Bài học đắt giá từ dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Những khuyến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây cần được coi là 'cẩm nang' khi triển khai Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Thi công tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Công trình đặc biệt

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 2290/BGTVT-TC yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (đều thuộc Bộ GTVT) triển khai nghiêm túc kết luận của Kiểm toán Nhà nước tại Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (gọi tắt là Dự án Phan Thiết - Dầu Giây).

Đây là dự án thành phần đầu tiên thuộc Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được Kiểm toán Nhà nước “soi” công tác quản lý chi phí đầu tư; việc tuân thủ pháp luật, chế độ quản lý đầu tư xây dựng, tài chính, kế toán và các chính sách pháp luật có liên quan.

Trước đó, Dự án Phan Thiết - Dầu Giây từng được Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán với thời hạn từ khi triển khai công trình đến ngày 30/9/2020.

Trên thực tế, không khó để giải thích vì sao, Dự án Phan Thiết - Dầu Giây lại liên tục rơi vào “tầm ngắm” của Kiểm toán Nhà nước. Ngoài việc là dự án thành phần thuộc Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có quy mô lớn nhất (xây dựng 99 km đường cao tốc 4 làn xe, chiều rộng nền đường 25 m, 6 nút giao liên thông, 65 công trình cầu), Dự án Phan Thiết - Dầu Giây còn được Quốc hội, Chính phủ ưu tiên bố trí một lượng vốn đầu tư công rất lớn với tổng mức đầu tư lên tới 12.500 tỷ đồng.

Tại Công văn số 2290, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long - đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư - phải khẩn trương, nghiêm túc thực hiện đầy đủ các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trong Báo cáo kiểm toán số 359/KTNN-TN về hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng Dự án Phan Thiết - Dầu Giây.

Cùng với đó, Ban Quản lý dự án Thăng Long được yêu cầu chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc lập, trình thẩm định phê duyệt thiết kế - dự toán; lập, thẩm định điều chỉnh hồ sơ mời thầu; lập tiên lượng mời thầu chưa phù hợp với Hồ sơ thiết kế kỹ thuật - dự toán.

Đơn vị có thâm niên quản lý dự án lâu bậc nhất trong ngành GTVT này sẽ phải có giải pháp chỉ đạo dứt điểm đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục nền đường, hệ thống thoát nước và móng đường đang bị chậm so với tiến độ đề ra, trong đó, đặc biệt quan tâm đến đoạn tuyến do nhà thầu phụ là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 194 tự ý chấm dứt thi công. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ khối lượng cấp phối đá dăm theo tiến độ, khẩn trương hoàn thành thiết kế tỷ khối bê tông nhựa rỗng và chuẩn bị đủ đá dăm các loại thi công hạng mục bê tông nhựa rỗng để có thể tiến hành thi công lớp bê tông nhựa rỗng theo tiến độ đã được duyệt.

“Ban Quản lý dự án Thăng Long khẩn trương phối hợp với các đơn vị giải phóng mặt bằng các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng các đoạn tuyến còn lại, sớm giải ngân vốn đầu tư làm tăng hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước; phối hợp với các đơn vị có liên quan kịp thời nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành để thu hồi tạm ứng tại các gói thầu xây lắp, tư vấn giám sát”, văn bản của Bộ GTVT (do ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT ký) nhấn mạnh.

Ngoài Ban Quản lý dự án Thăng Long, một cơ quan khác của Bộ GTVT cũng được yêu cầu rút kinh nghiệm là Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông. Đơn vị này sẽ phải nghiên cứu tình hình năng lực của các nhà thầu trong ngành xây dựng để có cơ sở khoa học phân chia gói thầu hợp lý, đảm bảo có nhiều nhà thầu tham gia dự thầu đạt được đánh giá hồ sơ kỹ thuật của gói thầu; xem xét việc phê duyệt hồ sơ mời thầu và việc quyết định hợp đồng có giá trị nhà thầu phụ (trừ nhà thầu phụ đặc biệt) chiếm không quá 30% giá trị gói thầu.

“Hai đơn vị này phải nghiêm túc thực hiện đầy đủ và báo cáo kết quả thực hiện về Kiểm toán Nhà nước khu vực VIII và Bộ GTVT trước ngày 31/3/2022”, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu.

Tính cạnh tranh không cao

Trước đó, tại Văn bản số 359/KTNN-TN, Kiểm toán Nhà nước khẳng định, chưa phát hiện bất kỳ hành vi tham nhũng nào tại Dự án Phan Thiết - Dầu Giây. Tuy nhiên, khá nhiều hạn chế trong quá trình triển khai Dự án giai đoạn từ ngày 20/10/2020 đến ngày 30/11/2021 đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, trong đó phần lớn điểm hạn chế thuộc về đơn vị chủ dự án là Ban Quản lý dự án Thăng Long.

