắn, đối tác buộc phải nhượng bộ. Nghĩa là trong thương vụ này, đại diện Việt Nam ở vị trí ngang hàng, “cùng phân” với đối tác.
Những bằng chứng đều cho thấy Văn Hậu có thể theo bước Văn Lâm. Đương nhiên, kết luận như vậy không có nghĩa là chúng ta khen ngợi bầu Hiển và đánh giá thấp bầu Đức.
Nói theo kiểu sử học, không một nhà phát minh thiên tài nào có thể tự mình tạo nên thay đổi. Những thành tựu lớn nhất luôn được tạo nên từ rất nhiều bước chân thầm lặng của nhiều người khác nhau. Nhưng khi thành công đến, ta có xu hướng chỉ nhìn về đỉnh cao cuối cùng. Đặt một giả thiết, nếu không có bầu Đức, bầu Hiển có biết xuất khẩu cầu thủ là việc khó khăn đến thế? Và phải thế nào đó, chính HAGL chứ không phải CLB Hà Nội hay PVF mới trở thành những người tiên phong?
Chỉ có một điều rõ ràng nhất lúc này: Văn Hậu xuất ngoại là tin vui, là bình minh báo trước một thời đại mới: thời đại cầu thủ Việt Nam tiến ra thế giới.