Bài học của Canada trước áp lực thuế từ Mỹ?

Khi nguy cơ thuế quan đang đe dọa nền kinh tế, các chuyên gia của AFP cho rằng mở rộng lĩnh vực năng lượng của Canada và đa dạng hóa thị trường khách hàng dự kiến có thể giúp tăng cường an ninh kinh tế.

Hình minh họa

Hình minh họa

Theo AFP, hiện tại, phần lớn nhiên liệu hóa thạch của Canada được xuất khẩu sang Mỹ, khiến nhiều chuyên gia lo ngại rằng nguồn doanh thu quá phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Nếu nền kinh tế Mỹ gặp khó khăn do căng thẳng thương mại, Canada sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Một nhà quản lý danh mục đầu tư nhận định rằng người dân Canada cảm thấy “bị phản bội” trước các lời đe dọa từ Mỹ. Nhưng theo ông, Canada lẽ ra không nên đặt mình vào tình thế dễ bị tổn thương, khi chỉ một đối tác thương mại duy nhất có thể đẩy nền kinh tế nước này vào nguy cơ suy giảm tới 4% GDP.

Việc mở rộng quan hệ thương mại với các đối tác khác có thể giúp bảo vệ nền kinh tế Canada trong trường hợp Mỹ áp thuế lên năng lượng nước này. Nếu xuất khẩu năng lượng được điều hướng sang các quốc gia khác, tác động tiêu cực từ thuế quan có thể được giảm thiểu.

“Nếu trong 9-10 năm qua, chúng ta xây dựng thêm nhiều đường ống dẫn dầu thay vì vận chuyển tới 97% dầu mỏ của mình sang Mỹ, thì vị thế hiện tại của Canada đã vững vàng hơn rất nhiều. Chính sách năng lượng của chúng ta đã bị chi phối quá lâu bởi chủ nghĩa bảo vệ môi trường cực đoan thay vì thực tế”, chuyên gia Eric Nuttall của Ninepoint Partners nói trong một cuộc phỏng vấn với BNN Bloomberg hôm thứ Hai tuần trước.

Việc mở rộng hệ thống đường ống có thể giúp Canada vận chuyển dầu trong nước hoặc xuất khẩu ra thị trường quốc tế mà không phụ thuộc vào Mỹ.

Thuế quan đối với nền kinh tế Canada đã được trì hoãn ít nhất 30 ngày vào ngày 3/2 sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Trước đó, ông Trump đã liên tục đưa ra những lời đe dọa về thuế, thúc đẩy làn sóng kêu gọi Canada phát triển mạnh hơn ngành năng lượng, khôi phục các dự án đường ống mới và mở rộng công suất. Một trong những lời đe dọa từ ông Trump là áp thuế 25% lên hàng nhập khẩu từ Canada, ngoại trừ năng lượng – lĩnh vực sẽ chịu mức thuế 10%.

Thủ hiến Alberta, bà Danielle Smith, đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách khác cùng xây dựng thêm đường ống.

Kinh tế năng lượng của Canada

Theo số liệu mới nhất từ Chính phủ liên bang, năm 2023, lĩnh vực năng lượng đóng góp khoảng 10,3% GDP danh nghĩa của Canada. Trong năm đó, Canada xuất khẩu khoảng 199,1 tỷ USD năng lượng sang 123 quốc gia, trong đó Mỹ chiếm tới 89%.

Ông Nuttall nhấn mạnh rằng Mỹ rất cần dầu của Canada, khi một số nhà máy lọc dầu ở vùng Trung Tây nước Mỹ nhập khẩu khoảng 3 triệu thùng mỗi ngày.

“Họ không có lựa chọn nào khác. Họ không thể vận chuyển bằng xe tải hay xà lan. Sự phụ thuộc của Mỹ vào dầu Canada có thể mang lại cho chúng ta một lợi thế rất lớn trong tương lai. Tôi thực sự hy vọng đây sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà hoạch định chính sách năng lượng”, ông nói.

Canada có thể sẽ “cảm ơn ông Trump”?

Ông Jean Charest, thành viên hội đồng quan hệ Canada – Mỹ, cho rằng một ngày nào đó Canada có thể sẽ “cảm ơn ông Donald Trump”. “Ông ấy buộc Canada phải nhìn lại chính mình, xem xét cách chúng ta vận hành nền kinh tế, khai thác tài nguyên thiên nhiên, phát triển năng lượng và xử lý các rào cản thương mại liên tỉnh”, cựu Thủ hiến Quebec và cựu nghị sĩ Canada nói với BNN Bloomberg hôm thứ Năm tuần trước.

Ông Blake Shaffer, phó giáo sư kinh tế tại Đại học Calgary, nhận định trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư tuần trước rằng mối đe dọa thuế quan từ Mỹ đã phơi bày sự mong manh của nền kinh tế Canada. Kết quả là, ông cho rằng Canada đang đứng trước một “ngã rẽ” với hai lựa chọn. Một là tiếp tục hội nhập sâu hơn với Mỹ.

