Bài học từ hành vi cho vay lãi nặng
Mặc dù biết việc cho vay lãi nặng là vi phạm pháp luật, nhưng do hám lợi bất chính, nhiều người vẫn thực hiện hành vi này và đã bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Câu chuyện xảy ra tại thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định là một ví dụ.
Do thấy nhiều người có nhu cầu vay mượn tiền nên T.V.H, sinh năm 1985, hộ khẩu thường trú tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội (chỗ ở hiện nay tại thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định) đã nảy sinh ý định cho vay tiền lấy lãi dưới hình thức “bốc bát họ” hoặc vay tiền trả lãi theo tháng. Nếu người vay theo hình thức bốc bát họ thì khi vay, T.V.H sẽ giữ lại 20% số tiền cho vay là tiền lãi, người vay phải trả cho H tổng số tiền đã vay trong vòng 50 ngày hoặc có thể trả sớm hơn. Còn vay theo hình thức trả lãi tháng thì H và người vay thỏa thuận với nhau tính lãi vay là từ 1 nghìn đồng/1 triệu đồng/ngày đến 3 nghìn đồng/1 triệu đồng/ngày.
Từ tháng 5/2019 đến tháng 1/2024, H đã cho 5 người trên địa bàn huyện Tràng Định vay tổng số tiền 53 triệu đồng, dưới hình thức lãi ngày với lãi suất 3 nghìn đồng/1 triệu đồng/ngày, tương đương với lãi suất 109,5%/năm, thu lời bất chính tổng số tiền trên 120 triệu đồng. Do không đủ khả năng trả nợ, một số người vay đã đến Công an huyện Tràng Định để trình báo sự việc.
Ngày 20/4/2024, Tòa án Nhân dân huyện Tràng Định đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án trên. Theo đó, hội đồng xét xử tuyên bị cáo T.V.H phạm tội “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, xử phạt 6 tháng tù giam, phạt bổ sung 30 triệu đồng nộp Ngân sách Nhà nước. Đồng thời buộc bị cáo phải bồi thường trên 100 triệu đồng cho những người vay nợ của bị cáo, vì số tiền lãi thu không đúng theo quy định.
Ông Hoàng Văn Bình, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Tràng Định, Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa nhận định: Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước. Hành vi phạm tội của bị cáo còn mang tính chất bóc lột làm cho người vay tiền lâm vào hoàn cảnh khó khăn, điêu đứng, có khả năng làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự cũng như sức khỏe của những người vay tiền và gia đình của họ. Bản án thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo sự răn đe và phòng ngừa chung.
Không chỉ vụ việc trên, từ năm 2023 đến nay, lực lượng chức năng trên địa bàn đã tiếp nhận trình báo của nhiều bị hại và đã điều tra, xử lý trên 20 vụ việc liên quan đến hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Đây là hình thức tín dụng tư nhân không nằm trong khuôn khổ hoạt động của các tổ chức tín dụng hợp pháp, không theo các quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng, ngân hàng, còn được gọi là “tín dụng đen”. Đặc biệt, thủ tục cho vay đơn giản, với mức lãi suất cao gấp nhiều lần so với quy định của pháp luật, các đối tượng, nhóm đối tượng cho người vay với nhiều hình thức, thủ đoạn; thậm chí nếu đến hạn mà người vay không trả, đối tượng sẽ đe dọa, “khủng bố” tinh thần với nhiều hình thức để đòi nợ, ảnh hưởng đến đời sống gia đình và tình hình an ninh trật tự.
Những câu chuyện xảy ra không chỉ là bài học cho những người cho vay lãi nặng mà còn là lời cảnh tỉnh đối với những người có ý định đi vay “tín dụng đen”. Khi đã lao vào con đường vay lãi nặng thì “lãi mẹ đẻ lãi con”, bản thân người đi vay sẽ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, dẫn đến mất tài sản thế chấp, gia đình tan vỡ. Do vậy, người dân cần chủ động nâng cao kiến thức, tìm hiểu kỹ, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng hợp pháp, không vay tiền từ các tổ chức, cá nhân không có chức năng kinh doanh tài chính. Đồng thời chủ động tố giác và hợp tác với cơ quan chức năng để đấu tranh, xử lý các đối tượng, góp phần đẩy lùi vấn nạn này ra khỏi đời sống xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/bai-hoc-tu-hanh-vi-cho-vay-lai-nang-5010032.html