Bài học về tinh thần đại đoàn kết vẫn vẹn nguyên giá trị
Là người từng trực tiếp chiến đấu, chỉ huy trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu vẫn không khỏi xúc động khi nghĩ về ngày 30.4 lịch sử. Với ông, bài học về sức mạnh của ý chí, tinh thần đại đoàn kết sẽ mãi mãi trường tồn, trở thành truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.
Đại đoàn kết là văn hóa, là truyền thống lịch sử của dân tộc
- Thưa Thượng tướng, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam cùng nhân dân cả nước trong sự kiện đặc biệt quan trọng này?
Ý nghĩa của thắng lợi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước có rất nhiều, nhưng quan trọng nhất, nổi bật nhất đó là sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc. Nhờ có sức mạnh đấy, nhân dân ta đã đứng dậy thực hiện ước mơ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Có thể khẳng định, đại đoàn kết là văn hóa, là truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam.
- Việc phát huy sức mạnh đoàn kết “quân với dân một ý chí” có ý nghĩa như thế nào trong việc góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, thưa ông?
Lực lượng vũ trang có ba nhiệm vụ, thứ nhất là đội quân chiến đấu, thứ hai là đội quân công tác và thứ ba là đội quân sản xuất. Đội quân công tác có nhiệm vụ vận động sức mạnh quần chúng, xây dựng trận địa trong lòng dân. Trận địa này chính là niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đối với Bác Hồ và đối với cách mạng.
Chính vì vậy, quân với dân một ý chí đã tạo nên sức mạnh vô địch, không kẻ thù nào có thể đánh bại được.
- Kể từ khi diễn ra chiến dịch Hồ Chí Minh đến nay đã hơn 40 năm nhưng với nhiều người dân Việt Nam chỉ mới như ngày hôm qua. Bài học về chiến thắng 30.4.1975 - bài học về sức mạnh ý chí và tinh thần đoàn kết toàn dân; vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân đến nay vẫn còn nguyên giá trị, thưa ông?
Có thể khẳng định, sức mạnh của dân tộc Việt Nam là sức mạnh của truyền thống, sức mạnh của ý chí, tinh thần đại đoàn kết, nó gắn liền với lịch sử, với văn hóa của đất nước. Sức mạnh ấy sẽ mãi mãi trường tồn, trở thành truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh giá trị lịch sử, chiến dịch Hồ Chí Minh còn để lại những bài học kinh nghiệm có giá trị to lớn về nghệ thuật quân sự. Là nghệ thuật tạo lập thế trận vững chắc, xác định phương pháp tác chiến tiến công linh hoạt, sáng tạo. Là nghệ thuật lấy yếu thắng mạnh, lấy ít thắng nhiều, đánh địch bằng mưu kế... Do vậy, Việt Nam đã chiến thắng được tất cả các thế lực xâm lược trong hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước. Mặc dù, đất nước lúc thịnh lúc suy, nhưng dân tộc Việt Nam không bao giờ chịu cúi đầu làm nô lệ.
Phát huy truyền thống dân tộc trong thế hệ trẻ hôm nay...
- Nhân dân Việt Nam đã trải qua khó khăn, gian khổ, những mất mát to lớn để có được hòa bình, độc lập. Trong thời gian tới chúng ta phải tiếp tục làm gì để giữ vững nền độc lập, vẹn toàn lãnh thổ, hạnh phúc cho Nhân dân, thưa ông?
Việt Nam luôn luôn phát huy được tinh thần của một dân tộc anh hùng, trở thành tấm gương về giải phóng dân tộc cho các nước trên thế giới noi theo.
Vì vậy, khi hòa bình, đặc biệt trong giai đoạn xây dựng đất nước và hội nhập thì chúng ta lại càng phải làm tốt hơn, tiếp tục là tấm gương trên các mặt trận, không chỉ về quân sự, mà còn phải nâng cao vị thế trên trường quốc tế bằng cách phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, đẩy mạnh kết nối với các quốc gia khác một cách bình đẳng, tôn trọng, đôi bên đều có lợi. Tiến tới đạt được mục tiêu sánh vai với các cường quốc năm châu như lời căn dặn của Bác lúc sinh thời.
- Vậy tuổi trẻ hôm nay cần phải làm gì để noi gương các thế hệ cha anh đi trước, tiếp tục bảo vệ nền độc lập, giữ gìn hòa bình, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển, phồn vinh, hạnh phúc, thưa ông?
Thế hệ trẻ ngày nay được tiếp thu thông tin đa chiều, được sống trong môi trường hội nhập quốc tế. Vì vậy, để tiếp bước các thế hệ trước bảo vệ đất nước, thế hệ trẻ phải làm chủ được khoa học công nghệ, biết vận dụng những công nghệ đó vào thực tiễn để xây dựng và phát triển đất nước, đây là vấn đề mấu chốt. Cùng với đó, phải chắt lọc những kinh nghiệm từ các quốc gia khác trên thế giới một cách sáng tạo để vận dụng ở Việt Nam để thực hiện thắng lợi được hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thời gian vừa qua, thế hệ trẻ Việt Nam đã gặt hái được rất nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học, toán học, y học cũng như các lĩnh vực khác cả trong nước và quốc tế. Vì vậy, tôi tin rằng, thế hệ trẻ ngày nay sẽ có thể tiếp bước thế hệ đi trước, tiếp tục giữ được “lửa” phát huy truyền thống dân tộc, cống hiến và phấn đấu hết mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Xin cảm ơn ông!