Theo ghi nhận của Kiểm toán Nhà nước, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã tham mưu điều chuyển vốn đã bố trí cho các tiểu dự án giải phóng mặt bằng 14 tỷ đồng đang còn nhu cầu sử dụng trong năm 2021; điều chuyển vốn tại Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thống Nhất (Đồng Nai) 44 tỷ đồng của các hộ dân chưa nhận tiền do có khiếu nại. UBND huyện Thống Nhất có báo cáo kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, chấp thuận, nhưng đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai chưa có văn bản giải quyết vấn đề này.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc điều chuyển vốn do Ban Quản lý dự án Thăng Long tham mưu là chưa phù hợp với khoản 4, Điều 37 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.

Liên quan đến việc chấp hành chế độ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, dự toán của các gói thầu số 02 - XL, số 04 - XL còn tính sai một số khối lượng; áp định mức, đơn giá một số hạng mục làm tăng giá trị dự toán được duyệt số tiền là 6,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh hồ sơ mời thầu, Ban Quản lý dự án Thăng Long và các bên liên quan đã rà soát không chặt chẽ dẫn đến tiên lượng mời thầu thừa khối lượng so với dự toán thiết kế kỹ thuật, làm tăng giá trị hợp đồng trúng thầu 57,8 tỷ đồng. Đến thời điểm kiểm toán (30/11/2021), các sai sót nêu trên đã làm tăng giá trị hợp đồng của các gói thầu xây lắp gần 60 tỷ đồng.

Điều đáng lo ngại nhất là đến thời điểm kết thúc kiểm toán, Dự án Phan Thiết - Dầu Giây đã bị chậm 17,06% so với tiến độ thi công ban đầu được chủ đầu tư phê duyệt. Trong số này, gói thầu xây lắp số 1 chậm 4,23%, riêng phần của Công ty Phúc Lộc chậm 13,3%; gói thầu xây lắp số 2 chậm 20,17%; gói thầu xây lắp số 3 chậm 21,07%; gói thầu xây lắp số 4 chậm 17,8%.

Ngoài lý do dịch Covid-19, các địa phương bàn giao mặt bằng không đúng kế hoạch, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, một số nhà thầu chưa quyết liệt, chưa chủ động tìm kiếm nguồn vật liệu bảo đảm chất lượng dẫn đến Dự án bị thiếu hụt rất nặng nguồn vật liệu đất đắp.

Tại gói thầu xây lắp số 4, có trường hợp nhà thầu phụ là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 194 (chiếm 16,83% giá trị của toàn bộ gói thầu và chiếm 25,9% giá trị tính riêng phần công việc của nhà thầu chính là Tổng công ty Xây dựng Thăng Long) được Bộ GTVT phê duyệt hồ sơ mời thầu, thẩm định kết quả đấu thầu và chấp thuận giao Ban Quản lý dự án Thăng Long ký kết hợp đồng đã tự ý dừng thi công, chấm dứt hợp đồng, ảnh hưởng phần nào đến tiến độ thi công.

Tại Văn bản số 359, Kiểm toán Nhà nước cho biết, mặc dù Ban Quản lý dự án Thăng Long đã có văn bản đề nghị nhà thầu chính bổ sung nhân lực, thiết bị để bù vào phần việc mà Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 194 bỏ cuộc, nhưng đến nay, các bên có liên quan chưa có giải pháp thi công để bù đắp khối lượng chậm tiến độ.

Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, dù “tung cờ trắng” tại Dự án Phan Thiết - Dầu Giây, nhưng Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 194 vẫn đang rất tích cực tham gia cùng một số nhà đầu tư khác xin nhận thầu một số dự án thành phần thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Một điểm cấn cá khác tại Dự án Phan Thiết - Dầu Giây là trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, có từ 10 - 24 nhà thầu mua hồ sơ dự thầu, nhưng chỉ có 3 nhà thầu tham gia dự thầu cho từng gói thầu. Đến bước mở hồ sơ đề xuất tài chính, chỉ có 1/3 nhà thầu đáp ứng điều kiện về năng lực và kinh nghiệm.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, quá trình lựa chọn nhà thầu các gói thầu xây lắp tại Dự án Phan Thiết - Dầu Giây không có sự so sánh về giá giữa các nhà thầu. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu tại Dự án rất thấp, thậm chí có gói thầu còn vượt cả giá gói thầu của chủ đầu tư khiến các bên liên quan phải mất rất nhiều thời gian đàm phán hợp đồng.

“Bộ GTVT cần nghiên cứu tình hình năng lực của các nhà thầu trong ngành xây dựng để có cơ sở khoa học phân chia gói thầu hợp lý đảm bảo có nhiều nhà thầu tham gia dự thầu đạt được đánh giá hồ sơ kỹ thuật của gói thầu, đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu”, ông Vũ Văn Họa, Phó tổng kiểm toán Nhà nước khuyến nghị.

Bảo Như

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bai-hoc-dat-gia-tu-du-an-cao-toc-phan-thiet---dau-giay-d162869.html