Bài học từ thực tiễn địa phương

Giáo dục địa phương (GDĐP) là nội dung bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, tài liệu GDĐP được xem như sách giáo khoa. Thông qua những bài học về kiến thức địa phương đã giúp học sinh tường tận hơn về vùng đất mà mình đang sinh sống, từ đó, vun đắp tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng dân cư các dân tộc, xây dựng văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Giáo viên Trường THPT Tử Đà tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để giới thiệu các vùng miền trong tỉnh, nhằm hỗ trợ giảng dạy tiết học giáo dục địa phương thêm sinh động, phong phú.

Tạo sự hấp dẫn

“Tềnh là tềnh tang tềnh là tang tềnh/ Trồng bông ta luống a đậu, luống đậu, luống ơ cà/ Ai làm cho luống công ơ ta thế này/ Chứ đường ai làm, ai làm cho luống...”. Vừa bước chân vào cổng trường Tiểu học Dữu Lâu, thành phố Việt Trì, chúng tôi đã có ấn tượng đặc biệt với làn điệu hát Xoan mượt mà thấm đẫm hồn quê do học sinh lớp 3A thực hành diễn xướng. Được biết, đây là một trong những nội dung tích hợp thực hiện chương trình GDĐP trong giờ âm nhạc.

Cô Đào Thị Thúy Hằng- Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Nhà trường thực hiện nội dung GDĐP một cách linh hoạt, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy nhằm khai thác thêm các tư liệu trên mạng Internet để minh chứng, tạo sự hấp dẫn cho nội dung bài học. Các hoạt động như: Trò chơi dân gian, hát Xoan hay kể các câu chuyện về danh nhân thời Hùng Vương... được lồng ghép xen giữa những giờ Toán, Tiếng Việt... tạo nên không khí hào hứng cho học sinh.

Không chỉ giảng dạy tích hợp trong giờ học, nội dung GDĐP được Trường Tiểu học An Đạo, huyện Phù Ninh gắn với trải nghiệm thực tế ngay tại địa phương. Ngày chúng tôi đến thăm cũng đúng dịp học sinh khối lớp 3 được trải nghiệm tại chùa Hoàng Long (di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia) ở khu 1. Hơn 100 học trò say sưa, chú ý lắng nghe giáo viên thuyết minh về kiến trúc, lịch sử ngôi chùa, việc giữ gìn di sản văn hóa của người dân địa phương. Cũng trong buổi trải nghiệm, học sinh được tìm hiểu, định hướng tâm thiện từ bi, nêu cao tinh thần tương thân tương ái, truyền thống đạo lý “bầu ơi thương lấy bí cùng” của dân tộc Việt Nam. Để thực hiện hiệu quả chương trình GDĐP, nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm học để học sinh có thể nắm bắt các vấn đề về văn hóa, lịch sử truyền thống, địa lý, dân cư, cảnh quan, môi trường tự nhiên... và được tích hợp chủ yếu với hoạt động trải nghiệm, vào các môn học, hoạt động giáo dục khác. Điều này sẽ khiến cho nội dung GDĐP trở nền gần gũi, hấp dẫn với học sinh...

Theo quy định, ở cấp tiểu học, nội dung GDĐP được tích hợp chủ yếu với hoạt động trải nghiệm, các môn học và các hoạt động giáo dục khác. Ở cấp THCS và THPT, nội dung GDĐP có vị trí tương đương các môn học khác, được thiết kế theo từng lĩnh vực và chủ đề với tổng thời lượng 35 tiết/lớp/năm học.

Qua thời gian triển khai thực hiện tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, theo đánh giá của giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục thì nội dung GDĐP đã đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của Bộ GD&ĐT. Nội dung được xây dựng trên cơ sở tích hợp các vấn đề cơ bản của tự nhiên, địa lí, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, an sinh xã hội, kinh tế - chính trị, bảo vệ môi trường... của tỉnh; gắn lí thuyết với thực hành, gắn nội dung giáo dục với thực tiễn, bảo đảm mức độ yêu cầu chung của giáo dục phổ thông trong tỉnh và cả nước. Đặc biệt, chương trình GDĐP được cụ thể hóa thành các chủ đề dạy học và có hai chủ đề xuyên suốt là Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ. Qua đó, thuận lợi, thiết thực giáo dục học trò tình yêu quê hương, gắn bó với nơi chôn nhau, cắt rốn.

Trường Tiểu học Dữu Lâu, thành phố Việt Trì tổ chức các trò chơi dân gian trong hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.