“Lựa chọn còn lại là lắng nghe những ý kiến kêu gọi đa dạng hóa. Không thể phủ nhận rằng nếu chúng ta có nhiều cảng biển hơn, có khả năng vận chuyển năng lượng tốt hơn trong nước, thì Canada đã có lợi thế đàm phán lớn hơn trong cuộc tranh chấp này và trong 40 năm tới”, ông nói. “Câu hỏi đặt ra là: Liệu đây có phải một chiến lược đáng để theo đuổi không? Vì nó sẽ tiêu tốn rất nhiều chi phí”, ông bổ sung.

Ngành dầu khí kêu gọi mở rộng thị trường

Ngành công nghiệp dầu mỏ của Canada từ lâu đã thúc đẩy việc xây dựng thêm đường ống dẫn dầu, bao gồm các dự án kết nối Alberta với bờ biển phía Tây và phía Đông. Tuy nhiên, một số dự án đã bị từ chối, do sự phản đối từ các lãnh đạo thổ dân và các nhóm bảo vệ môi trường.

Hiệp hội các nhà khai thác dầu khí Canada (CAPP) là một trong những tổ chức ủng hộ việc mở rộng thị trường cho dầu mỏ và khí đốt của Canada.

Trong hai thập kỷ qua, nhiều dự án đường ống lớn đã bị từ chối, bao gồm dự án Energy East – một đường ống có thể vận chuyển khoảng 1,1 triệu thùng dầu/ngày từ Alberta đến khu vực Đại Tây Dương của Canada.

Thủ hiến Alberta, bà Danielle Smith, cho biết bà sẽ trao đổi với các thủ hiến khác về việc mở rộng mạng lưới đường ống.

Một dự án gây tranh cãi mà Chính phủ liên bang đã triển khai là việc mở rộng đường ống Trans Mountain (TMX). Theo Reuters đưa tin hôm thứ Tư tuần trước, các nhà điều hành TMX dự báo nhu cầu vận chuyển qua đường ống này sẽ tăng cao, nếu Mỹ thực sự áp thuế lên dầu khí Canada.

Bloomberg News hồi tháng 9 cũng cho biết khoảng hai phần ba lượng dầu vận chuyển từ Alberta đến British Columbia qua hệ thống này đã được xuất khẩu sang châu Á, phần còn lại được bán cho các khách hàng tại Mỹ.

Dù nhiều người cho rằng đầu tư vào ngành năng lượng sẽ giúp bảo vệ nền kinh tế trước nguy cơ bị áp thuế, một số ý kiến khác lại cảnh báo về những lo ngại môi trường.

Keith Stewart, chiến lược gia năng lượng cấp cao của Greenpeace Canada, nói với BNNBloomberg.ca hôm thứ Tư tuần trước rằng, việc đổ tiền vào các dự án đường ống mới vào thời điểm thế giới đang chuyển sang năng lượng tái tạo chẳng khác nào “mua một cửa hàng băng đĩa Blockbuster khi Netflix đang lên ngôi”. Trong một cuộc phỏng vấn, ông khẳng định thị trường dầu mỏ toàn cầu đang thu hẹp.

Ông Stewart cho rằng nước đi thông minh nhất lúc này là giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu, bởi thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ ngày càng nhỏ lại.

Câu hỏi mở về chiến lược dài hạn

Chuyên gia kinh tế Blake Shaffer cũng đặt ra câu hỏi về lợi ích lâu dài của việc đẩy mạnh đầu tư vào ngành năng lượng Canada trong bối cảnh nhu cầu có thể giảm dần trong các thập kỷ tới.

“Nếu thế giới đang tiến gần đến đỉnh điểm tiêu thụ dầu – có thể không phải trong vài năm tới nhưng chắc chắn trong vài thập kỷ tới – thì liệu xây dựng hàng loạt đường ống trải dài từ bờ Đông sang bờ Tây có thực sự là chiến lược khôn ngoan nhất cho một quốc gia có tầm nhìn dài hạn không? Với tôi, đây vẫn là một câu hỏi mở”, ông nói. Tuy nhiên, một lĩnh vực mà nhu cầu chắc chắn sẽ tiếp tục tăng là điện.

“Chúng ta biết rằng nhu cầu dầu mỏ sẽ không biến mất ngay lập tức. Nhưng nếu thị trường dầu bắt đầu chững lại, việc bớt phụ thuộc vào Mỹ mà lại đặt cược nhiều hơn vào dầu mỏ có phải là quyết định đúng đắn không? Đó là điều cần suy nghĩ”, ông nói thêm.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/bai-hoc-cua-canada-truoc-ap-luc-thue-tu-my-724014.html