Bài học cho người vay tiền nhưng ký hợp đồng ủy quyền định đoạt đất

Vay 20 triệu đồng nhưng nguyên đơn lại ký ủy quyền cho người khác toàn quyền định đoạt 9.500 m2 đất của mình; suýt mất tài sản vì đất bị đổi chủ, sau đó đem đi thế chấp vay ngân hàng.

TAND TP Cần Thơ vừa xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng ủy quyền, hợp đồng chuyển nhượng đất và hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn là hai người con của vợ chồng bà Nguyễn Thị Hồng Lượm và hai bị đơn là bà E, bà H.

Tòa đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, tuyên hủy hợp đồng ủy quyền và hợp đồng chuyển nhượng đất vì hai hợp đồng này là giả tạo nhằm che giấu hợp đồng vay tiền.

Vay vài chục triệu nhưng phải ủy quyền quyết định 9.500 m2 đất

Năm 2010, do cần tiền trị bệnh cho mẹ nên vợ chồng bà Lượm thông qua giới thiệu đã vay 20 triệu đồng của bà E với lãi suất 1,5%/tháng. Để được vay, vợ chồng bà đã ký hợp đồng ủy quyền cho bà E được chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp… quyền sử dụng ba thửa đất với diện tích hơn 9.500 m2 tại quận Cái Răng (TP Cần Thơ) trong thời hạn năm năm.

Với phán quyết của tòa phúc thẩm, chủ quyền nhà đất mà gia đình nguyên đơn nhiều thế hệ sinh sống sẽ trở về đúng chủ nhân. Ảnh: NHẪN NAM

Với phán quyết của tòa phúc thẩm, chủ quyền nhà đất mà gia đình nguyên đơn nhiều thế hệ sinh sống sẽ trở về đúng chủ nhân. Ảnh: NHẪN NAM

Ngân hàng không kiểm tra
thực tế

Những người kháng cáo đề nghị tòa phúc thẩm công nhận hợp đồng chuyển nhượng, đồng ý cho ngân hàng phát mại phần đất thế chấp để thu hồi nợ. Ngân hàng cho rằng mình là người thứ ba ngay tình khi cho vay.

Gia đình nguyên đơn xây nhà ở trên đất từ trước khi có việc vay mượn tiền. Tuy nhiên, tại tòa, đại diện ngân hàng nhiều lần trả lời không biết ai là người thực tế sống trong căn nhà có trên đất. Do họ chỉ thế chấp phần đất nên không kiểm tra thực tế.

Năm 2017, bà Lượm mới phát hiện đất của mình đã được sang tên cho bà H. Bà H mang giấy chứng nhận thế chấp ngân hàng vay 650 triệu đồng. Do người vay không trả nợ nên ngân hàng kiện ra tòa tranh chấp hợp đồng tín dụng. Đất của bà Lượm bị đo đạc để phát mại thu hồi nợ cho ngân hàng.

Bà Lượm đi kiện để hủy hợp đồng ủy quyền giữa vợ chồng bà với bà E; hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa bà E và bà H; hủy giấy chứng nhận mang tên bà H để trả lại chủ quyền đất cho bà.

Bà E phản tố cho rằng đã cho vợ chồng bà Lượm vay hai lần, mỗi lần 20 triệu đồng. Hợp đồng ủy quyền cho bà trong thời hạn 20 năm. Bà đồng ý hủy hợp đồng ủy quyền, yêu cầu nguyên đơn phải trả tiền vay và tiền lãi tổng cộng hơn 80 triệu đồng.

Bà H cũng có phản tố yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển nhượng giữa bà với bà E. Do không có tiền trả nợ nên bà đồng ý cho ngân hàng phát mại phần đất này. Khoản nợ này là của người khác; được bà bảo lãnh, thế chấp bằng phần đất của nguyên đơn.

Ngân hàng cho biết đến nay khoản nợ và lãi của khoản vay đã trên 2 tỉ đồng.

Hợp đồng vay núp bóng hợp đồng ủy quyền nên vô hiệu

Xử sơ thẩm, TAND quận Cái Răng đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, tuyên bố ba hợp đồng ủy quyền giữa vợ chồng bà Lượm và bà E vô hiệu; hợp đồng chuyển nhượng giữa bà E và bà H vô hiệu; hợp đồng thế chấp giữa bà H với ngân hàng vô hiệu. Ngoài ra, tòa còn tuyên một số nội dung khác.

Cả hai bị đơn, người liên quan và ngân hàng đều kháng cáo. Sau khi xem xét, HĐXX phúc thẩm nhận định việc tòa sơ thẩm tuyên hủy hợp đồng ủy quyền và hợp đồng chuyển nhượng là có cơ sở vì hai hợp đồng này là giả tạo nhằm che giấu hợp đồng vay tiền. Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Tuy nhiên, nguyên đơn và bị đơn không đề nghị tòa giải quyết hợp đồng thế chấp, tòa sơ thẩm xử hủy là vượt quá yêu cầu, cần hủy án phần này để giải quyết trong vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng mà ngân hàng đã khởi kiện tại TAND TP Sóc Trăng.

Từ đó, tòa phúc thẩm quyết định tách hợp đồng thế chấp thành vụ kiện khác; kiến nghị cơ quan chức năng thu hồi giấy chứng nhận mang tên bà H để cấp lại giấy chứng nhận cho hai con của bà Lượm (do vợ chồng bà Lượm đều đã qua đời).

Tòa phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu phản tố của bà H về việc yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển nhượng giữa bà với bà E. Tòa buộc các con của bà Lượm trả cho bà E 20 triệu đồng mà cha mẹ đã vay; buộc một người liên quan phải trả cho phía bà Lượm 15,9 triệu đồng do người này nhận tiền của bà Lượm để đóng lãi giùm nhưng lại không thực hiện.

Bị đơn cam đoan trả đất, công an không khởi tố

Trước khi đi kiện, bà Lượm có đơn tố cáo bà E, bà H lừa đảo. Tại cơ quan điều tra, bà E khai đã chuyển nhượng đất cho bà H với giá 300 triệu đồng. Bà có thỏa thuận với bà H đến hết thời hạn ủy quyền 20 năm thì bà H chuyển trả lại đất. Bà cam kết đến cuối tháng 5-2018 sẽ trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Bà H khai cũng biết bà E chỉ được ủy quyền 20 năm nhưng vì cần tiền nên bà mới nhận chuyển nhượng. Bà cam đoan đến cuối tháng 5-2018 sẽ trả tiền cho ngân hàng để lấy lại giấy tờ đất trả cho nguyên đơn.

Do cả hai người bị tố cáo đều làm cam đoan nên công an hướng dẫn bà Lượm kiện ra tòa.

NHẪN NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/bai-hoc-cho-nguoi-vay-tien-nhung-ky-hop-dong-uy-quyen-dinh-doat-dat-post726859.html