Chủ động nâng cao chất lượng, hiệu quả

Dù được tích hợp, lồng ghép vào giảng dạy nhưng cái hay, hấp dẫn của nội dung GDĐP là giúp người học xâu chuỗi thông tin, cảm nhận được những đặc điểm của quê hương Đất Tổ trong tiến trình phát triển. Đơn cử như môn Lịch sử, học sinh phải nắm được xuyên suốt quá trình phát triển của Phú Thọ từ thời nguyên thủy đến thế kỷ X; truyền thuyết về thời đại Hùng Vương; một số nhân vật tiêu biểu thời Hùng Vương dựng nước. Trong môn Địa lý, nội dung cập nhật nhiều thông tin như xác định được vị trí của tỉnh Phú Thọ, đặc điểm về diện tích, nhất là phần địa lý dân cư - kinh tế, tạo nên sức hấp dẫn và tính thiết thực của môn học, hướng đến giới thiệu khái quát bức tranh kinh tế, dân cư và địa lý, du lịch Phú Thọ...

GDĐP áp dụng các phương pháp tích cực hóa hoạt động của học sinh, trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn. Các hoạt động học tập của học sinh bao gồm khám phá vấn đề, luyện tập và thực hành, được thực hiện với sự hỗ trợ của thiết bị dạy học, đặc biệt là công nghệ thông tin, thông qua một số hình thức: Học lý thuyết, trải nghiệm, tham quan... Nội dung giảng dạy được xây dựng phong phú, đa dạng, các nhà trường đã chủ động triển khai nội dung GDĐP linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn với phương thức dạy học như: Sắp xếp thời khóa biểu dạy như môn học độc lập, tổ chức chủ đề dạy học trong hoặc ngoài lớp học, đưa vào chương trình hoạt động trải nghiệm, dạy học tích hợp liên môn... Vì nội dung GDĐP gồm nhiều phân môn, do đó các trường thường chủ động phân công giáo viên dạy các chủ đề theo môn học. Ví dụ, chủ đề về lĩnh vực văn học sẽ do giáo viên Ngữ văn dạy, chủ đề thuộc lĩnh vực Địa lí sẽ do giáo viên Địa lí giảng dạy; chủ đề về lĩnh vực chính trị-xã hội sẽ do giáo viên Giáo dục công dân giảng dạy...

Thầy giáo Nguyễn Anh Hùng- Trường THPT Tử Đà cho biết: Ở cấp THPT, mặc dù chương trình GDĐP mới được áp dụng từ năm học 2022-2023 bắt đầu từ lớp 10, nhưng trước đây những nội dung này đã được lồng ghép vào một số môn học và hoạt động giáo dục trải nghiệm, ngoài giờ lên lớp nên không làm cho giáo viên bỡ ngỡ. Tuy nhiên, để thực hiện chương trình GDĐP đạt hiệu quả, trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể từng chủ đề, bố trí giáo viên phù hợp, trong quá trình học, nhà trường sẽ bố trí hoạt động trải nghiệm để tăng cường tính hấp dẫn, thu hút học sinh...

Theo Chương trình GDPT 2018, GDĐP là nội dung bắt buộc. Theo đó, việc đưa nội dung GDĐP vào chương trình GDPT nhằm mục tiêu góp phần giữ gìn bản sắc, giáo dục giá trị tốt đẹp của quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. Trao đổi về vấn đề này, NGƯT Phùng Quốc Lập- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Theo lộ trình thực hiện, hàng năm Sở GD&ĐT tiếp tục tiến hành biên soạn, bổ sung, chỉnh sửa tài liệu cho học sinh các khối lớp, thành lập các Hội đồng thẩm định tài liệu GDĐP theo các cấp học, tổ chức thẩm định tài liệu theo quy định. Trên cơ sở đó, Sở sẽ trình UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận kết quả thẩm định, báo cáo để Bộ GD&ĐT phê duyệt, là căn cứ đưa tài liệu vào tổ chức dạy học trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Mỗi chủ đề trong tài liệu GDĐP được thiết kế theo từng bài học cụ thể, thông tin chính xác, khoa học, gần gũi, dễ hiểu. Qua đó, góp phần trang bị cho học sinh những kiến thức bổ ích; đồng thời, khơi dậy cho các em niềm hứng thú học tập và vận dụng vào thực tiễn cuộc sống.

Anh Thơ

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//phong-su-ghi-chep/bai-hoc-tu-thuc-tien-dia-phuong/188010.htm