Tôm xuất khẩu: Tăng trưởng ngay tháng đầu năm
Trong tháng 1/2025, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 774,3 triệu USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, sản phẩm tôm tiếp tục là mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh nhất trong tháng 1/2025 với giá trị xuất khẩu đạt 273,349 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ và chiếm tới 35,3% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Tăng trưởng mạnh mẽ
Dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng năm 2024 ngành tôm Việt Nam vẫn kiên cường vượt qua khó khăn nhờ nỗ lực và quyết tâm, cùng với các chiến lược hợp lý. Theo đó, năm 2024, xuất khẩu tôm tranh thủ sự hồi phục nhu cầu và giá nhập khẩu tại thị trường Mỹ, Trung Quốc nên xuất khẩu tôm sang 2 cường quốc này đã bứt phá mạnh mẽ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu tôm vẫn giữ được chỗ đứng tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu (EU) nhờ vào uy tín và chất lượng sản phẩm cũng như lợi thế của hàng chế biến giá trị gia tăng từ tôm. Các Hiệp định thương mại tự do cũng mang lại lợi thế cạnh tranh để sản phẩm tôm tăng tốc sang nhiều thị trường như Anh, Canada, Australia, Singapore. Nhờ tăng trưởng mạnh, Trung Quốc vượt qua Mỹ, trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Năm 2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 756 triệu USD, tăng 11% so với năm 2023. Trong 4 quý của năm 2024, xuất khẩu tôm sang Mỹ chỉ giảm trong quý II, tăng trưởng dương trong III quý còn lại.
![Doanh nghiệp xuất khẩu tôm cần nắm bắt thông tin thị trường để cung ứng sản phẩm phù hợp nhu cầu.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_113_51444108/047ecf23fb6d12334b7c.jpg)
Doanh nghiệp xuất khẩu tôm cần nắm bắt thông tin thị trường để cung ứng sản phẩm phù hợp nhu cầu.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, bước sang năm 2025, tôm tiếp tục là mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong tháng 1, với giá trị xuất khẩu đạt 273,3 triệu USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Về triển vọng ngành tôm trong năm 2025, VASEP dẫn thông tin từ Ngân hàng Rabobank (có trụ sở chính tại Hà Lan) cho biết, ngành công nghiệp tôm toàn cầu đang trong giai đoạn tái cân bằng khi các nước sản xuất giảm tốc độ tăng trưởng nhằm thu hẹp khoảng cách cung cầu. Điều này sẽ giúp giá tôm phục hồi trong nửa đầu năm 2025, đặc biệt khi nhu cầu từ các thị trường như Mỹ và châu Âu (EU) cải thiện. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc - một trong những đối tác lớn của tôm Việt Nam, đang đối mặt với sự giảm sút trong nhu cầu tiêu thụ.
Sự thay đổi trong thói quen chi tiêu của tầng lớp trung lưu, cùng với áp lực thu nhập gia tăng, đã dẫn đến sự sụt giảm tiêu dùng tôm trắng. Sự cạnh tranh từ các sản phẩm thủy sản giá rẻ hơn và sự ưu tiên tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm khác có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong những tháng tiếp theo.
Tạo động lực phát triển ngành tôm
Thực tế ngành tôm Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Nguồn cung tôm nguyên liệu được dự báo sẽ thiếu hụt nghiêm trọng đến hết quý I/2025, điều này gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp chế biến tôm. Các công ty này phải giải quyết bài toán cân đối chi phí sản xuất khi giá tôm nguyên liệu leo thang, trong khi vẫn phải cạnh tranh với tôm giá rẻ từ các quốc gia khác. Chính vì vậy, để tăng sức cạnh tranh và đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025, cần có những động thái hỗ trợ, tạo động lực cho ngành tôm phát triển.
Trong bối cảnh đó, VASEP đề xuất Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương tập trung các hoạt động ngoại giao kinh tế, đàm phán song phương và xúc tiến thương mại có mục tiêu tại các thị trường quan trọng để khơi thông lợi thế cho xuất khẩu tôm Việt Nam.
Nhận định về năng lực cạnh tranh với các đối thủ ngành hàng tôm, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho rằng, dù là sản phẩm chế biến hay hay sản phẩm tươi, sản phẩm tôm Việt Nam đều được ưa chuộng do mẫu mã đẹp, chất lượng ổn định và đồng đều hơn so với nhiều đối thủ trực tiếp. Cụ thể, doanh nghiệp tập trung bán vào Trung Quốc tôm sú nguyên con cỡ lớn, tôm sống luộc là những mặt hàng người Trung Quốc yêu chuộng và ít đối thủ. Doanh nghiệp hạn chế khuếch trương bán tôm tươi IQF vào Mỹ mà tập trung tôm luộc, tôm chiên, tôm bao bột... do mặt hàng tôm tươi IQF là thế mạnh của Ecuador và Ấn Độ vì giá của họ rất rẻ.
Theo bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông của VASEP, trong năm 2025, thị trường thủy sản toàn cầu dự báo sẽ có nhiều biến động, với các yếu tố như thay đổi thói quen tiêu dùng, chính sách thuế quan và biến động cung cầu ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Đặc biệt, sự giảm sút trong nhu cầu tại các thị trường lớn như Trung Quốc và Mỹ sẽ đặt ra thách thức lớn đối với các sản phẩm như tôm, cá tra và cá ngừ.
Tuy nhiên, với việc gia tăng nhu cầu từ các thị trường ASEAN và các chính sách thuế quan hỗ trợ từ các quốc gia lớn, ngành thủy sản Việt Nam vẫn có thể duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025. Việc phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng, cải thiện chất lượng sản phẩm và mở rộng các thị trường xuất khẩu mới sẽ là yếu tố quan trọng để ngành thủy sản Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tom-xuat-khau-tang-truong-ngay-thang-dau-nam-10299666.html